Hãng tin Kyodo dẫn bản dự thảo “Triển vọng An ninh ASEAN” mà tổ chức này dự kiến sẽ công bố trong tháng 9/2013, nêu bật những lo ngại an ninh của 10 nước thành viên của tổ chức có 46 năm tuổi này trong bối cảnh ASEAN đang hợp nhất để thiết lập một “Cộng đồng Kinh tế ASEAN” vào năm 2015 trước nguy cơ “cạnh tranh và mâu thuẫn” ngày càng tăng. Singapore, quốc gia đi đầu trong nỗ lực mới nhằm đánh bóng hình ảnh của ASEAN, cảnh báo rằng trong những năm tới tổ chức này sẽ đối mặt với “tình hình an ninh địa chính trị ngày càng phức tạp trong đó các cường quốc lớn sẽ đua nhau gây ảnh hưởng đối với khu vực này”.

Dự thảo cũng khẳng định “khi trọng tâm địa chính trị và kinh tế toàn cầu tiếp tục chuyển về châu Á”, nhiệm vụ của ASEAN là phải đảm bảo rằng khu vực này vẫn hòa bình, phát triển bền vững và có thể thích ứng với môi trường an ninh mới. Singapore cho rằng “trung tâm của bức tranh địa chính trị khu vực là quan hệ Trung-Mỹ và mối quan hệ này sẽ tạo nên giai điệu chính cho đời sống địa chính trị toàn khu vực”, đồng thời nhấn mạnh rằng “sự tương tác trong quan hệ Mỹ-Trung sẽ là nhân tố quyết định diện mạo của môi trường an ninh khu vực”.

Trong khi ASEAN ít có khả năng tác động đến sự chuyển dịch trong quan hệ Trung-Mỹ trong tương lai thì tổ chức này cần làm những gì có thể để “đảm bảo cả hai cường quốc này tiếp tục can dự tích cực vào khu vực và trật tự khu vực sẽ định hình theo những lợi ích của ASEAN”. Dự thảo cũng khẳng định “sự ổn định của khu vực vì thế mà sẽ tiếp tục phụ thuộc đáng kể vào mối quan hệ ổn định giữa ASEAN với các cường quốc lớn cũng như giữa các cường quốc này với nhau”.

Phó Tổng Thư ký ASEAN Nyan Lynn cho rằng việc công bố dự thảo này, bao gồm cả những sự bổ sung của các nước thành viên, “sẽ góp phần thúc đẩy tính minh bạch và sự hiểu biết về các chính sách quốc phòng và an ninh trong khu vực”. Đông Nam Á, một thị trường với Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) hơn 2.200 tỷ USD và số dân 620 triệu người, nằm chắn ngang tuyến đường biển quan trọng và nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào kinh tế biển. Tuy nhiên, tình trạng bất ổn về an ninh hiện đang nổi lên trong khu vực do các tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc.

Để giải quyết những mối đe dọa dai dẳng này, Singapore cho rằng ASEAN cần phải đoàn kết nếu không “các đối tác sẽ truy cứu trách nhiệm của ASEAN và điều này sẽ có tác động tới an ninh của khu vực cũng như riêng từng nước”. Dự thảo cho rằng việc ASEAN không thể ra được tuyên bố chung trong hội nghị cấp bộ trưởng ở Phnom Penh hồi năm 2012, do bất đồng giữa một số nước thành viên, là “một thất bại chưa từng có” làm sứt mẻ uy tín của tổ chức này. Dự thảo có đoạn viết: “Điều này cho thấy là trong môi trường địa chính trị phức tạp hơn, việc duy trì sự thống nhất và uy tín của ASEAN sẽ trở nên quan trọng và khó khăn hơn bao giờ hết”. Indonesia cũng cho rằng ASEAN cần “đảm bảo vai trò lãnh đạo trong cấu trúc khu vực” và “liên tục duy trì và nuôi dưỡng sự đoàn kết và thống nhất”. Dự thảo còn chỉ ra rằng ASEAN cũng sẽ tiếp tục đương đầu với những mối đe dọa khác như chủ nghĩa khủng bố, nạn buôn người, buôn lậu ma túy và thiên tai.

Theo Kyodo 

Mỹ Anh (gt)