Picture_75.jpg

Điều được nhắc đến xuyên suốt và nhất quán trong chuyến công du châu Á vừa qua của Tổng thống Mỹ Donald Trump chính là thuật ngữ “Ấn Độ Dương –Thái Bình Dương” thay vì thuật ngữ “châu Á-Thái Bình Dương” mà các chính quyền tiền nhiệm vẫn thường sử dụng. Một vài nhà quan sát nhận định việc Chính quyền Trump sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương” cho thấy một cách tiếp cận mới để đối phó, thực chất là nhằm kiềm chế, sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông Natalegawa bình luận: “Yếu tố củng cố quan điểm này chính là mối liên hệ giữa nó với "Bộ Tứ" - nói rõ hơn là mối quan hệ an ninh sâu sắc hơn giữa Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản. Điều này có ý nghĩa thế nào đối với ASEAN và vị thế của họ trong cấu trúc an ninh khu vực? Liệu ASEAN có bị gạt ra ngoài lề như một vài đồn đoán? Theo ông, chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” không phải là không phù hợp với ASEAN song khối cần phát triển khái niệm này trên nền tảng vì hòa bình và an ninh khu vực cũng như tương thích với cấu trúc an ninh châu Á.

Vào tháng 5/2013, khi vẫn đang là Ngoại trưởng Indonesia, trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, ông Natalegawa đã đề xuất ASEAN thúc đẩy chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cụ thể là ý tưởng về việc xây dựng một phiên bản mở rộng cho Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) của ASEAN với cam kết không sử dụng vũ lực trong tranh chấp. Một thập kỷ trước đó, khi đang đảm nhận cương vị Tổng Giám đốc phụ trách Hợp tác ASEAN của Indonesia, ý thức về sự gắn kết trong hòa bình và thịnh vượng của các quốc gia vành đai Ấn Độ Dương và vành đai Thái Bình Dương cũng là nguyên nhân khiến ông Natalegawa đề xuất Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) mở rộng thành viên tham dự (vốn chỉ có 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) để chào đón Ấn Độ, Úc và New Zealand. Ông nhấn mạnh: “Việc mở rộng EAS, phản ánh một tầm nhìn về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đem đến cho ASEAN cơ hội lớn nhất để duy trì cả vai trò trung tâm và địa chính trị, và quan trọng hơn là vai trò địa chính trị trong cấu trúc an ninh không ngừng biến động của khu vực”.

Theo nhà ngoại giao kỳ cựu này, đây cũng là một tiến triển tự nhiên của ASEAN, hướng rộng ra bên ngoài, tới Đông Á, mở rộng ra khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sự mở rộng này cũng thúc đẩy các nỗ lực của ASEAN nhằm xây dựng một không gian địa chính trị ổn định và lành mạnh tại các khu vực lân cận. Tuy nhiên, ông Natalegawa khẳng định điều quan trọng nhất để hiện thực hóa mục tiêu này là ASEAN cần có một tầm nhìn chú trọng tới các nguyên tắc an ninh và hòa bình chung bền vững, tránh sa lầy vào các chính sách gây bất ổn và chia bè kéo phái như thời Chiến tranh Lạnh hay các chính sách nhằm kìm hãm một cường quốc đang phát triển. Ông cho rằng đây là hướng phát triển có thể được gọi bằng cụm từ “cân bằng một cách năng động”.

Điều đáng tiếc, theo ông Natalegawa, là trong khi Chính quyền Trump đã bắt đầu thúc đẩy khái niệm của nước này về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thì ASEAN lại chưa dành đủ sự quan tâm cho vấn đề này. Ông nói: “Càng đáng tiếc hơn khi ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á vào năm 2013-2014 đã chính thức thừa nhận tầm quan trọng của một Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hiệp ước này, một TAC cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, là nỗ lực với mục tiêu rõ ràng là để đem đến cho khu vực những động lực ‘cùng thắng’ tích cực, tương tự những ảnh hưởng tích cực của ASEAN đối với khu vực Đông Nam Á đang đầy rẫy xung đột”.

Ông Natalegawa cho rằng nếu ASEAN không có tầm nhìn địa chính trị tương xứng, khối sẽ chứng kiến khu vực bị giằng xé bởi những chiêu trò chính trị kiểu nước lớn hoặc như ở thời Chiến tranh Lạnh, với không ít ảnh hưởng tiêu cực đối với chính bản thân ASEAN. Ông nói: “Thế giới của chúng ta là một thế giới xoay vần liên tục trên phương diện địa chính trị và địa kinh tế. Đi kèm với đó là hàng loạt thách thức: từ những xung đột tiềm ẩn và hiện hữu, cho tới sự xói mòn lòng tin sâu sắc giữa các quốc gia, và thậm chí là cả những trở ngại trong việc đối phó với hàng loạt thay đổi phức tạp. Tuy nhiên, thế giới ngày nay cũng đem tới nhiều cơ hội như cơ hội để thay đổi quan hệ giữa các quốc gia, chủ động nắm bắt thời cơ trong dòng chảy liên tục của quan hệ quốc tế, để thúc đẩy hòa bình, và lợi ích an ninh chung của tất cả các quốc gia”.

Nhắc đến một hội nghị gần đây được tổ chức tại thủ đô Astana của Kazakhstan với chủ đề "Á - Âu", ông Natalegawa nhận định đây là cơ hội để tìm hiểu và nghiên cứu tiềm năng hợp tác giữa hai châu lục. Ông chia sẻ: “Nhiều quốc gia Trung Á đã rất quan tâm tới kinh nghiệm của ASEAN. Họ muốn hiểu rõ hơn làm thế nào các nước Đông Nam Á, dưới mái nhà chung ASEAN, có thể thúc đẩy một vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực bất chấp áp lực từ bên ngoài”. Ông cho rằng điều này thể hiện thực tế là ASEAN có vai trò và vị thế rất quan trọng. Ông nói: “Không những tồn tại qua cả những năm Chiến tranh Lạnh và cả hàng loạt bất ổn sau đó, khối còn đang phát triển hết sức mạnh mẽ”.

Tuy nhiên, không ai nên “ngủ quên trên chiến thắng”. Trong một thế giới biến động không ngừng, một tầm nhìn cứng nhắc và cố định là điều rất không phù hợp. Cựu Ngoại trưởng Natalegawa khẳng định: “Ở thời điểm kỷ niệm 50 năm thành lập, ASEAN đối diện với thách thức lớn trong việc liên tục điều chỉnh tầm nhìn của mình đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn”.

Tác giả là cựu Ngoại trưởng Indonesia (giai đoạn 2009-2014) Marty Natalegawa, hiện là thành viên của Ban Cố vấn Cấp cao về Hòa giải của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Bài viết đăng trên tờ “Strais Times”.

Vũ Hiền (gt)