Biển Đông là một trong những vấn đề phức tạp nhất, và việc xử lý đòi hỏi cách tiếp cận dựa trên cả sự tin tưởng và luật pháp quốc tế, cùng với cam kết lâu dài, sự kiên nhẫn, những nỗ lực mang tính xây dựng của tất cả các bên. Dựa trên quá trình thực thi Tuyên bố về qui tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC) từ năm 2002 đến nay, có thể kết luận quá trình tiến tới COC giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ không hề dễ dàng. Nhiều khả năng, sẽ có các cuộc đàm phán khó khăn về một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, vì một Biển Đông hòa bình và an toàn hơn – nơi mà tất cả các nước trong và ngoài khu vực đều có lợi ích, thì vòng đàm phán sớm về Bộ Qui tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc nên được xem xét triển khai.

Các nước trong khu vực, như Inđônêxia và Việt Nam, đã và đang có những đóng góp quan trọng trong tiến trình triển khai DOC, tiến tới COC, cũng như trong việc xử lý các vấn đề khu vực đang nổi lên hiện nay. Inđônêxia hiện là nước duy nhất có thể làm trung gian trong các cuộc tranh chấp biển đảo giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc. ASEAN đã và đang thúc giục Trung Quốc cùng đạt được COC càng sớm càng tốt, và thay thế DOC. ASEAN hy vọng một bộ quy tắc ứng xử có sự ràng buộc pháp lý cao hơn sẽ khuyến khích tất cả các bên tham gia không sử dụng vũ lực hoặc các biện pháp cưỡng chế khác trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, như Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ( TAC), DOC và Qui tắc hướng dẫn thực thi DOC.

Trong bài phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Inđônêxia Marty Natalegawa ngày 10/8 vừa qua tại Giacácta, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng tất cả các nước trong khu vực nên cùng chia sẻ trách nhiệm về việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Ngoại trưởng Dương Khiết Trì nói Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Inđônêxia và các nước ASEAN để thực hiện DOC, bằng cách xây dựng sự tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác và duy trì sự ổn định tại vùng biển này. Trung Quốc sẽ hành xử phù hợp với các nguyên tắc và tinh thần của DOC, và trên cơ sở đồng thuận, hướng đến việc thông qua bộ qui tắc ứng xử COC. Phản ứng tích cực về dự thảo số không (Zero Draft) do Inđônêxia đề xuất, Ngoại trưởng Xinhgapo K. Shanmugam mới đây đã đánh giá cao nỗ lực của Inđônêxia, khẳng định Xinhgapo ủng hộ dự thảo này; coi đây là một bước khởi đầu tốt đối với các nỗ lực giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông. Về phần mình, Ngoại trưởng Marty nhấn mạnh dự thảo số không về COC cần phải được thảo luận để đảm bảo sự phù hợp hoàn toàn.

Trong khi đó, Tiến sĩ Connie Rahakundini Bakrie tại Đại học Inđônêxia nhận xét vấn đề Biển Đông đang là một điểm nóng toàn cầu từ nhiều năm nay. Đã có nhiều ý kiến coi khu vực Đông Nam Á là nơi dễ xảy ra các xung đột mới và rộng lớn hơn tại châu Á. Liên quan đến cách hành xử của Campuchia trên cương vị Chủ tịch ASEAN, bài viết đưa ra nhận xét rằng vấn đề chính nằm ở sự thiếu quyết đoán của Campuchia. Mặc dù Campuchia đã cam kết với Nguyên tắc sáu điểm về việc giải quyết vấn đề Biển Đông, song các thành viên ASEAN vẫn đang chờ đợi một cam kết mang tầm quốc gia từ Campuchia tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần này.

Theo Antaranews (ngày 14/11)

Mỹ Anh (gt)