Tranh chấp ở Biển Đông đã trở thành "chuyện như cơm bữa" trong các cuộc họp ASEAN. Biển Đông đã trở thành khu vực có tranh chấp nghiêm trọng nhất ở châu Á. Nhận thức được vấn đề này, ASEAN phải có một lập trường chung về Biển Đông. 

Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký kết giữa các thành viên ASEAN và Trung Quốc tại Phnom Penh (Campuchia) vào năm 2002. Từ đó đến nay, môi trường an ninh khu vực đã thay đổi theo chiều hướng tiêu cực với việc Trung Quốc trở nên mạnh mẽ và ngày càng quyết đoán. Mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc của một số nước ASEAN cũng như đầu tư và ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh trong khu vực đã dẫn đến sự gia tăng mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc. 

Khi các quốc gia phớt lờ các chuẩn mực trong tranh chấp lãnh thổ, DOC không còn được xem như là một phương thức hiệu quả để điều chỉnh hành vi của các bên ở Biển Đông cho đến khi đạt được một Bộ Quy tắc ứng xử. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không muốn ký kết bất kỳ thỏa thuận nào cho đến khi nước này có được một vị trí vững chắc hơn trong khu vực tranh chấp. Khả năng triển khai sức mạnh của Trung Quốc hiện đã vượt xa bất kỳ nước nào có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc. Và Trung Quốc đang trong quá trình xây dựng các cơ sở quân sự trong đó có đường băng để đối phó với những nước mà họ xem là thù địch trong tương lai. 

Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ "lập trường bấy lâu nay" của nước này là: chỉ đàm phán song phương với từng nước thành viên ASEAN chứ không phải toàn bộ ASEAN. Đã đến lúc ASEAN cần phải tìm kiếm giải pháp thay thế. Hiện có 3 cách tiếp cận được các bên tranh chấp sử dụng và dường như đã đẩy vấn đề tranh chấp theo các hướng khác nhau, vượt ra khỏi tầm kiểm soát của ASEAN. 

Thứ nhất là dựa vào trọng tài quốc tế. Cách tiếp cận này đang được Philippines theo đuổi. Trung Quốc đã không chịu ra Tòa án này. Nhưng, theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, phiên tòa sẽ vẫn tiếp tục và rất có thể kết thúc với lợi thế nghiêng về Philippines. Người ta hy vọng rằng kết quả này sẽ ngăn cản Trung Quốc "tiếp tục lấn tới" trên các diễn đàn quốc tế. 

Thứ hai là Trung Quốc đã làm xói mòn DOC bằng các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông. Điều này đã thể hiện sự bất lực của các quốc gia nhỏ hơn trước Trung Quốc. 

Thứ ba là cách thức tìm kiếm sự ủng hộ. Chẳng hạn như Việt Nam đang tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với các nước ngoài khu vực. 

ASEAN có thể sẽ bắt đầu phải đối mặt với những lời chỉ trích từ cộng đồng quốc tế vì sự thiếu quyết đoán của mình trong vấn đề này. "Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN", một trong những trụ cột chính trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, sẽ bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng đang diễn ra ở Biển Đông. Một trong những mục tiêu chính của "Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN" là phải có một tầm nhìn chung về các vấn đề an ninh khu vực. Điều này sẽ bị cản trở nếu ASEAN không thể nhất trí trong vấn đề Biển Đông. 

Việc Malaysia đang giữ vai trò là Chủ tịch ASEAN cũng chỉ góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Những nước là Chủ tịch ASEAN tiếp theo cần phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn để thúc đẩy việc giải quyết vấn đề tranh chấp. Nếu không sớm thoát khỏi ảnh hưởng gây chia rẽ ngày càng tăng của Trung Quốc, ASEAN có thể trở nên quá yếu ớt và không thể hành động một cách dứt khoát để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Và nếu ASEAN không có một lập trường chung đối với vấn đề Biển Đông thì khu vực này sẽ không có hy vọng sống trong hòa bình. 

Vignesh Ram là nghiên cứu sinh tại Khoa Quan hệ Quốc tế và Địa Chính trị trường Đại học Manipal, Ấn Độ. Bài viết được đăng trên East Asia Forum.

Văn Cường (gt)