Kể từ khi thành lập cách đây hơn bốn thập kỷ, ASEAN luôn dựa vào nguyên tắc đồng thuận đối với tất cả các quyết định của mình. Tuy nhiên, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa qua đã cho thấy biện pháp đồng thuận dường như không được thực hiện khi một số thành viên tập trung vào lợi ích quốc gia nhiều hơn.

Dường như có sự chia rẽ sâu sắc trong khối về các cuộc xung đột trên Biển Đông khi các nước tuyên bố chủ quyền ở khu vực này, đặc biệt là Philíppin và Việt Nam muốn toàn khối có lập trường thống nhất chống Trung Quốc. Manila muốn cả khối bày tỏ mối lo ngại nghiêm trọng về những bất đồng gần đây giữa Philíppin và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough trong thông cáo chung của hội nghị. Việt Nam muốn đưa vào thông cáo này vấn đề tất cả các bên liên quan tới cuộc tranh chấp đều phải tôn trọng quyền của nhau trong Vùng Đặc quyền Kinh tế đã được họ đưa vào luật.

Các nước khác trong nhóm thì cho rằng điều quan trọng là cả nhóm cần có một tiếng nói chung liên quan tới cuộc xung đột hoặc ít nhất cũng chứng tỏ được rằng ASEAN vẫn đủ khả năng có tiếng nói về những vấn đề hiện tại của khu vực. Thực tế là nhiều thành viên mong muốn cả khối giải quyết vấn đề này từ gốc.

Tuy nhiên, nước Chủ tịch ASEAN, Campuchia, nước có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, lại không muốn đề cập tới bất kỳ vụ việc hay vấn đề nào trong thông cáo chung. Do vậy, mọi cố gắng để ra được một thông cáo sau hội nghị đều thất bại. Ban đầu Campuchia kêu gọi tất cả các bên liên quan cùng soạn thảo một thông cáo về vấn đề này, nhưng sau đó đã hủy bỏ bởi nó liên quan tới bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham. Sau đó, Ngoại trưởng Inđônêxia đã tổ chức một cuộc gặp vào ngày cuối cùng nhằm cố gắng tìm ra những lời lẽ thích hợp, nhưng nỗ lực này đã thất bại bởi không có nhiều người tham gia vì cho rằng sẽ khó có được một sự thỏa hiệp về vấn đề này.

Rõ ràng không thể có sự đồng thuận nếu không có nhượng bộ và thỏa hiệp. Việc thỏa hiệp sẽ khó khăn nếu một số nước chỉ tập trung vào lợi ích riêng của họ. Lâu nay, nhiều quốc gia Đông Nam Á có xung đột với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông vì tất cả đều muốn chia sẻ nguồn dầu mỏ phong phú trong khu vực mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền. Đã có nhiều cuộc đối đầu quân sự tại khu vực này, nhưng Phnôm Pênh không muốn ASEAN can dự vào vấn đề này và muốn các bên liên quan giải quyết cuộc xung đột trên cơ sở song phương. Tuy nhiên, cả Hà Nội và Manila đều hiểu rằng tiếng nói chung của ASEAN sẽ mạnh mẽ hơn một thỏa thuận song phương.

ASEAN đang hy vọng thiết lập được Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông để sử dụng như một công cụ pháp lý có tính ràng buộc nhằm ngăn chặn xung đột ở Biển Đông. Tuy nhiên, ASEAN cần thống nhất về vấn đề này trước và họ sẽ chưa thể đạt được nó nếu chưa có được tiếng nói chung. Rõ ràng sẽ rất khó khăn cho ASEAN trong việc giải quyết vấn đề xung đột trên Biển Đông khi chỉ sử dụng nguyên tắc đồng thuận. Có lẽ lúc này là thời điểm để tìm ra một phương pháp mới trong việc đưa ra các quyết định.

Theo Nation (ngày 18/7)

Vũ Hiền (gt)