Sau thành công của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM 44), các nhà lãnh đạo 10 nước thành viên của khối đặt ra vấn đề mục tiêu và quy mô hội nhập để phát triển. Theo tác giả, một trong những sự kiện lớn mà ASEAN không nên bỏ qua là trường hợp của Liên minh châu Âu (EU) - tổ chức khu vực hàng đầu của các quốc gia đang bị thách thức trong lĩnh vực kinh tế. Sau gói giải cứu mới "đầy đau đớn" mà các nhà lãnh đạo EU đồng ý dành cho Hy Lạp cách đây vài tuần, hiện cũng có dấu hiệu Italia có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo trong hiệu ứng "đôminô" cùng với Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ai Len.

Nhưng sẽ là một hình ảnh khác đối với tổ chức khu vực ASEAN. Khối khu vực Đông Nam Á được thành lập năm 1967, và đang hướng tới mục tiêu (có thể là quá lạc quan) nâng mức độ hội nhập vào năm 2015 trong các lĩnh vực an ninh, văn hóa và kinh tế.

Việc đạt được hội nhập khu vực trên cơ sở của nền văn hóa phụ thuộc nhiều vào những gì được coi là chấp nhận được đối với công dân các quốc gia Đông Nam Á. Trong lĩnh vực giáo dục, ví dụ, những "hạt giống" của bản sắc khu vực cho đến nay mới chỉ "nổi lên" ở các cơ sở giáo dục bậc cao. Minh chứng là các trường đại học đang dần chuyển hướng tới một cơ chế thích hợp của hệ thống chuyển giao tín chỉ khu vực được gọi là ACTS. Tuy vậy, phương pháp đã được thống nhất này, giống như bất kỳ sự phát triển khác nào của ASEAN, vẫn chỉ được biết đến đối với những người trực tiếp tham gia.

Về kinh tế, các nước thành viên ASEAN rất đa dạng theo nghĩa mỗi nước được thưởng thức ra sao “chiếc bánh khu vực”, và trong khi Xinhgapo và Brunây có thu nhập bình quân đầu người hàng năm lần lượt là 62.100 USD và 51.600 USD, thì Lào chỉ có 986 USD.

Ngoài ra, nếu tính đến sự đồng nhất của các nền kinh tế khu vực với phần lớn được thúc đẩy bởi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tiêu dùng trong nước, thì các nước láng giềng lại trở thành đối thủ cạnh tranh hơn là các đối tác tìm kiếm sự bổ sung cho nhau thông qua các sản phẩm và hàng hóa. Hơn nữa, ASEAN đang mạo hiểm với các thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc, khiến giới doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực hết sức lo ngại. Mục tiêu xây dựng Cộng đồng vào năm 2015 của ASEAN dường như sẽ khó khả thi hơn nếu xem xét một cách nghiêm túc những căng thẳng hiện nay ở Thái Lan (bao gồm cả tranh chấp biên giới Campuchia-Thái Lan về ngôi đền Preah Vihear); xung đột ở Philíppin với các nhóm cực đoan Moro và tự do chính trị bề ngoài ở Ma-lai-xi-a. In-đô-nê-xi-a hiện là Chủ tịch ASEAN lại đang phải bận tâm với một số vấn đề gai góc của riêng mình như nghèo đói, tham nhũng và bạo lực tôn giáo. Ngoài ra, một số nước thành viên ASEAN dính dáng vào tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc - nước được dự đoán sẽ sớm trở thành quyền lực toàn cầu.

Về chính trị, ASEAN không có các điều kiện tiên quyết cần thiết cho việc hội nhập khu vực gắn kết giống như EU. Nguyên tắc không can thiệp, kết hợp với sự thiếu ý chí chính trị và cam kết từ các quốc gia thành viên của ASEAN khiến cho mục tiêu hội nhập sâu rộng trở nên khó khăn hơn.

Một thông điệp như vậy đã được ngụ ý trong phát biểu khai mạc AMM 44 của Tổng thống In-đô-nê-xi-a Susilo Bambang Yudhoyono: "Chúng ta cần phải làm ASEAN trở nên quan trọng với người dân". Thông điệp như vậy là bằng chứng ngắn gọn cho một thực tế là ASEAN trong 44 năm tồn tại chủ yếu vẫn đang thúc đẩy một chương trình nghị sự chính trị thay vì một cảm giác thuộc về nhau thực sự giữa mọi người dân trong khu vực.

Do đó, chiến dịch bản sắc ASEAN, trong đó nhấn mạnh cuộc đấu tranh của 10 nước thành viên để hoàn toàn gắn mình với mục tiêu của một khu vực thích hợp lớn hơn, là khó thực hiện. ASEAN cần sẵn sàng chấp nhận một cách thực tế mô hình vai trò của mình, bởi EU cũng đã và đang phải đi một con đường dài, quanh co tới hội nhập. Những thách thức và tất cả những gì liên quan đến quá trình hội nhập của EU sẽ là bài học bổ ích cho ASEAN trên con đường “lâu dài” và “đầy khó khăn” để thực sự trở thành một "Cộng đồng ASEAN”./.

 

Theo Jakarta post

Hương Trà (gt)