Theo ông Anwar, tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 đối với các nền kinh tế Đông Á cho thấy sự cấp thiết phải tăng cường hội nhập khu vực chặt chẽ hơn trong thương mại và tạo ra một cơ sở tài chính khu vực nhằm ngăn chặn và đối phó với sự khủng hoảng của thị trường tài chính . 

Cuộc khủng hoảng 2007-2008 đã xâm nhập vào các nền kinh tế Đông Á định hướng xuất khẩu thông qua các tài khoản hiện hành và vốn của cán cân thanh toán; tác động mạnh đến các nền kinh tế khu vực thông qua giá hàng hóa giảm, thương mại, dòng vốn chảy ra bên ngoài và lượng kiều hối giảm sút.

Vào thời điểm đó, nhu cầu của nước ngoài đối với xuất khẩu của khu vực Đông Á giảm mạnh khi các nền kinh tế thế giới kết nối với nhau bắt đầu cho thấy dấu hiệu bước vào một vòng xoắn ốc đi xuống nguy hiểm: mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, giá hàng hóa giảm, thất nghiệp gia tăng, thị trường chứng khoán chao đảo, tái định giá tỷ giá hối đoái, sự sụp đổ các giá trị tài sản, bùng nổ các quỹ phòng hộ, nhà bị tịch thu, phá sản, khủng hoảng tín dụng… 

Để bù đắp những tác động tiêu cực của việc xuất khẩu sang các thị trường truyền thống là Mỹ và châu Âu bị giảm, Đông Á cần phải dần thay thế chiến lược phát triển định hướng xuất khẩu hiện nay bằng việc thúc đẩy nhu cầu trong nước đủ mạnh và thương mại rộng rãi trong khu vực. 

Để vượt qua khủng hoảng kinh tế, nhiều quốc gia trong khu vực, bao gồm cả ASEAN, đã mở rộng nhu cầu trong nước bằng các gói kích thích tài chính trong năm 2008 và 2009. 

Một cách khác để thúc đẩy nhu cầu trong nước là cải thiện hệ thống an sinh xã hội thông qua bảo hiểm xã hội và các chương trình hỗ trợ xã hội nhằm có thể làm giảm mức tiết kiệm cần thiết của các hộ gia đình giúp đảm bảo an ninh kinh tế. Các công ty bảo hiểm phát triển tốt và các quỹ hưu trí có thể cung cấp tài chính cho các dự án đầu tư dài hạn. 

Thương mại trong ASEAN có thể được thúc đẩy bằng cách theo đuổi tự do hóa thương mại, với cơ sở là Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), và FTA với một loạt các đối tác thương mại lớn, chẳng hạn như Trung Quốc theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA). 

ACFTA có hiệu lực vào ngày 20/7/ 2005 và đã được thực hiện đầy đủ vào năm 2010. Nó thay thế các rào cản phi thuế quan với thuế quan và đồng thời giảm thuế nhập khẩu. ACFTA cung cấp một loạt các lợi ích, tuy nhiên, nó cũng tạo ra vấn đề cho các nước ASEAN bởi Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ. 
Ảnh hưởng của Trung Quốc (và Ấn Độ ở một mức độ nhất định) trên thị trường hàng hóa của các nước ASEAN là rất lớn. Công nghiệp hóa nhanh chóng, đô thị hóa và cơ giới hóa ở Trung Quốc (và Ấn Độ) đã tạo cú sốc tích cực bên ngoài, nhất là đối với thị trường xuất khẩu ở các nước ASEAN, vì nền kinh tế phát triển nhanh này cần nhiều năng lượng và nhiều loại nguyên liệu thô hơn, khiến giá của chúng gia tăng. Thu nhập của người tiêu dùng tăng, đô thị hóa và thay đổi nhân khẩu học ở Trung Quốc cũng làm tăng nhu cầu thực phẩm và chuyển dịch cơ cấu hướng tới các thực phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, mà một phần nhập khẩu để đáp ứng là từ các nước ASEAN. Mặt khác, các nước ASEAN có thể tăng nhập khẩu các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc. 

Tuy nhiên, về mặt tiêu cực, Trung Quốc đã trở thành một đối thủ cạnh tranh “đáng lo ngại” đối với ASEAN, nhất là khi nước này lấy việc định giá thấp của đồng nhân dân tệ (NDT) làm công cụ chủ yếu cho chiến lược phát triển xuất khẩu. Và mặc dù Trung Quốc đã thay đổi chính sách về tỷ giá hối đoái hồi tháng 7/2005, song tốc độ điều chỉnh và mức độ điều chỉnh tỷ giá đồng NDT vẫn rất chậm và rất thấp so với giá trị thực của nó trên thực tế. Goldstein và Lardy thuộc viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson (2008) cho rằng giá trị thực của đồng NDT (trên cơ sở cán cân thương mại) vẫn bị tính giá thấp khoảng 15-25%. Và việc định giá thấp tỷ giá hối đoái thực chất cũng là bảo hộ thương mại, vì nó có tác dụng như sự kết hợp giữa biểu thuế nhập khẩu và trợ cấp xuất khẩu. 

Thật đáng chú ý khi Inđônêxia - nước thành viên ASEAN duy nhất trong G-20, và là Chủ tịch ASEAN hiện nay, không bao giờ nêu vấn đề tỷ giá sai lệch của đồng NDT trong G-20 hoặc tại các cuộc họp ASEAN để bảo vệ các lợi ích kinh tế của tổ chức này. Chỉ có Ấn Độ, Braxin và một số nước khác trong ASEAN lớn tiếng về vấn đề này vì phải cạnh tranh gay gắt hơn với Trung Quốc. 

ASEAN cũng được hưởng lợi từ các cú sốc bên ngoài thứ hai, cụ thể là mức lãi suất thấp tại các thị trường quốc tế trong nhiệm kỳ Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) của ông Alan Greenspan và các chính sách nới lỏng định lượng được thông qua ở các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong năm 2007-2008. Lãi suất quốc tế thấp giúp cho các công ty, ngân hàng và khu vực công của ASEAN – vốn có truyền thống phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài chính nước ngoài giảm chi phí vay nước ngoài. Sự kết hợp giữa tỷ lệ tăng trưởng cao và lãi suất cao trong ASEAN, một lần nữa đã giúp tăng thu hút dòng vốn đầu tư lớn vào khu vực này từ năm 2009. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý các mức lãi suất cao trong ASEAN một phần là kết quả của sự thiếu hiệu quả và biến dạng trong hệ thống ngân hàng - yếu tố cốt lõi của hệ thống tài chính các nước ASEAN. 

Nhiều nền kinh tế Đông Á đã thặng dư cán cân thanh toán (cả trong tài khoản vãng lai và tài khoản vốn) và tăng cường tích lũy dự trữ ngoại tệ. Lý do đầu tiên là thông qua kiểm soát cơ sở tiền tệ và cung cấp tiền để kiểm soát lạm phát và hạ nhiệt nền kinh tế quá nóng. Lý do thứ hai để tăng dự trữ ngoại hối là sử dụng nó như công cụ can thiệp nhằm tránh biến động lớn về tỷ giá và ngăn chặn những tác động xấu đến nền kinh tế. Lý do thứ ba là để đảm bảo khả năng bảo vệ trước các cuộc tấn công đầu cơ và sự bất ổn ngoại hối do thiếu hụt trong xuất khẩu và khi dòng vốn đảo chiều. Phần lớn chứng khoán của các nước ASEAN bằng các đồng tiền quốc gia được hấp thụ bởi các dòng vốn ngắn hạn “dễ bay hơi”, vì các nhà đầu tư tổ chức trong khu vực (chẳng hạn như các quỹ lương hưu và các công ty bảo hiểm) đang ở giai đoạn đầu của phát triển. Không giống như ở Nhật Bản, các nước ASEAN không có Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện để có thể huy động tiết kiệm chi phí thấp trong nước. Lý do thứ tư là để đảm bảo một “không gian tài chính” khi phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế. Lý do thứ năm là tỷ giá hối đoái ít biến động sẽ giúp các công ty trong nước giảm thiểu rủi ro tiền tệ vay của nước ngoài. Bởi như đã nói tới ở trên, các công ty, hệ thống ngân hàng và khu vực công trong ASEAN phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài chính nước ngoài. 

Tích cực tăng dự trữ ngoại hối, tăng cường hợp tác khu vực để cung cấp cho các nhu cầu tài chính, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng là xu thế tất yếu của các nước Đông Á, trong đó có ASEAN. Các cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) ở Mađrít (Tây Ban Nha) năm 2008 đã quyết định chiến lược mở rộng quy mô hoán đổi tiền tệ theo Sáng kiến Chiang Mai (CMI), tăng được nguồn vốn khi cần thiết mà không liên quan đến các chương trình của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Đa phương hoá Sáng kiến Chiang Mai (CMIM). 

Đa phương hóa CMI là một bước nhảy vọt hướng tới sự gắn kết chính trị lớn hơn ở Đông Á, khi các nước chuyển giao một số quyền hạn quốc gia cho tổ chức khu vực. Việc đa phương hóa này của CMI giúp làm giảm chi phí và thời gian của các hợp đồng vay vốn. 

Về lý thuyết, đa phương hóa CMI, cùng với sự tồn tại của thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương giữa các ngân hàng trung ương trong các nước ASEAN +3 sẽ làm giảm sự cần thiết tự bảo hiểm bằng cách giữ các khoản dự trữ ngoại tệ. Về mặt tài sản và mạng lưới chi nhánh, ngành công nghiệp ngân hàng thương mại là cốt lõi của hệ thống tài chính ở các nước thành viên ASEAN. Trung gian tài chính chủ yếu là dưới hình thức cho vay ngân hàng chứ không phải là vấn đề của trái phiếu và cổ phiếu trên thị trường vốn. Các hoạt động của ngân hàng chủ yếu là tập trung vào tiền gửi truyền thống, cho vay và ít tham gia thị trường vốn và trái phiếu. 

Trong ASEAN, vai trò của các tổ chức tài chính phi ngân hàng (NBFI) vẫn còn tương đối nhỏ và mới chỉ bắt đầu hình thành thách thức cạnh tranh đối với các ngân hàng, mặc dù có tốc độ tăng trưởng tài sản nhanh; các tổ chức tài chính trong nước mới sử dụng một số đổi mới tài chính như sản phẩm cơ cấu, phái sinh và chứng khoán; người tiêu dùng và nợ tiền nhà ở vẫn còn tương đối nhỏ; các NBFI hàng đầu vẫn là các công ty bảo hiểm, quỹ lương hưu, quỹ tiết kiệm và quỹ tương hỗ; vai trò của nhà nước và các ngân hàng thuộc sở hữu gia đình vẫn chiếm ưu thế ở nhiều nước thành viên; các chính phủ mới bắt đầu công ty hóa các tổ chức tài chính nhà nước và giảm can thiệp vào các hoạt động hàng ngày. 

Để khai thác lượng tiền tiết kiệm nội địa cao trong ASEAN, các nhà đầu tư, tổ chức địa phương và khu vực cần phải được phát triển để cung cấp tài chính cho các đầu tư dài hạn, cho cả các công ty tư nhân lẫn khu vực công. Số tiền nhiều hơn và thị trường tài chính sẽ cho phép các tổ chức tài chính trong nước thay thế các nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường địa phương trưởng thành hơn cũng sẽ giúp các nước ASEAN thu hút nhiều hơn dòng đầu tư từ các giấy tờ có giá của Chính phủ Mỹ với lãi suất thấp. 

Hiện hầu hết các cơ quan tiền tệ trong ASEAN bán chứng khoán với lãi suất trái phiếu cao để mua ngoại tệ. Song lợi tức từ đầu tư vào tài sản nước ngoài (chủ yếu là vào trái phiếu Chính phủ Mỹ) gần bằng không, bởi chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ đã đẩy lãi suất xuống gần bằng không. 

Ngân hàng trung ương của các nước EMEAP (Đông Á và khu vực Thái Bình Dương), Sáng kiến thị trường trái phiếu ASEAN +3 và Diễn đàn thị trường trái phiếu ASEAN +3 đã chỉ ra những vấn đề kỹ thuật quan trọng khác nhau về việc làm thế nào để phát triển các thị trường trái phiếu địa phương trong khu vực. Các vấn đề này bao gồm các công cụ nợ mới, quy trình giải quyết, tiêu chuẩn hóa thông lệ thị trường và làm hài hòa các quy định cho các giao dịch xuyên biên giới. Tuy nhiên, tiến bộ còn rất chậm vì việc tạo ra hiệu quả và các thị trường hiệu quả cũng yêu cầu hiện đại hóa hệ thống pháp luật, tư pháp và kế toán để giúp giải quyết vấn đề thông tin thị trường bất đối xứng. Việc cải cách pháp luật cho phép thực thi tốt các hợp đồng kinh doanh, bảo vệ quyền sở hữu và quyền của các chủ nợ, và làm cho nó có thể xác định, cam kết và thực hiện ký quỹ./.

Theo Jakarta post (12/7)

Mỹ Anh (gt)