Tỏ ra kiềm chế sau thất bại trung gian cho việc giải quyết tranh chấp biên giới Thái Lan - Campuchia, In-đô-nê-xi-a hiện đang được chú ý về thái độ im lặng của mình trong sự bùng nổ căng thẳng ở Biển Đông. Chỉ cách đây vài tháng, In-đô-nê-xi-a coi mình là một "nhà môi giới trung thực" trong tranh chấp Biển Đông, song hiện lại tỏ ra thận trọng hơn nhiều. Giacácta biết rằng chỉ thông qua các cuộc thảo luận khu vực rộng rãi hơn, trong đó phải bao gồm Mỹ, thì mới có thể giải quyết được vấn đề này.

In-đô-nê-xi-a đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên ASEAN từ đầu năm nay với một sự tự tin lớn. Là quốc gia lớn nhất trong khu vực, với nền kinh tế đang liên tục tăng trưởng nhanh, In-đô-nê-xi-a nhìn nhận cương vị này là một cơ hội tốt để củng cố phẩm chất của mình như là nhà lãnh đạo trên thực tế của khu vực. Hồi tháng 1/2011, Ngoại trưởng In-đô-nê-xi-a Marty Natalegawa phát đi tín hiệu rằng một loạt tranh chấp lãnh thổ kéo dài ở Biển Đông sẽ là trọng tâm then chốt của các nỗ lực ngoại giao của In-đô-nê-xi-a. Song ngay sau đó ông đã phải bận tâm vì một cuộc tranh chấp lãnh thổ khác gần với In-đô-nê-xi-a hơn. 

Bất chấp những nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ nhiều tháng của In-đô-nê-xi-a về một giải pháp trung gian mang tính khu vực, kể cả cuộc gặp gỡ song phương và ba bên bên lề Hội nghị thượng đỉnh thường niên ASEAN ở Giacácta hồi tháng 5, cuộc tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia xung quanh ngôi đền Preah Vihear vẫn chưa được giải quyết. Nếu không thể giải quyết được một cuộc tranh cãi lãnh thổ giữa các quốc gia thành viên, liệu có thể mong đợi ASEAN môi giới được một giải pháp cho các bên trong tranh chấp gay cấn hơn nhiều ở Biển Đông hay không?

Tranh chấp biên giới Campuchia-Thái Lan là một lời nhắc nhở về vai trò hạn chế mà ASEAN thực tế có thể đảm nhận trong đảm bảo an ninh khu vực. Chỉ có một sự lựa chọn cho ASEAN trong tranh chấp Biển Đông và In-đô-nê-xi-a trên cương vị Chủ tịch ASEAN là tiếp tục khuyến khích Mỹ đóng vai trò tích cực trong khu vực để làm đối trọng với Trung Quốc. Điều này không có nghĩa là ASEAN không thích hợp cho vai trò trung gian. Trung Quốc cho rằng các tranh chấp tại đây phải được giải quyết trên cơ sở song phương. Tuy nhiên, các quốc gia ASEAN có liên quan - Việt Nam, Philíppin, Malaixia và Brunây - cho rằng chỉ hành động như "một dàn nhạc" thì mới có thể đối phó với nước láng giềng mạnh mẽ phía Bắc. 

Với tư cách Chủ tịch ASEAN, In-đô-nê-xi-a có thể thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển Đông trong một diễn đàn đa phương rộng rãi hơn do ASEAN dắt dẫn, như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) hoặc Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), nơi mà sự hiện diện của Mỹ có thể buộc Trung Quốc phải tiết chế hành vi của mình. In-đô-nê-xi-a hiểu rằng việc giữ cả Trung Quốc và Mỹ bên cạnh ASEAN là điều rất quan trọng.

Lời mời của ASEAN đối với Mỹ (cùng với Nga) tham gia EAS được nhiều người coi như một nỗ lực nhằm làm giảm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, đồng thời tạo cho các nước thành viên ASEAN cơ hội thương lượng nhiều hơn trong các vấn đề như Biển Đông.

Chỉ khi nào ASEAN có thể đóng một vai trò trong việc đưa các cường quốc khu vực chính ngồi vào bàn thảo luận, và giúp các nước Đông Nam Á nhỏ hơn có tiếng nói trọng lượng hơn thì Hiệp hội này mới có thể tự giải quyết được vấn đề Biển Đông. Sự im lặng gần đây của In-đô-nê-xi-a về Biển Đông cho thấy Giacácta đã nhận thức được điều này.

Theo Jakarta post

 Hoàn Phước (gt)