Liên minh Tiến bộ Thống nhất (UPA) cầm quyền trước đây của Ấn Độ lo ngại rằng việc Ấn Độ quan hệ gần gũi với Mỹ có thể chọc giận Trung Quốc. Chính vì thế, chính phủ UPA của Thủ tướng Manmohan Singh mặc dù trong nhiệm kỳ đầu tiên đã tiến hành những bước đầu tiên để mở rộng quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và các đồng minh châu Á, nhưng trong nhiệm kỳ thứ hai, UPA lại tìm mọi cách để tạo ra khoảng cách nhất định giữa New Delhi và Washington. 

Thực tế là trong 7 thập kỷ qua, Trung Quốc đã tiến gần đến Washington hơn so với Ấn Độ. Thậm chí ngày nay, quan hệ kinh tế và thương mại của Trung Quốc với Mỹ lớn hơn nhiều so với quan hệ kinh tế và thương mại của New Delhi với cả Washington hay Bắc Kinh. Trong khi thương mại của Ấn Độ với Mỹ và Trung Quốc lần lượt ở mức 100 tỷ USD và 70 tỷ USD thì thương mại Trung-Mỹ hiện nay là 560 tỷ USD. New Delhi nên thừa nhận rằng quan hệ của Ấn Độ với cả Mỹ và Trung Quốc là có tiềm năng và cần được phát triển với mục đích lớn hơn và mạnh mẽ hơn. 

Tất nhiên, Trung Quốc sẽ không vì sự quan ngại của các nước láng giềng như Nga, Nhật Bản và Ấn Độ mà hạn chế hợp tác với Mỹ. Thực tế, Bắc Kinh đang thúc giục Mỹ đồng ý về một mối “quan hệ nước lớn kiểu mới” để chia sẻ quyền lãnh đạo toàn cầu. Bắc Kinh muốn sử dụng mối quan hệ với Mỹ để bảo đảm lợi ích quốc gia, hình thành sự cân bằng quyền lực toàn cầu và định hình lại môi trường khu vực. Không giống như chính phủ của UPA, chính phủ Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) của Thủ tướng Atal Bihari Vajpayee trước kia và Thủ tướng Modi ngày nay không hề tỏ ra sợ hãi khi tăng cường hợp tác với tất cả các cường quốc, hay nói một cách cụ thể hơn là họ không lo ngại về phản ứng của Bắc Kinh khi thấy Ấn Độ tăng cường quan hệ với Mỹ. Có thể, NDA đã rút ra được điều gì đó từ mối quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan. Đó là, Pakistan tham gia hệ thống liên minh quân sự của Mỹ trong những năm 1950, bao gồm Tổ chức Hiệp ước Trung tâm và Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á, ở thời điểm Mỹ quyết tâm chống chủ nghĩa cộng sản ở châu Á và không công nhận nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Liên minh quân sự với Mỹ không ngăn cản được Pakistan quan hệ với Trung Quốc từ những năm 1950. 

Khác với Ấn Độ, nơi chính sách đối ngoại không liên kết đã tạo ra sự cứng nhắc về ý thức hệ và sự thiếu rõ ràng về chiến lược trong chính sách đối ngoại, Pakistan có cách suy nghĩ sáng tạo hơn trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Sự năng động trong quan hệ với Washington và Bắc Kinh trong những năm 1950 và 1960 đã biến Pakistan trở thành cầu nối quan trọng để Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ vào đầu những năm 1970. Trung Quốc đã không phản đối mối quan hệ đối tác quân sự mạnh mẽ giữa Mỹ và Pakistan trong năm 1980 hoặc khi Washington tuyên bố rằng Islamabad là một "đồng minh lớn ngoài NATO" trong những năm 2000. 

Nếu New Delhi coi "chiến lược tự chủ" là khái niệm duy nhất của Ấn Độ, thì Pakistan là một ví dụ về việc tất cả các nước dù lớn hay nhỏ đều có thể tìm kiếm sự linh hoạt trong chính sách đối ngoại và nắm bắt cơ hội để thể hiện vai trò của mình.Trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ trước đây, nếu thể hiện sự liên kết với Nga và Trung Quốc thì được hoan nghênh, nhưng nếu xây dựng một nền tảng chung với Mỹ và Nhật Bản thì lại không được hoan nghênh. Thủ tướng Modi đang chứng tỏ rằng Ấn Độ không còn chấp nhận tư tưởng như vậy nữa. Là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới và là một cường quốc đang nổi, ông Modi cho rằng Ấn Độ cần thực hiện chính sách "song hành cùng các nước lớn" hoặc thiết lập mối quan hệ đối tác sâu hơn với tất cả các cường quốc, kể cả Mỹ và Trung Quốc. Ông Modi cũng cho rằng những gì New Delhi cần là "ảnh hưởng chiến lược" trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Bài viết của Tiến sĩ Raja Mohan, chuyên viên đặc biệt của ORF đăng trên mạng tin của Viện nghiên cứu Nhà quan sát Ấn Độ (ORF)

Duy Anh (gt)