Các chuyên gia Indonesia thống nhất cho rằng, trước mắt, Brexit không tác động trực tiếp đến kinh tế nước này do Indonesia có khối lượng thương mại không lớn với Anh: 2,35 tỷ USD năm 2015 so với 31 tỷ USD với Nhật Bản và 24 tỷ USD với Mỹ. Xuất khẩu của Indonesia sang Anh không vượt quá 1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu (1,5/150 tỷ USD). Tổng Đầu tư Trực tiếp Nước ngoài (FDI) của Anh vào Indonesia đến hết 2015 đạt 503,2 triệu USD. Tuy nhiên, khủng hoảng chính trị của EU kéo dài có thể tác động nghiêm trọng đến kinh tế Indonesia, đặc biệt làm giảm xuất khẩu nguyên liệu thô, FDI và rủi ro có thể đối với thị trường chứng khoán. Theo Ngoại trưởng Indonesia Marsudi, tình hình phụ thuộc nhiều vào kết quả các thỏa thuận sắp tới giữa Anh và Liên minh Châu Âu có liên quan đến Indonesia như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA), Kế hoạch hành động chống khai thác rừng bất hợp pháp về lâm nghiệp…

Trong khi đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long gọi cuộc bỏ phiếu ở Anh là bước ngoặt và kêu gọi chính phủ theo dõi chặt chẽ tình hình. Ở mức độ lớn hơn nhiều so với các nước ASEAN khác, Singapore có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Anh, trong đó xuất khẩu của nước này sang Anh chiếm 2% GDP, đồng thời Singapore là đối tác thương mại lớn nhất của Anh ở Đông Nam Á. Tác động của Brexit tới kinh tế của Singapore có thể thể hiện qua việc giảm giá đồng nội tệ, giảm xuất khẩu sang Châu Âu, các công ty địa phương mất lợi nhuận... Anh chiếm 3/4 đầu tư của Singapore vào EU chủ yếu là bất động sản, cơ sở hạ tầng và trái phiếu. Tuy nhiên, nhìn chung tổn thất của Singapore phụ thuộc vào thiệt hại của Brexit đối với thị trường EU. Do tầm quan trọng của quan hệ kinh tế và thương mại với Singapore, Đại sứ Scott Wightman đã cố trấn an các doanh nghiệp địa phương, đảm bảo Anh sẽ vẫn là đối tác quan trọng.

Với Philippines, Chủ tịch Phòng Thương mại nước này Sergio Ortiz-Luis cho rằng, Philippines sẽ bị tác động nếu Mỹ bị ảnh hưởng.

Về phần mình, Thủ tướng Malaysia Najib Razak gọi Brexit là quyết định lịch sử với những hậu quả khôn lường, song đảm bảo quan hệ hai nước sẽ không thay đổi. Malaysia cho rằng họ có khả năng thích ứng với thay đổi của tình hình kinh tế và chính trị quốc tế, hiện khó đánh giá về tác động dài hạn, do kim ngạch thương mại với Anh chỉ chiếm 1%. Theo Bộ trưởng Thương mại Mustapa Mohamed, Malaysia có thể sử dụng tình hình để đẩy nhanh việc ký các thỏa thuận với Anh. Tuy nhiên, giới doanh nghiệp Malaysia rất lo ngại về khả năng EU bị chia rẽ, nguy cơ tăng trưởng kinh tế trong khối này bị suy giảm sẽ làm giảm xuất khẩu của Malaysia tới 10,1%.

Thái Lan thì cho rằng Brexit có thể làm giảm lượng khách du lịch từ Anh và toàn bộ EU trong 3 tháng tới do thay đổi tỷ giá hối đoái. Năm 2015, trong 5,6 triệu du khách châu Âu có 946.000 người Anh. Các chuyên gia Thái Lan cho biết sẽ không có thay đổi lớn trong thương mại nước ngoài, mặc dù kim ngạch thương mại của nước nyà với Anh chỉ chiếm 2%.

Đối với Việt Nam, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 sau Mỹ. Việc Anh rời khỏi EU có thể giảm xuất khẩu của Việt Nam do thay đổi tỷ giá hối đoái và giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam, riêng với Anh có thể giảm 10%, tương đương với 460 triệu USD (năm 2014: 4,6 tỷ USD). Vị trí kinh tế đối ngoại của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, trong trường hợp thị trường tài chính Trung Quốc suy giảm, nước có quan hệ kinh tế gần gũi với Việt Nam. Báo cáo của Vietcombank về tác động của Brexit cho rằng Ngân hàng Trung ương có thể sẽ không có đủ vốn để duy trì giá trị của Việt Nam đồng. Như vậy, các thị trường đầu tư và chứng khoán của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng của Brexit.

Mặt khác, theo một số chuyên gia trong khu vực, việc Anh ra khỏi EU có thể tạo cho các nước ASEAN một số lợi thế trong việc ký các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), tăng thu hút đầu tư và qua đó củng cố quan hệ kinh tế thương mại hai bên. Hiện tại, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều coi Anh là đối tác chiến lược của mình. Tuy nhiên, tác động của Brexit đối với kinh tế khu vực Đông Nam Á sẽ còn phụ thuộc vào sự điều chỉnh của mối quan hệ mới giữa EU và Anh.

Natalia Rogozhina, Tiến sĩ khoa học chính trị, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Kinhtees Thế giới và Quan hệ Quốc tế, Học viện Khoa học Nga. Bài viết được đăng trên New Eastern Outlook.

Văn Cường (gt)