obama_and_american_flag.jpg

 

Ông Obama đã viện dẫn thỏa thuận hạt nhân Iran mới đạt được hồi mùa Hè vừa qua để nêu bật sự khác biệt giữa nỗ lực ngoại giao với cách tiếp cận kiểu "người hùng" đằng sau các cuộc xung đột ở Syria và Ukraine. Tổng thống Mỹ công khai gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Tổng thống Nga Vladimir Putin là những người bất chấp luật pháp, và bày tỏ quan ngại rằng hai cuộc xung đột ở Ukraine và Syria có nguy cơ đưa thế giới trở lại thời kỳ mà "sức mạnh làm nên lẽ phải, quyền của các cá nhân bị phớt lờ, và trật tự được thiết lập bằng vũ lực". Với giọng điệu này, bài phát biểu của ông Obama thực ra không đưa ra được sáng kiến hay đề xuất mới cho sự phát triển của thế giới. Thay vào đó, Tổng thống Mỹ đã chọn lễ kỷ niệm 70 năm thành lập LHQ để nhấn mạnh với cộng đồng quốc tế rằng những nguyên tắc dân chủ, nhân quyền và hợp tác quốc tế là nền tảng của những tiến bộ mà LHQ đã đạt được.

Michael Doyle, Giám đốc Viện Sáng kiến Chính sách toàn cầu của trường Đại học Columbia tại New York và nguyên là cố vấn đặc biệt của LHQ, nhận xét: "Bài phát biểu này là lời khẳng định mạnh mẽ về cam kết đối với luật pháp quốc tế và quyền lực thực sự của hợp tác đa phương. Tôi cho rằng ông Obama muốn nhắc nhở các nhà lãnh đạo về những nguyên tắc mà chúng ta đã rút ra để thúc đẩy sự tiến bộ của loài người".

Ông Obama đã viện dẫn sự thành công của cơ chế không phổ biến hạt nhân toàn cầu, hiệu quả của công cụ ngoại giao trong việc ngăn chặn các cuộc xung đột khu vực và những mâu thuẫn quốc tế châm ngòi một cuộc chiến tranh thế giới thứ III, và những thành công gần đây của thế giới trong việc kéo hàng tỷ người thoát khỏi cảnh nghèo đói. Ông nói: "Những tiến bộ này là có thực, được thể hiện qua những sinh mạng được cứu sống, những hiệp định được ký kết, những dịch bệnh được khống chế và những nguồn cung cấp lương thực". Ông Obama cũng cảnh báo: "Những tiến bộ của loài người không bao giờ chạy theo đường thẳng, và hiện có những cơn gió ngược nguy hiểm đang đe dọa kéo chúng ta trở lại thời kỳ đen tối, hỗn loạn".

Ông Obama khẳng định với tư cách là tổng thống Mỹ, ông là người dẫn đầu lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, việc Mỹ trở thành siêu cường thế giới không phải nhờ sức mạnh quân sự, mà nhờ những lý tưởng làm nên nền móng của nước Mỹ và nhờ sự tôn trọng quyền của các cá nhân vốn là động lực để các doanh nghiệp sáng tạo và các cá nhân cũng như gia đình cải thiện cuộc sống.

Tuy nhiên, bài phát biểu cao ngạo của ông Obama không "vừa tai" tất cả mọi người, nhất là những người chỉ trích ông và có kinh nghiệm tham dự các hội nghị của LHQ. Richard Grenell, người phát ngôn của Mỹ tại LHQ dưới thời chính quyền George W. Bush, nói: "Đây là một bài phát biểu dành riêng cho hội nghị của LHQ. Nó hoàn toàn mang tính giả thiết và được lý tưởng hóa, song không hề dựa trên thực tế của thế giới ngày nay. Tôi thấy sốc khi mà Tổng thống Mỹ, sau 7 năm họat động ngoại giao, lại đưa ra một bài phát biểu triết lý quá nhiều và không đưa ra được điều gì cụ thể có tính thực tế".
Dư luận đánh giá bài phát biểu của ông Obama trái ngược hẳn với bài phát biểu của ông Putin, người lần đầu tiên trong 1 thập niên qua diễn thuyết trước ĐHĐ LHQ.

Ông Putin đã nhân cơ hội này trình bày những sáng kiến cụ thể nhằm đưa nước Nga đang bị suy yếu do các lệnh trừng phạt trở lại vũ đài quốc tế. Những sáng kiến đó bao gồm việc bênh vực ông Assad, coi lực lượng của ông này là lực lượng duy nhất ở Syria có khả năng đánh bại tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) và việc hình thành một liên minh nhiều nước - trong đó có Iran và Iraq - để đánh bại IS. Ông Grenell nhận xét: "Trong chừng mực nào đó, chúng ta không thể buộc tội ông Putin vì ông ta đã đề ra một kế hoạch chiến đấu với IS. Ông Obama nói rằng phải làm điều gì đó, song ông ta lại tỏ ra không chắc chắn và do dự không muốn bị dính líu".

Học giả Doyle của trường Columbia cũng nhất trí cho rằng ông Obama đáng ra nên cung cấp một giải pháp cụ thể hơn: "Chẳng hạn, ông ta có thể nói nhiều về tình trạng biến đổi khí hậu, về những biện pháp cụ thể mà Mỹ và các quốc gia khác nên thực hiện", tuy nhiên, bài phát biểu của ông Obama xem ra không nhằm vào mục đích này. Ông Doyle cho rằng với bài phát biểu này, ông Obama muốn nhìn lại và liệt kê những nguyên tắc đã làm nên những tiến bộ gần đây của nhân loại, và "đó gần như là một bài phát biểu ôn cố tri tân."

Theo "CSmonitor"

Hương Trà (gt)