one-year-of-modi-government-a-look-at-what-does-india-inc-think.jpg

Việc tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tháng 9/2015 chào đón vị khách nước ngoài quan trọng đầu tiên - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - là nhằm mục đích thiết lập lại mối quan hệ đầy tính lịch sử giữa hai nước. Với mong muốn nhận được sự ủng hộ của Bắc Kinh về nỗ lực hiện đại hóa Ấn Độ, ông Modi đã tiếp đón ông Tập Cận Bình tại quê nhà Ahmedabad, nơi hai nhà lãnh đạo ngồi trên xích đu truyền thống của người Ấn Độ bên bờ sông Sabarmati. Sau đó, các thỏa thuận đầu tư của Trung Quốc (trị giá 20 tỷ USD) vào Ấn Độ đã được ký kết.

Tuy nhiên, cuộc trò chuyện say sưa giữa hai nhà lãnh đạo về hợp tác kinh tế cùng có lợi đã bị phủ bóng đen bởi sự căng thẳng giữa quân đội hai nước dọc khu vực biên giới tranh chấp ở Himalaya, nơi mà hàng trăm binh sĩ Trung Quốc đã thâm nhập bất chấp chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đang diễn ra. Hành động này đánh dấu sự bắt đầu gia tăng căng thẳng giữa hai nước. Đây cũng được cho là trọng tâm trong chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị từ ngày 12 đến 15/8 vừa qua.

Các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm của ông Vương Nghị diễn ra vào một thời điểm rất quan trọng. Trước công chúng, Ấn Độ và Trung Quốc đã công khai thừa nhận tình bạn và mong muốn các mối quan hệ kinh tế vững chắc hơn. Nhưng những bất đồng về địa chính trị - và sự phức tạp trong mối quan hệ chiến lược của mỗi nước - đã tăng mạnh. Gần đây, New Delhi đã thể hiện sự thất vọng trước các cuộc tuần tra quân sự chung chưa từng có tiền lệ giữa quân đội Trung Quốc và Pakistan tại khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát - vùng lãnh thổ tranh chấp mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền. Trong khi đó, Trung Quốc không hài lòng với việc Ấn Độ công khai ủng hộ phán quyết hôm 12/7 của Tòa Trọng tài chống lại yêu sách rộng lớn của Bắc Kinh ở Biển Đông, khu vực quan trọng đối với hoạt động thương mại của Ấn Độ.

Những vấn đề gây nhiều tranh cãi này cùng với sự phản đối của Trung Quốc đối với đề xuất của Ấn Độ trở thành thành viên của nhóm các nhà cung cấp hạt nhân đã trở thành vấn đề cốt lõi trong chuyến thăm của ông Vương Nghị. Tại New Delhi, ông Vương Nghị đã gặp Thủ tướng Modi và đã có một cuộc họp dài với người đồng cấp Ấn Độ Sushma Swaraj. Hai bên đã nhất trí tổ chức thêm các cuộc hội đàm cấp cao chính thức về một số điểm bất đồng và tình trạng của mối quan hệ song phương. Dự kiến, Thủ tướng Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình cũng sẽ có cơ hội gặp mặt tại 2 hội nghị thượng đỉnh sắp tới gồm: Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Hàng Châu vào tháng 9 và Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) ở Goa vào tháng 10 tới.

Mặc dù sự khác biệt giữa hai nước có thể không hết, song các nhà phân tích cho rằng ngoại giao cấp cao có thể cải thiện bầu không khí và kiềm chế căng thẳng gia tăng. Trước chuyến thăm của ông Vương Nghị, tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times), một ấn phẩm phụ của tờ "Nhân dân Nhật báo" (People’s Daily), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, kêu gọi Ấn Độ “tránh những phức tạp không cần thiết với Trung Quốc trong các tranh cãi về Biển Đông... nếu muốn xây dựng một bầu không khí thuận lợi cho hợp tác kinh tế”.

Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, Jawaharlal Nehru, đã nhiệt thành ủng hộ quan hệ anh em với Bắc Kinh, thậm chí còn đúc rút khẩu hiệu tiếng Hindi là “Hindi-Chini bhai-bhai”- “Ấn Độ và Trung Quốc là anh em” - trong những năm 1950. Nhưng mối quan hệ trở nên xấu đi sau khi hai nước không đồng thuận trong việc phân định biên giới và Ấn Độ che chở cho Da lai Lama - lãnh tụ tinh thần lưu vong người Tây Tạng. Năm 1962, quân đội Trung Quốc chiếm đóng một số khu vực miền núi của Ấn Độ trong một cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi nhưng tàn khốc, làm bẽ mặt ông Nehru và để lại di sản là sự nghi ngờ và mất lòng tin đối với New Delhi. Sau đó, Bắc Kinh và New Delhi đã đạt được một thỏa thuận tạm thời, trong đó hai bên coi nhẹ các vấn đề gây tranh cãi - như tranh chấp biên giới - để hạn chế căng thẳng, đồng thời hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, chẳng hạn như việc đòi các nước đang phát triển phải có tiếng nói lớn hơn trong các tổ chức quốc tế.

Các nhà phân tích cho rằng sự thỏa hiệp này đã bị xói mòn trong những năm gần đây, khi nền kinh tế của Ấn Độ đã có đà đi lên và New Delhi đã tiến đến mối quan hệ chiến lược gần gũi hơn với Mỹ và Nhật Bản - sự phát triển mà Bắc Kinh đã chú ý đề phòng. Bà Tanvi Madan, người đứng đầu nhóm các chuyên gia cố vấn thuộc Chương trình Ấn Độ tại Viện Brookings, cho biết: “Ấn Độ, cho đến gần đây, không phải là một đất nước mà nhiều người ở Bắc Kinh nghĩ đến quá nhiều. Nhưng khi nền kinh tế của Ấn Độ phát triển và khi mối quan hệ giữa nước này với Mỹ và Nhật Bản phát triển, Ấn Độ bị coi như một kẻ phá hoại và có khả năng trở thành một đối thủ tiềm tàng”.

Về phần mình, New Delhi được cảnh báo bởi kế hoạch 46 tỷ USD mà Bắc Kinh đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Pakistan như một phần của sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc. Mặc dù bề ngoài là nhằm mở đường tới Ấn Độ Dương cho miền Đông Trung Quốc, bản thiết kế Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan cũng bao gồm các dự án ở vùng tranh chấp Kashmir - nguồn cơn của nhiều cuộc chiến tranh giữa Ấn Độ và Pakistan. Ông Saran nói: "Kỳ vọng không phải là những bất đồng sẽ được giải quyết" mà "kỳ vọng là hai nước sẽ đảm bảo rằng các mối quan hệ không rơi xuống khe núi".

Tác giả Amy Kazmin là phóng viên khu vực Nam Á của Thời báo Tài chính. Bài viết đăng trên mạng "Today online" (ngày 16/8).

Hương Trà (gt)