Các quan chức Chính phủ Ấn Độ đã khẳng định rằng sự liên kết giữa các nước CLMV sẽ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai chính sách “Hành động phía Đông” của New Delhi. Ấn Độ có quan hệ mạnh mẽ với từng nước trong khối CLMV, và sự liên kết kinh tế khu vực sẽ góp phần tăng cường quan hệ giữa New Delhi với các nước Đông Nam Á - “hòn đá tảng” trong chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ.

Bộ Thương mại Ấn Độ đã yêu cầu phân bổ 16,1 triệu USD ngân sách cho Quỹ phát triển dự án để đầu tư vào các trung tâm chế tạo tại CLMV. Ấn Độ đã đầu tư nhiều vào một số nước CLMV, trong đó có 84 dự án đầu tư tại Việt Nam, chủ yếu trong các lĩnh vực như thăm dò dầu mỏ, phát điện, chế tạo hóa chất. Ấn Độ cũng đóng góp 1 tỷ USD vào các dự án điện, tưới tiêu và chế tạo tại các nước CLMV nói chung. Kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và các nước CLMV đã tăng 10 lần (từ 1,1 tỷ USD năm 2004 lên 11,2 tỷ USD năm 2013). Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Ấn Độ vào các nước CLMV cũng đạt 40,9 triệu USD trong năm 2013.

Các quan chức Chính phủ Ấn Độ đã nói rõ rằng các điều kiện kinh tế-xã hội của các nước CLMV và quan hệ gần gũi giữa các nước này với Ấn Độ đã tạo môi trường kinh doanh phù hợp và cơ hội để hai bên có thể khai thác tiềm năng hợp tác cùng có lợi. Myanmar - một thành viên của CLMV có biên giới chung với Ấn Độ - sẽ tăng cường hợp tác trong nội bộ khối để cải thiện cơ sở hạ tầng, và điều này sẽ tăng hiệu quả của việc thiết lập các hành lang kinh tế trong khu vực, mang lại lợi ích cho cả Ấn Độ. Đầu tư trực tiếp của Ấn Độ trong các liên doanh và các công ty chi nhánh tại các nước CLMV từ tháng 4/1996 đến tháng 3/2012 đạt khoảng 700 triệu USD, trong đó phần lớn vào Việt Nam.

Các chuyên gia trong khu vực hy vọng Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 7 sẽ góp phần thúc đẩy sự liên kết mạnh hơn giữa 4 nước này với các thành viên khác của ASEAN ngay trong năm nay khi ASEAN hướng tới mục tiêu thành lập “cộng đồng kinh tế chung”. Giáo sư Pou Sovachana thuộc Đại học Tổng hợp Pannasastra (Campuchia) nhận định: “Mặc dù có những nỗ lực nghiêm túc đối với sự phát triển kinh tế toàn khu vực Đông Nam Á, song vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn giữa CLMV với các quốc gia khác trong ASEAN. Để đạt mục tiêu tham vọng về việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trong năm nay, điều quan trọng là phải giảm khoảng cách chênh lệch về phát triển. CLMV có thể phát triển lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm chế tạo, thu hút đầu tư và công nghệ từ các nước để đóng góp cho AEC”.

Trước thềm Hội nghị Cấp cao CLMV lần này, Việt Nam cũng đã có một số đóng góp quan trọng để tăng cường liên kết gữa các quốc gia. Mô hình “một cửa” đã được triển khai thực hiện từ năm 2015 tại hai cửa khẩu Lao Bảo (Việt Nam) và Densavan (Lào) trong tháng 2/2015. Việt Nam, Lào và Thái Lan đang phối hợp để sớm triển khai mở rộng hành lang Đông-Tây (EWC) tới các trung tâm kinh tế của cả 3 nước. Điều này cũng có thể góp phần kết nối Ấn Độ thông qua Myanmar và khu vực Đông Bắc.

Theo “Economic Times” (ngày 21/6)

Anh Thư (gt)