Trong một thời gian dài, quan hệ Ấn Độ và Nhật Bản xoay quanh các vấn đề kinh tế như vốn vay phát triển, thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, mối quan hệ này đang được đa dạng hóa nhằm bao phủ một loạt lợi ích gồm an ninh, chống khủng bố, hàng hải, cải tổ ở Liên hợp quốc, an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu. Cuộc gặp thượng đỉnh song phương ở Tôkiô năm nay phản ánh xu hướng này.

Nhật Bản tiếp tục đối mặt với áp lực lớn từ Trung Quốc trong vấn đề hàng hải, đặc biệt từ năm 2010 khi tàu Trung Quốc đâm vào tàu tuần duyên Nhật Bản. Việc theo đuổi không ngừng nghỉ tuyên bố chủ quyền quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) của Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn sau thời điểm tháng 9/2012, khi chính phủ Nhật Bản đòi trả tiền mua ba hòn đảo. Gần như hàng ngày các tàu giám sát của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản quanh khu vực quần đảo Điếu Ngư và máy bay Trung Quốc vi phạm không phận Nhật Bản tại khu vực này.

Trong bối cảnh tình hình an ninh như trên, nét nổi bật trong các vấn đề an ninh và quốc phòng song phương tại cuộc gặp thượng đỉnh Nhật Bản-Ấn Độ năm nay là điều quan trọng đáng lưu ý. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đề cập tới những thách thức phức tạp tạo ra “các mối đe dọa tiếp diễn” đối với hòa bình và ổn định khu vực. Tuyên bố của ông Singh rằng Ấn Độ nhìn nhận Nhật Bản là “đối tác tất yếu và rất cần thiết” cho việc tìm kiếm ổn định và hòa bình của Ấn Độ và của châu Á cho thấy Ấn Độ xem mối quan hệ với Nhật Bản vươn xa ngoài sự phát triển quan hệ kinh tế. Thủ tướng Singh nói rằng một trong những trách nhiệm của hai bên là “tăng cường xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác và thiết lập nền tảng cho an ninh và thịnh vượng”. Đề cập tới chính sách "Hướng Đông" của Ấn Độ, ông Singh kêu gọi cả Ấn Độ và Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác trong ba lĩnh vực: thúc đẩy các cơ chế và diễn đàn khu vực để hợp tác và tham vấn; hội nhập kinh tế khu vực, liên kết đảm bảo phát triển kinh tế một cách cân bằng trong khu vực; tăng cường an ninh hàng hải qua việc ủng hộ mạnh mẽ tự do hàng hải và thương mại phù hợp với luật quốc tế.

Cùng với những mối quan tâm trong vấn đề an ninh, tại Ấn Độ có sự trông đợi lớn rằng Nhật Bản và Ấn Độ có thể đạt được một hiệp định về hợp tác hạt nhân dân sự trong cuộc gặp thượng đỉnh song phương. Cả hai lãnh đạo trên đã thảo luận về vấn đề này và lặp lại tầm quan trọng hợp tác song phương trong lĩnh vực hạt nhân dân sự. Hai lãnh đạo đều khẳng định an toàn hạt nhân là “ưu tiên”. Họ đồng ý “đẩy mạnh các cuộc đàm phán” để sớm đạt được hiệp định. Tuy nhiên, trong khi ông Singh hy vọng hai nước sẽ sớm ký kết hiệp định thì một số nhà phân tích cho rằng hiệp định này sẽ phải mất một thời gian để hiện thực hóa. Có những mối lo ngại rằng việc liên kết hiệp định với sự tham gia hiệp ước không phổ biến vũ khí và hiệp định cấm thử hạt nhân sẽ làm phức tạp các cuộc đàm phán. Phần lớn sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản vào tháng 7 tới. Nếu Thủ tướng Shinzo Abe giành chiến thắng thuyết phục, ông có thể tập trung đủ quyết tâm chính trị để thúc đẩy hiệp định đó với Ấn Độ.

Mặc dù các vấn đề an ninh và hạt nhân nổi bật trong chương trình nghị sự của cuộc gặp thượng đỉnh đó, song quan hệ kinh tế vẫn có tính cốt lõi trong quan hệ song phương. Tuyên bố chung của hai bên nhấn mạnh sự can dự sâu rộng của Nhật Bản trong các dự án phát triển cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ, gồm dự án hệ thống tàu điện ngầm tại các thành phố lớn như Delhi, Bengaluru, Chennai và Mumbai. Hơn nữa, Nhật Bản còn tham gia hai dự án về hành lang tàu biển Delhi-Mumbai và hành lang công nghiệp Delhi-Mumbai. Nhật Bản cũng quan tâm sâu sắc tới việc hỗ trợ hành lang công nghiệp Chennai-Bangaluru. Nhật Bản cũng đã ký khoản viện trợ chính thức (ODA) mới lên tới 4,24 tỷ yên cho nhiều dự án ở Ấn Độ, gồm dự án tàu ngầm Mumbai. Ấn Độ là nước nhận viện trợ lớn nhất từ Nhật Bản từ năm 2003. Đáng chú ý là trong thời điểm tổng viện trợ của Nhật Bản cho các nước giảm xuống thì viện trợ cho Ấn Độ vẫn được duy trì ở mức cao.

Hai bên cho rằng tiềm năng kinh tế trong quan hệ song phương chưa được khai thác đầy đủ. Ví dụ, tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2012 mới chỉ đạt khoảng 18 tỷ USD, mặc dù Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện đã có hiệu lực từ năm 2011. Đơn giản là đầu tư của Nhật Bản vào Ấn Độ cần được thúc đẩy. Thủ tướng Singh và Thủ tướng Abe cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục các nỗ lực nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư. Do đó, vấn đề này sẽ vẫn nằm trong chương trình nghị sự của các cuộc gặp thượng đỉnh tới đây.

Giáo sư V. Kesavan là thành viên nghiên cứu ưu tú Quỹ Nghiên cứu The Observer Research Foundation, New Delhi, là học giả về Chính sách công tại Trung Tâm Quốc tế Woodrow Wilson, Washington. Bài viết được đăng lần đầu trên “Diễn đàn Đông Á”.

Trần Quang (gt)