Chính sách Ngoại giao tái cân bằng của Mỹ thường được chính giới Trung Quốc coi như một chính sách nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Việc cường quốc Châu Á này ngày càng cứng rắn đối với các quần đảo không người ở tại vùng biển phía Nam và phía Đông Trung Quốc đã dẫn đến các vụ căng thẳng với Nhật Bản, Philippines và Việt Nam đã khiến Mỹ phải có cái nhìn mới về khu vực này. Thực tế là Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei đều tuyên bố chủ quyền đối với một số bãi đá, rặng san hô và đảo nhỏ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động ngư nghiệp và thương mại nên không nước nào muốn từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình.

Nỗ lực đảm bảo của Mỹ thông qua các liên minh và việc phát triển mối quan hệ gần gũi với Việt Nam, Nhật Bản, Philippines đã khiến Trung Quốc tin rằng Mỹ đang gián tiếp kích động các nước này để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của họ trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đồng thời kiềm chế và đối đầu với Trung Quốc. Mặt khác, Mỹ cảm thấy Trung Quốc đang muốn đẩy siêu cường thế giới này ra khỏi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đối với Mỹ, Trung Quốc đã trở thành một lực lượng có thể thách thức quyền lực và ảnh hưởng xấu đến lợi ích của mình.

Một số người cho rằng các phương tiện truyền thông đang thể hiện công khai các mối đe dọa của Trung Quốc trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để quảng bá hình ảnh của chủ tịch Tập Cận Bình như một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và cứng rắn nên cũng sẵn sàng thực hiện những cải cách khó khăn trong nước. Theo những gì giới truyền thông Trung Quốc đưa ra, quan điểm của ông Tập cho thấy rõ ràng rằng Trung Quốc không thích Mỹ liên minh với các nước Châu Á.

Mỹ cũng tự thấy mình đang bị kẹt trong một tình huống khó khăn. Một mặt, Mỹ phải thực hiện đầy đủ các cam kết với các đồng minh của mình. Mặt khác, Mỹ cũng phải bắt tay với Trung Quốc để có một mối quan hệ mang tính xây dựng. Mặc dù để kiềm chế việc Trung Quốc gây hấn, Mỹ đã xây dựng quan hệ chặt chẽ với các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc với việc coi các chính sách của Trung Quốc là “bành trướng”, rõ ràng Mỹ cũng có chiến lược duy trì sự cân bằng và không trực tiếp thách thức Trung Quốc. Trong chuyến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines hồi tháng Tư năm nay, Tổng thống Obama đã trấn an các đồng minh của Mỹ về các vấn đề tranh chấp nhưng cũng kêu gọi các nước này hợp tác với Trung Quốc.

Tuy nhiên, dưới chế độ mới Trung Quốc đã thể hiện một thái độ cứng rắn và đã phản ứng mạnh mẽ trước những cáo buộc và đe dọa rằng Mỹ sẽ hành động trong trường hợp có sự vi phạm pháp luật quốc tế. Điều thú vị là sự thiếu nhất quán của Washington về vấn đề Syria, Iraq, Ucraina và Gaza cũng đã khiến Trung Quốc tin rằng Mỹ không chỉ là một siêu cường đang đi xuống mà còn là một đất nước đã suy yếu. Do đó, Trung Quốc đã thách thức các lợi ích của Mỹ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Mỹ và Trung Quốc cần phải phát triển quan hệ gần gũi như trong những năm 1970 nhưng thay vào đó, cả hai lại đang hướng đến những nơi khác. Trong khi Mỹ đang dựa vào các đồng minh truyền thống của mình và cũng có thể lôi kéo Ấn Độ, Trung Quốc đang làm khôi phục lại tình bạn với kẻ thù cũ như việc ký hiệp ước năng lượng với Nga vừa qua. Thỏa thuận này có lợi cho cả hai nước là những cường quốc phản kháng và đang thách thức trật tự quốc tế do Mỹ và các đồng minh chi phối, cũng như giúp chấm dứt sự cô lập của phương Tây đối với Nga do cuộc khủng hoảng tại Ucraina. Sự gần gũi ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nga cho thấy biện pháp trừng phạt của phương Tây đã tạo điều kiện nối lại quan hệ thân thiết giữa hai nước này. Trung Quốc đang lợi dụng điểm yếu của Nga để biến nước này thành một quốc gia vệ tinh của mình. Ngoài ra, trong khi Mỹ giảm bớt ngân sách quốc phòng thì Trung Quốc và Nga đã tăng chi tiêu quốc phòng của mình.

Trong bối cảnh này, vai trò của Ấn Độ đã trở nên quan trọng hơn vì tất cả các cường quốc đều đang mong muốn có một mối quan hệ hợp tác tốt với nước này. Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ chia sẻ mối quan hệ hợp tác về kinh tế, nhưng chính sách khiêu khích của Trung Quốc và vấn đề tranh chấp biên giới chưa được giải quyết khiến New Delhi vẫn lo ngại trước Bắc Kinh. Chính sách hướng Đông và việc mở rộng quan hệ với các nước Đông Nam Á cho thấy Ấn Độ đang đuổi kịpTrung Quốc trong trò chơi này. Nỗ lực của chính phủ Modi nhằm xây dựng mối quan hệ tốt với các nước Nam Á cũng có thể được nhìn theo hướng này. Bên cạnh đó, Ấn Độ hiểu rằng những thách thức từ Trung Quốc chỉ có thể được giải quyết bằng cách phát triển quan hệ đối tác chặt chẽ với Mỹ và Nhật Bản. Vì vậy, Chính phủ Modi đang đi theo hướng này và Mỹ cũng đã đáp lại bằng việc cử các quan chức cấp cao tới Ấn Độ và lôi kéo giới lãnh đạo ở New Delhi.

Tuy nhiên, lập trường cứng rắn của Ấn Độ tại WTO liên quan đến thỏa thuận thuận lợi hóa thương mại toàn cầu đã khiến Mỹ thêm lo lắng về quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ nhằm đối phó với Trung Quốc. Mặc dù có khả năng thách thức nỗ lực chi phối tại châu Á của Trung Quốc nhưng Ấn Độ đã không thể làm như vậy do các vấn đề nội bộ và ý chí chưa đủ mạnh. Nếu nhìn vào các vấn đề và chính sách của Mỹ và Nga, Ấn Độ có thể không cần phải phụ thuộc vào Nga hay Mỹ để có được sự hỗ trợ và đảm bảo. Vì vậy, trong một trật tự quốc tế còn nhiều mâu thuẫn và bất ổn như hiện nay, Ấn Độ cần có bước đi thận trọng. Để tranh thủ tối đa tình hình này, Ấn Độ cần phải xem lại những động thái chính sách riêng của mình để đối phó với một nước Mỹ hay gặp phiền nhiễu, nước Nga khó khăn và một Trung Quốc hung hăng.

Bài phân tích của Annpurna Nautiyal, GS Chính trị học tại ĐH HNB Garhwal, Uttarakhand đăng trên tờ The Pioneer.

Trần Quang (gt)