Ông Tập Cận Bình nâng cốc chúc mừng ông Modi trong một bữa tối yên tĩnh tại nhà riêng của ông Modi. Và hai nhà lãnh đạo đã cùng nhau say sưa nói chuyện khi họ tản bộ dọc bờ sông Sabarmati. Hai nhà lãnh đạo đều hết lời ca ngợi nhau và đất nước của nhau. Ông Tập Cận Bình mô tả Ấn Độ là "một vùng đất xinh đẹp và quyến rũ". Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố rằng cam kết hợp tác giữa hai nước "sẽ mở ra những cánh cửa lớn cho sự tiến bộ và phát triển trên thế giới". Chỉ vài giờ sau khi ông Tập Cận Bình đặt chân tới Ấn Độ trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày, báo chí Ấn Độ đã đưa tin về hàng loạt những kết quả hợp tác mà hai nước đạt được: thỏa thuận xây dựng một khu công nghiệp chung, thỏa thuận thiết lập thành phố kết nghĩa, tăng cường trao đổi văn hóa, những hứa hẹn đầu tư và ký kết thỏa thuận thương mại của Trung Quốc trị giá hơn 20 tỷ USD.

Mặc dù vậy, điều mà hầu như không được nhắc tới là những quan ngại sâu sắc tại Ấn Độ về việc Trung Quốc tăng cường hiện diện tại Ấn Độ Dương - nơi mà vị thế vượt trội của New Delhi trong nhiều năm qua hiện đang bị suy giảm bởi hàng tỷ USD tiền viện trợ của Bắc Kinh và các dự án xây dựng khổng lồ của Trung Quốc. Mặc dù những hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông thu hút nhiều sự chú ý, song cuộc cạnh tranh ảnh hưởng diễn ra trong yên lặng tại Ấn Độ Dương đang được Tokyo và Washington theo dõi sát sao. 

Những lo ngại tại Ấn Độ Dương chủ yếu là vì vấn đề năng lượng. Những tàu chở dầu di chuyển qua Ấn Độ Dương cung cấp 80% nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc, 65% nhu cầu của Ấn Độ và 60% nhu cầu của Nhật Bản. Đó là lý do khiến vùng biển này đặc biệt quan trọng đối với cả ba cường quốc châu Á này. Nếu giao thông trên biển tại khu vực này bị ách tắc - vì bế tắc ngoại giao, cướp biển hay chiến tranh - sẽ khiến các nước này bị tê liệt và gây ảnh hưởng tới cả thế giới. Do đó, trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã nỗ lực tìm cách đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không bị loại khỏi khu vực này, bằng cách xây dựng nhiều bến cảng và thiết lập quan hệ đồng minh với các nước ven biển từ Myanmar tới Pakistan. Kanwal Sibal, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, nói: "Trung Quốc muốn trở thành một chủ thể lớn tại Ấn Độ Dương, cùng với Ấn Độ và Mỹ".

Mới đây, ông Tập Cận Bình đã đưa ra sáng kiến mới về việc xây dựng "Con đường Tơ lụa trên biển", theo đó ký kết nhiều thỏa thuận giúp nối Trung Quốc với châu Âu bằng đường biển. Theo ông Sibal, mặc dù Trung Quốc mô tả "Con đường Tơ lụa" như một mô hình mới về hợp tác quốc tế, song nhiều người trong chính phủ Ấn Độ lo ngại đây chỉ là vỏ bọc để che dấu tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Ông nói: "Đây là điềm báo trước Trung Quốc sẽ tìm chỗ đứng lâu dài tại Ấn Độ Dương".

Điều đặc biệt là trước khi tới Ấn Độ, ông Tập Cận Bình đã dừng chân tại hai quốc gia khác ở Ấn Độ Dương. Đầu tiên là Maldives - một quần đảo nằm tách biệt và là một địa điểm du lịch đẹp, nơi ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng tăng. Tiếp theo là Sri Lanka - một hòn đảo từng bị chiến tranh tàn phá, nơi Trung Quốc hiện trở thành nhà đầu tư lớn nhất và vừa cho xây dựng một cảng biển khổng lồ tại thị trấn Hambantota.

Về phần mình, Bắc Kinh kiên quyết phủ nhận Trung Quốc đang tìm cách giành ảnh hưởng tại Thái Bình Dương. Ông Tập Cận Bình cho rằng "Con đường Tơ lụa trên biển" là cơ hội để "tăng cường hợp tác" giữa Trung Quốc và Sri Lanka trên mọi lĩnh vực, từ phát triển cảng biển tới an ninh biển. Wang Shaopu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Liên Thái Bình Dương thuộc Đại học Shanghai Jiaotong, nhấn mạnh rằng do tầm quan trọng của khu vực này nên cạnh tranh tại đây là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, điều này không có nghĩa rằng không thể tránh được xung đột. Ông nói: "Trung Quốc và Ấn Độ nên ưu tiên cao việc hợp tác và tránh để sự cạnh tranh trở nên gay gắt. Tôi cho rằng cả hai nước đều đã nhận ra điều đó".

Hai nước láng giềng Ấn Độ và Trung Quốc có rất nhiều mâu thuẫn, từ thâm hụt thương mại lớn của Ấn Độ tới việc Trung Quốc tuyên bố một bang của Ấn Độ thuộc Trung Quốc. Tuy nhiên, hai nước ngày càng trở nên thành thạo việc tránh những vấn đề nhạy cảm nhất, hạ thấp bất đồng để tập trung vào tăng trưởng kinh tế. Thậm chí ngay tại Ấn Độ, có rất nhiều người cho rằng điều này không hoàn toàn là việc xấu. Vijay Sakhujar, cựu sỹ quan hải quân Ấn Độ và hiện đứng đầu Quỹ Nghiên cứu Biển Quốc gia tại New Delhi, nói rằng Trung Quốc "có cơ hội để xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn" trên khắp Ấn Độ Dương theo sáng kiến "Con đường Tơ lụa trên biển", "họ xây dựng những cảng biển đẳng cấp quốc tế... do đó, liệu chúng ta (Ấn Độ) có thể cạnh tranh với họ hay hợp tác cùng họ?"

Tuy nhiên, Ấn Độ cũng tỏ ra thận trọng và không đặt quá nhiều niềm tin vào Trung Quốc, thúc đẩy những thỏa thuận ngoại giao nhằm nỗ lực cân bằng sức mạnh ngày càng tăng lên của Bắc Kinh. Ví dụ, chỉ vài tuần trước, ông Modi đã có chuyến công du thành công tới Nhật Bản - đối thủ đáng gờm nhất của Trung Quốc, thu về những cam kết viện trợ và đầu tư trị giá hàng tỷ USD cùng với nhiều thỏa thuận tăng cường quan hệ kinh tế và an ninh với Nhật Bản. Sau đó, chỉ vài ngày trước, Tổng thống Ấn Độ và Chủ tịch nước Việt Nam đã ra tuyên bố chung kêu gọi tự do hàng hải tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc sẽ không bao giờ được xóa bỏ hoàn toàn. Các quan chức Ấn Độ cho biết, cách đây vài ngày, binh lính Trung Quốc đã xâm phạm lãnh thổ của Ấn Độ ở khu vực biên giới Ladakh. Những binh lính này được cho là đang xây dựng một con đường.

Ngày 18/9 vừa qua, ông Modi chỉ đề cập ngắn gọn tới những tranh chấp biên giới giữa hai nước khi xuất hiện cùng ông Tập Cận Bình, nói rằng ông đã thảo luận về vấn đề Trung Quốc "liên tục xâm phạm" lãnh thổ Ấn Độ với nhà lãnh đạo Trung Quốc, và nhìn chung tuyên bố của ông tỏ ra lạc quan, với kết luận nói rằng quan hệ giữa hai nước "có rất nhiều cơ hội to lớn". Ông Sibal không ngạc nhiên về điều này, ông nói: "Chúng ta (Ấn Độ) hiếm khi nói chuyện thẳng thắn với Trung Quốc. Chúng ta thích nói về những vấn đề mà hai nước có lợi ích chung".

Theo AP (New Delhi 20/9)

Vũ Hiền (gt)