Hai nước có số lượng tàu ngầm lớn nhất ở Ấn Độ Dương (IOR) là Ấn Độ và Australia đang tăng cường xây dựng sức mạnh của các hạm đội tàu ngầm với lý do các đơn vị này đã bị "lão hóa". Tuy nhiên, những hành động quyết đoán và việc gia tăng thâm nhập IOR của Trung Quốc đã thúc đẩy hai nước này đẩy mạnh việc đóng mới và mua sắm các tàu ngầm hiện đại. Năm 2015 được cho là sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ các hạm đội tàu ngầm của hai quốc gia này.

Australia đang tìm cách sở hữu 12 tàu ngầm thông thường mới để đưa vào phiên chế vào năm 2024 và phần lớn trong số đó sẽ được neo đậu ở khu vực IOR, phía Tây nước này. Trong khi đó, hạm đội tàu ngầm hiện nay của Australia với 6 chiếc lớp Collins do nước này tự đóng (chiếc cuối cùng được đưa vào hoạt động năm 2003), sẽ được nâng cấp và trang bị thêm các hệ thống hiện đại để kéo dài tuổi thọ trước khi đến hạn "nghỉ hưu". 

Thất vọng với dự án tàu ngầm lớp Collins, chính phủ Australia đang thúc đẩy kế hoạch mua các tàu ngầm thế hệ mới, trong đó đặc biệt quan tâm đến tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản. Dự kiến, quyết định cuối cùng về vấn đề này của Canberra sẽ được đưa ra vào giữa năm nay, trùng với thời điểm công bố Sách trắng Quốc phòng. Những động thái này cho thấy chính phủ Australia rõ ràng ủng hộ việc mua các tàu ngầm của nước ngoài hơn là hợp tác đóng cho dù có thể sẽ cần thay đổi một số thông số như phạm vi hoạt động của tàu ngầm để đáp ứng các yêu cầu của hải quân nước này.

Trái ngược với Australia, Ấn Độ có kế hoạch tự đóng ba tàu ngầm hạt nhân và 12 tàu ngầm thông thường. Dự án này nhằm thay thế hạm đội 13 tàu ngầm diesel thông thường đã lão hóa, trong đó một tàu đã bị chìm tại cảng Mumbai năm 2013, trong khi các sự cố và tai nạn tàu ngầm thường xuyên xảy ra. Tàu ngầm hạt nhân do Ấn Độ tự đóng đang trong quá trình chạy thử nghiệm và dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2016. Hiện nay, Ấn Độ cũng đang thuê một tàu ngầm hạt nhân của Nga để phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện.

Là một phần trong "Dự án 75", Ấn Độ cũng muốn hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm thông thường khi thông qua dự án đóng mới 6 tàu ngầm trị giá 8 tỷ USD (tháng 10/2014). Ấn Độ đã mua được bản quyền đóng mới 6 tàu ngầm lớp Scorpene của một công ty đóng tàu Tây Ban Nha/Pháp. Chiếc tàu ngầm đầu tiên hiện đang được đóng tại xưởng đóng tàu Mumbai và dự kiến sẽ đưa vào chạy thử nghiệm cuối năm nay. Tuy nhiên, dự án này một lần nữa bị trì hoãn vô thời hạn vào tháng 2 vừa qua do các vấn đề liên quan đến kỹ thuật và công nghệ. Theo đó, ít nhất 4 tàu ngầm đầu tiên của nước này được đưa vào hoạt động sẽ không có hệ thống động cơ AIP, cho phép tàu ngầm duy trì trạng thái ngập nước trong thời gian lâu hơn. 

Hải quân Trung Quốc có một lực lượng tàu ngầm lớn với 7 tàu ngầm hạt nhân và 51 tàu ngầm thông thường được phiên chế trong 3 hạm đội và có khả năng đe dọa tới lợi ích của cả Ấn Độ và Australia. Mặc dù chưa công khai chỉ trích các nỗ lực mua sắm tàu ngầm của Ấn Độ và Australia nhưng Trung Quốc đã và đang tăng cường sự hiện diện tàu ngầm của mình ở IOR. Trong khi khẳng định các tàu ngầm được triển khai là để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các lợi ích thương mại hàng hải cũng như tiến hành nhiệm vụ chống cướp biển, song không thể không nghi ngờ quyết tâm và khả năng của Trung Quốc trong việc đồn trú và hiện diện tàu ngầm thường xuyên ở IOR.

Bên cạnh việc sử dụng các hạm đội tàu ngầm của mình, Trung Quốc đã âm thầm nâng cao năng lực của các quốc gia đồng minh trong khu vực trong một nỗ lực để giảm thiểu bất kỳ tác động nào của việc mở rộng hạm đội tàu ngầm Ấn Độ đối với các hoạt động của Trung Quốc. Gần đây, Bắc Kinh cho biết đã trao cho Dhaka (Bangladesh) một số tàu ngầm cũ và hiện đang giúp đỡ nước này đào tạo thủy thủ. Được biết, Trung Quốc cũng đã hỗ trợ Pakistan phát triển tàu ngầm có khả năng mang tên lửa và vẫn là nhà cung cấp tiềm năng nhất cho tham vọng của Pakistan mua 6 tàu ngầm mới. 

Mặc dù Trung Quốc vẫn chưa tạo ra bất kỳ mối đe dọa trực tiếp nào đối với IOR, nhưng Australia và Ấn Độ vẫn cam kết sẽ hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải quân. Hai nước tiến hành xây dựng các hạm đội tàu ngầm hiện đại nhất để có thể ngăn chặn Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng trên các vùng biển.

Tuy nhiên cả hai quốc gia này đều gặp khó khăn với các đề về mức độ xuống cấp và chi phi đắt đỏ để nâng cấp các xưởng đóng tàu. Liệu những cách tiếp cận khác trên sẽ giúp họ đạt được tham vọng quốc phòng, hay là cách tiếp cận đó sẽ dẫn đến một phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc hay không, điều đó chỉ có thời gian mới có thể cho chúng ta biết được.

Theo Institute of Peace and Conflict Studies

Thùy Anh (gt)