Các kế hoạch hiện đại hóa quân đội ồ ạt của Trung Quốc tại các điểm biên giới và nỗ lực “đuổi theo” của Ấn Độ đang dấy lên cuộc đua xây dựng lực lượng quân sự dọc biên giới hai nước sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nửa thế kỷ sau cuộc chiến tranh biên giới giữa hai nước châu Á khổng lồ này, một loạt yếu tố hiện đang thôi thúc họ hiện đại hóa quân đội với quy mô lớn dọc biên giới. Báo trên cho biết, Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ (PMO) đã yêu cầu Ủy ban Tham mưu trưởng, gồm những người đứng đầu ba quân chủng Hải, Lục, Không quân soạn thảo một “chiến lược liên kết” cho giai đoạn hai của kế hoạch hiện đại hóa quân đội dọc biên giới với Trung Quốc. PMO đề nghị xây dựng “chiến lược liên kết” trong bối cảnh lực lượng Lục quân đề xuất thành lập các quân đoàn tấn công dọc biên giới Trung Quốc cũng như các đơn vị khác, với tổng kinh phí hơn 640 tỷ rupee. Đề xuất này đã được Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông qua và gửi Bộ Tài chính và PMO xem xét. Sau khi xem xét đề xuất này, PMO yêu cầu những người đứng đầu cả ba quân chủng phải soạn thảo một “chiến lược liên kết”, chứ không phê duyệt đề xuất riêng của từng quân chủng. Chính phủ hy vọng vào giữa năm 2013 giai đoạn một của dự án hiện đại hóa quân đội dọc biên giới với Trung Quốc sẽ hoàn tất, trong đó có kế hoạch thành lập hai sư đoàn Lục quân mới, đưa vào hoạt động tám bãi hạ cánh máy bay – gồm các căn cứ không quân cũ bỏ hoang từ thời Chiến tranh Thế giới Thứ hai - và xây dựng nhiều tuyến đường bộ và đường hầm gần biên giới. 

Ấn Độ hầu như bỏ rơi các căn cứ dọc biên giới mà không có bất kỳ động thái hiện đại hóa nào kể từ cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1962. Các hoạt động hiện đại hóa chỉ mới được bắt đầu cách đây một thập niên. Cho đến nay, Ấn Độ đã quá muộn để có thể theo kịp Trung Quốc trong việc xây dựng các cơ sở hạ tầng kiên cố, với những con đường có thể lưu thông trong mọi điều kiện thời tiết tới tận các căn cứ quân sự của họ. Namrata Goswami, một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng (IDSA), có trụ sở tại Niu Đêli cho biết Trung Quốc đã thay thế những tên lửa CSS-3 thế hệ cũ, hoạt động bằng nhiên liệu lỏng, bằng những tên lửa CSS-5 hiện đại hơn; triển khai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ở Bắc Tây Tạng; và triển khai 13 trung đoàn phòng thủ biên giới với khoảng 300.000 quân gần biên giới Ấn Độ. Ngoài sáu căn cứ không quân hiện có tại Khu tự trị Tây Tạng (TAR), Trung Quốc cũng đã xây dựng các căn cứ không quân tại Hoping, Pangta và Kong Ka. Thành tố quan trọng trong cơ cấu lực lượng của Trung Quốc tại khu vực giáp giới Ấn Độ phải kể đến 23 đơn vị thuộc Lực lượng phản ứng nhanh (RRF). Các lực lượng này đã được hiện đại hóa thành lực lượng sử dụng công nghệ cao, luôn trong tình trạng sẵn sàng hoạt động và được huấn luyện để hoạt động trong bất cứ môi trường.

Theo “Thời báo Ấn Độ” (ngày 21/10)

Lê Sơn (gt)