Hình ảnh cuộc tập trận Malarbar 2012

Ấn Độ và Úc chuẩn bị lần đầu tiên tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung tại Vịnh Bengal trong tháng 9/2015. Có thông tin cho rằng các cuộc diễn tập này sẽ chủ yếu tập trung vào phát triển năng lực chiến tranh chống hạm. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy một sự đồng thuận ngày càng cao trong khu vực trước mối đe dọa từ hoạt động của hải quân Trung Quốc tại các vùng duyên hải châu Á.

Theo một số nguồn tin, trong cuộc tập trận lần này, Úc sẽ cử một máy bay do thám chống hạm P-3 mua của nhà thầu Lockheed Martin, một tàu ngầm lớp Collins và các tàu khu trục ASW, trong khi Ấn Độ dự kiến triển khai máy bay chống hạm tầm xa P-8 cùng nhiều trang thiết bị vũ khí hoạt động trên biển khác.

Trong hai năm trở lại đây, giới phân tích Ấn Độ không khỏi lo ngại về các hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc tại Ấn Độ Dương. Tháng 5/2015, khi tàu ngầm lớp Yuan của Trung Quốc đi tới Karachi, giới chức New Delhi đã bắt đầu quan ngại về nguy cơ Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện của các tàu ngầm trong vùng biển của quốc gia láng giềng. Giới phân tích Ấn Độ cho rằng tần suất các chuyến viếng thăm của tàu ngầm Trung Quốc tới khu vực đột ngột tăng cao là một phần mưu đồ bành trướng sự hiện diện của lực lượng hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại Ấn Độ Dương. Dưới vỏ bọc chiến dịch chống hải tặc, các tàu ngầm Trung Quốc đã và đang triển khai các chiến dịch độc lập nhằm tạo tiền đề và cơ sở vững chắc cho hoạt động luân chuyển lực lượng đồn trú thường trực tại vành đai Ấn Độ Dương (IOR).

Không thể phủ nhận các nhà hoạch định chính sách hàng hải của Trung Quốc đang khiến tình hình khu vực ngày càng trở nên phức tạp với các chiến dịch tàu ngầm. Hoạt động của tàu ngầm lớp Yuan tại Karachi là bước leo thang mới sau chuyến thăm tới Colombo vào tháng 10/2014, khi đó tàu ngầm lớp Song đã phải viện tới sự hỗ trợ của một tàu biển khác. Việc sử dụng tàu ngầm 335 lớp Yuan– được trang bị động cơ AIP, hệ thống động lực không dùng không khí và tăng cường khả năng hoạt động dưới biển– trong các hoạt động gần đây cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị cho kế hoạch đẩy mạnh các chiến dịch tàu ngầm tại Ấn Độ Dương. Trên thực tế, Hải quân Trung Quốc đã tối ưu hóa các quy trình hoạt động tiêu chuẩn, tăng cường diễn tập, bảo mật các thông tin liên quan đến đặc điểm địa lý và sinh học của các vùng biển và các số liệu thủy văn liên quan để đảm bảo sự hiện diện thường trực tại IOR.

Nhiều người cảm thấy ngạc nhiên khi Hải quân PLA tăng cường hiện diện tại IOR bởi Trung Quốc không có bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào trong khu vực. Tuy nhiên, việc nghiên cứu kỹ những diễn biến gần đây đã làm rõ phần nào nguyên nhân sâu xa. Các chiến dịch hàng hải liên tục được phát triển và nâng cấp là điều tất yếu xảy ra, trong đó duy trì hiện diện tại các vùng duyên hải là một yêu cầu then chốt. Điều này buộc Bắc Kinh phải triển khai chiến lược nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận và hoạt động an toàn tại những vùng biển tranh chấp. Hải quân Trung Quốc đã dựa vào học thuyết hàng hải của Mỹ, trong đó cho rằng các lực lượng hải quân có quyền “tự do hàng hải” tại những vùng biển ngoài khơi xa. Thay đổi trong hoạt động của hải quân Trung Quốc đã được chỉ rõ trong Sách trắng Quốc phòng 2015.

Hạm đội tàu ngầm ngày càng đóng một vai trò quan trọng hơn trong khuôn khổ hoạt động mới của Hải quân PLA. Bên cạnh việc bảo vệ các khu vực hàng hải chiến lược và thu thập thông tin tình báo, hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc còn có khả năng lẩn trốn hoặc cản trở và tấn công tàu ngầm của Ấn Độ tại vùng Ấn Độ Dương.

Bước chuyển quan trọng trong chiến lược hàng hải của Trung Quốc sang khuôn khổ hoạt động tại vùng “duyên hải” được phản ánh rõ nét qua tầm quan trọng của tàu ngầm lớp Yuan trong các hoạt động ngoài khơi của Hải quân PLA. Không chỉ phù hợp với các chiến dịch trên biển truyền thống như thu thập tin tức tình báo phục vụ hoạt động phòng vệ bờ biển, thiết kế tân tiến của loại tàu ngầm này cho phép trang bị tên lửa hành trình chống hạm và khả năng tấn công mục tiêu trên bộ- những năng lực rất quan trọng trong trường hợp nổ ra xung đột.

Không chỉ vậy, mối quan hệ ngày càng được củng cố giữa Trung Quốc và Pakistan là nguyên nhân khiến Ấn Độ không khỏi quan ngại. Điều đặc biệt đáng chú ý là ở chỗ, mối quan hệ đối tác giữa lực lượng hải quân Pakistan và Trung Quốc có thể giúp mở rộng tầm với của Hải quân PLA ra xa hơn vùng Đông Á, về phía mà Trung Quốc gọi là “các vùng biển xa”. Bên cạnh các hoạt động thường xuyên- như duy trì và đảm bảo tuyến liên lạc trên biển, cung cấp hỗ trợ nhân đạo và cứu nạn thiên tai, tiến hành các cuộc trao đổi giữa lực lượng hai nước– hải quân Pakistan có thể góp phần giúp quân PLA đảm bảo ảnh hưởng và quyền lực tại vùng duyên hải Đông Nam Á. Quy mô của các hoạt động liên quan đến hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc tại vùng duyên hải Ấn Độ Dương không ngừng mở rộng cũng như việc tăng cường triển khai tàu đổ bộ là dấu hiệu cho thấy vành đai Ấn Độ Dương trong thời gian tới khó có thể sóng yên bể lặng.

Các hoạt động quân sự chung của Ấn Độ trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ tập trung vào việc đối phó với sự hiện diện ngày càng tăng của hải quân Trung Quốc tại các vùng duyên hải châu Á. Nếu các thông tin truyền thông là đáng tin cậy thì cuộc tập trận hải quân Malabar giữa Ấn Độ và Mỹ tại Vịnh Bengal vào cuối tháng này sẽ chú trọng hơn vào các hoạt động cứu trợ nhân đạo và thiên tai, đồng thời bao gồm cả các chiến dịch chiến tranh chống hạm và phòng không. Tóm lại, các cuộc tập trận sắp tới được xem là một phần trong nỗ lực quy mô lớn của khu vực nhằm đảm bảo cân bằng quyền lực hàng hải ở châu Á- Thái Bình Dương.

Theo The Diplomat

Văn Cường (gt)