Khi Ấn Độ phóng thành công một vệ tinh giá thành thấp lên Sao Hỏa hồi tháng 9 năm ngoái, một công ty truyền thông đã không tránh khỏi việc so sánh nước này với Trung Quốc. Mặc dù "voi Ấn Độ" bị "rồng Trung Quốc" bỏ lại sau trong hầu hết mọi lĩnh vực, trang mạng của NDTV cho rằng ít nhất New Delhi đã dẫn trước Bắc Kinh trong cuộc đua tới hành tinh Đỏ. Còn tại Trái Đất, , Ấn Độ có thể cũng bắt đầu vượt Trung Quốc. Sau nhiều năm ngưỡng mộ người láng giềng bên kia dãy Himalaya về tốc độ tăng trưởng, giờ đây Ấn Độ đang có triển vọng thực sự vượt Trung Quốc về khía cạnh này mà sự thay đổi đó có thể đến ngay trong năm sau. Điều này sẽ đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới sau nhiều thập kỷ bị cái bóng Trung Quốc che khuất. 

Kỳ vọng này không phải thái quá. Trong nhiều năm người ta đã quen với một Trung Quốc đạt mức tăng trưởng hai con số. Nhưng giờ đây, tốc độ tăng trưởng của quốc gia đông dân nhất thế giới đang chậm lại. Lực lượng lao động của Trung Quốc đang co lại và ngành chế tạo đang mất dần thế mạnh. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng cần phải thay đổi mô hình tăng trưởng dựa quá nhiều vào tín dụng và đầu tư vào năng lượng. Tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm xuống dưới 7,5% và sớm muộn gì Bắc Kinh cũng sẽ phải chấp nhận mức tăng trưởng xê dịch trong khoảng 6-7%. 

Trong khi đó, Ấn Độ có thể chuẩn bị bước vào một con đường ngược lại. Một báo cáo của ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs nói rằng Ấn Độ đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới. Nền kinh tế đang ở trong tình trạng tốt hơn. Thâm hụt tài chính và tài khoản vãng lai cũng như lạm phát đều đã giảm. Giá dầu rẻ đang mang lại lợi ích cho Ấn Độ. Bên cạnh đó, nước này cũng có động lực chính trị mạnh. Mặc dù một số người có thể thất vọng với sự khởi đầu có phần rụt rè của Thủ tướng Narendra Modi song nhìn chung bầu không khí hiện thời là lạc quan. Trên lý thuyết, sẽ không mất nhiều thời gian để nền kinh tế Ấn Độ trở lại vận hành hiệu quả hơn sau một số năm trì trệ, khi mức tăng trưởng tụt xuống còn 5.

Vậy khi nào Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc? Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, đó sẽ là năm 2017, khi Ấn Độ đạt mức tăng trưởng 7% và Trung Quốc là 6,9%.

Tuy vậy, đấy là về mặt lý thuyết và dự báo. Còn trong thực tế, tờ "Thời báo Tài chính" nhấn mạnh hai yếu tố có thể cản trở Ấn Độ lúc này. 

Trước tiên, Thủ tướng Modi có thể thấy rằng việc dỡ bỏ nút thắt cổ chai khó hơn ông tưởng. Những cải cách nhằm thúc đẩy ngành chế tạo hay khuyến khích đầu tư vốn ở tầm quốc gia có thể khó thực hiện hơn trước đây khi ông lãnh đạo bang Gujarat. Bên cạnh đó, một số cải cách, ví dụ như nới lỏng các quy định về quyền sở hữu của nước ngoài đối với các công ty bảo hiểm, có thể không phải là những "giải pháp thần kỳ" như các nhà vận động hành lang tuyên bố.

Thứ hai và có lẽ là nguyên nhân căn bản hơn, nền dân chủ ở Ấn Độ vẫn bị bó buộc trong cuộc chiến ý thức hệ tìm kiếm sự cân bằng giữa mục tiêu theo đuổi tăng trưởng và bảo vệ môi trường. Cuộc tranh cãi này đang diễn ra tại các tòa án và các nơi công cộng, có thời điểm rất dữ dội. Trong những tháng gần đây, một báo cáo bị rò rỉ của cơ quan tình báo Ấn Độ cho rằng các tổ chức phi chính phủ được nước ngoài ủng hộ đang sử dụng những lo ngại về môi trường làm cái cớ để cản trở sự phát triển của Ấn Độ. Gạt sang một bên các thuyết âm mưu, xung đột giữa các nhà hoạt động môi trường với các tập đoàn công nghiệp đã khiến nhiều dự án bị treo. Tập đoàn Posco của Hàn Quốc đã phải "chiến đấu" với cư dân địa phương nhiều năm nay nhằm thực hiện kế hoạch xây dựng một nhà máy thép trị giá 12 tỷ USD ở bang Orissa miền Đông Ấn Độ. Vedanta, một công ty khai mỏ ở trong nước, cũng đã không xin được giấy phép khai thác mỏ bô-xít cũng ở bang này bởi người dân địa phương coi những ngọn đồi nằm cạnh đó là khu vực linh thiêng. Cân bằng giữa tham vọng tăng trưởng với các lợi ích hợp pháp khác xem ra vẫn là bài toán chưa có lời giải ở Ấn Độ. 

Theo Financial Times

Trần Quang (gt)