Các quan chức Ấn Độ cho biết Ấn Độ sẽ thiết lập một trạm thu thập, phân tích hình ảnh và số liệu từ vệ tinh tại thành phố Hồ Chí Minh, việc có thể giúp Hà Nội tiếp cận được các hình ảnh chụp từ các vệ tinh theo dõi Trái đất của Ấn Độ bao trùm toàn bộ khu vực, gồm cả Trung Quốc và Biển Đông.

Động thái trên, có thể khiến Bắc Kinh nổi giận, càng làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam - hai nước đều có các tranh chấp lãnh thổ từ lâu với Trung Quốc. Mặc dù được gán mác dân sự - bởi các vệ tinh quan sát Trái đất này được thiết kế phục vụ nông nghiệp, khoa học và môi trường - song giới chuyên gia an ninh cho rằng công nghệ chụp hình được cải tiến đồng nghĩa rằng các hình ảnh chụp từ các vệ tinh này cũng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. Theo các chuyên gia, Hà Nội đang đặc biệt tìm kiếm các công nghệ thu thập thông tin tình báo, giám sát và do thám tiên tiến trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc dâng cao liên quan tới tranh chấp trên Biển Đông.

Collin Koh, chuyên gia về an ninh hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, nói: “Xét về khía cạnh quân sự, động thái này mang ý nghĩa khá quan trọng. Đây dường như là sự hợp tác có lợi cho cả hai bên, giúp lấp các lỗ hổng của Việt Nam đồng thời tăng cường khả năng theo dõi cho Ấn Độ”.

Về phần mình, các quan chức Ấn Độ cho biết Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) do nhà nước quản lý sẽ chi trả và thiết lập trung tâm này để thu thập những hình ảnh từ các vệ tinh được Ấn Độ phóng lên vũ trụ. Truyền thông Ấn Độ cho biết chi phí lắp đặt là khoảng 23 triệu USD. Ấn Độ - quốc gia đang thúc đẩy chương trình vũ trụ vốn được khởi động từ 54 năm trước - với mỗi tháng có một vệ tinh được phóng lên quỹ đạo, hiện có các trạm như vậy tại các đảo Andaman và Nicobar ở Ấn Độ Dương, Brunei, đảo Biak ở miền Đông Indonesia và Mauritius. Tuy nhiên, một quan chức Chính phủ Ấn Độ, yêu cầu giấu tên, liên quan đến chương trình không gian vũ trụ của Ấn Độ cho biết không giống như ở các nước khác, Việt Nam có thể sử dụng các hình ảnh thu được (để đổi lấy việc Hà Nội đã cho New Delhi sử dụng địa điểm này). Quan chức này nói: “Đây đại loại là ‘điều kiện trao đổi’ có thể giúp Việt Nam tiếp nhận các hình ảnh viễn thám của Ấn Độ một cách trực tiếp mà không cần xin phép Ấn Độ. Rõ ràng rằng các hình ảnh này sẽ bao gồm các khu vực mà Việt Nam quan tâm”.

Các chuyên gia an ninh cho rằng các căn cứ hải quân ở ngoài khơi Trung Quốc, hoạt động của lực lượng giám sát bờ biển và hải quân cũng như các đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới xây ở khu vực quần đảo Trường Sa sẽ là các mục tiêu mà Việt Nam quan tâm. Một quan chức Ấn Độ khác cho biết Dew Delhi cũng sẽ tiếp cận các hình ảnh này.

Theo ISRO, Ấn Độ có 11 vệ tinh quan sát Trái đất trên quỹ đạo có thể cung cấp các bức ảnh có độ phân giải cao và trên các phạm vi khác nhau. Các quan chức Ấn Độ không cho biết thời gian khi nào trung tâm này sẽ đi vào hoạt động và chỉ nói: "Mọi việc đang ở giai đoạn đầu, chúng tôi vẫn đang thảo luận với giới chức Việt Nam".

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã xác nhận về dự án này song không cung cấp nhiều thông tin chi tiết.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì cho biết trạm này không phải là một vấn đề quân sự. Còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa đưa ra bình luận gì.

Năm 2013, Việt Nam đã phóng vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của mình, song Koh cho rằng nó không chụp được những hình ảnh có độ phân giải cao.

Các chuyên gia an ninh cho biết Việt Nam có thể sẽ tìm cách tiếp cận nhanh những hình ảnh từ các vệ tinh của Ấn Độ cũng như đẩy nhanh việc đào tạo phân tích hình ảnh từ vệ tinh, một lĩnh vực tình báo chuyên biệt. Trevor Hollingsbee, từng là nhà phân tích thông tin tình báo phục vụ Hải quân Anh, nhận xét: “Tiến bộ công nghệ làm cho ranh giới giữa các vệ tinh dân sự và quân sự bị xóa nhòa. Trong một vài trường hợp, hình ảnh từ một vệ tinh dân sự hiện đại đủ tốt để sử dụng cho mục đích quân sự”.

Theo Koh và các chuyên gia khác, các vệ tinh do thám quân sự tinh vi có thể dùng để thu thập những thông tin quân sự cũng như chụp được những hình ảnh rõ tới từng chi tiết các đối tượng trên mặt đất.
Trạm này sẽ là trạm của nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam và ra đời sau các thỏa thuận khác giữa Hà Nội và New Delhi nhằm củng cố mối quan hệ an ninh. Ấn Độ đã dành cho Việt Nam một khoản tín dụng 100 triệu USD để mua tàu tuần tra và đang đào tạo các thủy thủ tàu ngầm cho Việt Nam ở Ấn Độ , còn Viêt Nam đã để Ấn Độ được phép thăm dò dầu khí ngoài khơi Việt Nam.

Theo các quan chức quân sự, dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã thể hiện mạnh mẽ hơn mong muốn thúc đẩy quan hệ an ninh với các nước như Việt Nam, bất chấp quan ngại rằng điều này sẽ khiến Trung Quốc khó chịu. Cả Ấn Độ và Việt nam cũng đang hiện đại hóa quân đội của mình để đối mặt với sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Học giả Carl Thayer, người đã nghiên cứu về quân đội Việt Nam từ cuối những năm 1960, cho rằng việc xây dựng trạm này cho thấy cả hai nước muốn tăng cường quan hệ an ninh. Ông nói: “Mối quan tâm của hai nước đều tập trung vào Trung Quốc và Biển Đông”.

Theo Reuters

Văn Cường (gt)