Bất kỳ cuộc đàm luận nào về hợp tác Mỹ-Trung đều khiến Ấn Độ lo lắng. Hai trường hợp gần đây nhất là tháng 6/1998, chỉ ít tuần sau khi Ấn Độ và Pakixtan tiến hành thử hạt nhân, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã tuyên bố ý định xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược và thúc đẩy nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân tại tiểu lục địa Nam Á. Niu Đêli giận dữ lên án ý đồ thiết lập một “chế độ quản lý chung” Trung-Mỹ tại châu Á. Tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Bắc Kinh hồi tháng 11/2009, ông Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố tìm cách ổn định tình hình tại Nam Á. Trong chuyến thăm Mỹ ba tuần sau đó, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã tìm kiếm sự cam kết của Tổng thống Mỹ rằng mối quan hệ đối tác giữa Oasinhtơn với Bắc Kinh sẽ không ảnh hưởng đến Niu Đêli.

Nhìn lại xa hơn chút nữa, trong những năm đầu của cuộc Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ luôn kêu gọi Mỹ và Liên Xô chấm dứt đối đầu và cùng tồn tại hòa bình. Khi Mỹ và Liên Xô tìm cách đạt được những mục tiêu đó trong những năm 70 của thế kỷ 20, Niu Đêli lại trở nên lo lắng về sự bá chủ của các siêu cường và phản đối các hiệp định hạt nhân giữa hai nước này. Động thái hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc thậm chí sẽ tạo nên những thách thức lớn hơn đối với Niu Đêli. Trong những năm 70 thế kỷ trước, Niu Đêli đã vô hiệu hóa ảnh hưởng của mối quan hệ “hữu nghị” Trung-Mỹ bằng cách thắt chặt quan hệ với Liên Xô. Ngày nay, Mátxcơva gần gũi Bắc Kinh hơn và không muốn đối trọng với một Trung Quốc đang nổi lên. 

Phản ứng của Ấn Độ đối với mối quan hệ hợp tác Mỹ-Trung trong thời kỳ mới phải dựa trên một số yếu tố. Niu Đêli phải thừa nhận rằng Trung Quốc ngày nay ở vị trí rất cao trong thứ bậc thế lực quốc tế. Ba thập niên phát triển kinh tế nhanh đã đưa Trung Quốc lên vị trí quan trọng thứ hai trên thế giới và giúp Bắc Kinh có ảnh hưởng chưa từng có trong các vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, trong khi Oasinhtơn đang buộc phải thăm dò bối cảnh chung để hợp tác với Bắc Kinh, sẽ không dễ dàng xây dựng một thỏa thuận toàn diện giữa Trung Quốc và Mỹ, nước đã định hình hệ thống quốc tế kể từ giữa thế kỷ qua. Do những mâu thuẫn sâu sắc giữa lợi ích của một thế lực “thống soái” và một thế lực đang nổi, tiến trình hòa hợp giữa hai nước này vẫn là một tiến trình khó khăn và dài lâu. 

Trong thời kỳ mới của quan hệ Mỹ-Trung, sẽ có cả mâu thuẫn lẫn hợp tác, Ấn Độ cần tăng cường hợp tác hơn với cả hai nước. Trong ba năm qua, Ấn Độ đã kiềm chế sự hợp tác với Mỹ nhằm tránh khiêu khích Trung Quốc. Song vụ binh sĩ Trung Quốc xâm nhập khu vực Ladakh do Ấn Độ kiểm soát hồi tháng 4 vừa qua đã nhắc nhở Niu Đêli về sự dại dột khi tự mình giữ khoảng cách với Oasinhtơn để xoa dịu Bắc Kinh. Thật thiếu khôn ngoan nếu Ấn Độ ngừng hợp tác với Trung Quốc do những căng thẳng vừa qua về biên giới. Khả năng của Ấn Độ về xử lý các vấn đề biên giới sẽ chỉ được cải thiện nếu có một cơ sở hợp tác sâu hơn với Bắc Kinh trong những lĩnh vực khác. 

Trong vài tuần tới, Thủ tướng Manmohan Singh sẽ có cơ hội để đẩy mạnh hợp tác với Mỹ và Trung Quốc. Bắc Kinh tạo nhiều thách thức đối với an ninh quốc gia Ấn Độ hơn Oasinhtơn. Trung Quốc bóp chặt những tham vọng khu vực và toàn cầu của Ấn Độ, trong khi Mỹ trong những năm gần đây đã ủng hộ tích cực hơn các mục tiêu quốc tế của Ấn Độ. Chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào cuối tháng 6 này và chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ vào cuối năm nay là những cơ hội tốt để tạo nên những động lực mới trong quan hệ với Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony và Cố vấn An ninh Quốc gia Shivshankar Menon cũng dự kiến chuẩn bị tới Trung Quốc. Trong chuyến đi này họ phải hối thúc Bắc Kinh tôn trọng các cam kết trước đây để duy trì hòa bình và yên tĩnh dọc biên giới Ấn-Trung. 

Ngoài việc đẩy mạnh quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, Niu Đêli cần làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước bạn bè và đối tác tại châu Á, nâng vị thế của mình trong khu vực. Đây là cách duy nhất để Ấn Độ định hình cán cân lực lượng ở châu Á và bảo về lợi ích của mình trước ảnh hưởng của mối quan hệ Trung-Mỹ. Niu Đêli không thể bám đuôi Bắc Kinh về những vấn đề toàn cầu như họ từng làm trong những năm gần đây, mà cần tăng cường tham vấn với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản về các vấn đề toàn cầu để tạo nên sự cân bằng lớn hơn. 

Tác giả là học giả Ấn Độ C. Raja Mohan, thuộc quỹ “Observer Research Foundation.” Bài viết đăng trên The Indian Express”.

Mỹ Anh (gt)