Ông Mohan cho rằng sẽ phải mất một thời gian để Trung Quốc biến chiếc tàu Variag mua từ Ucraina trở thành một tàu sân bay được trang bị đầy đủ, và hải quân nước này học được cách vận hành thành thạo một trong những hệ thống vũ khí phức tạp nhất này. Tuy nhiên, giới lãnh đạo chính trị và quân sự Ấn Độ có thể coi thường ý nghĩa quan trọng của sự kiện trên trong cuộc cách mạng quân sự của Trung Quốc, nhưng điều đó sẽ là một sự mạo hiểm rất nguy hiểm đối với an ninh quốc gia của Ấn Độ. Bởi vì, tàu sân bay của Trung Quốc báo hiệu một kỷ nguyên mới trong môi trường hàng hải châu Á và sự thay đổi rõ ràng cán cân quyền lực ở khu vực. 

Tàu sân bay là biểu tượng mong muốn của Bắc Kinh về mở rộng quyền lực trên biển và trở thành một cường quốc trên thế giới. Trong nhiều thế kỷ qua, Trung Quốc chủ yếu là một cường quốc trên đất liền. Hoạt động hàng hải tích cực của nước này diễn ra gần ở thế kỷ 15. Sau khi Mao Trạch Đông thành lập nước Trung Quốc cộng sản năm 1949, nhiệm vụ đầu tiên của ông là thống nhất quốc gia vốn bị tan vỡ sau cuộc nội chiến trong nửa đầu của thế kỷ 20 và đặt các vùng ở xa trung tâm Trung Quốc dưới sự kiểm soát chính trị của Bắc Kinh. Sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc cuối những năm 1970 và tạo ra sự phát triển kinh tế thần kỳ, Bắc Kinh đã thành công trong việc mở rộng tăng trưởng và phát triển tới các khu vực biên giới ở phía Tây Trung Quốc. Thế hệ lãnh đạo Trung Quốc hiện nay đang quyết tâm biến Trung Quốc trở thành một cường quốc hàng hải. Bắc Kinh hiện nhấn mạnh tới “các sứ mệnh lịch sử” của hải quân Trung Quốc không chỉ hạn chế ở việc sáp nhập Đài Loan vào Trung Quốc đại lục – nhiệm vụ cuối cùng của sự nghiệp thống nhất đất nước. 

Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một hạm đội các tàu sân bay – ít nhất có hai chiếc đang được Trung Quốc tự đóng – như một phần của chiến lược hiện đại hoá hải quân nhằm 3 mục tiêu khác nhau ngoài sáp nhập Đài Loan. Mục tiêu thứ nhất, Trung Quốc muốn phá vỡ môi trường hàng hải bất lợi mà họ phải đương đầu lâu nay tại Tây Thái Bình Dương. Không giống như Ấn Độ có đường mở tự do thông ra đại dương, Trung Quốc bị hạn chế bởi hàng loạt đảo chạy dài xuống phía Nam từ Nhật Bản tới Philíppin và Đài Loan – tất cả đều là đồng minh của Mỹ- và sự có mặt của hải quân Mỹ ở phía trước. Không có gì ngạc nhiên rằng Trung Quốc muốn đẩy hải quân Mỹ lùi xa khỏi khu vực biển gần nước họ. Tiến trình hiện đại hoá hải quân Trung Quốc diễn ra ở thời điểm khi khái niệm về “sự suy giảm tương đối của Mỹ” được củng cố tại châu Á. Bất chấp việc Mỹ khẳng định rằng họ vẫn sẽ là một cường quốc ở châu Á, song quy mô hạm đội Mỹ tại khu vực này đã nhanh chóng bị thu hẹp sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và làm tăng những lo ngại về độ tin cậy của chiến lược hải quân của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương. Mục tiêu thứ hai, sự phát triển nhanh chóng của hải quân Trung Quốc cũng diễn ra ở giai đoạn khi tranh chấp lãnh thổ trên biển với các nước láng giềng châu Á, trong đó có Nhật Bản, Việt Nam và Philíppin, ở Đông Hải và Biển Đông đã tăng lên mức độ căng thẳng mới kể từ năm ngoái đến nay. 

Do các nguồn năng lượng ở ngoài khơi tại các khu vực biển tranh chấp này làm phức tạp môi trường an ninh đang thay đổi ở châu Á, nhiều nước láng giềng của Trung Quốc tìm kiếm sự trợ giúp từ Mỹ và các nước khác, trong đó có Ấn Độ. Mục tiêu thứ 3, các tàu sân bay về bản chất là thể hiện quyền lực. Việc Bắc Kinh tập trung xây dựng các tàu sân bay là phản ứng tự nhiên đối với nhu cầu bảo đảm an ninh lợi ích ngày càng tăng lên của họ tại các vùng biển xa Trung Quốc. Chiến lược hải quân của Trung Quốc hiện nay không hề khác với chiến lược của Mỹ ở giai đoạn giao thời ban đầu của thế kỷ 20. Sau khi mở rộng chủ quyền lãnh thổ tới vùng ven biển Thái Bình Dương và trở thành cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới, Oasinhtơn đã quay sang tập trung tới các vùng biển nước sâu.

Tương tự như vậy, tầm nhìn hải quân đầy tham vọng của Trung Quốc có nguồn gốc từ vị thế mới của nước này như một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và quốc gia thương mại hàng đầu. Bắc Kinh cần thị trường xuất khẩu và các nguồn tài nguyên của thế giới – năng lượng, các nguồn khoáng sản- nhằm bảo đảm và cải thiện đời sống của dân chúng mà cơ sở tính hợp pháp của Đảng cộng sản Trung Quốc phải dựa vào đó. Bắc Kinh cần bảo vệ khả năng tiếp cận của họ đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở khắp các ngõ ngách xa trên thế giới và bảo đảm an toàn cho các tuyến giao lưu hàng hải để chuyển các nguồn tài nguyên tới các nhà máy của Trung Quốc. Do vậy, quyết định của Bắc Kinh xây dựng lực lượng hải quân lớn và hùng mạnh, đằng sau những nỗ lực của họ là có tính lôgích và không thể đảo ngược. 

Gần 6 thập kỷ trước đây, Ấn Độ đã chậm chạp trong việc phản ứng với việc Trung Quốc tăng cường củng cố lãnh thổ tại Tây Tạng và Nội Mông, và đã phải trả giá đắt trên đường biên giới ở khu vực Himalaya. Kết quả chiến lược của việc Trung Quốc hiện đại hoá kinh tế và phát triển hạ tầng cơ sở tại Tân Cương, Tây Tạng và Vân Nam trong một thập kỷ rưỡi qua một lần nữa lại khiến Niu Đêli kinh ngạc. Thậm chí ngay cả khi đang phải vật lộn với việc khôi phục lại sự kết nối và tăng cường phát triển ở khu vực Đông-Bắc, Ấn Độ hiện giờ phải đối phó với sự tăng cường có mặt của hải quân Trung Quốc ở các vùng biển phía Nam. Niu Đêli có thực sự chuẩn bị đối phó hiệu quả với bước thay đổi mới có ý nghĩa trong chiến lược lớn của Trung Quốc hay không? 

Lợi ích của Trung Quốc đang tăng lên ở Ấn Độ Dương – từ việc xây dựng các hải cảng và các công trình hạ tầng khác tại Pakixtan, Xri Lanca và Mianma cho tới triển khai các đơn vị hải quân chống cướp biển ở vịnh Ađen – tất nhiên khiến Niu Đêli lo lắng. Tuy nhiên, tương tự như ở các lĩnh vực khác, phản ứng chính sách của Niu Đêli luôn chậm chạp và không kiên quyết. Trong khi Trung Quốc sẽ mất một thời gian nào đó để thực hiện chiến lược tạo cho họ vị thế cường quốc tại Ấn Độ Dương, Ấn Độ có tầm nhìn hạn chế về phối hợp hành động tại Ấn Độ Dương và tăng cường vai trò hải quân của mình tại Thái Bình Dương. Điều đó liên quan tới việc phát triển công nghiệp cho hải quân, tăng cường các khả năng tạo quyền lực của Ấn Độ, đàm phán để tạo ra các quan hệ an ninh vững chắc với các nước vùng ven Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và chấm dứt sự can dự ngập ngừng hiện nay của Hải quân Ấn Độ với các cường quốc khác như Mỹ. 

Điều quan trọng không kém là khẩn trương và chủ động tiến hành đối thoại về an ninh hàng hải thực chất với Trung Quốc, nước sẵn sàng trở thành láng giềng hàng hải của Ấn Độ ở phía Nam. Do Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành các quốc gia thương mại và cường quốc biển, hai nước có mọi lý do để tránh xảy ra xung đột hải quân và tìm kiếm những biện pháp cùng với các nước khác xây dựng một trật tự tốt tại các vùng biển ở châu Á./.

Theo Indianexpress (12/8)

Mỹ Anh (gt)