Theo chuyên gia Boris Volkhonski thuộc Viện nguyên cứu chiến lược Nga, dưới thời Xôviết, có một mệnh đề chính trị khá thông dụng như sau: “Ấn Độ Dương - khu vực của hòa bình”. Câu nói đó phần nào phản ánh không chỉ hiện thực đời sống hồi bấy giờ, mà còn thể hiện nguyện vọng của ban lãnh đạo đất nước Xôviết. Mátxcơva nâng cao cảnh giác trước những toan tính của phương Tây, vốn luôn tìm cách mở rộng sự hiện diện hải quân của họ trên Ấn Độ Dương. 

Sau đó, cùng với sự sụp đổ của Liên Xô và mối quan tâm của các nhà chính trị chủ chốt trên thế giới chuyển đến các khu vực khác, Ấn Độ Dương dường như tạm thời bị người ta lãng quên. Và, như nhận xét của nhiều chuyên gia nói rằng quên như vậy là vô ích: chính ở đây các tiến trình với đã chín muồi sứ mệnh trở thành địa bàn chủ đạo trong nền chính trị thế giới thế kỷ XXI. Chẳng hạn, nhà khoa học chính trị người Mỹ nổi tiếng Robert Kaplan đã có công trình nghiên cứu với tiên đoán rằng “Ấn Độ Dương sẽ trở thành vũ đài chính của cuộc đọ sức địa chính trị trong thế kỷ XXI”. Luận đề này ngày càng được bổ sung thêm nhiều bằng chứng khẳng định. Chuyên gia Boris Volkhonski từ Viện nghiên cứu chiến lược Nga nhận xét: “Nếu xem xét luận đề của Kaplan trong bối cảnh ngày nay, thì có thể hiểu như là tiềm năng bùng phát cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng trong vùng Ấn Độ Dương giữa hai cường quốc khu vực là Ấn Độ và Trung Quốc. Cuộc đọ sức đó đã diễn ra suốt mấy thập kỷ nay và đặc biệt gay gắt trong tương quan với kế hoạch của Trung Quốc về xây dựng cảng biển ở Pakixtan, Xri Lanka, Bănglađét và Mianma, mà như nhận định của một số chuyên gia, việc thực thi kế hoạch sẽ khiến cho những năm tới Ấn Độ sẽ bị bao vây bởi hàng loạt căn cứ hải quân của Trung Quốc”. 

Ấn Độ Dương - không phải là vùng biển duy nhất mà Trung Quốc bảo lưu mối quan hệ căng thẳng với các nước láng giềng. Chỉ cần nhớ lại những căng thẳng gần đây trong quan hệ của Trung Quốc với các nước liên quan đến Biển Đông. Và, tất nhiên, cũng không nên quên vấn đề Đài Loan. Nhưng chính Ấn Độ Dương có ý nghĩa chiến lược dài hạn đối với Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực. Bởi thông qua vùng biển này là tuyến vận chuyển hàng hóa cơ bản từ Trung Đông đến vùng Đông Á, đặc biệt là năng lượng. 

Mới đây có thông báo rằng chiếc tàu sân bay đầu tiên trong lịch sử hải quân Trung Quốc đã thực hiện hành trình thử nghiệm. Sự kiện đó tác động đến tình hình chung như thế nào? Chuyên gia Boris Volkhonski nêu ý kiến đánh giá như sau: “Các láng giềng của Trung Quốc đã nhanh chóng tỏ thái độ trước động thái này. Đài Loan lập tức thông báo đang sở hữu tên lửa có khả năng tiêu diệt mọi mục tiêu nổi trên mặt nước (không ngẫu nhiên mà những tên lửa này còn được mệnh danh là “sát thủ của tàu sân bay”). Còn Ấn Độ thể hiện sự lo ngại đặc biệt. Rõ ràng vai trò chi phối tình hình thế giới ngày nay tiềm ẩn ở mâu thuẫn đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ, trong đó, Mỹ không muốn phô trương chiến lược đối kháng trực tiếp với Trung Quốc. Vì thế Oasinhtơn cố gắng chăm lo tối đa để qui tụ đồng minh tại các khu vực khác nhau. Trong khi đó, vốn là nước có nợ nần cũ với Trung Quốc, Ấn Độ hoàn toàn phù hợp vai trò này. Còn Trung Quốc tuy không có lối tiếp cận thẳng ra Ấn Độ Dương nhưng vẫn thi hành những bước đi ráo riết để hóa giải thế lực của Ấn Độ trong khu vực”. 

Và thế là giờ đây việc triển khai xây dựng các căn cứ tiềm năng cho hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương đã được hỗ trợ bằng hoạt động thử nghiệm chiếc tàu sân bay đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Bản thân các tàu sân bay dù khổng lồ đến đâu cũng khó có khả năng làm thay đổi tận gốc rễ cán cân lực lượng quân sự trên Ấn Độ Dương. Nhưng như nhiều chuyên viên nhận xét, thử tàu sân bay chỉ là động thái tượng trưng của Bắc Kinh, nhằm chứng tỏ rằng Trung Quốc không chỉ muốn tham gia cuộc đấu, mà còn sẵn sàng bám trụ thống trị ở khu vực này bằng lực lượng quân sự hùng hậu. Tức là, tình hình đang tiến triển hầu như hoàn toàn phù hợp với kịch bản mà Robert Kaplan đã phác thảo trước kia./.

  Theo "Đài tiếng nói nước Nga"

 Vũ Hiền (gt)