Trước chuyến thăm của TTh Mỹ Barack Obama tới Ấn Độ vào đầu tháng tới, các quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ đã cho biết họ muốn Ấn Độ đảm nhận vai trò “năng động hơn” tại châu Á trong hợp tác an ninh, chính trị và thương mại. Những bình luận của Mỹ được đưa ra đồng thời với chuyến thăm của TTg Ấn Độ Manmohan Singh tới Nhật Bản trong lịch trình đầu tiên của chuyến đi theo chiến lược “hướng Đông” mà điểm đến tiếp theo sẽ là Việt NamMalaysia trong tuần này. TTg Ấn Độ và TTg Nhật Naoto Kan đã kết thúc những đàm phán về một hiệp định hợp tác kinh tế tạo điều kiện gia tăng những đầu tư của Nhật tại nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của Ấn Độ cũng như giúp giảm sự phụ thuộc của Nhật Bản vào thị trường Trung Quốc.

 

Hiện Mỹ đang thúc đẩy Ấn Độ nâng cao vai trò của mình tại khu vực châu Á với tư cách là một trong những nền dân chủ hàng đầu và nền kinh tế lớn nhất nhằm đối trọng với một Trung Quốc đầy tham vọng. Vậy việc Mỹ thúc đẩy vai trò của Ấn Độ phải chăng là một nỗ lực tái cân bằng mối quan hệ của Washington với New Delhi và Bắc Kinh? Hay xuất phát từ chính nhu cầu của Ấn Độ trước những bước đi bành trướng và táo bạo của Trung Quốc. Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia lớn của châu Á trong một trật tự thế giới đa cực đang nổi lên và liệu châu Á “có đủ chỗ cho cả hai nước phát triển bên nhau”?

 

Trung Quốc và Ấn Độ hiểu quá rõ về nhau, trong khi Ấn Độ lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng lên của Trung Quốc tại các nước láng giềng như Bangladesh và Myanmar và mối quan hệ tiếp tục gần gũi với Pakistan, cũng như việc Trung Quốc xây dựng thiết bị nhạy cảm tại Ấn Độ Dương (căn cứ và cảng quân sự tại Myanmar và Pakistan), gia tăng đầu tư về kinh tế bao vây Ấn Độ, chưa đồng ý với nguyện vọng của Ấn Độ muốn trở thành thành viên thường trực HĐBA - một địa vị ngang bằng với Trung Quốc, thì lo ngại lớn nhất của Trung Quốc đến từ việc Ấn Độ và Mỹ ngày càng xích lại gần nhau, sự ủng hộ của Ấn Độ cho chính quyền lưu vong Tây Tạng và thực lực hải quân không ngừng gia tăng của Ấn Độ tại Ấn Độ Dương. Ngoài ra, hai nước cũng đang cạnh tranh nhau quyết liệt giành nguồn năng lượng cho hai nền kinh tế đang bùng nổ.

 

Việc Ấn Độ ngày càng muốn thể hiện vai trò và vị thế của mình tại châu Á, phần nào nhận được sự ủng hộ của Mỹ và các nước nhỏ trong khu vực với mong muốn Ấn Độ trở thành đối trọng với một Trung Quốc tham vọng và hiếu chiến.

 

Nguồn: The Post Today

 

Minh Thảo - cộng tác viên từ Ấn Độ (gt)

 

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)