Yogesh Joshi nhấn mạnh sự chuyển đổi quyền lực trong thế kỷ 21 từ Tây sang Đông không chỉ giới hạn ở Trung Quốc mà sang cả Ấn Độ. Với nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng nhanh ngay cả trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây với nhịp độ 8-9% hàng năm. Với hơn 60% dân số trẻ dưới tuổi 35, Ấn Độ đang có một lợi thế khổng lồ về dân số để phát triển. Nguồn tài lực và nhân lực giàu có này cũng làm tăng khao khát của Ấn Độ về sức mạnh quân sự. Chi phí quốc phòng của Ấn Độ hàng năm ở mức 30 tỷ USD, chiếm 2% chi phí quân sự toàn cầu, biến Ấn Độ thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Từ năm 2006-2010, Ấn Độ chiếm 9% tổng buôn bán vũ khí toàn cầu. Sau hiệp định hạt nhân dân sự với Mỹ, Ấn Độ trên thực tế đã trở thành nước sở hữu vũ khí hạt nhân và hầu như tất cả các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ đều chấp nhận tư cách ứng cử viên của Ấn Độ vào ghế thành viên thường trực hội đồng này.

Không giống đối với Trung Quốc, hầu như không nước nào cảm thấy bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của Ấn Độ. Hội chứng mối đe dọa Trung Quốc được khẳng định trên thực tế địa chính trị mới. Việc Trung Quốc lớn tiếng thề thốt rằng sự trỗi dậy của họ "không ảnh hưởng tới ai" cho thấy Trung Quốc lo ngại tác động tiêu cực từ nhận thức về một Trung Quốc thù địch với thế giới. Trái lại, sự trỗi dậy của Ấn Độ lại được thế giới hoan nghênh và được coi là đối trọng cần thiết đối với Trung Quốc và là dấu hiệu về một thế giới quân bình đang hình thành. Việc không xuất hiện một bài phân tích nào về vai trò toàn cầu của Ấn Độ cho thấy ngay cả ban lãnh đạo Ấn Độ cũng tin rằng sự trỗi dậy của Ấn Độ hoàn toàn vì hòa bình.

Yogesh Joshi nhấn mạnh câu hỏi tại sao một nước Ấn Độ đang trỗi dậy không bị coi là mối đe dọa như Trung Quốc? Trước hết Ấn Độ là nền dân chủ lớn nhất thế giới trong khi Trung Quốc là chế độ độc tài chuyên chế. Sự dân chủ của Ấn Độ tạo ra hình ảnh cực kỳ tích cực trên thế giới, đặc biệt đối với các nền dân chủ tự do, đặc biệt dễ nhận thấy trong quan hệ thân thiện và đầm ấm mới đây giữa Mỹ và Ấn Độ. Dân chủ ở Ấn Độ là nguồn sức mạnh mềm quan trọng nhất trong khi hệ thống chính trị mờ ám của Trung Quốc nhân lên gấp bội mối đe dọa Trung Quốc. 

Hai là trong khi sự hợp pháp của Chính phủ Ấn Độ dựa trên ý chí tự do của nhân dân, Chính quyền Trung Quốc kiếm được quyền lực nhà nước từ chính sách cảnh sát trị đối với công dân nước họ và khả năng của chính quyền này thỏa mãn nhu cầu vật chất ngày càng tăng lên của công dân. Các nước đều lo ngại Chính quyền Trung Quốc cuối cùng sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại dân tộc cực đoan và hiếu chiến nếu bị mất niềm tin ở trong nước. Lo ngại này đã có bằng chứng từ sự phản đối chống Nhật Bản được Chính quyền Trung Quốc dấy lên trên khắp nước này. 

Cuối cùng, như các học giả Stephen Cohen và Sunil Dasgupta lập luận trong cuốn "Vũ trang không có mục đích" của họ, Ấn Độ đang thực hiện chính sách kiềm chế chiến lược đối với các vấn đề an ninh. Ngay sau khi giành thắng lợi hoàn toàn với Pakixtan trong cuộc giải phóng Bangladesh, Ấn Độ cũng không gây sức ép với Pakistan trong vấn đề Kashmir trong khi Trung Quốc cực kỳ manh động trong các vấn đề mà họ cho là sống còn đối với chủ quyền của họ. Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan, đảo Điếu Ngư, Biển Đông là những minh chứng cho thấy sự manh động của Trung Quốc. Đe dọa sử dụng vũ lực nếu tranh chấp không được giải quyết hòa bình và có lợi cho Trung Quốc luôn thường trực trong tư duy của người Trung Quốc. 

Tuy nhiên, Yogesh Joshi lưu ý nhân tố có thể làm phức tạp sự trỗi dậy hòa bình của Ấn Độ. Ấn Độ vẫn không đủ sức mạnh để đối phó với mối đe dọa nghiêm trọng từ các cường quốc chi phối khác. Trong khi Trung Quốc đã đạt được mức độ độc lập tương đối về các vấn đề toàn cầu, sự phát triển của Ấn Độ nay vẫn phụ thuộc vào các cường quốc khác. Các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ không băn khoăn gì về trật tự thế giới đương đại ngay cả khi thế giới quan của họ mâu thuẫn với phương Tây. Bằng chứng là bế tắc của Vòng đàm phán Đôha và sự chỉ trích của Ấn Độ về sự can thiệp của phương Tây vào Trung Đông. Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy các nước mới trỗi dậy dễ có xu hướng gây hấn. Tính chất của cường quốc đang lên đã chậm chạp thấm vào Ấn Độ khi Niu Đêli theo đuổi tăng cường quân sự. Bình luận mới đây của Tư lệnh Quân đội Ấn Độ về cuộc chiến tiêu diệt bin Laden nhấn mạnh khả năng Ấn Độ có thể thực hiện các cuộc tấn công tương tự như Mỹ là một minh chứng. 

Yogesh Joshi nhấn mạnh để giữ vững sự trỗi dậy hòa bình, Ấn Độ cần tránh tác động xấu của ảo giác về sức mạnh và chủ nghĩa dân tộc thô thiển. Đã đến lúc để một nước Ấn Độ đang trỗi dậy suy nghĩ thận trọng về vai trò của mình trong một trật tự toàn cầu tương lai cũng như cơ chế hòa bình mà Ấn Độ cần triển khai để đạt được mục tiêu mà Ấn Độ mong muốn.

Theo World Politics Review

TT(gt)