Sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố “Chiến lược quân sự mới” báo chí Ấn Độ đã đăng nhiều bài có tiêu đề với nội dung như “Trung Quốc là mối đe dọa và Ấn Độ là một đối tác”. Cách đặt vấn đề đơn giản như vậy đã che giấu sự phức tạp của vấn đề. Trên thực tế, chiến lược quốc phòng mới của Oasinhtơn phản ánh một sự thay đổi lớn về cấu trúc trong môi trường bên ngoài Ấn Độ. Xét về bản chất, chiến lược quốc phòng mới của Chính quyền Obama cho thấy sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ dường như không thể đảo ngược và sự nổi lên của Trung Quốc là không thể ngăn cản được. Bề ngoài, khái niệm của Mỹ về tam giác chiến lược này không phải là mới. Trong thực tế, giới bình luận chính trị tại cả Mỹ và Ấn Độ đều coi sáng kiến hạt nhân dân sự năm 2005 của cựu Tổng thống Mỹ G. Bush là một phần của nỗ lực mang tính chiến lược nhằm thúc đẩy Ấn Độ như là một đối trọng tiềm năng với Trung Quốc. Sáng kiến trên đã dẫn tới việc các đảng cánh tả đã rút ra khỏi liên minh trong chính phủ của Liên minh Tiến bộ Thống nhất cầm quyền nhiệm kỳ đầu (UPA-1), do đảng Quốc đại lãnh đạo, và cũng đã kết thúc giai đoạn bị cô lập kéo dài trong lĩnh vực hạt nhân của Ấn Độ như một cuộc thử thách địa chính trị. Trong khi đó, Bắc Kinh đã nghi ngờ Ấn Độ đang vạch chiến lược ngăn chặn do Mỹ đứng đầu chống lại Trung Quốc, và cố gắng ngăn chặn việc thông qua sáng kiến hạt nhân dân sự trong nhóm cung cấp hạt nhân (NSG) năm 2008. Tuy nhiên, khi không thể làm được điều đó, Bắc Kinh đã tuyên bố ký một thỏa thuận hạt nhân với Pakixtan tương tự như thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ đã ký với Ấn Độ. 

Các cuộc tranh luận về hạt nhân của Ấn Độ giai đoạn 2005 đến 2008, có thể được coi là cuộc tranh cãi về chính sách đối ngoại “quyết liệt” nhất tại Niu Đêli kể từ thất bại của Trung Quốc năm 1962, đã cho thấy 3 yếu tố quan trọng về thế giới quan của Ấn Độ. Một là “sự ngờ vực” sâu sắc đối với Mỹ trong tất cả các chính đảng ở Ấn Độ. Tại đó, Đảng Cộng sản Mácxít Ấn Độ (CPM) và Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) đã cùng nhau “hợp tác” để chống lại một thỏa thuận mà Chính phủ Ấn Độ ủng hộ nhằm thắt chặt quan hệ hợp tác mạnh mẽ với Mỹ. Hai là về những tác động chính trị trong nước của việc tiến gần hơn tới Oasinhtơn, trong đó, Đảng Quốc đại tỏ ra mơ hồ về sáng kiến hạt nhân của Thủ tướng M. Singh, do dự trong việc gạt bỏ CPM và xa lánh các khối cử tri khác. Ba là những nỗi lo sợ cố hữu về sức mạnh của Mỹ, việc lặp lại cơn ác mộng trong cuộc tranh luận ở Ấn Độ về chương trình vũ khí chiến lược và Niu Đêli bắt đầu phụ thuộc vào Oasinhtơn. Mặc dù sáng kiến hạt nhân cuối cùng đã được ký kết, sự e ngại của Ấn Độ về sức mạnh của Mỹ vẫn không biến mất. Điều này được phản ảnh bởi sự mâu thuẫn tiếp diễn trong tư tưởng ở Niu Đêli, đặc biệt trong Bộ Quốc phòng, về vấn đề tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng với Oasinhtơn. Trong khi cách nói của Ấn Độ không thay đổi thì thế giới đã đổi khác trong những năm gần đây. Khi Thủ tướng M. Singh và cựu Tổng thống Mỹ G. Bush tuyên bố thỏa thuận hạt nhân năm 2005, nước Mỹ đang ở đỉnh cao của “một thế giới đơn cực”. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã bao trùm nước Mỹ, nhanh chóng làm thay đổi sự thịnh vượng của họ. Quyết định cắt giảm gần 500 tỷ USD của Chính quyền Obama trong ngân sách chi tiêu quốc phòng trong thập kỷ tới là sự nhượng bộ trước thực trạng kinh tế Mỹ hiện nay. Nếu Quốc hội Mỹ không đảo ngược kế hoạch của Nhà Trắng về cắt giảm thâm hụt ngân sách thì việc giảm chi phí quốc phòng thêm 500 tỷ USD sẽ được thực thi một cách tự động vào năm tới. 

Tổng thống Mỹ Obama thông báo với người dân Mỹ về chiến lược quốc phòng mới của chính phủ, “chúng ta phải cải cách chính sách tài chính của nước Mỹ trong khuôn khổ và khôi phục sức mạnh của nền kinh tế về lâu dài”. Kể từ khi lên làm Tổng thống năm 2009, Tổng thống Obama đã cho rằng việc xây dựng nền kinh tế Mỹ phải được ưu tiên hơn những ý tưởng “hão huyền” về các cách tái cấu trúc nền kinh tế đã bị thất bại tại các nước trên thế giới. Tổng thống Obama đã kết thúc sự chiếm đóng Irắc và sẽ kiên quyết rút lực lượng quân sự của Mỹ tại Ápganixtan năm 2012, và Quân đội Mỹ sẽ kết thúc vai trò tại nước này vào năm 2014. Nói một cách đơn giản, thời đại “phiêu lưu” quân sự của Mỹ đã qua. Trong khi nước Mỹ vẫn sẽ duy trì sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới, ông Obama đã ra lệnh cắt giảm lực lượng quân đội Mỹ, giảm bớt các tham vọng địa chính trị, và giảm các sứ mệnh quân sự mà Mỹ có thể thực hiện ở bất kỳ thời điểm nào. Trong khi Lầu Năm Góc chuẩn bị cho một thời đại “thắt lưng buộc bụng”, những ưu tiên trong chính sách của Chính quyền Obama là giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu, tránh các cuộc chiến tranh rất tốn kém như chiến tranh tại Irắc và Ápganixtan, điều chỉnh chiến lược quay trở lai châu Á – Thái Bình Dương nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nếu nước Mỹ đã coi thường những thách thức từ Trung Quốc tại thời kỳ đỉnh cao sức mạnh của Mỹ trong thập kỷ qua, thì hiện nay, Oasinhtơn đang phải “vật lộn” điều chỉnh chiến lược để đối phó với việc Bắc Kinh gia tăng sức mạnh quân sự tại châu Á ở thời điểm nước Mỹ đang trong thời kỳ “yếu kém nhất” kể từ cuộc Chiến tranh thế giới thứ Hai. Các cuộc tranh luận nội bộ tại Oasinhtơn và Bắc Kinh là về cùng một chủ đề - cán cân quyền lực đang thay đổi nhanh chóng tại châu Á giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi tại Oasinhtơn và Bắc Kinh người ta đang tranh luận mạnh mẽ và sâu sắc về ý nghĩa của sự chuyển dịch quyền lực này đối với các chiến lược quốc gia của nước họ, phần lớn các nhà hoạch định chính sách tại Niu Đêli hoặc không nhận thức được “hoàn cảnh thuận lợi” hay hoàn toàn không muốn đối mặt với các tác động của sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ và sự trỗi dậy của Trung Quốc. Giới tinh hoa Ấn Độ vốn cảm thấy rất dễ chịu với sự lãnh đạo của Mỹ sẽ sớm nhận ra sự suy yếu của Mỹ có thể gây ảnh hướng lớn hơn đến an ninh của mình. Niu Đêli cũng có thời gian dài ảo tưởng về sự ngang bằng nào đó với Trung Quốc. Quả thực, Ấn Độ đã ngang bằng với Trung Quốc trong những năm 1990. Tuy nhiên, kể từ đó, Trung Quốc đã nhanh chóng vượt Ấn Độ trong tất cả các tiêu chí sức mạnh quốc gia trong hai thập kỷ qua. Sự suy giảm của Mỹ, sự nổi lên của Trung Quốc và cán cân quyền lực đang thay đổi giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động tới tất cả các khía cạnh an ninh quốc gia của Ấn Độ trong những năm sắp tới. Liệu Oasinhtơn có thể tiến hành một cuộc chiến tranh lạnh mới với Bắc Kinh hay sẽ thu mình lại để làm cho Trung Quốc hài lòng, Ấn Độ sẽ cảm thấy bất an sâu sắc về chiến lược. Tuy nhiên, vấn đề là ai, cái gì có thể đánh thức giấc ngủ của “Kumbhakarna” (nhân vật khổng lồ huyền thoại trong sử thi Ramayana của Ấn Độ cổ được mô tả có giấc ngủ say ghê gớm và chỉ thức giấc khi có 1.000 con voi đi qua dẫm lên) ở Niu Đêli?.

Theo Indianexpress (ngày 17/1)

Hương Trà (gt)