Tôi xin phân tích về cuộc tranh chấp Biển Đông dựa trên cơ sở lý thuyết về Quan hệ quốc tế và Công pháp quốc tế, và từ đó đưa ra đề nghị giải pháp.

 

 

Vấn đề Biển Đông mang tính chiến lược quốc gia vì nó là một trong những bước đầu trong công cuộc lấn chiếm thành hệ thống của Trung Quốc.  Đây là một vấn nạn về quốc phòng nhưng cũng là cơ hội để cũng cố quốc nội.  Nó có thể trở thành chất XÚC TÁC để đưa đến đoàn kết và bình ổn.  Vì đây là mối lo lắng chung cho tất cả người Việt trong nước và hải ngoại, nó có thể giúp cho chúng ta có lý do để gác lại những bất đồng chính kiến để cùng nhau chống lại kẻ thù chung.  Sự sát cánh này sẽ giúp cho hai bên hiểu nhau hơn, đến gần nhau hơn trong công tác nghiên cứu và bàn thảo kế hoạch, và từ đó sẽ dễ dàng hơn trong những công trình hợp tác phát triển kinh tế, giáo dục và hiện đại hóa đất nước.   Nhưng ngược lại, vấn đề Biển đông, ngoài bản chất là hiểm họa quốc phòng, còn thể là chất NỔ dẫn đến sự chia rẽ và biến động trong nước.  Các phe đối nghịch sẽ lợi dụng cơ hội này để bôi nhọ chế độ là yếu hèn và “bán nước”.  Những luận điệu này sẽ trỡ nên trơ trẽn nếu chúng ta biết xử trí vấn đề Biển Đông một cách khéo léo và thích đáng.  Ngược lại, chúng sẽ trỡ nên rất thuyết phục nếu như chính quyền cứ mãi im lìm và không có hành động rõ ràng.  Đương nhiên, khi những luận điệu đối nghịch trở nên thuyết phục đến cực điểm, chúng trỡ thành một vũ khí lợi hại cho phe đối nghịch đễ gây biến động trong nước.  Trung Quốc đương nhiên không bỏ qua cơ hội này để tiến sâu hơn và hành động mạnh mẽ hơn trong quá trình “gậm nhấm” hoặc lấn áp chúng ta.  Như vậy, cùng một lúc, chúng ta phải đương đầu với giặc trong lẫn giặc ngoài.  Chúng ta có giữ nổi không?  Chắc chắn là không.  Đây không còn là sự lựa chọn khéo léo nữa mà là chiến lược.  Một là độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, phát triển lâu dài, và tương lai rõ ràng.  Hai là bị thôn tính và đồng hóa bởi Trung Quốc, mất tất cả, và tương lai mờ mịt.

 

 

Phân tích cuộc tranh chấp Biển Đông thì không thể bỏ qua thái độ và hành động của Trung Quốc, sự phản ứng của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn, cũng như vai trò của Tổ chức ASEAN, tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) và Liên Hiệp Quốc (LHQ).  Trong việc tranh chấp lãnh thổ, Việt Nam không phải là nước duy nhất chịu đựng sự ngang ngược của Trung Quốc.  Xung quanh biên giới Trung Quốc, hầu như tất cả lân bang đều phải chịu sự xâm lấn của Bắc Kinh, trong đó có Nga, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Ấn độ, Mongolia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan.  Trong bối cảnh địa chính trị này, rõ ràng là Trung Quốc đang theo đuổi một kế hoạch toàn cầu, trong đó Trung Quốc muốn gia tăng ảnh hưởng địa chính trị trong khu vực Trung Á, Đông Á, và Đông Nam Á.  Biển Đông chỉ là một phần trong kế hoạch này, nhưng là một phần rất quan trọng.  Tại sao? Vì Biển Đông là nơi có trữ lượng dầu khí ước tính lớn thứ tư trên toàn thế giới sau Kuwait, là địa điểm chiến lược về quân sự và ảnh hưởng địa chính trị toàn cầu.  Khống chế Biển Đông sẽ khống chế được toàn khu vực Châu Á Thái Bình Dương (CATBD) và làm chủ tình hình địa chính trị cũng như làm lệch cán cân quyền lực trong khu vực và toàn thế giới.  Bên cạnh đó, Biển Đông cũng là nơi giao tiếp của rất nhiều đường vận chuyển tàu biển tấp nập bậc nhất trên thế giới.  Eo biển Malaca tiếp giáp với Biển Đông là nơi mà 80% năng lượng của Nhật Bản được chuyển tải qua lại, và 70% giao thương của Hoa Kỳ, Nam Hàn, và Cộng đồng Châu Âu vào khu vực CATBD cũng qua lại eo biển này.  Đương nhiên, Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật Bản sẽ phải phản ứng lại thái độ của Trung Quốc ở Biển Đông để bảo vệ quyền lợi về kinh tế và ảnh hưởng địa chính trị của họ.   Về quân sự, Biển Đông rất quan trọng đối với Nam Hàn, Nhật Bản và nhất là Đài Loan vì ba nước này là đổng minh của Hoa Kỳ và họ cần sự hổ trợ về quân sự của Hoa Kỳ để giữ yên bờ cõi trước họa xâm lăng từ Trung Quốc.  Ngoài ra, Biển Đông cũng không kém phần quan trọng cho cộng đồng ASEAN vì vùng biển này là “ao nhà” của họ.  Các nước ASEAN đều phải đối phó với áp lực của cộng đồng người Hoa và sự gắn bó với cội nguồn của họ nên chính quyền các nước ASEAN lại càng e ngại thái độ của Trung Quốc hơn.

 

 

Bối cảnh này cho thấy vấn đề Biển Đông, về bản chất, là một vấn đề không của riêng Việt Nam hay của riêng các nước trong vùng mà là một vấn đề quốc tế liên quan đến nhiều cường quốc trên thế giới.  Đây là điều đáng mừng cho Việt Nam vì “ngao cò tranh nhau ngư ông hưởng lợi.”  Thế nhưng nếu chúng ta không khéo léo tình thế sẽ trở thành  “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết.”  Sự khéo léo này là chiến lược sống còn của Việt Nam.

 

 

Phân tích cuộc tranh chấp Biển Đông dựa trên lý thuyết quan hệ quốc tế để giải thích thái độ và hành động của các quốc gia thì tính chất quốc tế của vấn đề càng hiện rõ hơn.  Lý thuyết dựa trên quyền lợi giải thích bằng Chủ nghĩa Thực tiễn (Realism), chủ nghĩa Chủ nghĩa Định chế (Institutionalism) và Chủ nghĩa Tự do (Liberalism). Lý thuyết dựa trên Tập quán (Norm-based theories of state behavior) giải thích bằng Chủ nghĩa Cấu trúc (Constructivism), Lý thuyết Công bằng và Chính Danh (Theories of Fairness and legitimacy), Lý thuyết Quy Trình pháp lý (Legal process theories). 

 

 

Khi nói đến quyền lợi, chúng ta không thể bỏ qua Lý thuyết Cuộc chơi (game theory) hoặc thường được áp dụng qua khái niệm “Vấn nạn của phạm nhân” (Prisoner’s dilemma).  Nói nôm na, khái niệm này cũng đồng nghĩa với câu người Việt chúng ta thường nói “đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”.  Khi cảnh sát tách hai phạm nhân ra để hỏi cung riêng và nói rằng nếu người này khai ra hành động của người kia, thì người này sẽ được tha bổng, bằng không thì sẽ bị phạt nặng hơn.  Đương nhiên mỗi phạm nhân sẽ có khuynh hướng khai ra hành động của kẻ tòng phạm, và người bên kia cũng làm như vậy.  Kết quả là cả hai đều bị phạt vì mỗi người đều bị người kia khai báo.  Nhưng nếu họ tin tưởng nhau, và cả hai đều không khai ra thì cảnh sát không có bằng chứng để phạt ai cả.  Vấn đề là cả hai phạm nhân đều e ngại người kia sẽ không giữ lời và nếu họ không khai ra người kia mà bị người kia khai thì hình phạt sẽ nặng hơn.  Vì vậy họ chọn con đường khai báo.  Áp dụng ví dụ này vào Công Pháp Quốc Tế, sau đây là ví dụ về hai quốc gia cùng ký kết hiệp định không xây dựng lò nguyên tử.  Trường hợp 1, việc xây dựng lò nguyên tử rất dễ dàng và ít tốn kém.  Nếu cả hai tuân thủ thì được lợi 5, nhưng nếu một quốc gia tuân thủ trong khi quốc gia bên kia vi phạm thì quốc gia tuân thủ chỉ được 2 và bên vi phạm được 6, và nếu cả hai vi phạm thì cả hai được 3.  Trong trường hợp 2, khi việc xây dựng lò nguyên tử rất khó khăn và tốn kém nhiều, nếu cả hai tuân thủ thì được lợi 10, nhưng nếu một quốc gia tuân thủ trong khi quốc gia bên kia vi phạm thì quốc gia tuân thủ chỉ được 6 và bên vi phạm được 8, và nếu cả hai vi phạm thì cả hai được 4.  Trong cả hai trường hợp trong ví dụ này Vấn nạn phạm nhân vẫn dùng để lý giải, nhưng sự khác biệt là “khuynh hướng tuân thủ” trong trường hợp 2 rõ ràng hơn vì vi phạm (xây lò nguyên tử) thì lỗ nhiều hơn lợi.

 

                                                                                  Quốc gia 2

 

 

Quốc gia 1

 

Tuân thủ

Vi phạm

Tuân thủ

5,5

2,6

Vi phạm

6,2

3,3

 

                          Trường hợp 1 : Xây dựng lò nguyên tử rất dễ dàg và ít tốn kém

 

                               Quốc gia 2

 

 

Quốc gia 1

 

Tuân thủ

Vi phạm

Tuân thủ

10,1

6,8

Vi phạm

8,6

4,4

 

                                  Trường hợp 2: Xây dựng lò nguyên tử rất khó khăn và tốn kém nhiều

 

Áp dụng khái niệm này vào vấn đề Biển Đông, chúng ta thấy rõ Quan Hệ Quốc Tế rất quan trọng.  Để có được đồng minh chúng ta phải có được uy tín.  Cường quốc chỉ liên minh với chúng ta khi đôi bên cùng có lợi và đôi bên tin tưởng lẫn nhau.  Và khi ký kết hiệp định, chúng ta phải nghĩ đến những hoàn cảnh và điều kiện để hiệp định này có “khuynh hướng tuân thủ” ngay trong bản chất.  Dĩ nhiên, đây không phải là việc dễ dàng, và việc này càng trở nên khó khăn khi quyền lợi và  tự hào dân tộc bị tỗn thương, hoặc thù nghịch dân tộc lên đến cực độ.

 

 

Theo Chủ nghĩa Thực tiễn, mỗi quốc gia là một thực thể đơn lẽ và thế giới là một hệ thống hỗn loạn, không luật lệ hoặc thứ tự.  Vì vậy, mỗi quốc gia phải tự bảo vệ chính mình trước những đe doạ thôn tính xung quanh.  Đây là một hệ thống “mạnh được yếu thua” và địa chính trị được khẳng định bằng quyền lực.  Khái niệm “cân bằng quyền lực” cần phải được nhấn mạnh vì đây là chỗ bám víu của các nước yếu khi phải đối phó với sự đe dọa của nước lớn. “Cân bằng quyền lực” cũng quan trọng đối với các nước mạnh khi họ muốn bảo toàn thế lực khi đối mặt với những thế lực xung quanh, hoặc khi quốc gia này muốn giành thế mạnh để vươn lên qua mặt thế lực hiện thời. Theo chủ nghĩa thực tiễn, vai trò của Công pháp quốc tế (CPQT) dường như không hiện hữu mà chỉ có Cân bằng quyền lực mà thôi. Theo lập luận này thì Trung Quốc đang muốn vươn lên thành một sức mạnh mới và Hoa Kỳ thì muốn bảo vệ quyền lực hiện có của mình.  Vì vậy Hoa Kỳ sẽ phản ứng hành động của Trung Quốc.  Gần đây, tàu thăm dò Impeccable của Hoa Kỳ chạm trán với tàu chiến của Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng tiềm ẩn trong quan hệ Mỹ - Trung.  Tàu thăm dò của Hoa Kỳ đã chạm trán hải quân Trung Quốc trong quá khứ, và gần nhất là năm 2008, nhưng tại sao Hoa Kỳ không lên tiếng.  Rõ ràng, sự thay đổi nhân sự trong Nhà Trắng cũng dẫn đến sự thay đổi về phương hướng hành động của quốc gia này.  Sự lên tiếng lần này cho thấy Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng ở Biển Đông.

 

 

Sau thế chiến thứ II, chủ nghĩa thực tiễn bị phai mờ bởi sự ra đời của Chủ nghĩa Định chế vì chủ nghĩa này cho rằng CPQT cũng đóng vai trò khá quan trọng trên trường thế giới.  Dù CPQT không thể thay đổi thái độ và hành động của các quốc gia, nhưng nó tạo ra môi trường cho các quốc gia trao đổi và thương lượng.  Cũng như chủ nghĩa thực tiễn, chủ nghĩa định chế cho rằng các quốc gia đều phải đương đầu với nhiều đe dọa và thế lực xung quanh, nhưng điểm khác biệt là các quốc gia hành động dựa theo cách họ phỏng đoán về cách phản ứng và hành động của các quốc gia trong cuộc.  Vì vậy CPQT là một công cụ rất hữu ích cho các quốc gia để tìm hiểu các quốc gia khác và đi đến quyết định chính xác hơn.  Theo lập luận này, TQ sẽ phải thăm dò phản ứng của các cường quốc có quyền lợi về kinh tế lẫn quân sự ở Biển Đông trước khi hành động.  Vì Biển Đông liên quan trực tiếp đến quyền lợi về kinh tế, quân sự lẫn chính trị của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn và cộng đồng Châu Á, sự phản ứng của các nước này sẽ không dể dàng cho Trung Quốc.

 

 

Hành động của Bắc Kinh còn tùy thuộc vào công luận trong và ngoài nước, dựa theo chủ nghiã tự do.  Dù cho Trung Quốc không phải là một nước dân chủ để người dân có thể lên tiếng một cách tự do, nhưng đất nước này cũng không thể làm ngơ công luận.  Bằng chứng là nhà cầm quyền Trung Quốc đã tìm mọi cách để phát triển kinh tế nhằm xoa dịu công luận về những bất đồng trong xã hội.  Trước khi hành động đàn áp Tây Tạng, Bắc Kinh cũng tuyên truyền trên truyền hình và báo chí để được sự ủng hộ của công luận.  Những hành động này rõ ràng tuân theo sự phán đoán củ chủ nghĩa tự do.  Nhưng không chỉ có công luận trong nước là quan trọng, công luận thế giới càng quan trọng hơn vì nó gắn liền với uy tín và tiếng tăm của mỗi quốc gia.  Nhất là trong khuynh hướng kinh tế toàn cầu như hiện nay, uy tín không chỉ là uy tín mà lợi nhuận kinh tế.  Một quốc gia thiếu uy tín hoặc mang tiếng hung hăng sẽ mất đi sự tin tưởng cần thiết trong việc hợp tác kinh tế và mất đi những sự giúp đỡ của thế giới trong trường hợp bất ngờ như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, hay suy sụp kinh tế.  Đây là ý nghĩa chính của khái niệm “trả giá bằng uy tín” (reputational cost) điều mà các quốc gia phải cân nhắc trước khi hành động.  Đương nhiên, Trung Quốc không thể làm ngơ cái giá phải trả một khi Trung Quốc, vì tranh chấp Biển Đông, phải mất đi nhiều mối quan hệ quốc tế, cũng như “mối làm ăn” và “tình bạn khi hoạn nạn” này.  Khác với chủ nghĩa thực tiễn, khi cho rằng thế giới này là vô luật lệ và mỗi quốc gia là một chiến sĩ đơn phương, chủ nghĩa tự do cho rằng CPQT được vun bồi bởi sự quan hệ giữa các quốc gia, và thế giới này là một hệ thống tương quan và tùy thuộc lẫn nhau.  Nếu Trung Quốc không quan tâm đến “giá cả của uy tín” thì chính Trung Quốc tự cô lập mình và làm nhẹ đi cán cân quyền lực và ảnh hưởng của mình trên trường thế giới.

 

 

Trong khi lý thuyết dựa trên Quyền lợi coi nhẹ vai trò của CPQT, lý thuyết dựa trên Tập quán cho rằng CPQT không những quan trọng mà còn có khả năng thay đổi cục diện thế giới.  Chủ nghĩa Cấu trúc (Constructivism) nhấn mạnh quan hệ quốc tế (QHQT) trong vai trò của CPQT.  Chủ nghĩa này cho rằng QHQT tạo ra rất nhiều sự ràng buộc cho các quốc gia từ nhiều hướng và nhiều lý do khác nhau, và đây là điều ảnh hưởng rất lớn đến sự phân tích tình hình và phương hướng hành động của họ.  Các quốc gia sẽ không biết phải làm gì khi đứng trước “ma trận” với nhiều bất trắc khó lường này, vì vậy cách tốt nhất là họ đi theo bước chân người đi trước, và “bắt chước” cách giải quyết của người đi trước trong trường hợp tương tự.  Lắm khi, các quốc gia không nghĩ ra điều họ cần cho đến khi được cộng đồng thế giới nhắc nhở.  Ví dụ như trường hợp các lãnh tụ châu Âu, sau thế chiến thứ I, không quan tâm đến thương binh cho đến khi Henri Dunant và Hội đồng chữ thập đỏ thế giới nêu lên tầm quan trọng của vấn đề.  Tóm lại, Chủ nghĩa Cấu trúc tin rằng khi các quốc gia “đi chơi với nhau,” họ học hỏi lẫn nhau, hay nói một cách khác, QHQT “dạy” các quốc gia cách giao tiếp và “ảnh hưởng” cách hành xử và quyết định hành động.  Lập luận này giúp chúng ta hiểu rằng sức mạnh và họng súng không phải là cách duy nhất để giải quyết vấn đề và chúng ta có thể hy vọng có được một giải pháp hòa bình trong vấn đề Biển Đông.  Tình hữu nghị giữa Việt Nam, Trung Quốc và các nước láng giềng sẽ là một phần lớn của chìa khóa thành công.

 

 

Với lập luận tương tự, Lý thuyết Công bằng và Chính Danh (Theories of fairness and legitimacy) tin rằng công bằng và chính danh là nhân tố chính của luật pháp. Trong CPQT, sự công bằng được bảo đảm bằng sự đồng thuận của các bên tham gia về sự phân chia về quyền lợi và quá trình phân chia dựa trên lẽ phải.  “Quá trình đúng” và “phân chia công bằng” đi đôi với nhau nhưng đòi hỏi căn bản thì hoàn toàn trái ngược.  Điều trước cần sự yên ổn không thay đổi, nhưng điều sau thì phải được bảo đảm bởi sự thay đổi.  Vì vậy, quá trình cố gắng chu toàn cả hai yếu tố này là một sự dằng co, hoàn chỉnh và tái hoàn chỉnh của luật pháp quốc tế, và chính quá trình này làm cho luật pháp quốc tế mang tính mềm dẻo, cập nhật và thuyết phục khiến cho các quốc gia tự nguyện tuân thủ.  Hay nói khác đi, theo lối suy nghĩ của Lý thuyết dựa trên Quy Trình pháp lý (Legal process theories), luật pháp quốc tế ngầm chứa “khuynh hướng tuân thủ” tự nguyện (propensity to comply).  Đối với lý thuyết này, CPQT dựa trên quyền lợi, hiệu quả và tập quán.  Từ góc độ hiệu quả, các quốc gia sẽ rất ngại vi phạm luật quốc tế.  Vì luật quốc tế là kết quả của một quá trình đàm phán và phân chia, và để đi đến đàm phán, mỗi quốc gia phải bỏ ra bao nhiêu công sức để nghiên cứu vấn đề.  Quá trình này tốn kém thì giờ, công sức và tiền bạc. Nếu họ không muốn tuân thủ, họ lại phải tính toán lại, tìm hiểu lại, và tốn kém lại một lần nữa xem việc không tuân thủ có hại hay lợi trước khi quyết định hành động.  Không có lý do gì các quốc gia tốn hao công lực để rồi không sử dụng.  Về phương diện quyền lợi và tập quán, các quốc gia cũng có lợi hơn khi tuân thủ những luật lệ đã ký kết vì trong quá trình tìm hiểu và tính toán, các bên tham gia nhận ra rằng ký kết hiệp định sẽ có lợi hoặc là không còn lựa chọn nào khác.  Quá trình đi đến một hiệp định dù mang tính ràng buộc hay không, tự nó đã tạo ra sự ràng buộc “tự nhiên” do sự hiểu biết bản chất của vấn đề.

 

 

Tóm lại, Lý thuyết dựa trên Quyền lợi đưa lên một cách nhìn rất ảm đạm về CPQT nhưng cho ta hy vọng về QHQT.  Ngược lại, Lý thuyết dựa trên Tập quán lại vẽ nên một viễn cảnh nhiều hy vọng về tiềm năng của CPQT nhưng không hề chối từ tầm quan trọng của QHQT.  Từ đó chúng ta có thể rút tỉa một giải pháp cho Việt Nam: đó là sự áp dụng khéo léo và phối hợp tài tình giữa CPQT và QHQT. 

 

 
 
 
 
 

Cũng xin nêu lên đây những Cơ quan Công quyền quốc tế mà chúng ta có thể nhờ cậy.  Đó là Liên Hiệp Quốc  (The United Nations), Liên Hiệp các Quốc gia Đông nam Á (The ASEAN) và các công cụ Công Pháp quốc tế (International Law Instruments) như Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice (ICJ), Công ước về Luật Biển (Law of the Sea, (UNCLOS 1982), và Công ước về Hiệp định (The Hague Convention of Treaties).

 

Đề nghị giải pháp

 

 

1.  Định nghĩa lại và đóng khung lại vấn đề.

 

 

Chúng ta thường nêu lên khẩu hiệu “Hoàng Sa và Trường Sa là của chúng ta.”  Khẩu hiệu này ngầm ý Hoàng Sa và Trường Sa là một vấn đề và Biển Đông không là vấn đề.  Nhưng đã đến lúc chúng ta cần hiểu rằng Hoàng Sa và Trường Sa là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, và Biển Đông không những là vấn đề mà còn là một rất quan trọng. Vì vậy, chúng ta phải định nghĩa lại và đóng khung lại vấn đề. Từ một vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa trở thành ba vấn đề: (1) Biển Đông, (2) Hoàng Sa và (3) Trường Sa vì Biển Đông là vấn đề quốc tế và Trung Quốc, Hoàng Sa là giữa Việt Nam và Trung Quốc, và Trường Sa là giữa Trung Quốc và năm nước trong khu vực (Việt Nam, Mã Lai, Brunei, Phi Luật Tân và Đài Loan).

 

 

2. Phối hợp nhiều sách lược khác nhau

 

 

Để có được QHQT tốt, chúng phải có đoàn kết nội bộ tốt, cộng vào sự hỗ trợ của cơ quan công quyền quốc tế, dựa trên cơ sở công pháp quốc tế sẽ dẫn đến hy vọng của Việt Nam

 

 

3.  Gìn giữ hòa bình, quan hệ tốt đẹp giữa  Trung Quốc và Việt Nam

 

 

Chúng ta cần phát triển trao đổi văn hóa và hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Việt Nam và Trung Quốc.  Từ ngàn năm nay, văn hóa Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhiều từ văn hóa Trung Quốc, nhưng chiều ảnh hưởng ngược lại thì dường như không có.  Điều này rất bất lợi cho Việt Nam vì theo lập luận của chủ nghĩa tự do, công luận trong và ngoài nước có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định và hành động của các quốc gia.  Khi hai dân tộc không hiểu nhau, sự thù nghịch càng trở nên gay gắt.  Và sự lấn áp về quân sự của Bắc Kinh càng được công luận ủng hộ. Bất cứ một hành động quân sự nào, thắng hay bại, cũng đều tạo ra mất mát về con người và của cải, nên người dân thường không ủng hộ chiến tranh. Nhưng nếu sự thù nghịch dân tộc lên đến đỉnh điểm, người ta sẽ không ngại mất mát và ủng hộ đến cùng. Vì vậy chúng ta phải cố gắng tạo ra sự thông cảm về văn hóa để tạo một công luận thân thiện với Việt Nam và giảm thiểu sự thù nghịch giữa Hán tộc và Việt tộc.

 

 

Việc trao đổi văn hóa theo chiều Việt Nam sang Trung Quốc khó xảy ra trong quá khứ vì Việt Nam là nhược tiểu.  Nhưng ngày nay, khoa học hiện đại không phân biệt nước lớn hay nhỏ mà là sở học của mỗi học giả tham gia hội thảo.  Tinh thần nghiên cứu khoa học không còn phụ thuộc vào dân tộc mà tính trung thực và chất lượng nghiên cứu.  Dù cho chính quyền Trung Quốc không trung thực, vẫn có nhiều khoa học gia Trung Quốc tôn trọng sự trung thực, và đây chính là đối tượng chúng ta cần tìm và cùng tham khảo khoa học một cách chân thành.  Tinh thần khoa học sẽ là chiếc cầu nối cho học giả Việt Nam và Trung Quốc cùng nhau trao đổi, học hỏi, và kết tình thân hữu.  Đây là chất xúc tác cho một mối quan hệ thật sự tốt đẹp và lành mạnh giữa hai dân tộc Việt và Hán.

 

 

4.  Gìn giữ hòa bình và quan hệ tốt đẹp với quốc tế

 

 

Chúng ta phải Gìn giữ hòa bình và quan hệ tốt đẹp với bốn nước tranh chấp để không đơn thân độc mã đối diện với Trung Quốc.  Khi chúng ta nói “Trường Sa là của Việt Nam,” lập tức chúng ta tự cô lập mình và đẩy Mã Lai, Phi Luật Tân, Brunei, và Đài Loan về phía Trung Quốc vì chắc chắn bốn nước này không đồng ý tất cả Trường Sa là của Việt Nam.  Tương tự như vậy, ASEAN cũng sẽ không ủng hộ Việt Nam, nếu chúng ta cứ khư khư dành tất cả Trường Sa về phần mình.  Khối ASEAN rất quan ngại việc Biển Đông lọt vào tay Trung Quốc vì đây là “ao nhà” và “bến đò” của họ để đi lại và buôn bán.  Thế nên chúng ta phải dựa vào sự quan ngại này để sát cánh cùng ASEAN mà đối diện Trung Quốc.  Thêm vào đó Biển Đông cũng là nơi mà quyền lợi của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn bị ảnh hưởng trực tiếp, do đó chúng ta phải có quan hệ tốt đẹp với những cường quốc này.  Khi họ phản ứng hành động của Trung Quốc để bảo vệ cho quyền lợi của họ, chúng ta cũng được phần lợi trong đó.  Cuối cùng, sự gắn bó không thể thiếu giữa Campuchia, Lào & Việt Nam cần phải luôn luôn giữ gìn.  Trung Quốc luôn tranh giành ảnh hưởng với hai nước này nên chúng ta không thể sao lãng.  Campuchia và Lào là “hàng xóm mà cũng như vườn nhà”, nếu không xanh tươi thì nhà của chúng ta sẽ không thoáng mát.  Trung Quốc mà khống chế hai nước này hoặc Biển Đông thì chúng ta không thể nào giữ yên bờ cõi được nữa.  Mỡ rộng quan hệ với Campuchia và Lào để phát triển về kinh tế vì đây là thị trường cho Việt Nam.  Bên cạnh đó, hai quốc gia này có nền văn hóa rất lâu đời và phong phú, nên sự giao thoa văn hóa với họ sẽ giúp làm giảm ảnh hưởng nặng nề từ sự xâm nhập của văn hóa Trung Quốc vào Việt Nam.

 

 

Nhìn vào vấn đề Biển Đông và sức mạnh của Trung Quốc, tôi tự hỏi: chân lý có thật nằm trong tay kẻ mạnh hay không?  Để kết luận, tôi xin nhắc đến câu đồng giao của ông bà ta truyền lại “Nực cười châu chấu đá xe, tưởng rằng chấu ngã ai ngờ xe nghiêng” và người Hán cũng có câu “Mãnh hổ nan địch quần hồ”.  Và xin nhớ rằng sức mạnh công phá dữ dội nhất của vủ khí hiện đại nằm trong phần tử bé nhỏ nhất, đó là hạt nguyên tử.  Việt Nam sẽ dựa được sức mạnh của “quần hồ” và sẽ tìm được sức mạnh “nguyên tử” này.  Vấn đề là Việt Nam có QUYẾT CHÍ hay không?

 

Ailien T. Tran, Fulbright Fellow 2009, Master in Public Policy, Bachelor of Art in Political Science, Bachelor of Science in Business Administration, University of California, Berkeley
 

 

 

Tài liệu tham khảo

 

 

Barbara Koremores et al., “The Rational Design of International Institutions”, p. 55 in International Organization 761, 768 (2001)

 

Finnemore, Martha, “National Interests in International Society,” Cornell University Press, (1996)

 

Frank, Thomas M., “Fairness in International Law and Institutions.” in Hathaway, Oona A. & Koh, Harold Hongju, Foundations of International Law and Politics, Foundation Press, New York, New York, 2005, p. 152 – 154.

 

Guzman, Andrew, “A Compliance Based Theory of International Law,” 90 California Law Review 1823 (2002) in Morgenthau, H. J., “Politics Among Nations,” in Hathaway, Oona A. & Koh, Harold Hongju, Foundations of International Law and Politics, Foundation Press, New York, New York, 2005, p. 59 – 61, 62, 72, 74.

 

Hathaway, Oona A. & Koh, Harold Hongju, Foundations of International Law and Politics, Foundation Press, New York, New York, 2005

 

Kazenstein, Peter J., Keohane, Robert O., and Krasner, Stephen D.  “International Organization and the Study of World Politics.” in Hathaway, Oona A. & Koh, Harold Hongju, Foundations of International Law and Politics, Foundation Press, New York, New York, 2005, p. 4-6.

 

Moravcsik, Andrew, “Taking Preferences Seriously: A Liberal Theory of International Politics”, 51 International Organization 513 (1997), p. 80-81, 82..

 

Morgenthau, H. J., “Politics Among Nations,” in Hathaway, Oona A. & Koh, Harold Hongju, Foundations of International Law and Politics, Foundation Press, New York, New York, 2005, p. 32 – 36, 39.

 

Robert O. Keohane & Joseph S. Nye, Power and Interdependence 19 (1977)

 

Robert, Keohane O. Jr., “Institutional Theory and the Realist Challenge After the Cold War,” Neorealism & Neoliberalism 269 (David A. Balwin ed., 1983) in Morgenthau, H. J., “Politics Among Nations,” in Hathaway, Oona A. & Koh, Harold Hongju, Foundations of International Law and Politics, Foundation Press, New York, New York, 2005, p. 55.

 

Slaughter, Anne-Marie, “A Liberal Theory of International Law,” 94 American Society of International Law Proceeding 240 (2000)

 

Stephen D. Krasner, “Structural Causes and Regime Consequences: Regime as Intervening Variables”, in International Regimes 1 & 2 (Stephen D. Krasner ed., 1983)

 

Waltz, Kenneth, “Theory of International Politics”, in Hathaway, Oona A. & Koh, Harold Hongju, Foundations of International Law and Politics, Foundation Press, New York, New York, 2005, p. 43.