Nguy cơ lớn nhất là AIIB sẽ tạo ra hai nhóm đối lập đều có ảnh hưởng kinh tế ở châu Á, với một bên do Trung Quốc lãnh đạo và bên kia do Mỹ và Nhật Bản dẫn dắt.

Trong bối cảnh còn nhiều tranh cãi về các khoản cho vay của Trung Quốc dành cho những nước bị "tai tiếng" về mặt quản trị, ổn định chính trị và xếp hạng tín dụng, nhiều người lo ngại về định hướng của AIIB cũng như vai trò của các quốc gia thành viên. 

Việc thành lập AIIB là một động thái nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á, ước tính lên tới 8.000 tỷ USD trong giai đoạn 2010-2020. Tuy nhiên, ngoài mục đích kinh tế, việc thành lập AIIB cũng sẽ giúp Trung Quốc mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong khu vực. Theo thỏa thuận hiện nay, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chủ yếu chịu trách nhiệm cung cấp vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng và các dự án phát triển khác ở châu Á. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với ADB là rất hạn chế, trong khi Mỹ và Nhật Bản lại chi phối định chế này.

Ngay cả khi việc thành lập AIIB nhằm phục vụ lợi ích của Trung Quốc với tư cách là cường quốc mới trong khu vực, động thái này sẽ không tác động nhiều tới việc cải thiện cơ chế đa phương và tăng cường khả năng quản trị kinh tế toàn cầu. Trên thực tế, việc thành lập AIIB có thể mang lại tác dụng ngược vì nó sẽ tạo ra hai nhóm đối đầu nhau, một bên do Trung Quốc lãnh đạo và bên kia do Mỹ và Nhật Bản dẫn dắt. Nhu cầu về vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á đủ lớn để cả ADB và AIIB cùng tồn tại, thậm chí thêm một ngân hàng phát triển thứ ba cũng có thể cần đến. Tuy nhiên, đây không phải điều mấu chốt của vấn đề mà quan trọng hơn là kế hoạch này có thể ảnh hưởng tới nền quản trị tốt và cơ chế đa phương.

Hơn nữa, AIIB cũng có nguy cơ tạo ra những tiêu chí cấp vốn đầu tư gây bất đồng - một nguy cơ hiện hữu trong lĩnh vực thương mại khi Trung Quốc phản ứng với Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng bằng cách thúc đẩy các hiệp định thương mại của riêng nước này trong khu vực. Vậy những nước còn lại trên thế giới, không riêng gì Mỹ, có thể để Trung Quốc tự đặt ra những tiêu chí mới trong cả lĩnh vực thương mại và đầu tư không? Lo ngại ở đây không phải là chất lượng của những tiêu chí này mà là ở việc duy trì một khuôn khổ đa phương hài hòa và nhất quán về những quy định và tiêu chí giúp hội nhập nền kinh tế thế giới tốt hơn.

Chính vì thế, thay vì ngăn cản các nước đồng minh như Anh tham gia AIIB, Mỹ cần phải chuẩn bị thực hiện chiến lược kép. Thứ nhất, Quốc hội Mỹ cần phải thúc đẩy và thông qua kế hoạch cải cách IMF ngay lập tức. Thứ hai, Mỹ có thể can dự với Trung Quốc về những ngân hàng khu vực mới, trong đó có Ngân hàng Phát triển Mới hay còn được biết đến với tên gọi Ngân hàng BRICS với vai trò điều phối của Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu năm 2008 đã tạo ra bước ngoặt cho việc quản trị kinh tế thế giới. G20 đã trở nên quan trọng hơn trong việc kiểm soát nền kinh tế thế giới, nhất là trong việc giải quyết vấn đề suy thoái kinh tế và bất ổn tài chính. Đây là lí do tại sao G20 cần phải có vai trò nhất định trong việc thảo luận và thành lập các định chế đa phương mới như AIIB và các tổ chức khu vực khác, cũng như trong việc đặt ra các nguyên tắc chung và quy định của cơ chế quản trị kinh tế toàn cầu mới.

Theo Chatham House (Anh Quốc)

Thùy Anh (gt)