Khu vực Đông Á đang chuyển sang một trật tự mới về an ninh, sự can dự của một số sức mạnh ngoài khu vực đã tăng thêm tính không xác định của quá trình này. Theo đuổi bá quyền, bành trướng vũ lực, đối kháng tập thể là con đường cũ không thể đi được, những nước cố giữ tư duy cũ kỹ này chắc chắn sẽ trở thành những kẻ gây ra vấn đề an ninh Đông Á lớn nhất.

 

Cần phải làm rõ hai vấn đề: Nhìn nhận như thế nào về tình hình an ninh Đông Á hiện nay? Ai là kẻ gây ra vấn đề an ninh Đông Á. Tình hình an ninh Đông Á về tổng thể là hòa bình ổn định. Mặc dù vấn đề Biển Đông liên tục bị xới lên nhưng thực tế được công nhận là lưu thông hàng hải ở Biển Đông là tự do, các tuyến đường là an toàn. Tranh chấp phân định biển và một số các đảo bãi ở Biển Đông và tự do hàng hải ở Biển Đông là hai vấn đề hoàn toàn không thuộc một phạm trù.


TQ xưa nay không phải là kẻ gây ra vấn đề an ninh Đông Á. TQ xử lý thỏa đáng những tranh chấp lãnh thổ, quyền lợi biển với các nước xung quanh, luôn kiên trì thông qua đối thoại và đàm phán song phương để giải quyết. Bất luận là trên vấn đề đảo Điếu Ngư hay trong quá trình xử lý vụ Hoàng Nham, TQ kiên định bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình, đồng thời có đầy đủ kiên nhẫn, thể hiện tinh thần trách nhiệm của một nước lớn trong việc bảo vệ hòa bình ổn định Đông Á.


TQ thực hiện chính sách ngoại giao thân thiện với láng giềng, coi láng giềng là bạn, nỗ lực làm sâu sắc hợp tác cùng có lợi với các nước châu Á. Hiện nay, quan hệ TQ với các nước châu Á phát triển tốt đẹp, có nhiều nhân tố tích cực. Năm 2011, TQ đầu tư gần 20 tỷ USD vào châu Á, giúp nhiều nước tháo gỡ khó khăn trong phát triển, thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực lên tầm cao mới.


TQ ngày càng có ảnh hưởng mạnh đối với khu vực Đông Á, nhưng đây không phải là sai lầm của TQ, cũng không phải là mối đe dọa đối với các nước khác. Trang mạng tờ “Manila Standard” của PLP cho rằng tình hình căng thẳng hiện nay không chỉ do tranh chấp lãnh thổ, xung đột thực sự là ở địa chính trị, có liên quan quan đến quá trình TQ trỗi dậy thành nước lớn của kinh tế thế giới (sau cùng sẽ là nước lớn về chính trị và quân sự). Siêu cường số 1 thế giới là Mỹ rõ ràng có ý muốn kiềm chế hoặc làm chậm quá trình đó.


Xây dựng trật tự an ninh mới cần nhận thức rằng nội hàm vấn đề an ninh trong tình hình mới vượt xa so với an ninh đối đầu thời kỳ chiến tranh lạnh, cũng vượt ra ngoài phạm vi an ninh quân sự truyền thống và ở một quốc gia hay một khu vực. Một quốc gia muốn mưu cầu phát triển nhất định phải để người khác cũng được phát triển, muốn mình an toàn thì cũng phải giữ cho người khác an toàn. Không có ý muốn hợp tác, tinh thần đổi mới, có trách nhiệm thì không thể tạo ra môi trường an ninh hài hòa.


Theo “Nhân dân Nhật báo” (ngày 12/7)


Lê Sơn (gt)