Các nhà đầu tư đã hoảng loạn như thế nào trước sự tụt dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong tuần trước? Câu trả lời là họ sợ hãi đến mức coi Bán đảo Triều Tiên, lúc đó đang đứng trước nguy cơ xung đột, là nơi trú ẩn an toàn. Vì vậy, trong khi các nhà hoạch định chính sách đang phải giải quyết tình trạng leo thang căng thẳng quân sự giữa hai miền, đồng won Hàn Quốc lại tăng giá.

Tình hình trên khiến Hàn Quốc trở thành một trong những điểm sáng trong bức tranh tổng thể u ám của các thị trường mới nổi. Tính riêng ngày 24/8, các nhà đầu tư đã rút 2,7 nghìn tỷ USD khỏi các thị trường mới nổi, nhất là tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Con số này tương đương với đợt rút vốn ồ ạt vào tháng 9/2008 khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ.

Vào thời điểm năm 2008, Hàn Quốc bị tác động nặng nề đến mức các chuyên gia cho rằng nước này sẽ rơi vào tình cảnh của Iceland. Vậy mà hiện tại, cùng với Philippines, Hàn Quốc nằm trong số ít các nền kinh tế Châu Á miễn nhiễm với tình trạng bất ổn.

Không khó lý giải vì sao rất nhiều nền kinh tế Châu Á bị ảnh hưởng bởi suy giảm tăng trưởng tại Trung Quốc. Các nước xuất khẩu hàng hóa cơ bản, với sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, bị tác động nặng nề nhất. Nhưng vì sao có những trường hợp ngoại lệ trong số các nền kinh tế đang nổi? Câu trả lời là các nhà đầu tư đang đưa ra quyết định dựa trên những phân tích lý tính và cụ thể hơn, thay vì ngả theo tâm lý bầy đàn.

Nhà kinh tế Frederic Neuman thuộc HSBC cho rằng “Các nhà đầu tư vào những thị trường mới nổi đang tỏ ra khôn ngoan hơn. Đã qua rồi thời điểm khi tất cả các thị trường mới nổi được xếp đồng hạng. Hiện tại, các nền kinh tế có nền tảng vững mạnh hơn sẽ đủ khả năng chống chọi với tình trạng bất ổn lây lan trên các thị trường chứng khoán toàn cầu”. Neumann cho rằng cùng với Hàn Quốc và Philippines, ngay cả một số nền kinh tế tiềm năng như Việt Nam “đã chống chọi với những xáo trộn tài chính toàn cầu một cách tương đối dễ dàng”.

Mối liên hệ chung giữa những quốc gia thành công là việc sở hữu những nền tảng kinh tế đúng đắn từ sau khủng hoảng tài chính Châu Á 1997, bao gồm các hệ thống tài chính lành mạnh hơn, tính minh bạch cao hơn, các ngân hàng có năng lực hơn, các bảng cân đối tài khoản quốc gia khả quan hơn, và mức thâm hụt tài khoản vãng lai hợp lý.

Trái lại, lựa chọn của Malaysia đang trở nên lỗi nhịp. Đồng ringgit đang giao dịch ở mức thấp nhất trong 17 năm qua do Thủ tướng Najib Razak ưu tiên giữ ghế hơn là hiện đại hóa nền kinh tế kém năng suất. Trong khi đó, chính quyền quân sự tại Thái Lan đang kéo lùi những thành quả về pháp trị nước này đạt được từ thập kỷ 90. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Joko Widodo tại Indonesia đang nhanh chóng đánh mất sự tin tưởng của các nhà đầu tư. Trong khi vẫn còn thời gian để sửa chữa, khoảng thời gian 315 ngày đầu nhiệm kỳ của ông Widodo có thể được coi là nghiên cứu điển hình về tính thiếu quyết đoán, thụ động và các cơ hội bị bỏ lỡ. 

Hàn Quốc, trái lại, nằm ở “khoảng sáng của bức tranh”, theo nhà kinh tế Marc Chandler thuộc tổ chức Brown Brothers Harriman. Bất chấp sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc và khả năng tăng lãi suất tại Mỹ, đồng won là một trong những đồng tiền Châu Á vững vàng nhất trong tuần trước. Sự tăng giá 2,7% của đồng won gần tương đương với mức giảm giá của đồng NDT từ ngày 11/8. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu của Hàn Quốc đang giảm. Các ngân hàng trung ương nước ngoài đã quyết định đúng đắn khi tăng tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Hàn Quốc từ năm 2014 (tăng 41,8% so với năm 2013).

Có thể đã đến lúc coi Hàn Quốc là một nước phát triển, thay vì một thị trường mới nổi. Hàn Quốc vẫn đối mặt với rất nhiều thách thức. Tuy nhiên nền tảng vĩ mô của nước này xứng đáng với sự tin cậy của các nhà đầu tư.

Philippines là trường hợp tương tự. Từ năm 2010, chính quyền Tổng thống Aquino đã cải thiện vững chắc tình trạng vay nợ quốc gia (Philippines hiện được xếp hạng tín dụng ở mức nên đầu tư), ngăn chặn tình trạng hối lộ và thu hút nhiều làn sóng đầu tư nước ngoài. Tháng trước, khi được báo chí hỏi liệu ông có lo ngại bóng ma khủng hoảng kinh tế đang ám ảnh Châu Á, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Philippines Amando Tetangco trả lời “Có tâm lý bầy đàn nhưng các nhà đầu tư sẽ biết lựa chọn”. Đến nay, ông Thống đốc đã tỏ ra đúng đắn. Quốc gia từng bị chế diễu như “con bệnh của Châu Á” đã đứng vững trước những bất ổn của thị trường.

Dĩ nhiên là có những rủi ro. Trong khi có nền tảng kinh tế vững vàng, khối lượng nợ của các hộ gia đình lên tới 458 tỷ USD đang tạo ra quan ngại tại Hàn Quốc. Philippines sẽ tổ chức bầu cử vào năm 2016 với triển vọng chưa rõ ràng, khi mà Ferdinand Marcos, con trai của nhà độc tài đã tàn phá nền kinh tế đất nước trong suốt thập niên 70 và 80 có thể tham gia tranh cử. Lịch sử đã chứng minh một nhà lãnh đạo tồi có thể đưa các thị trường đang nổi tới khủng hoảng.

Hiện tại, sự vững vàng tương đối của Hàn Quốc và Philippines cho thấy năng lực lãnh đạo và tầm nhìn dài hạn đang mang lại kết quả. Thực tế này cũng khẳng định các nhà đầu tư toàn cầu đang nhận thức rõ hơn về vai trò của các nhân tố kể trên đối với các nền kinh tế Châu Á.

Theo Bloomberg (đọc bản tiếng Anh tại đây)

Trần Quang (gt)