Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến sẽ được thiết lập vào tháng 12 tới, trong khi các cuộc đàm phán thực chất về Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được chờ đợi sẽ kết thúc vào cuối năm cùng với Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn dắt.

Do sự căng thẳng trong bối cảnh chính trị đan xen với các vấn đề liên quan đến dân chủ, sự hưng phấn về thế kỷ ASEAN đang bị nghi ngờ. Một số nhà quan sát có cách nhìn nhận bi quan về những nỗ lực hội nhập khu vực và cho rằng thời hạn hội nhập ASEAN chỉ là "ảo tưởng". Những nỗ lực xây dựng một cộng đồng đã bị cản trở bởi sự thiếu thống nhất giữa các thành viên, và gần đây là những thách thức chính trị nội bộ ở một số quốc gia như Thái Lan và Myanmar. Rõ ràng, hội nhập ASEAN chưa hoàn toàn được hiện thực hóa. Tương tự, các cuộc đàm phán RCEP vẫn chưa mang lại bất kỳ bước đột phá đáng kể nào, sự an ủi duy nhất cho các cường quốc châu Á là ngay cả TPP do Mỹ dẫn dắt cũng không tiến triển.

Để thúc đẩy tiến trình hội nhập, các bên đàm phán cần phải tập trung hơn vào ý chí chính trị cho một trong hai: AEC hoặc RCEP. Các lợi ích kinh tế thu được sau khi thành lập AEC và RCEP là rất rõ ràng, GDP của ASEAN sẽ đạt 2,3 nghìn tỷ USD, trong khi RCEP dự kiến sẽ chiếm 28% kinh tế thế giới. AEC hứa hẹn kích thích tăng trưởng kinh tế hơn nữa nhờ thị trường thống nhất, và đưa ASEAN thành đối tác kinh tế tầm cỡ toàn cầu, lớn thứ 7 thế giới. Tương tự như vậy, RCEP kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động giữa các thành viên. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính RCEP sẽ mang lại từ 240 đến 644 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới trong một thập kỷ. Quan trọng hơn, RCEP sẽ giúp củng cố các hiệp định thương mại song phương hiện có và giảm thiểu các thủ tục hải quan

AEC cũng sẽ thúc đẩy hợp tác an ninh chặt chẽ hơn giữa các thành viên. RCEP và TPP khuyến khích Trung Quốc và Mỹ tham gia nhiều hơn vào khu vực, tạo cơ hội cho các cường quốc góp phần ổn định khu vực. Do bị lu mờ bởi sự cạnh tranh Mỹ-Trung, hiệu quả và uy tín của ASEAN đang bị nghi ngờ trong những năm gần đây. Căng thẳng chính trị tác động lớn tới tiến trình AEC, các nước thành viên cần phải ưu tiên tầm nhìn AEC với cái nhìn xa hơn về trách nhiệm nội bộ. Hợp tác khu vực hiệu quả sẽ giúp giải quyết được nhiều vấn đề trong nước, chẳng hạn như: an ninh lương thực, năng lượng, việc làm... Thành công của AEC cũng sẽ đem đến lợi ích cho RCEP. Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN hình thành các trung tâm xung quanh, với các thoả thuận và các cơ chế như: FTA, ASEAN+3 hay Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.

Khi AEC thành lập, ASEAN có thể tiếp tục củng cố vị thế kinh tế, cung cấp động lực cho các nền kinh tế lớn tham gia vào khu vực. Quan trọng hơn, nỗ lực cắt giảm thuế quan, thủ tục hải quan thuận lợi sẽ đặt nền móng cho hội nhập kinh tế hơn nữa của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hợp nhất kinh tế ASEAN sẽ cung cấp nền tảng tốt cho tổ chức này thể hiện vai trò trong việc tham gia với các cường quốc lớn khác, góp phần mở rộng không gian biên giới hòa bình ASEAN tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Nhưng trước tiên, ASEAN sẽ cần phải quản lý được các vấn đề nội bộ, nghĩa là cần phải có những nỗ lực lớn hơn để hoàn thành AEC trước thời hạn chót tháng 12/2015. Những nỗ lực này sẽ đòi hỏi ý chí chính trị mạnh mẽ của các thành viên ASEAN. Không nghi ngờ rằng AEC và RCEP sẽ đem lại lợi ích cho tất cả thành viên, mang lại cơ hội kinh doanh và đầu tư lớn hơn cho khu vực cũng như lợi ích chính trị như sự ổn định khu vực, quan hệ song phương mạnh mẽ hơn. 
Liên minh châu Âu (EU) - mô hình liên minh kinh tế và chính trị thành công nhất trên thế giới là một điển hình tốt. Sự thành công về kinh tế-chính trị của EU cho thấy, hội nhập khu vực không chỉ đơn giản là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị. Do đó, các nước ASEAN sẽ cần phải giải quyết các vấn đề chính trị trong nước trước khi bắt đầu hội nhập ở cấp khu vực.

Các cam kết chính trị của các quốc gia thành viên thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế khu vực sẽ quyết định việc thực hiện các mục tiêu AEC. Hội nhập khu vực vốn dĩ là một nỗ lực chính trị đại diện cho tầm nhìn về một trật tự kinh tế-chính trị mới trong đó các quốc gia phát triển trong môi trường khu vực ổn định. Điều này trước tiên đòi hỏi sự thừa nhận bản chất chính trị của hội nhập khu vực và ý chí chính trị cần thiết sẽ đảm bảo cho sự thành công trước khi có thể gặt hái đầy đủ các lợi ích kinh tế.

Bài viết của nhà nghiên cứu Woo Jun Jie tại Đại học Công nghệ Thiết kế Singapore và chuyên gia phân tích độc lập Suvi Dogra đăng trên báo The Jakarta Post.

Thùy Anh (gt)