Trung Quốc đã thiết lập một "Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông”. Vùng nhận dạng phòng không này có hiệu lực từ 10 giờ sáng ngày 23/11. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng đã công bố các quy định nhận diện máy bay cho Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, trong đó bao gồm một lời cảnh báo rằng "các biện pháp phòng thủ khẩn cấp" sẽ được áp dụng để đối phó với máy bay không tuân theo những chỉ dẫn. 

Vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông của Trung Quốc có một phần chồng lấn với Vùng nhận dạng phòng không hiện nay của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan trong khu vực này. Vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc bao gồm quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku mà cả Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đều tuyên bố thuộc chủ quyền lãnh hải của họ. Một ngày sau tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông, Trung Quốc đã tiến hành 2 cuộc tuần tra trên không xung quanh khu vực này. Các máy bay của Trung Quốc đã bị các máy bay chiến đấu của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) chặn lại. 

Tất cả các quốc gia đều có quyền thiết lập các điều kiện hợp lý cho việc bay vào lãnh thổ của mình. Một Vùng nhận dạng phòng không là một tuyên bố về phạm vi mà trong đó một máy bay không rõ nguồn góc có thể bị chặn lại và bị cấm xâm nhập bất hợp pháp không phận quốc gia. Vùng nhận dạng phòng không chủ yếu phục vụ như một ranh giới phòng thủ quốc gia, giúp một nước tránh khỏi những cuộc xâm nhập trên không. Không có quy tắc hoặc luật pháp quốc tế nào để xác định kích thước của một Vùng nhận dạng phòng không. Hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện có Vùng nhận dạng phòng không, trong đó Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines, Đài Loan đều có Vùng nhận dạng phòng không tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Các Vùng nhận dạng phòng không nhìn chung có phạm vi rộng hơn không phận lãnh thổ của một quốc gia. 

Tại sao Trung Quốc thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không? Người phát ngôn Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cho rằng hành động này của Bắc Kinh là "một biện pháp mà Trung Quốc cần tiến hành để thực hiện quyền tự vệ của mình," và "biện pháp này không nhằm chống lại bất kỳ quốc gia hay mục tiêu cụ thể nào." Tuy nhiên, quyết định tuyên bố một Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông có khả năng là nhằm tăng cường tuyên bố yêu sách của Bắc Kinh đối với các hòn đảo tranh chấp ở vùng biển này. Động thái này được đưa ra sau vụ Trung Quốc tháng 9/2012 đệ trình lên Liên hợp quốc những đường ranh giới để phân định một vùng ranh giới lãnh hải xung quanh các quần đảo tranh chấp. 

Trung Quốc cũng có thể đang đáp trả những cảnh báo gần đây của Nhật Bản rằng nước này có quyền bắn hạ máy bay do thám không người lái gây ra mối đe dọa cho không phận Nhật Bản. Bằng cách tạo ra một Vùng nhận dạng phòng không bao gồm cả quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, Bắc Kinh có lẽ tin rằng Trung Quốc đã thiết lập một nền tảng cơ bản cho việc thách thức chủ quyền và, nếu cần thiết, sẽ thực hiện hành động chống lại máy bay Nhật Bản hoạt động trong khu vực này. Vùng nhận dạng phòng không cũng có thể báo hiệu ý định của Trung Quốc trong việc tăng số lượng các chuyến bay trong không phận xung quanh các đảo tranh chấp như một sự thể hiện chủ quyền và tuyên bố pháp lý của họ. Trung Quốc chỉ thực hiện bay trong không phận xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku một lần, vào tháng 2/2013, khi một máy bay giám sát hàng hải dân sự Y-12 xâm nhập không phận khu vực này. 

Bắc Kinh cũng có thể cố tìm cách thu thập và công bố số liệu về số lần các máy bay phản lực của Trung Quốc được điều động xuất kích để ngăn chặn các máy bay chiến đấu Nhật Bản xâm nhập vào Vùng nhận dạng phòng không của mình. Nhật Bản vừa công bố số liệu về "các vụ xâm nhập" của máy bay Trung Quốc và Nga, Trung Quốc có thể thấy được những lợi ích trong việc chứng minh cho “khán giả” trong nước rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc và quân đội nước này đang làm hết sức mình để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. 

Hành động của Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm căng thẳng trong các cuộc tranh chấp đang diễn ra, và gây nên những va chạm trong khu vực. Nó cũng làm gia tăng thêm những căng thẳng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại một thời điểm khi mà mối quan hệ song phương trở nên căng thẳng nghiêm trọng. Hơn nữa, nó làm tăng nguy cơ xảy ra rủi ro. Có sự chồng lấn rất lớn giữa Vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc và Vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản. Khi máy bay từ một trong hai quốc gia này bay trong khu vực chồng lấn đó, phía bên kia chắc chắn sẽ điều động các máy bay chiến đấu xuất kích và ngăn chặn những máy bay xâm nhập. Nếu những cuộc ngăn chặn không được tiến hành một cách an toàn và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, rất có thể sẽ dẫn tới một vụ va chạm. Nhớ lại năm 2001, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã tiến hành ngăn chặn quyết liệt và va chạm với một máy bay do thám của Mỹ. Vụ việc này dẫn đến cái chết của phi công Trung Quốc và buộc máy bay EP- 3 của Mỹ phải hạ cánh trên đảo Hải Nam, nơi mà 24 thành viên phi hành đoàn của máy bay này đã bị tạm giữ trong vòng 11 ngày, đồng thời gây ra một cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. 

Vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc cũng bao gồm các phần của đảo Ieo và đảo Jeju, hai đảo thuộc về Hàn Quốc, và chồng lấn với Vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc trong một khu vực rộng 20 km và dài 115 km. Chính phủ Hàn Quốc đã bày tỏ “lấy làm tiếc” về quyết định của Chính phủ Trung Quốc. Vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông mới được công bố cũng trùng lặp với Vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, khiến chính quyền Đài Bắc đưa ra tuyên bố, trong đó có một cam kết rằng các lực lượng vũ trang của Đài Loan sẽ đảm bảo sự an toàn không phận của họ. Đài Bắc cũng đồng thời kêu gọi tất cả các bên "tránh các hành động có thể làm leo thang sự đối đầu trong khu vực." 
Hơn nữa, những quy tắc nhận diện máy bay của Trung Quốc không có sự khác biệt giữa máy bay bay song song đường bờ biển của Trung Quốc thông qua Vùng nhận dạng phòng không và những máy bay bay về phía không phận của Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhấn mạnh vấn đề này trong tuyên bố của mình, đồng thời nói rằng Mỹ "không áp dụng các thủ tục về Vùng nhận dạng phòng không của mình đối với máy bay nước ngoài không có ý định xâm nhập không phận quốc gia của Mỹ". Điều này ngầm ám chỉ rằng Mỹ sẽ không công nhận quyền đã tuyên bố của Bắc Kinh trong việc thực hiện hành động chống lại máy bay không có ý định xâm nhập không phận quốc gia của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ không thay đổi cách tiến hành các hoạt động quân sự của nước này trong khu vực. 

Một số người Trung Quốc có thể tin rằng những hành động ngăn chặn tích cực chống lại máy bay của Nhật Bản trong không phận tranh chấp gần quần đảo Điếu Nga/Senkaku sẽ không gây kích động tới phản ứng của Mỹ bởi vì Washington giữ lập trường trung lập trong vấn đề chủ quyền đối với quần đảo này. Tuy nhiên, phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã tái khẳng định rằng Điều V của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Nhật áp dụng đối với quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku là rất quan trọng trong vấn đề này và sẽ ngăn chặn tính toán sai lầm của Trung Quốc. 

Rõ ràng, quyết định thiết lập Vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông của Bắc Kinh đã làm gia tăng thêm những vấn đề mới trong các mối quan hệ giữa Trung Quốc với Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, và đặc biệt là Nhật Bản, đồng thời đe dọa các quốc gia nhỏ hơn ở khu vực Đông Nam Á. Có vẻ như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo đã trở nên mạnh mẽ hơn từ Hội nghị Trung ương 3 Đảng Cộng sản Trung Quốc mới diễn ra gần đây, đang sẵn sàng thổi bùng những ngọn đuốc chủ nghĩa dân tộc để có thể đảm bảo tính đại chúng của Đảng Cộng sản Trung Quốc như ông đã làm để tiến hành cải cách kinh tế ở trong nước. 

Bonnie S Glaser, Cố vấn Cao cấp về vấn đề Châu Á tại Trung tâm nghiên cứu và chiến lược quốc tế CSIS, Washington DC.

Asia Times Online

Thùy Anh (gt)