Abe đã bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tới các nước Malaysia, Singapo và Philippines chỉ vài ngày sau khi Đảng Dân chủ tự do và đối tác liên minh New Komeito giành lại quyền kiểm soát Thượng viện Nhật Bản. Chiến thắng trong bầu cử của Abe ngày 22/7 vừa qua đã củng cố việc nắm quyền của liên minh đảng cầm quyền.

Lyu Yaodong, Trưởng ban về chính sách ngoại giao Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã cho biết: “mục tiêu cơ bản của việc Abe thường hay xuất hiện tại Đông Nam Á là cố gắng xây dựng một đồng minh về biển với một số nước trong khu vực để kiềm chế Trung Quốc”.

Nhật Bản tuyên bố chủ quyền đối với các đảo Điếu Ngư tại Hoa Đông và trở thành một phần được quốc hữu hóa bất hợp pháp vào tháng 9/2012. Trong khi đó, một số nước Đông Nam Á như Philippines và Việt Nam có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại biển Đông. Abe luôn nhấn mạnh tới chính sách ngoại giao chủ động tại châu Á nhưng bản chất này đã thay đổi trong nhiệm kỳ 2 kể từ khi ông tái đắc cử vào tháng 12. Trong nhiệm kỳ đầu vào năm 2006, Abe đã nhấn mạnh việc sửa chữa quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc vốn đã xấu đi trong nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Junichiro Koizumi. Tuy nhiên, hiện nay, Abe đang phớt lờ và cô lập hai nước Trung Quốc và Hàn Quốc bằng cách tạo liên minh với các nước ASEAN thông qua các chương trình đầu tư và giảm nợ quy mô lớn.

Chính quyền Abe đang cố gắng củng cố quan hệ Nhật Bản với ASEAN nhân dịp lễ kỷ niệm 40 năm quan hệ Nhật Bản - ASEAN.

Trong phỏng vấn với tờ Jakarta Post, ĐS/Nhật Bản tại ASEAN Kimihiro Ishikane đã cho biết tương lai của Nhật Bản nằm ở khu vực ASEAN. “Về chiến lược, các tuyến hàng hải của Nhật Bản phải qua khu vực ASEAN. Hơn 85% lượng dầu thô nhập khẩu của Nhật Bản phải từ Trung Đông thông qua khu vực này”.

Theo hãng Thông tấn Kyodo của Nhật Bản cho biết trong cuộc gặp với TTh/Philippines Benigno Aquino III ngày 27/7, Abe sẽ khẳng định kế hoạch cung cấp tàu tuần tra của Nhật Bản cho Philippines như một phần nỗ lực của Nhật Bản trong củng cố lực lượng tuần duyên Philippines.

Trước đó, trong chuyến thăm Malaysia và Singapo, Abe sẽ phát biểu về chính sách kinh tế của ông, quan điểm của Nhật Bản về đàm phán thương mại Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Nhật Bản đã tham gia ngày 23/7/2013. TPP nhằm tạo một trong những khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới.

Abe cũng sẽ gặp Phó TTh Mỹ Joe Biden tại Singapo ngày 26/7 và cả hai bên dự kiến sẽ trao đổi về việc tăng cường đồng minh Mỹ - Nhật sau chiến thắng của đảng liên minh cầm quyền của Abe trong cuộc bầu cử vừa qua. Biden sẽ tới Singapo trong ngày 25/7 và sau đó tới thăm Ấn Độ.

Abe đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ 2 vào tháng 1/2013 trong đó thăm 3 trong số 10 nước ASEAN là VN, TL và Indonesia. Tháng 5/2013, ông đã thăm Myanmar.

Wang Xinsheng, giáo sư nghiên cứu Nhật Bản tại ĐH Bắc Kinh cho biết:

(i) Abe đang cố tìm kiếm sự ủng hộ của ASEAN đối với việc sửa đổi hiến pháp của Nhật Bản và việc quân sự hóa ngày càng gia tăng của nước này. Bằng cách thăm lại Đông Nam Á, Abe đã bỏ lỡ thời điểm tốt trong cải thiện quan hệ với Bắc Kinh ngay sau khi giành chiến thắng tại Thượng viện. Điều đó cũng có nghĩa Nhật Bản tiếp tục nỗ lực kiềm chế Trung Quốc về ngoại giao.

(ii) Việc sửa chữa quan hệ Trung - Nhật đòi hỏi thiện chí tốt giữa các lãnh đạo hai quốc gia và công luận hai nước nhưng đáng tiếc chúng ta vẫn chưa thấy nhiều thiện chí đó từ phía Tokyo.

Các hãng truyền thông Nhật Bản ngày 24/7 đã cho biết chính phủ Nhật Bản lên kế hoạch cử Thứ trưởng ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki tới Trung Quốc có thể trước tháng 8 để cải thiện quan hệ. Các báo cáo cũng cho biết Tokyo đã đề xuất đối thoại giữa Saiki và người đồng nhiệm Trung Quốc Zhang Yesui về các vấn đề lãnh thổ. Saiki, 60 tuổi, nổi tiếng về cách tiếp cận cứng rắn trong các tranh chấp ngoại giao. Khi ông còn là Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề đại dương và châu Á năm 2002, ông đã hợp tác với Abe, Phó Chánh văn phòng Ban Thư ký nội các để bảo đảm việc trở về của 5 công dân Nhật Bản bị Bắc Triều Tiên bắt giữ.

Abe đã thăm 13 nước trong đó có Mỹ và Nga chỉ trong vòng 6 tháng qua và chứng tỏ các chuyến công du nước ngoài của mình là chính sách ngoại giao trải rộng trên bản đồ toàn cầu.

Tờ báo Nhật Bản Mainichi Shimbun nhận định nếu Nhật Bản không thể cải thiện quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc thì ảnh hưởng của Nhật Bản tại Đông Á sẽ giảm và phủ bóng lên quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật. Ngày 24/7, Mỹ cũng cảnh báo chính quyền Abe đối với các động thái mà sẽ làm gia tăng căng thẳng tại khu vực.

Danny Russel, trợ lý NT Mỹ về Đông Á đã nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc cải thiện quan hệ giữa Nhật Bản và các nước láng giềng và vấn đề cần được giải quyết theo cách thức hòa bình và toàn diện.

Theo China Daily

Văn Cường (gt)