Khi Malaysia đảm nhận chức chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, hay ASEAN, Malaysia sẽ có sự hiện diện khu vực vô cùng lớn trong suốt năm 2015 và trở thành một tâm điểm cho sự can dự của Mỹ ở châu Á. Trong khi tất cả các nước chủ tọa ASEAN đều đăng cai một loạt hội nghị và tăng cường hợp tác nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa các thành viên, thì 2015 là một năm bước ngoặt cho ASEAN: 10 quốc gia ASEAN đã cam kết biến đổi thành một “Cộng đồng ASEAN” với 3 trụ cột – hành động cố kết về các vấn đề an ninh và chính trị, hội nhập kinh tế sâu sắc hơn, và hợp tác lớn hơn về văn hóa xã hội – vào ngày 31/12/2015. Với tư cách chủ tịch, Malaysia chịu trách nhiệm biến tầm nhìn về một cộng đồng ASEAN hội nhập này thành hiện thực.

Ngoài ra, năm nay Malaysia đảm nhận ghế không thường trực có nhiệm kỳ 2 năm trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Vai trò này, cùng với chức chủ tịch ASEAN, có thể biến 2015 trở thành một trong những năm quan trọng nhất đối với sự can dự quốc tế của Malaysia kể từ khi nước này giành được độc lập từ Anh vào năm 1957. Vai trò nổi bật gia tăng trên trường quốc tế của Malaysia có những ảnh hưởng to lớn đến các mối quan hệ Mỹ-Malaysia.

Các cuộc gặp gỡ gần đây giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Najib phản ánh một sự ấm lên đáng kể trong các mối quan hệ Mỹ-Malaysia, nhất là so với các mối quan hệ thường xuyên gay gắt trong suốt nhiệm kỳ của người tiền nhiệm ông Najib, Mahathir Mohamad. Ngoài tình bạn giữa hai nhà lãnh đạo, các mối quan hệ về thể chế giữa Chính phủ Mỹ và Malaysia – chẳng hạn như thiết lập các cuộc đối thoại chính sách thường xuyên và các chuyến thăm cấp cao – đã gia tăng một cách mạnh mẽ trong Chính quyền Obama. Chính sách ngoại giao ổn định, tiên tiến này đem lại cho Mỹ một nền tảng của sự tin tưởng khi nước này tìm cách gây ảnh hưởng tới cách Malaysia xử lý những vấn đề quan trọng trong năm 2015, bao gồm hội nhập kinh tế và những căng thẳng ở Biển Đông.

Ngoài Đông Á, việc duy trì mối quan hệ tích cực với một đất nước tự hào là một quốc gia Hồi giáo chiếm đa số nhưng nuôi dưỡng sự ôn hòa cũng có thể có lợi. Đặc biệt, sự ủng hộ của Malaysia tại Liên hợp quốc cho những nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế chủ nghĩa khủng bố và bất ổn ở Trung Đông và châu Phi có thể làm tăng cường tính hợp pháp của các chính sách đó trong thế giới Hồi giáo và trong cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn. Sự ủng hộ như vậy còn lâu mới được đảm bảo, nhưng sự hiện diện của một mối quan hệ song phương mạnh mẽ Mỹ-Malaysia khiến cho điều đó trở nên khả thi nhiều hơn.

Mặc dù những động cơ cho hợp tác giữa Mỹ và Malaysia giờ đây được cho là mạnh mẽ hơn so với bất kỳ thời điểm nào trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, nhưng vẫn có những hạn chế trong mối quan hệ này, phần lớn trong số đó đều bắt nguồn từ nền chính trị trong nước của Malaysia. Để can dự có hiệu quả với Thủ tướng Najib và các đảng viên đảng “Tổ chức Dân tộc Malay Thống nhất” (hay UMNO) cầm quyền, các nhà hoạch định chính sách Mỹ phải nhạy cảm với những mối quan ngại ở trong nước của Malaysia và tôn trọng việc nước này không sẵn sàng tự liên kết một cách quá mạnh mẽ với bất kỳ một cường quốc chủ chốt nào. Đồng thời, Mỹ vẫn phải trung thành với các giá trị của nước này và không phớt lờ định hướng của UMNO để chà đạp lên quyền tự do cá nhân ở trong nước vì lợi ích chính trị - một điều gì đó có khả năng là nguồn gốc làm gia tăng căng thẳng hơn nữa.

Khi Malaysia đảm nhận một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế trong năm 2015, bản tóm tắt vấn đề này cho thấy những khía cạnh then chốt trong chính sách đối ngoại của Malaysia và các yếu tố mang tính cơ cấu chi phối điều đó.

Các hoạt động chính trị trong nước

Một quốc gia đa văn hóa, có dân số 30 triệu người với người Hồi giáo chiếm đa số, nằm trong vùng lãnh thổ quan trọng chiến lược dọc eo biển Malacca và đảo Borneo, Malaysia đã nổi lên trong 25 năm qua với tư cách là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Á và là một đối tác thương mại đáng kể của Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ.

Kể từ khi giành được độc lập từ Anh, Malaysia đã được lãnh đạo bởi “Tổ chức Dân tộc Malay Thống nhất”, đảng dẫn dắt một liên minh các đảng gọi là Barisan Nasional, hay BN. Sự thống trị của UMNO trong nền chính trị Malaysia phần lớn có thể được cho là nhờ các chính sách kinh tế mà đã nhắm mục tiêu là giảm bớt sự bất bình đẳng giữa sắc tộc Malay – chiếm khoảng 60% dân số – và những người Trung Quốc và Ấn Độ giàu có hơn, tương ứng chiếm 25% và 7% dân số.

Các cuộc bầu cử ở Malaysia nói chung là công bằng và minh bạch, và chúng ngày càng trở nên cạnh tranh trong thập kỷ qua. Năm 2013, BN đã xoay xở để duy trì được đa số trong quốc hội bất chấp việc thất bại trong cuộc bỏ phiếu phổ thông. Liên minh đối lập Pakatan Rakyat, hay PK, được dẫn dắt bởi cựu Phó Thủ tướng Anwar Ibrahim. Malaysia đã đạt được tiến bộ rất lớn kể từ sau khi Ibrahim bị chính quyền của cựu Thủ tướng Mahathir bắt giữ và bị kết án vì những cáo buộc “được dựng lên” về tội hối lộ và quan hệ đồng tính, điều mà về mặt kỹ thuật vẫn còn bất hợp pháp tại Malaysia. PK được cấu thành từ một liên minh rời rạc, bao gồm một đảng của Anwar đa chủng tộc, bị đô thị chi phối; một đảng thế tục chiếm đa số là người Trung Quốc; và một đảng Hồi giáo bảo thủ.

Malaysia đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế phi thường trong một phần tư thế kỷ qua. Khả năng của UNMO duy trì ưu thế của nó trong nền chính trị Malaysia có thể sẽ “kích hoạt” sự tự tin của cử tri rằng liên minh này sẽ tiếp tục thực hiện lời hứa của mình về sự thịnh vượng, và đặc biệt là, thực hiện lời hứa với sắc tộc Malay. Để đạt được mục đích này, ưu tiên chính sách hàng đầu của Thủ tướng Najib là thực hiện tốt cam kết “Tầm nhìn 2020” của mình, cam kết hứa hẹn nâng cao thu nhập bình quân đầu người hàng năm từ 10.500 USD lên 15.000 USD vào cuối thập kỷ này. Mối quan tâm hàng đầu này thường biểu lộ ra trong chính sách đối ngoại của Malaysia, kể cả trong cách tiếp cận của nước này với Trung Quốc, nước mà họ có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nhưng cũng có thặng dư thương mại có giá trị.

Mặc dù chính sách kinh tế vẫn là động lực chi phối nền chính trị của Malaysia, nhưng các cử tri không phải hoàn toàn dửng dưng trước các vấn đề đối ngoại, đặc biệt là khi chúng liên quan đến thương mại hoặc sự can thiệp của phương Tây vào vấn đề của những quốc gia Hồi giáo. Ví dụ, sự phản đối quá mạnh mẽ của dân chúng trước cuộc chiến tranh Iraq đã đặt một gánh nặng đáng kể lên các mối quan hệ Mỹ-Malaysia.

Chính sách đối ngoại

So với nhiều nước láng giềng, chính sách đối ngoại của Malaysia trong suốt nửa thế kỷ qua ổn định, hòa bình, và hợp tác, bất chấp giọng điệu đôi lúc gay gắt. Trong những năm sau khi giành được độc lập, Malaysia đã thực hiện một chính sách đối ngoại rõ ràng là thân phương Tây, chống Cộng sản; tuy nhiên, trong những năm cuối thập niên 1960 và 1970, tư thế này đã chuyển sang chủ nghĩa trung lập thận trọng. Trong một động thái tiếp tục củng cố mối quan hệ song phương với Bắc Kinh mà nhiều người đã gọi là “đặc biệt”, Malaysia là nước đầu tiên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chuyến thăm lịch sử vào năm 1974 của Thủ tướng Tun Razak – cha đẻ của Thủ tướng đương nhiệm Najib – đến Bắc Kinh đã đẩy nhanh sự phát triển của mối quan hệ này.

Trong một phần tư thế kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, Malaysia có một thái độ khiêu khích hơn trên vũ đài quốc tế mà thường là với phương Tây. Trong suốt những năm 1980 và 1990, Malaysia trở thành một bên ủng hộ quan trọng cho sự can dự Nam-Nam giữa các quốc gia đang phát triển và tìm cách tạo dựng vị trí hàng đầu trong thế giới Hồi giáo. Cũng trong thời gian này, các nhà lãnh đạo ở Putrajaya – thủ đô hành chính của Malaysia – đã chủ động tranh thủ các mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn với Nhật Bản và, bắt đầu từ giữa những năm 1990, với Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Malaysia vào thời điểm đó, cụ thể là Thủ tướng Mahathir khi đó, cũng tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế của Malaysia nhằm tránh sự phụ thuộc vào bất kỳ liên minh hoặc người bảo trợ duy nhất nào. Trong một hành động tạo thế cân bằng, Malaysia – dưới sự lãnh đạo của Mahathir – đã âm thầm nuôi dưỡng các mối quan hệ quốc phòng với Washington và chưa bao giờ phản đối sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Á, ngay cả khi thủ tướng chỉ trích gay gắt Mỹ và các cường quốc phương Tây khác.

Triển vọng hiện tại

Trong suốt những quá trình chuyển tiếp quyền lực và quyền lãnh đạo của Malaysia, các mục tiêu chính sách đối ngoại của nước này vẫn được duy trì. Kể từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Najib đã tìm cách duy trì và mở rộng quan hệ thương mại với các đối tác then chốt – đặc biệt là Trung Quốc – trong khi đó vẫn duy trì hợp tác an ninh với Mỹ. Ông cũng là người ủng hộ cách tiếp cận khu vực cho việc giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông và ưu tiên vai trò của Malaysia với tư cách là một cường quốc bậc trung bên trong ASEAN.

Chính sách đối ngoại của Thủ tướng Najib, với trọng tâm là các mục tiêu kinh tế không có lợi cho chiến lược tổng thể – cũng như mức độ mà nó bị chi phối bởi những mối lo ngại chính trị trong nước chứ không phải là uy tín quốc tế – điều đó đã cho thấy một sự thay đổi so với Chính quyền Mahathir. Như một học giả nhận xét, “vị trí tương đối yếu của Najib trong chính đảng của ông… đòi hỏi ông phải liên tục tiến hành thương lượng chính trị trong nước để đảm bảo sự ủng hộ, để lại ít không gian và các nguồn lực hơn cho một chính sách đối ngoại chủ động, được nhiều người biết tới”.

Nhất quán với những ưu tiên này, phần lớn hoạt động ngoại giao của thủ tướng đã và đang phục vụ cho sáng kiến “Tầm nhìn 2020” đặc trưng của ông vào thời điểm khi liên minh chính trị của ông yếu hơn bao giờ hết. Malaysia đã tích cực đón nhận Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, với lời hứa của mình về quyền tiếp cận lớn hơn các thị trường Mỹ, trong khi đó cũng đang chủ động “ve vãn” Trung Quốc, nước đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia trong năm 2009 và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của nước này. Trung Quốc xuất hiện rõ ràng trong việc lập kế hoạch kinh tế của Malaysia: Thủ tướng Najib mới đây đã say mê tung hô các mối quan hệ lịch sử và nhân khẩu học của Malaysia với Trung Quốc trong khi theo đuổi mục tiêu tăng gấp ba lần các cấp độ thương mại vào năm 2017.

Những hoàn cảnh này khiến Chính quyền Najib hướng tới chính sách ngoại giao hòa giải, được minh chứng bằng cam kết được khôi phục giữa Mỹ-Malaysia, các mối quan hệ được cải thiện với Indonesia và Australia, và việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ nhỏ nhưng gay gắt với Singapore. Tuy nhiên, mong muốn của Putrajaya cải thiện quan hệ và tránh xung đột với các nước láng giềng và các đối tác thương mại lớn sẽ có nguy cơ khiến nước này sa vào thái độ trung lập đối với các vấn đề gây tranh cãi, như tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Với tư cách là chủ tịch ASEAN, việc né tránh vai trò lãnh đạo mang tính xây dựng đối với các vấn đề khó khăn thay vì giúp giải quyết căng thẳng sẽ làm suy yếu tầm quan trọng của tổ chức này khi nó tìm cách duy trì vị trí trung tâm trong cơ cấu an ninh khu vực châu Á.

Malaysia và ASEAN

Trong bốn thập niên qua, Malaysia đã ủng hộ một cách nhất quán chủ nghĩa khu vực tăng cường với tư cách là một vùng đệm chống lại sự kình địch giữa các cường quốc chủ chốt. Họ đã làm vậy với tư cách là một thành viên sáng lập của ASEAN vào năm 1967 và là bên ủng hộ các thể chế lấy ASEAN làm trung tâm với nhiều thành viên hơn, như Diễn đàn khu vực ASEAN hàng năm. Mặc dù có cam kết mạnh mẽ với ý tưởng ASEAN, nhưng những đóng góp của Malaysia cho chương trình nghị sự thực tế của hiệp hội này lại rất nhỏ. Putrajaya đã không phải là bên dẫn đầu đối với bất kỳ thành tựu chính sách nào của ASEAN trong 25 năm qua. Ví dụ, Singapore đã dẫn dắt việc thực hiện cắt giảm thuế quan, như được quy định tại thỏa thuận Khu vực thương mại tự do ASEAN năm 1992. Malaysia cũng không có công trong các nỗ lực của ASEAN xem xét lại chính sách không can thiệp của hiệp hội này vào những năm 1990, một chính sách mà Thái Lan là ngọn cờ đầu.

Tuy nhiên, việc Malaysia đảm nhận chức chủ tịch ASEAN năm nay diễn ra vào một thời điểm quan trọng đối với tổ chức này, do đây là năm cuối để thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, hay AEC, một trụ cột của cộng đồng ASEAN nói chung được thiết kế để bắt đầu hội nhập 10 nền kinh tế quốc gia của khu vực này thành một khối duy nhất. Có thái độ hoài nghi rộng khắp về khả năng khu vực này trên thực tế sẽ trở nên gắn kết hơn vào cuối năm 2015 so với bây giờ, đặt Malaysia vào vị thế không ai mong muốn: phải xoay sở để đạt được những kỳ vọng mà không làm tổn hại đến uy tín của ASEAN.

Khi miêu tả các mục tiêu của mình, chẳng hề ngạc nhiên khi Malaysia tập trung vào AEC trong khi đó lại có cử chỉ mơ hồ theo hướng “xây dựng cộng đồng”. Nước này cũng đã nêu lên một cách rộng rãi mong muốn tăng cường quan hệ với các bên tham gia không thuộc ASEAN tại nhiều diễn đàn ASEAN khác nhau. Những lời nói này che đậy điều có thể là thách thức lớn nhất của Malaysia khi lãnh đạo ASEAN trong năm 2015: đó là khả năng trở lại của các hành động thù địch trên Biển Đông.

Mặc dù Malaysia – cùng với Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và Brunei – là bên tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng tuyên bố của nước này lại lặng lẽ hơn rất nhiều so với những tuyên bố chủ quyền của Việt Nam và Philippines, hai nước đều công khai đụng độ với Trung Quốc trong những năm gần đây về những cáo buộc là vi phạm chủ quyền lãnh thổ của họ. Trước sự thất vọng của các đối tác ASEAN này, Malaysia đã không sẵn sàng tự gắn chặt mình với các bên tuyên bố chủ quyền khác trong ASEAN để chống lại những tuyên bố chủ quyền bành trướng của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông. Với quyền kiểm soát đối với các chương trình nghị sự và thông cáo cho Hội nghị cấp cao Đông Á 2015, Diễn đàn khu vực ASEAN, và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng, Malaysia sẽ phải chịu áp lực rất lớn từ các bên liên quan khác nhau trong việc đương đầu với các vấn đề ở Biển Đông. Tuy nhiên, những cơ sở của chính sách đối ngoại Malaysia và lòng tin của Malaysia vào mối quan hệ với Trung Quốc cho thấy Malaysia sẽ không có khuynh hướng đưa Biển Đông trở thành một ưu tiên trong thời gian nước này giữ ghế chủ tịch ASEAN.

Những khuyến nghị cho chính sách của Mỹ

Khi Mỹ can dự chặt chẽ với Malaysia vào năm 2015, nước này sẽ có được những lợi ích từ chính sách ngoại giao thường xuyên, kín đáo kể từ khi Chính quyền Obama bắt đầu. Tuy nhiên, tiến bộ thực tế sẽ đòi hỏi Mỹ tiếp tục ghi nhớ một vài nguyên tắc then chốt, một số trong đó vốn là các nhân tố cấu thành nên chính sách của Mỹ đối với Malaysia.

• Nhấn mạnh rằng sự thịnh vượng của Đông Nam Á đã, đang và sẽ tiếp tục phụ thuộc vào một môi trường an ninh ổn định, không có xung đột. Kể từ những ngày đầu mới thành lập đất nước, giới tinh hoa chính trị của Malaysia đã tìm cách giảm thiểu căng thẳng trong khu vực và tránh bị lôi vào những sự kình địch giữa các cường quốc để tập trung vào tăng trưởng kinh tế. Trọng tâm hiện nay về thương mại của Malaysia không thể bỏ qua bối cảnh chính trị khiến cho sự hợp tác kinh tế như vậy trở nên khả thi. Việc phớt lờ những căng thẳng hiện nay sẽ có khả năng dẫn đến bất ổn sau này, gây tổn hại đến những triển vọng kinh tế dài hạn của Malaysia.
• Truyền đi thông điệp rằng lợi ích của Mỹ ở Đông Nam Á không chỉ liên quan đến Trung Quốc. Giống như các quốc gia Đông Nam Á khác, Malaysia có xu hướng lý giải những đề nghị của Mỹ như là một phần trong một nỗ lực lớn hơn nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc đang trỗi dậy ở Đông Á. Mỹ nên tiếp tục nhấn mạnh rằng nước này theo đuổi các mối quan hệ kinh tế và an ninh với Malaysia từ lâu trước khi Trung Quốc trỗi dậy trở thành vị thế cường quốc. Mỹ cũng nên nói rõ theo quan điểm của Washington rằng mối quan hệ Mỹ-Malaysia và các mối quan hệ của Mỹ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á không chỉ liên quan đến một động lực khu vực duy nhất nào đó.

• Khuyến khích Malaysia dẫn dắt ASEAN hướng tới hội nhập hơn nữa và ra quyết định hiệu quả hơn. Mỹ cần phải nhấn mạnh rằng ASEAN đang ở giai đoạn mang tính quyết định trong quá trình phát triển của mình và rằng những hành động sắp tới của họ sẽ xác định xem họ sẽ trở thành một tác nhân cho sự thay đổi có ý nghĩa hay một bài tập trên trường ngoại giao. Tổ chức này đã tìm cách khôi phục phần nào uy tín mà nó đánh mất sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 và phản ứng không hiệu quả của nó đối với những hành vi vi phạm nhân quyền của Myanmar. Tuy nhiên, vị thế mờ nhạt của ASEAN trong vấn đề Biển Đông gây nguy hiểm cho tiến bộ đó. Với tư cách là chủ tịch ASEAN, Malaysia nên nhiệt tình theo đuổi một sự đồng thuận về vấn đề này và các vấn đề mang tính thách thức khác – ngay cả nếu sự đồng thuận đó không hoàn toàn phù hợp với các quan điểm của Mỹ.

• Tiếp tục bày tỏ sự phản đối việc lạm dụng pháp luật nhằm bịt miệng kẻ thù chính trị. Mỹ không nên thỏa hiệp các giá trị của mình bằng việc làm thinh trước những nỗ lực của Chính quyền Najib sử dụng hệ thống tư pháp của Malaysia nhằm đàn áp phe đối lập chính trị, như họ đã làm trong thời gian xét xử Anwar. Washington nên nói rõ rằng mặc dù Mỹ hoan nghênh Putrajaya cải thiện quan hệ sau thái độ gay gắt trong những năm Mahathir làm thủ tướng, nhưng về lâu dài, các mối quan hệ mạnh mẽ giữa Mỹ và Malaysia sẽ phụ thuộc vào cam kết của Malaysia thực hiện một tiến trình dân chủ công bằng và minh bạch.

• Thúc giục Malaysia ủng hộ những lập trường của Mỹ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Sự ủng hộ của Malaysia cho các sáng kiến của Mỹ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có khả năng tăng cường một cách đáng kể tính hợp pháp của những sáng kiến đó trong các quốc gia không liên kết và bên trong thế giới Hồi giáo. Đặc biệt, việc Malaysia tự xác định mình là một quốc gia Hồi giáo ôn hòa có thể hướng nước này đến các sáng kiến nhằm kiểm soát và kiềm chế chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và phổ biến vũ khí hạt nhân. Trong trường hợp Malaysia không sẵn sàng bỏ phiếu thuận với Mỹ về những biện pháp này, thì thậm chí việc nước này bỏ phiếu trắng cũng giúp lan truyền một số tranh cãi chắc chắn đi cùng với những lá phiếu như vậy.

Trong hơn bốn thập kỷ qua, mối quan hệ Mỹ-Malaysia đã đóng một vai trò không mấy nổi bật nhưng lại quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định trên khắp khu vực Đông Nam Á và ở Biển Đông. Các khuyến nghị nêu trên đem lại một khuôn khổ cho việc duy trì và làm sâu sắc thêm mối quan hệ đó vào thời điểm khi mà đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của Malaysia đối với các vấn đề khu vực chưa bao giờ lớn hơn thế. Tổng thống Obama nên sử dụng việc nối lại quan hệ Mỹ-Malaysia mang tính lịch sử làm cơ hội để thúc đẩy lợi ích chung của hai nước trong một hệ thống quốc tế ổn định, hòa bình, và theo nguyên tắc, trong khi đó đồng thời thúc đẩy sự minh bạch và công bằng trong tiến trình bầu cử của Malaysia./.

Bài viết của các tác giả Brian Harding, Giám đốc bộ phận nghiên cứu Đông và Đông Nam Á, nhóm An ninh Quốc gia và Chính sách Quốc tế tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ và Trevor Sutton hiện là cố vấn cho Liên Hiệp Quốc đăng trên trang Center for American Progress.

Thùy Anh (gt)