Đối với nhiều người Indonesia, ngày 20/10/2014 dường như là sự khởi đầu của một chương mới trong lịch sử dân chủ gần đây của nước này. Thống đốc Jakarta 53 tuổi Joko Widodo, được biết đến rộng rãi là Jokowi, đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống của đất nước đông dân thứ 4 thế giới, sau khi đánh bại sít sao cựu tướng quân đội Prabowo Subianto trong một cuộc tranh cử quyết liệt hồi tháng 7/2014.

Hành động này biểu trưng không chỉ cho đỉnh cao sự nghiệp xuất sắc của một người đàn ông khởi đầu với tư cách là một người bán nội thất trên đảo Java và nhanh chóng thăng tiến qua các cấp bậc chính phủ. Nó còn cho thấy một sự thay đổi thế hệ vì Jokowi đã trở thành vị tổng thống đầu tiên không có những mối liên hệ với chính quyền của nhà cựu độc tài Suharto, người đã bị lật đổ năm 1998 sau hơn 3 thập kỷ nắm quyền.

Tràn trề hy vọng

Có rất nhiều kỳ vọng khi Jokowi lên nắm quyền. Danh tiếng không tham nhũng, thẳng thắn và thực tế của ông khi làm Thống đốc Jakarta đã lôi cuốn nhiều cử tri, một số trong đó thậm chí đã so sánh người đàn ông 53 tuổi này với Tổng thống Mỹ Barack Obama, người đã dành tuổi thơ của mình ở quốc gia Đông Nam Á này.

Nhiều người nói thành phần nội các của Jokowi phản ánh ảnh hưởng mạnh mẽ của Megawati Sukarnoputri. Sau 3 tháng nắm quyền, nhà lãnh đạo Indonesia đã phải đối mặt với một loạt thách thức lớn thừa hưởng từ các chính quyền trước, từ chiến đấu chống nạn tham nhũng lan tràn và sự bất bình đẳng ngày càng tăng của nước này đến làm hồi sinh nền kinh tế trì trệ và cải thiện cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, Jokowi đã phải đương đầu với một Quốc hội thù địch, trong bối cảnh phần lớn thành viên Quốc hội liên kết với ứng cử viên thất bại Prabowo.

Với nhiệm vụ khó khăn trước mắt và sự thiếu kinh nghiệm của Jokowi trong các vấn đề khu vực và quốc tế, nhiều người đã cảnh báo không nên mong đợi những diễn biến gây chú ý lớn trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ của ông. Nhưng liệu Jokowi đã đặt nền tảng cho một nhiệm kỳ tổng thống thành công? Kết quả là lẫn lộn.

Êkíp của Jokowi

Thử thách ban đầu đối với nhà tân lãnh đạo là việc thành lập nội các của ông. Trong khi những phẩm chất người ngoài cuộc của Jokowi khiến ông lôi cuốn các cử tri trong chiến dịch tranh cử, chúng cũng có nghĩa là ông thiếu những mạng lưới chính trị và bảo trợ mà các chính trị gia quốc gia khác ở Indonesia có được.

Vì thế ông đã bổ nhiệm tổng cộng 18 nhà kỹ trị và người mới để lãnh đạo một số bộ nhằm thực hiện một số cải cách rất cần thiết của đất nước – một hành động được hoan nghênh cả ở trong lẫn ngoài nước. Tuy nhiên, những vị trí khác trong nội các 34 người của Jokowi đã được dành cho các thành viên liên minh cầm quyền của ông, một động thái bị nhiều người chỉ trích là phản ánh ảnh hưởng mạnh mẽ của nữ chủ tịch đảng của ông và là cựu tổng thống Megawati Sukarnoputri.

Wahyudi Kumorotomo, giáo sư về hành chính công thuộc trường Đại học Gadjah Mada của Indonesia, viết trên trang mạng học thuật “The Conversation”: “Sứ mệnh chính trị của PDI-P và liên minh của đảng này cho nhiệm kỳ tổng thống đã gây ra một cơn đau đầu rõ rệt cho Jokowi khi lựa chọn các bộ trưởng của ông. Nội các mới rõ ràng không phải tất cả là người của tổng thống”. Thậm chí điều còn gây tranh cãi hơn nữa là việc ông lựa chọn người đứng đầu ngành cảnh sát quốc gia, Budi Gunawan, người bị Ủy ban Bài trừ Tham nhũng (KPK) nghi ngờ là nhận hối lộ - một sự bổ nhiệm đã đặt ra những nghi ngờ về lời hứa hẹn tranh cử của Jokowi là thực hiện quản lý một cách trong sạch.

Vấn đề tham nhũng đã phá hoại đất nước vài năm nay, với việc Indonesia xếp hạng 107 trên tổng số 174 quốc gia trong Chỉ số Nhận thức Tham nhũng 2014 của tổ chức Minh Bạch Quốc tế. Tổng thống do đó đã phải chịu sức ép ngày càng lớn đòi thay thế lựa chọn của mình, nhưng cho tới nay ông đã từ chối. Nhưng các nhà phân tích lập luận rằng không là chỉ hối lộ, vấn đề này còn phản ánh cuộc đấu tranh nhằm củng cố quyền lực của Jokowi. Budi được xem là thân cận với Megawati và nhiều người ở Indonesia coi việc đề cử ông này là một thủ đoạn chính trị nhằm nhượng bộ PDI-P hơn nữa.

Yohanes Sulaiman, nhà phân tích chính trị và là giảng viên thuộc trường Đại học Quốc phòng Indonesia, lập luận rằng bằng việc đề cử Budi làm người đứng đầu ngành cảnh sát, tổng thống đã phí phạm rất nhiều thiện chí từ người dân. Ông cho biết: “Nhiều người coi điều này là bằng chứng cho việc Jokowi quá chiều theo Megawati mà đánh mất những nguyên tắc của mình”.

Giảm trợ cấp nhiên liệu

Về kinh tế, một trong những ưu tiên hàng đầu của tổng thống, Jokowi đã cho thấy sự quyết đoán trong việc đảm nhận nhiệm vụ giảm bớt các khoản trợ cấp nhiên liệu của chính phủ, điều mà trong nhiều năm qua đã là một nguồn thất thoát chính các nguồn lực tài chính của chính phủ, khiến ông được quốc tế khen ngợi.

Takehiko Nakao, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nói: “Với các nguồn ngân sách bổ sung có được từ việc cắt giảm trợ cấp nhiên liệu, giờ đây chính phủ có thể phân bổ nhiều nguồn lực hơn cho cơ sở hạ tầng, điều cần thiết để phục hồi và đa dạng hóa các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế”. Trên thực tế, nhiều công ty đa quốc gia được khích lệ bởi “hình ảnh trong sạch” và các kế hoạch được công bố của Jokowi để mở rộng các hoạt động tại Indonesia.

Gareth Leather, chuyên gia kinh tế về châu Á thuộc Capital Economics nói với DW: “Cắt giảm trợ cấp nhiên liệu là một động thái đáng khích lệ bởi điều đó cho thấy rằng Jokowi nghiêm túc về việc cải cách kinh tế ở Indonesia và thậm chí còn sẵn sàng thực hiện những bước đi có thể tỏ ra không được lòng dân trong ngắn hạn”.

Nhưng trong khi những khoản cắt giảm được các nhà kinh tế học hoan nghênh, thì chúng cũng làm suy yếu một phần sự ưa thích dành cho ông Jokowi khi giá xăng và dầu diesel trên khắp quần đảo này tăng hơn 30% vào giữa tháng 11/2014.
Tuy nhiên, tác động này đã được giảm bớt một phần bởi sự sụt giảm giá dầu toàn cầu mới đây.

Giúp đỡ những người nghèo nhất

Tổng thống cũng đã thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông là giúp đỡ những người nghèo nhất của quốc gia này bằng cách chuyển một số nguồn lực bổ sung sang các lĩnh vực như y tế và giáo dục. Chỉ vài ngày sau khi Jokowi nhậm chức, chính phủ đã phát hành hai loại thẻ là Indonesia Smart Card và Indonesia Health Card, đảm bảo chăm sóc y tế miễn phí cũng như miễn học phí cho người nghèo.

Nhà phân tích Sulaiman lập luận rằng cử chỉ hướng tới tầng lớp trung lưu và tầng lớp thấp này chắc chắn bù đắp lại tác động của việc giá nhiên liệu tăng vọt. Sulaiman nói: “Vốn liếng chính trị lớn nhất của Jokowi đến từ ấn tượng với nhiều người rằng ông thực sự quan tâm tới người dân và rằng ông là một trong số họ, điều mà ở một mức độ nào đó có thể bắt nguồn từ nền tảng xuất thân thuộc tầng lớp dưới của ông”.

Và dường như Jokowi đã giữ sự kết nối cá nhân này với người dân, như được chứng kiến trong phản ứng của ông trước tổn thất của chuyến bay QZ8501 thuộc hãng hàng không AirAsia, nơi ông đã gặp gỡ gia đình của các nạn nhân và tổ chức một sự ứng phó nhanh chóng.

Giao thiệp với phe đối lập

Một khía cạnh tích cực có phần bất ngờ đôi chút trong 3 tháng đầu tiên cầm quyền của Jokowi là sự cải thiện rõ ràng trong các mối quan hệ với phe đối lập, điều ban đầu dường như chắc chắn khiến cho cuộc sống của ông trong quốc hội trở nên rất khó khăn. Sulaiman nói: “Đã có những cuộc cãi vã bên trong Golkar, một trong những đảng lớn nhất thuộc phe đối lập, điều đã khiến họ hạ thấp giọng”.

Nếu Golkar với tư cách là một tổ chức có ý định “chuyển phe”, hoặc nếu một số lượng đủ lớn cá nhân các nhà lập pháp “chạy sang” phe của Jokowi, thì ông có thể giành được đa số ủng hộ trong nhánh lập pháp mà ông hiện không có.Trên hết, trong một sự nhượng bộ rõ ràng trước tổng thống, quốc hội bị phe đối lập chi phối gần đây đã phê chuẩn các cuộc bầu cử trực tiếp đối với các chức thị trưởng và tỉnh trưởng, đảo ngược điều luật gây tranh cãi đã được thông qua vào tháng 9 dưới thời người tiền nhiệm của Jokowi, Susilo Bambang Yudhoyono, điều đã dẫn tới các cuộc phản kháng và sự chỉ trích của nhiều người Indonesia.

Không khoan nhượng đối với những kẻ buôn bán ma túy

Bất chấp những dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ trong quốc hội, một trong những quyết định mới nhất của Jokowi đã khiến nhiều người bên ngoài Indonesia chỉ trích kịch liệt lập trường của ông về nhân quyền và làm xấu đi hình ảnh của ông. Indonesia đã từ chối những lời kêu gọi vào phút chót của các nhà lãnh đạo nước ngoài và, vào ngày 18/1, tử hình tổng cộng 6 người bị kết tội buôn bán ma túy, bao gồm 5 người nước ngoài đến từ Việt Nam, Malawi, Nigeria, Brazil và Hà Lan.

Tổng thống Jokowi không chỉ từ chối những yêu cầu khoan hồng, mà còn từ chối lời kêu gọi vào phút chót của Brasilia và Den Haag tha cho người dân nước họ. Thay vào đó, ông bảo vệ việc xử tử hình, nói rằng những người bị kết tội buôn bán ma túy sẽ không nhận được sự tha thứ của tổng thống vì Indonesia đang phải đối mặt với “tình trạng khẩn cấp” trước việc sử dụng ma túy.
Sự cố này không chỉ làm gia tăng căng thẳng ngoại giao, mà còn châm ngòi cho sự chỉ trích của quốc tế từ các nhóm nhân quyền. Tổ chức Ân xá Quốc tế nói rằng các cuộc xử tử hình đầu tiên dưới quyền tổng thống mới của Indonesia là “một bước thụt lùi” về nhân quyền. Jakarta đã tạm ngừng không chính thức các vụ xử tử hình trong 4 năm cho đến năm 2013, khi 5 người bị đưa ra xử tử. Không có án tử hình nào được thi hành trong năm 2014.

Một vấn đề gây tranh cãi khác, đặc biệt là trong số các nước láng giềng của Indonesia, là quyết định của Jakarta đánh chìm các tàu nước ngoài bị bắt quả tang đánh cá trái phép trong các vùng biển của Indonesia. Trong khi chính quyền mới biện hộ cho chính sách này là “một sự răn đe cần thiết”, thì những người khác lập luận rằng đây không phải là vấn đề về tính hợp pháp mà là về sự đúng mực. Tờ The Rakyat Post trích dẫn lời của Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi Ad: “Nếu bất kỳ ngư dân Malaysia nào vô tình đi vào vùng biển của Indonesia, thì không cần thiết phải đánh chìm tàu của họ. Chỉ cần hộ tống họ quay trở lại các vùng biển của Malaysia”.

Con đường phía trước

Đã 100 ngày kể từ khi Jokowi nhậm chức, và cái gọi là “hiệu ứng Jokowi” dường như đã được thay thế bằng chủ nghĩa hiện thực. Nhà lãnh đạo mới đã đem đến cho Indonesia triển vọng về một sự khởi đầu mới mẻ, nhưng ông cũng phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn. Nhà phân tích Gregory Poling, chuyên gia về Indonesia thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington nói rằng Jokowi đã trải qua thời kỳ “phấn khích” hậu bầu cử và bước vào thời kỳ quản lý hàng ngày đầy gai góc. Poling nhấn mạnh: “Đối với mỗi bước đi tiến tới các cải cách cần thiết, chính quyền của ông dường như lại bước một bước giật lùi”. Ông tiếp tục lập luận rằng tất cả các cử tri sẽ quan tâm xem liệu các cam kết của ông về quản trị hiệu quả có lấn át được nền chính trị bảo trợ bên trong liên minh của ông, và đặc biệt là liệu ông có thể bước ra khỏi cái bóng của bà Megawati hay không./.

Theo “Dw.de” (ngày 26/1/2014)

Mỹ Anh (gt)