1.            Trò chơi “cường quốc” ở Đông Nam Á sẽ ra sao? 

Dù các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đều công khai khẳng định muốn có quan hệ tốt đẹp với tất cả các cường quốc, song động lực cạnh tranh trong sự can dự vào các khu vực là một thực tế mà ít người có thể phủ nhận, không chỉ giữa Mỹ và Trung Quốc. Năm 2013, quyết định hủy chuyến thăm châu Á vào phút chót của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 11 đã khiến nhiều người đặt dấu hỏi về cam kết của Mỹ với khu vực và trao cho Bắc Kinh cơ hội thể hiện mình (dù suy nghĩ này có thể là quá đơn giản). Vì thế, trong năm 2014, những nghi ngại về tính bền vững trong chính sách “xoay trục” của Mỹ sang châu Á, bao gồm cả tương lai của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sẽ tiếp tục được duy trì, trong khi những lo ngại về phương hướng tương lai của chiến lược khu vực mới mà Trung Quốc đưa ra hồi cuối năm 2013 dường như vẫn còn đó. 

2.            Tiếp diễn hay thay đổi ở Biển Đông? 

Triển vọng cho một giải pháp giải quyết tranh chấp dựa trên pháp luật tiếp tục mờ mịt do sự trì hoãn văn bản hóa bộ quy tắc ứng xử với ASEAN của Trung Quốc, cũng như việc Bắc Kinh “trừng phạt” Philippines do Manila tìm cách giải quyết vấn đề thông qua Liên hợp quốc, một tiến trình mà Manila đã chính thức đệ đơn hồi tháng 3/2013 bất chấp việc Bắc Kinh từ chối tham dự. Động thái triển khai tàu sân bay Liêu Ninh tới Biển Đông gần đây của Trung Quốc, cùng với việc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông (mà một số tin rằng có thể tái diễn ở Biển Đông trong năm 2014), cho thấy tranh chấp tại Biển Đông sẽ tiếp tục là điểm nóng trong năm nay. 

3.            Các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ ra sao? 

Năm 2013 đã kết thúc với một lưu ý tiêu cực đối với các nền kinh tế Đông Nam Á khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã giảm nhẹ dự báo tăng trưởng khu vực trong năm 2014 xuống còn 5,2% do hậu quả của việc siêu bão Haiyan tàn phá Philippines cũng như bất ổn chính trị tiếp diễn tại Thái Lan. Dù triển vọng năm 2014 sẽ chủ yếu xoay quanh các xu thế trong khu vực, song diễn biến tại các nền kinh tế chính cũng tác động đến Đông Nam Á, chẳng hạn như tốc độ hồi phục ở châu Âu, việc giảm kích thích tiền tệ ở Mỹ, và những thách thức tăng trưởng tiềm tàng ở Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản. 

4.            Vấn đề hội nhập khu vực đến đâu? 

Ngoài vấn đề tăng trưởng kinh tế, giới quan sát có thể sẽ lo lắng nhiều về việc liệu ASEAN có thể đạt được mục tiêu hội nhập kinh tế khu vực vào cuối năm 2015 hay không. Không chỉ là vấn đề thời hạn chót, ADB mới đây đã cảnh báo về những rào cản đáng kể để hiện thực hóa cái gọi là Cộng đồng Kinh tế ASEAN, trong đó có thực tế rằng chỉ 55% doanh nghiệp trong khu vực được phỏng vấn có nhận thức về mục tiêu này cũng như các rào cản khác như quy định trái ngược giữa các nước và cơ sở hạ tầng bất cân xứng. Thất bại trong việc đi theo đúng hướng trong năm 2014 có thể ảnh hưởng đến hi vọng của những ai muốn thấy ASEAN trở thành trung tâm hội nhập khu vực lớn hơn ở Đông Á cũng như là một lực lượng kinh tế thống nhất về lâu dài. 

5.            ASEAN có thể có tiến bộ về nhân quyền? 

ASEAN đã có những tiến bộ đáng kể, dù chậm chạp trong lĩnh vực này ở cấp độ khu vực, với việc thiết lập Ủy ban liên chính phủ về nhân quyền ASEAN (AICHR) vào năm 2009. Chính vì thế, năm nay sẽ là lần đánh giá 5 năm đầu tiên đối với cơ quan này. Hiện các nhóm nhân quyền đang hối thúc các nước ASEAN đảm bảo cơ quan này có được sự ủy quyền lớn hơn và can dự với các tổ chức xã hội dân sự với thái độ thẳng thắn hơn. 

6.            ASEAN và Australia thúc đẩy hợp tác? 

ASEAN tiến hành các hội nghị thường niên với 10 nước chủ yếu mà họ gọi là “các đối tác đối thoại”. Và mỗi dịp tổ chức long trọng các lễ kỉ niệm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại đôi khi cũng là dịp để hai bên thúc đẩy quan hệ hơn nữa, như ASEAN và Nhật Bản đã làm trong năm 2013 và ASEAN với Ấn Độ năm 2012. Liệu điều tương tự có diễn ra với đối tác đối thoại lâu năm nhất của ASEAN là Australia trong năm 2014 khi mà hai bên sẽ kỉ niệm 40 năm thiết lập quan hệ? 

7.            Myanmar tiếp tục cải cách? 

Myanmar hiện phải đối mặt với những thách thức lớn trên con đường cải cách. Năm 2014 sẽ đầy ắp những sự kiện trong nước, như lần thống kê dân số lớn đầu tiên trong 2 thập kỉ và những chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào năm 2015. Tuy nhiên, 2014 cũng đòi hỏi Naypyidaw phải quan tâm đến nhiều vấn đề khác khi mà họ sẽ lần đầu tiên đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên hàng năm của ASEAN kể từ khi gia nhập vào năm 1997. Dù đã có thời gian để chuẩn bị, song các công tác hậu cần để đăng cai hàng trăm hội nghị sẽ không phải là công việc dễ dàng, đó là chưa kể đến việc Myanmar phải xử lí những vấn đề gai góc như Biển Đông. 

8.            Bầu cử Indonesia sẽ mang lại điều gì? 

Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và là nền dân chủ lớn thứ ba thế giới sẽ tổ chức cả quốc hội và bầu cử tổng thống lần lượt vào tháng 4 và tháng 7/2014. Sau một thập kỉ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, thế giới sẽ theo dõi sát sao xem ai sẽ nổi lên là nhà lãnh đạo tiếp theo của Indonesia trong bối cảnh quốc gia này là nền kinh tế mới nổi quan trọng và đóng vai trò lãnh đạo quan trọng tại Đông Nam Á. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy người có nhiều khả năng nhất là thống đốc Jakarta Joko Widodo, hay còn gọi là Jokowi, dù ông này vẫn chưa chính thức tuyên bố ý định tranh cử. 

9.            Thái Lan có giải quyết được bất ổn chính trị? 

Trong vài tuần qua hàng chục nghìn người biểu tình do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban đứng đầu đã đổ ra các đường phố ở Bangkok nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra, em gái của cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra, người đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006. Đã có nhiều lo ngại rằng tình trạng bất ổn hiện nay sẽ kéo dài đến tháng 2/2014 và rằng cuộc bầu cử dự kiến diễn ra có thể sẽ không được tổ chức hoặc bị hoãn lại. Thậm chí nhiều nhà quan sát chính trường Thái Lan còn lo ngại một cuộc đảo chính quân sự khác hoặc bạo lực chính trị leo thang có thể xảy ra nếu như tình hình hiện nay không kết thúc. 

10.         Nước cờ cuối cùng ở Campuchia? 

Trong khi bất ổn chính trị là thường thấy ở Thái Lan, thì nước láng giềng Campuchia đang phải chứng kiến các cuộc biểu tình chưa từng có với hàng chục nghìn người tuần hành trên đường phố và đòi Thủ tướng Hun Sen phải từ chức sau hơn 3 thập kỉ nắm quyền. Biểu tình nổ ra sau khi đảng của ông Hun Sen tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 7/2013 và tiến tới thành lập chính phủ bất chấp những quan ngại của phe đối lập (và một số tổ chức giám sát độc lập) rằng cuộc bầu cử này đã bị dàn xếp nghiêm trọng. Mới đây các cuộc biểu tình đã mở rộng đến những người lao động trong ngành dệt may, ngành xuất khẩu lớn nhất của Campuchia. Dù rất ít người cho rằng ông Hun Sen sẽ dễ dàng từ bỏ sau khi nắm quyền với “nắm đấm sắt” lâu như vậy, song các cuộc biểu tình hòa bình và liên tục ở mức độ hiện nay sẽ đòi hỏi phải có giải pháp nhất định nếu như chúng tiếp diễn.

Theo The Diplomat

Trần Quang (gt)