20110611_asd000.jpg

Việc tàu khu trục Mỹ vào Biển Đông gần các đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây dựng tất nhiên gây nên những chỉ trích mạnh mẽ từ phía nhà chức trách Trung Quốc. Tại sao Washington lại cố tình làm căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung? Bằng cách gây áp lực lên Trung Quốc, Mỹ muốn khiến Bắc Kinh dễ thỏa hiệp - và điều này có liên quan trực tiếp đến chính sách của Mỹ đối với Nga.

Quần đảo Trường Sa là đối tượng gây tranh cãi. Trung Quốc coi là của nước này – mặc dù quần đảo này nằm cách điểm cực Nam Trung Quốc là đảo Hải Nam đến 1000 km. Cũng như quần đảo Hoàng Sa nằm gần Trung Quốc hơn và bị nước này chiếm giữ hơn 40 năm trước, Bắc Kinh coi Trường Sa như vùng đất khởi thủy đã thuộc về Trung Quốc, được khai khẩn trong chuyến thám hiểm của đô đốc vĩ đại Trịnh Hòa (Zheng He) vào đầu thế kỷ 15, nghĩa là trước cả kỷ nguyên các khám phá địa lý vĩ đại của châu Âu.

Đế chế Trung Hoa lúc đó đã tồn tại được hàng nghìn năm, nhưng sau Trịnh Hòa không còn ai đi viễn dương nữa - Hoàng đế mới quyết định rằng không cần phải đến những vùng đất xa xôi của người man rợ, và các con tàu lớn bị để không, mục nát. Nhưng chẳng bao lâu sau người man rợ này tự tìm đến Biển Đông - 100 năm sau người Tây Ban Nha đã ghi tên quần đảo vào thành phần đế quốc của mình.

Trong những thế kỷ sau đó toàn bộ khu vực phía Nam của Trung Quốc bị các cường quốc châu Âu gồm Tây Ban Nha, Anh, Hà Lan, Pháp chia sẻ với nhau. Nhưng vì người Trung Quốc không tiến hành bất kỳ một hoạt động thương mại hay mở rộng hàng hải nào, nên họ không quá quan tâm đến những hoạt động vặt vãnh này ở phía Nam Trung Quốc.

Vào thế kỷ 19, Trung Quốc lúc đó đã yếu đi, lại trở thành nạn nhân của xâm lược – đầu tiên là xâm lược kinh tế, sau đó đến quân sự: Họ bị buộc phải mở cửa, và sau đó bắt đầu bị biến thành bán thuộc địa. Bắt đầu thời kỳ hỗn loạn, đầu tiên với các cuộc nổi dậy và xâm lược nước ngoài, sau đó là nội chiến và chiếm đóng - kéo dài gần một thế kỷ, cho đến giữa thế kỷ 20 và khôi phục một Trung Quốc thống nhất.

Trong thời gian đó, quần đảo Trường Sa không người ở đã thay đổi chủ và trở thành quả táo bất hòa - cuối thế kỷ 19, khi thua Mỹ, Tây Ban Nha đã nhượng lại Philippines, sau trở thành xứ bảo hộ của Mỹ. Quần đảo dường như gắn liền với Philippines ở phía Đông. Hai thập kỷ sau, người Pháp, sở hữu khu vực phía Tây của quần đảo Đông Dương, đã tuyên bố quyền của mình đối với quần đảo này - và thậm chí còn giành quyền kiểm soát chúng. Chính phủ Trung Quốc lúc đó tuyên bố phản đối, nhưng không có ai lắng nghe - và đến năm 1941, Nhật Bản đã đến đuổi người Pháp đi, xây dựng căn cứ tàu ngầm trên một trong những hòn đảo của quần đảo này.

Năm 1945, người Nhật ra đi - và Bắc Kinh đã gửi đơn vị đồn trú đến đó. Nhưng ngay lập tức Pháp lên tiếng – thay mặt cho thuộc địa Việt Nam của mình tuyên bố quần đảo này là của Việt Nam. Cuộc tranh cãi nhanh chóng lắng xuống - và các đảo vẫn không có người ở, chỉ là một vùng đánh bắt cá.
Nhưng sau khi những người Cộng sản lên nắm quyền ở Bắc Kinh vào năm 1949, chủ đề các vùng lãnh thổ bị mất lại trở nên nóng hổi - cần loại bỏ những hậu quả của tất cả các “hiệp ước bất bình đẳng” của thế kỷ 19, trong đó Trung Quốc bị mất một loạt lãnh thổ - ví dụ, Hong Kong. Và nói chung, Trung Quốc phải lấy lại tất cả những gì đã mất - từ Ngoại Mông (mà Liên Xô có thể bảo vệ độc lập của vùng này) và Tây Tạng đến quần đảo Senkaku (do Nhật Bản chiếm đóng), quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, khi Mỹ đã rời khỏi miềm Nam Việt Nam, còn Trường Sa thì vẫn là một cuộc tranh giành trong mấy thập kỷ qua.

Kể từ những năm 1950 một phần quần đảo này do Việt Nam nắm giữ, sau đó đến Đài Loan và Philippines và trong thập kỷ 80 của thế kỷ 20, Malaysia cũng tham dự. Một phần quần đảo được Brunei coi là vùng đánh cá của mình, nhưng họ không đặt đơn vị đồn trú. Như vậy, hiện quần đảo này đang được phân chia giữa 6 bên - Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Philippines và Brunei. Tất cả có khoảng 100 hòn đảo nằm rải rác trong 1000 km2, và khoảng một nửa đã có quân của một quốc gia nào đó nắm giữ. Số “đảo” còn lại - chỉ là các rạn san hô và đá, mà các “hòn đảo” lớn cũng chỉ rất nhỏ: tổng diện tích của đảo chỉ có 5 km2.

Việt Nam kiểm soát nhiều nhất, sau đó đến Trung Quốc, hòn đảo lớn nhất do Đài Loan giữ, khoảng một chục đảo nhỏ thuộc về Philippines, Malaysia cũng nắm giữ một số đảo. Không ai muốn nhượng bộ. Lý do không chỉ vì tất cả đều muốn đánh bắt cá - mà còn vì trữ lượng dầu mỏ và khí đốt rất lớn. Nhưng điều chủ yếu, tất nhiên là vị trí chiến lược của quần đảo Trường Sa - quần đảo nằm trên tuyến đường từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, từ eo biển Malacca tới Trung Quốc và Nhật Bản, có nghĩa là con đường thương mại chính của thời đại.

Khối lượng lớn hàng hóa - và ai kiểm soát quần đảo Trường Sa người đó có thể trong trường hợp chiến tranh đóng lại tuyến giao thông giữa Thái Bình Dương với Trung Đông và châu Âu. Vì vậy, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã chuyển sang tấn công – họ bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo trên đó có thể triển khai một sân bay quân sự. Khác với các nước tuyên bố chủ quyền đối với các đảo khác, khoảng cách từ các đảo đến bờ biển của Trung Quốc xa hơn so với của các ứng viên khác.
Động lực của Trung Quốc là rõ ràng – họ muốn đảm bảo an toàn cho biên giới phía Nam của mình, tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông. Còn các đối thủ của họ ở đó hoàn toàn không phải Việt Nam với Philippines – mà là Mỹ. Chính vì vậy việc tàu chiến Mỹ đi vào vùng này mang tính chất khiêu khích công khai. Mỹ muốn cho biết ai là ông chủ.

Phản ứng của Trung Quốc rất gay gắt - Bắc Kinh cáo buộc Mỹ vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và khuyến cáo không nên “tự dưng tạo ra một sự cố”, họ tuyên bố rằng sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh của chính họ. Tất nhiên sẽ không có chiến tranh - nhưng Obama kéo đuôi rồng để làm gì?

Quần đảo Trường Sa là vị trí quân sự nguy hiểm tiềm năng nhất trên Thái Bình Dương – như bán đảo Triều Tiên vậy. Rõ ràng là Trung Quốc đang trong giai đoạn lấy lại vị thế cường quốc khu vực, sẽ xây dựng một sân bay ở đó và sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự của mình - để tăng cường an ninh của mình và nhấn mạnh yêu cầu giành quyền kiểm soát đối với toàn bộ quần đảo.

Trung Quốc tất nhiên muốn các nước trong khu vực nằm trong quỹ đạo của mình, nhưng hiện vấn đề của họ là: làm thế nào để không trở thành bên dẫn đường cho ảnh hưởng thù địch. Và việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông chủ yếu do mong muốn đẩy “người bảo đảm an ninh cho toàn thể nhân loại” là Mỹ ra khỏi khu vực này. Lý tưởng nhất tất nhiên Trung Quốc muốn đưa Đông Nam Á và Biển Đông về thời trước khi có “người rợ mặt bệch” xuất hiện - khi Đô đốc Trịnh Hòa có thể đi một mạch đến châu Phi và các nước Arập mà không gặp bất kỳ một người châu Âu nào.

Trung Quốc không vội vàng – thời gian có lợi cho họ, và họ tư duy ở cấp chu kỳ và nhiều thập kỷ. Khác với Mỹ, và thậm chí các chiến lược gia Anglo-Saxon – những bên tất nhiên cũng chơi trò giằng co, nhưng vì kinh nghiệm lịch sử có một không hai nên có ít sức chịu đựng hơn và thường hay bùng phát và mắc sai lầm.

Ví dụ, người Mỹ đang tham gia một trò chơi kỳ lạ đối với Trung Quốc. Họ đồng thời mời Trung Quốc chia thế giới thành hai và thể hiện ý muốn vẫn tiếp tục là bá chủ toàn cầu. Một mặt, đã nhiều năm Mỹ tuyên bố chuyển hướng sang Thái Bình Dương – như một trung tâm hấp lực của thế giới trong thế kỷ 21. Và đề nghị Trung Quốc xây dựng mối quan hệ hai bên cùng có lợi - láng giềng cùng đại dương, hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, kim ngạch hàng hóa khổng lồ. Nhưng không hiểu sao Trung Quốc không đồng ý - dù ông Biden đề xuất cùng chia sẻ tất cả, nhưng không có câu trả lời.

Câu trả lời, tuy nhiên, rất đơn giản - người Trung Quốc cũng nhìn thấy rõ nỗi sợ của Mỹ trước họ, và mong muốn của Washington kiềm chế Trung Quốc bằng bất kỳ phương tiện nào. Tuy nhiên sợ không phải do Bắc Kinh đang đe dọa Mỹ - không, chỉ là sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc đang đặt kế hoạch thống trị toàn cầu của Mỹ vào diện nghi ngờ. Còn chính Mỹ mới đe dọa Trung Quốc – khi Mỹ có căn cứ quân sự được đặt khắp xung quanh đường biên giới phía Đông của Trung Quốc.

Ai hiện kiểm soát các tuyến đường biển của thế giới? Mỹ - chỉ họ mới có một mạng lưới rộng lớn các căn cứ quân sự trên toàn thế giới, các hạm đội lớn nhất và có khả năng trong trường hợp chiến tranh chặn tất cả các vịnh, các tuyến đường, các cửa ngõ. Có đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc coi Mỹ là mối đe dọa lớn đối với an ninh của mình hay không?

Đúng là tạm thời Mỹ chưa tuyên bố chính sách toàn cầu kiềm chế Trung Quốc nhưng Bắc Kinh quá rõ việc Mỹ đang muốn làm gì trong lĩnh vực an ninh ở Biển Đông, nơi họ thực sự kích động các nước láng giềng của Trung Quốc, điều này cũng diễn ra trong quan hệ kinh tế. Chỉ vài ngày sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tập Cận Bình tại Mỹ, Tổng thống Obama tuyên bố hoàn tất đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một liên minh thương mại và kinh tế có thiên hướng chống Trung Quốc rõ ràng. Và còn đi kèm với nhận xét như thế này - “Chúng ta không thể cho phép các quốc gia như Trung Quốc đề ra quy tắc cho nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta phải là người viết ra các quy tắc đó”.

Đồng thời, dàn dựng các màn trình diễn như tàu khu trục hiện nay đến quần đảo Trường Sa, Mỹ không muốn dọa Trung Quốc - trái lại, kéo họ đến gần hơn, khiến họ dễ thương lượng hơn. Hãy thỏa thuận – như kiểu Washington đề xuất, hãy phân chia thế giới với nhau. Và đừng nhìn vào Nga, đừng nghe những gì họ đề nghị - “chúng ta sẽ thống nhất nỗ lực để giảm quyền bá chủ của Mỹ”, “dứt châu Âu khỏi tay Mỹ”.

Hình thức chống Nga ngày càng trở nên quan trọng - mặc dù Washington vẫn giả vờ rằng họ không quá quan ngại về hoạt động địa chính trị của Nga trên quy mô toàn cầu. Cũng có Ukraine - nhưng đó là châu Âu, ở đó chúng ta đã có tất cả sự kiểm soát, Syria - nhưng đó là Trung Đông, chính chúng ta muốn giảm bớt sự hiện diện của mình ở đó. Tuy nhiên, một liên minh giữa Nga và Trung Quốc là hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với trật tự thế giới của Mỹ - bởi vì chỉ một sự hiện diện của liên minh đã xóa bỏ trật tự đó.

Do đó, gây áp lực lên Trung Quốc, Mỹ hiện đang lên giá cho mình - với hy vọng rằng Trung Quốc sẽ hiểu đang “dây” với một kẻ mạnh như thế nào, và ngừng giao hảo với anh Ivan-Ngốc nghếch. Tính toán đó rủi ro – nhưng nó đã chẳng một lần có tác dụng đó thôi. Ít nhất, người Mỹ cho là như vậy. Trong đầu thập niên 70 của thế kỷ 20, họ đã khôi phục được quan hệ với Bắc Kinh cũng chính bằng cách lôi bản đồ Liên Xô ra nhử, Trung Cộng đã đột ngột đáp lại sự tán tỉnh của Mỹ.

Nhưng lúc đó Trung Quốc coi Liên Xô là mối đe dọa lớn nhất đối với mình - và Nixon và Kissinger đã đánh vào điều đó. Chính xác hơn, chính Mao đã tiếp tay cho họ - ông thực sự nghĩ rằng Liên Xô đang ấp ủ kế hoạch chống Trung Quốc, mà thực ra không hề có kế hoạch này. Đối với Mao, điều quan trọng là không để cho Moskva và Washington xích lại gần nhau, vì sự kết hợp của hai đối thủ mạnh mẽ như vậy theo quan điểm của Mao sẽ là một nguy cơ chết người cho Trung Quốc.

Và Kissinger xây dựng một tam giác của mình. Điều quan trọng mang tính nguyên tắc là Mỹ có quan hệ gần gũi hơn với Moskva và Bắc Kinh hơn là quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh. Suốt một thập kỷ rưỡi, Mỹ đã cố gắng sử dụng cán cân quyền lực đó để kiềm chế Liên Xô, và đôi khi họ có thể hợp tác với Trung Quốc ngay cả trong cuộc đối đầu quân sự với Liên Xô, như ở Afghanistan. Và khi Trung Quốc quyết định thay đổi cán cân lực lượng trong tam giác và bắt đầu xích lại gần Nga, thì đã quá muộn - vào những năm cuối thập niên 80, mối quan hệ giữa Moskva và Washington đã trở nên gần đến mức Liên Xô tan rã.

Nhưng lúc đó Trung Quốc là cạnh yếu hơn của tam giác, còn bây giờ họ gần như ngang bằng với Mỹ về mặt kinh tế. Còn về địa chính trị Nga nhận sáng kiến về mình - và sự xích lại gần nhau giữa Moskva và Bắc Kinh đã diễn ra suốt trong những năm gần đây, đặc biệt tăng sau năm 2012. Nỗ lực của Mỹ hòng cô lập một trong các cạnh của “tam giác Kissinger” và gần gũi hơn với cạnh kia đã không dẫn đến kết quả. Trung Quốc lọt vào vị trí có lợi nhất, duy trì được quan hệ chặt chẽ với cả hai cường quốc.

Nhưng mối quan hệ kinh tế và chiến lược chặt chẽ - là hai sự khác biệt lớn: trong trường hợp thứ hai chúng ta đang nói về tương lai, về triển vọng toàn cầu. Trong tầm nhìn đó, Moskva và Bắc Kinh có nhiều điểm chung chưa từng thấy – trong khi lại không có những xung đột nền tảng như giữa Mỹ và Trung Quốc. Chỉ cần nhớ lại rằng các tàu chiến của Nga đang ngày càng thường xuyên tiến hành tập trận quân sự chung với Trung Quốc – chứ không xâm phạm vào vùng lãnh hải của Trung Quốc./.

Theo “Vz.ru

Hương Trà (gt)