Kết quả cuộc bầu cử ở Nhật Bản hôm 16/12 vừa qua đã đánh dấu một bước ngoặt được cho là hướng tới chủ nghĩa dân tộc trong nền chính trị ở nước này. Sự chuyển hướng sang phái hữu này trong chính sách của Nhật Bản là một cảnh báo đối với nhiều người, nhiều giới, cả ở trong và ngoài Nhật Bản. Có hai vấn đề cho thấy rõ sự chuyển hướng này: cuộc xung đột với Trung Quốc về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và những lời kêu gọi thay đổi hiến pháp để hủy bỏ hoặc sửa đổi điều khoản gọi là hòa bình trong hiến pháp của Nhật Bản. 

Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền trước cuộc bầu cử trên đã thổi bùng lên tình hình căng thẳng với Trung Quốc bằng cách thực hiện “quốc hữu hóa” các hòn đảo đang gây tranh cãi hồi tháng 9/2012. Kết quả là diễn ra một cuộc đối đầu giữa các tàu biển Nhật Bản và Trung Quốc mà Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và Đảng khôi phục Nhật Bản (PRJ), lúc bấy giờ thuộc phe đối lập, đều đề nghị làm tăng thêm quyết tâm này của Nhật Bản bằng cách xây dựng các công trình vững chắc trên các hòn đảo này. Nhà lãnh đạo của LDP, Shinzo Abe, nổi tiếng về những quan niệm hữu khuynh dân tộc của mình, đã tập trung vào việc bảo vệ tất cả các lãnh thổ mà Nhật Bản coi là phương tiện để nhấn mạnh đến những sự thay đổi hiến pháp nhằm biến “các lực lượng phòng vệ” thành một đội quân chính quy có thể tham gia “một lực lượng phòng vệ tập thể”. Điều khoản “hòa bình” từng là một cản trở đối với việc Nhật Bản tham gia các cuộc chiến tranh xâm lược do Mỹ tiến hành ở khu vực Trung Đông và theo LDP cũng như những đảng có cùng khuynh hướng, thì điều đó đã cản trở những lợi ích của đế quốc Nhật Bản. 

Nhà lãnh đạo PRJ Shintaro Ishihara kêu gọi hủy bỏ toàn bộ hiến pháp “chiếm đóng” do Mỹ thảo ra sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ Hai, và đã gợi ý rằng Nhật Bản nên chế tạo vũ khí nguyên tử riêng của mình. Trong khi vẫn cảnh báo những mối nguy hiểm “chống nước ngoài và chủ nghĩa phiêu lưu” và tán thành một nền “quốc phòng có trách nhiệm”, Thủ tướng Yoshihiko Noda đã nêu lên lý lẽ cho những sự sửa đổi bảo đảm tính hiến pháp của quân đội. Những đề nghị này kèm theo nỗ lực phối hợp để làm sống lại chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản và phủ nhận những tội ác khủng khiếp của quân phát xít Nhật Bản trong các cuộc chiến tranh ở châu Á vào những năm 1930 và 1940. Ông Abe đã tiết lộ những mục tiêu của mình bằng cách tới thăm ngôi đền thiêng nổi tiếng Yasukuni, nơi thờ những người lính tử trận trong các cuộc chiến tranh của Nhật Bản và kêu gọi xem xét lại toàn bộ nhận thức “bất công” về lịch sử của các cuộc chiến tranh Nhật Bản. Ông Noda đã bảo vệ chuyến thăm tới Yasukuni của ông Junchiro Koizumi, khi ông này là thủ tướng từ năm 2001 đến 2006. 

Khi phân tích các quan điểm trên chính trường Nhật Bản trong giai đoạn hiện nay, cần phải nhấn mạnh một thực tế là Chính phủ của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khuyến khích một cách có ý thức các xu hướng quân phiệt này ở Nhật Bản trong khuôn khổ một chương trình lớn của Mỹ nhằm kiềm chế tối đa ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ đã giữ một vai trò chủ chốt để buộc nhà lãnh đạo thuộc DPJ Yukio Hatoyama từ chức vào giữa năm 2010, ông này đã bảo vệ một chính sách đối ngoại độc lập với Mỹ và hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Thay thế ông vào chức thủ tướng Nhật Bản, Naoto Kan đã nhanh chóng khẳng định sự ủng hộ của ông đối với liên minh Mỹ và tiến hành một cuộc đối đầu ngoại giao lớn với Trung Quốc về vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9/2010. Nhưng về cơ bản, bước ngoặt của tầng lớp lãnh đạo Nhật Bản tới chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quân phiệt là sản phẩm của sự trầm trọng trong cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị của đất nước. Từ thặng dư thương mại trong nhiều năm liên tiếp, Nhật Bản bị thâm hụt nặng trong bối cảnh một cuộc suy thoái tại phần lớn các nước châu Âu và sự bấp bênh ở Mỹ. 

Sự suy yếu của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản – vẫn phụ thuộc nặng nề vào việc nhập khẩu các nguyên liệu và các thị trường xuất khẩu – đã được nhấn mạnh bởi thảm họa kép, động đất và sóng thần, hồi đầu năm 2011, đã buộc Nhật Bản phải đóng cửa hầu như toàn bộ ngành công nghiệp hạt nhân của mình. Nhập khẩu dầu lửa và khí đốt, cũng như các nguồn năng lượng thay thế, đã góp phần làm cho cán cân thương mại thâm hụt trầm trọng hơn. 

Đây là lần thứ 5 trong vòng 15 năm qua, nền kinh tế Nhật Bản bị nhấn chìm trong nạn suy thoái. Xuất khẩu của Nhật Bản bị ảnh hưởng do giá đồng yên cao và sự suy giảm các thị trường ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. 

Về chính sách kinh tế cũng như chính sách đối ngoại, chính phủ mới đang quyết tâm đảo ngược thời suy tàn của Nhật Bản. Ông Abe đã thông báo một chính sách tiền tệ giống chính sách đã được Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ áp dụng để giảm bớt lạm phát và giảm giá trị đồng yên. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những bước đi này chỉ làm tăng thêm các cuộc chiến tranh tiền tệ quốc tế. LDP cũng chủ trương tăng thuế để giảm bớt gánh nặng về khoản nợ công của Nhật Bản. 

Tình hình hiện nay giống một cách kỳ lạ tình hình của những năm 1930. Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề từ nạn suy thoái thương mại thế giới, đã dấn sâu vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị trầm trọng. Chế độ theo chủ nghĩa quân phiệt tuyệt vọng ở Tôkyô lúc đó đã tìm cách vượt qua tình trạng tồi tệ về kinh tế của Nhật Bản nhờ vào các cuộc chiến tranh để chiếm hữu các thị trường và các nguyên liệu. Lúc bấy giờ, chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản tồn tại song hành với sự trấn áp tàn bạo tầng lớp công nhân ở trong nước và những phương pháp tàn bạo nhất để tăng cường sự chiếm đóng của mình ở Trung Quốc và sau này là chiếm đóng Đông Nam Á. Tất nhiên, thế giới đã thay đổi từ khi Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương vào năm 1945, và Mỹ hiện đang tìm cách duy trì, tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong khuôn khổ kế hoạch làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc, những năm gần đây, Tổng thống Obama đã khuyến khích Nhật Bản tăng cường quân đội của mình và thể hiện một thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, và chắc chắn chính sách sẽ được tăng cường dưới thời Thủ tướng Abe. 

Theo các nhà quan sát, việc Nhật Bản chuyển hướng sang chủ nghĩa quân phiệt là một mưu toan vô vọng củng cố vị trí của mình như là cường quốc đế quốc thống trị ở châu Á. Vị trí này hiện đang bị Trung Quốc đe dọa vì hồi năm ngoái Trung Quốc đã làm lu mờ Nhật Bản khi trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ. Ngoài ra, đó cũng là mưu toan để chuẩn bị cho chính phủ mới, nhằm áp đặt những biện pháp thắt lưng buộc bụng để làm giảm bớt khoản nợ công khổng lồ của đất nước. 

Cuộc khủng hoảng hiện nay của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản có lịch sử sâu sắc. Thời kỳ ngắn ngủi gọi là nền dân chủ Taisho hồi đầu những năm 1920 đã nhanh chóng nhường chỗ cho một phương hướng dân tộc chủ nghĩa thuộc phái hữu và cuộc trấn áp chống người lao động. Đạo luật bảo vệ nền hòa bình năm 1925 đã cấm tất cả các đảng bảo vệ chủ nghĩa xã hội và mở đường cho việc bãi bỏ các cuộc biểu tình và bãi công. Tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế Nhật Bản thể hiện rõ rệt sau sự suy giảm đột ngột của Phố Uôn hồi năm 1929 và mở đầu sự suy thoái trên thế giới. Xuất khẩu của Nhật Bản chỉ trong một thời gian ngắn đã bị chia thành hai, nuôi dưỡng nỗi thất vọng của các giới lãnh đạo và xu hướng tái vũ trang và giải quyết cuộc khủng hoảng bằng các cuộc chinh phục quân sự, nhất là ở Trung Quốc. Quân đội, được hoàng đế ủng hộ, giữ vai trò chính trị hàng đầu, tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược trong khu vực hồi thập niên 30 của thế kỷ trước, song các kế hoạch của chế độ quân sự Nhật Bản lúc bấy giờ đã vấp phải những lợi ích của đế quốc Mỹ, dẫn đến cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương năm 1941. 

Trên thực tế, nền dân chủ của thời kỳ hậu chiến tranh ở Nhật Bản chưa bao giờ phát triển. Dựa vào sự ủng hộ của Liên minh với Mỹ mang lại khuôn khổ cho sự phát triển kinh tế, LDP đã nắm quyền gần như từ khi nó được thành lập vào năm 1955 cho đến năm 2009. Đảng này chưa bao giờ đoạn tuyệt với quá khứ theo chủ nghĩa quân phiệt của Nhật Bản và bao gồm những gương mặt như ông nội của Abe là Mobusuke Kishi, người từng là thành viên của chính phủ trước chiến tranh và đã trở thành thủ tướng vào năm 1957. Các chính phủ kế tiếp nhau của LDP chỉ đưa ra những lời xin lỗi mang tính hình thức và hạn chế về những tội ác chiến tranh của Nhật Bản. 

Sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991, chấm dứt Chiến tranh Lạnh và sự xuất hiện những cạnh tranh giữa các cường quốc đã đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu chính sách của Nhật Bản. Tầng lớp lãnh đạo Nhật Bản đang tìm cách tạo ra một công cụ chính trị có thể tăng cường những lợi ích kinh tế và chiến lược trong một thế giới ngày càng bất ổn. Việc nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hồi năm 2008 đã khiến tầng lớp lãnh đạo Nhật Bản nhận thấy cần phải cấp bách hành động. Điều thể hiện trong cuộc bầu cử năm 2012 là sự quay trở lại những phương pháp của những năm 1930 dưới một hình thức thích hợp ở thế kỷ 21 để đáp ứng những nhu cầu của Nhật Bản hiện nay. 

Sự trở lại cầm quyền của LDP sau cuộc bầu cử Hạ viện mới đây ở Nhật Bản đánh dấu sự thay đổi triệt để không những trong chính sách của Nhật Bản mà cả quốc tế. Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quân phiệt thấm đẫm chiến dịch bầu cử, chứng tỏ quyết tâm của tầng lớp lãnh đạo Nhật Bản tái khẳng định những lợi ích của mình ở châu Á và thế giới bằng tất cả mọi phương tiện có thể, kể cả bằng sức mạnh quân sự. Nhà lãnh đạo LDP, Shinzo Abe, được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản đã cho thấy một đường lối cứng rắn trong cuộc xung đột về lãnh thổ với Trung Quốc đối với các hòn đảo Senkaku/Điếu Ngư. Phát biểu trên kênh truyền hình NHK, ông Abe đã tuyên bố rằng các hòn đảo Senkaku là bộ phận thuộc lãnh thổ của Nhật Bản và cảnh báo rằng mục tiêu của Nhật Bản là chấm dứt thách thức với Trung Quốc. Ngay trong thời gian diễn ra chiến dịch vận động bầu cử, LDP đã công khai chủ trương xây dựng các cơ cấu thường trực trên các hòn đảo không có người ở, một quyết định đã khiến cho mối quan hệ với Trung Quốc trở nên xấu đi đáng kể sau khi DPJ khi còn cầm quyền đã quyết tâm quốc hữu hóa nhóm đảo này hồi tháng 9/2012. Và mới đây, quân đội Nhật Bản đã triển khai các máy bay chiến đấu để giám sát không phận các hòn đảo này. 

Chính phủ Nhật Bản và Trung Quốc khơi lên chủ nghĩa dân tộc trong khi cuộc khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ đến nền kinh tế của họ, khiến dư luận công chúng ngày càng tức giận do mức sống của họ bị suy giảm nghiêm trọng. Bắc Kinh đã phản ứng trước việc Nhật Bản quốc hữu hóa nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư bằng cách bật đèn xanh cho các cuộc phản đối chống Nhật Bản. 

Qua những căng thẳng trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc liên quan tới việc tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhiều người trên thế giới tỏ ý rất lo ngại và đặt câu hỏi rằng phải chăng một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba sẽ nổ ra ở châu Á? Nhất là khi Trung Quốc đang không ngừng tăng cường tiềm năng quốc phòng của mình, vô hình trung kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang thực sự ở gần như toàn bộ lục địa châu Á. Nhật Bản cũng không thể đứng ngoài cuộc, và đây là lần đầu tiên kể từ 65 năm nay, nước này đã phải gia tăng việc mua vũ khí phòng vệ. Từ ít nhất 10 năm nay, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản giảm 1%/năm, trong khi ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng 10%/năm. Vì vậy, nếu ngân sách quốc phòng của Nhật Bản có vẻ tăng thì đó là do giá đồng yên tăng so với đồng USD, hiện là khoảng 4.700 tỷ yên, tức là khoảng 60 tỷ USD. Quân đội Nhật Bản đang trang bị cho mình các thiết bị mũi nhọn, như máy bay F35 của Mỹ (rađa khó phát hiện) và tàu biển có khả năng tấn công, tàu sân bay trực thăng đang được xây dựng có qui mô như tàu sân bay. Hơn nữa, ai cũng biết LDP và cá nhân Thủ tướng hiện nay của Nhật Bản Shinzo Abe luôn ủng hộ một nền quốc phòng hùng mạnh và luôn chủ trương tăng cường liên minh với Mỹ. Đấy chính là điều Trung Quốc phải tính đến cho dù Mỹ không muốn can thiệp vào bất đồng hiện nay giữa nước này và Nhật Bản để tránh một cuộc đối đầu với Bắc Kinh.