Có phải Mỹ đang lùi bước tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương?
Bình luận trên
Asia Times ngày 29/7, TS. Stephen Bryen, Cựu quan chức cấp cao của Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện Mỹ và Bộ Quốc phòng Mỹ, cho rằng Mỹ đang tiến hành “Đại thoái lui” ở Châu Á và Trung Đông, thể hiện qua việc Mỹ đưa máy bay ném bom chiến lược ở Guam về sâu trong lục địa năm 2020; triển khai tàu sân bay duy nhất ở Thái Bình Dương USS Ronald Reagan tới Biển Ả Rập để hỗ trợ rút quân ở Afghanistan tháng 6/2021, rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan tháng 9/2021 và chuẩn bị rút quân khỏi Iraq...Theo TS. Bryen, năng lực phòng thủ tên lửa của Mỹ đối mặt nhiều thách thức khi đối thủ, đặc biệt là Trung Quốc, đang phát triển nhanh các tên lửa hành trình. Trong khi đó, đề xuất ngân sách quốc phòng năm 2022 của Chính quyền Biden chưa tương xứng với các thách thức: Hải quân chỉ thêm một tàu khu trục tên lửa mới lớp Arleigh Burke, nhiều máy bay cũ bị loại bỏ và ngân sách cho lục quân thấp hơn các binh chủng khác…Các luận điểm trên phác họa một bức tranh khá ảm đạm.

Liệu Mỹ lùi bước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương?

Khó hình dung một kịch bản Mỹ thoái lui ở khu vực này, bởi một số nguyên nhân:

Thứ nhất, lợi ích của Mỹ gắn bó mật thiết với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cựu Tổng thống Barack Obama (tháng 11/2011[1]) và cựu Tổng thống Donald Trump (tháng 11/2017[2]) từng tuyên bố Mỹ là “công dân” ở mái nhà chung Thái Bình Dương. Gần nhất, tại Thượng đỉnh Quad tháng 3/2021, Tổng thống Biden tuyên bố một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở rất quan trọng với tương lai của các nước.[3] Ngoài ra, Chiến lược “Thúc đẩy ưu thế trên biển” của Hải quân Mỹ tháng 12/2020 khẳng định rõ Mỹ “là quốc gia biển; môi trường an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ phụ thuộc vào biển.”[4]

Thứ hai, Mỹ không thể thoái lui khỏi “địa bàn” có đối thủ lớn nhất là Trung Quốc. Chính quyền Biden nhanh chóng hình thành mặt trận chung để đối phó Trung Quốc, thay vì chủ nghĩa đơn phương như Trump. Tổng thống Biden khẳng định: “Đồng minh là tài sản lớn nhất của Mỹ”[5], tăng cường hợp tác Nhật Bản, Anh, “thể chế hóa” nhóm Quad…Một điều khá trùng hợp khi tàu sân bay Mỹ vắng mặt, Anh đã “lấp chỗ trống” bằng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth với sự hỗ trợ của lực lượng thủy quân lục chiến và 10 tiêm kích F-35B Mỹ trong hành trình nhiều tháng ở khu vực.[6] Để tăng ưu thế cạnh tranh với Trung Quốc, “Hướng dẫn an ninh quốc gia tạm thời” tháng 3/2021 của Mỹ nhấn mạnh sẽ đầu tư vào các công nghệ và năng lực tối tân như phát triển các loại tên lửa siêu thanh, máy bay tàng hình F-35 thế hệ mới, công nghệ vi điện tử, trí tuệ nhân tạo.[7]

Thứ ba, Mỹ tăng cường ngân sách, nâng cao năng lực cho các lực lượng ở khu vực. Đề xuất ngân sách Quốc phòng năm tài khóa 2022 là 715 tỷ USD, tăng 1,6% so với năm 2021.[8] Năm 2022, Chính quyền Biden dành 5,1 tỷ USD cho “Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương”, gấp đôi so với năm 2021. Phần lớn trong ngân sách này, 4,9 tỷ USD, được dùng để tăng cường năng lực sát thương, xây dựng và bố trí lực lượng.[9] Mỹ hiện tập trung vào lực lượng hải quân và không quân. Ngân sách lục quân năm 2022 bị cắt giảm trong khi ngân sách hải quân là 207 tỷ USD, tăng 4,6 tỷ USD và không quân là 204 tỷ USD, tăng 8,8 tỷ USD.[10] Xét tổng thể, một cuộc chiến nếu có ở khu vực sẽ định đoạt trên mặt biển và bầu trời.

Một điểm cần lưu ý, TS. Bryen đặt vấn đề tại sao Mỹ triển khai tàu sân bay duy nhất ở Thái Bình Dương tới Biển Ả Rập để hỗ trợ rút quân ở Afghanistan. Thực tế, sức ép về nguồn lực luôn tồn tại, kể cả với một siêu cường toàn cầu. Tàu sân bay Mỹ vắng bóng trên các vùng biển bởi các tàu USS Carl Vinson, USS Theodore Roosevelt hay USS Harry S. Trumanđang bảo dưỡng định kỳ. Tháng 6/2021, tàu sân bay USS Ronald Reagan được điều động tới Hạm đội 5 với nhiệm vụ “hỗ trợ không lực, bảo vệ Mỹ và lực lượng liên quân rút khỏi Afghanistan”.[11] Đây là sự bổ sung cần thiết khi tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower phải trở về Virginia bảo dưỡng. Việc thiếu vắng tàu sân bay ở khu vực, không có nghĩa Mỹ giảm cam kết. Hạm đội 7 hiện là hạm đội tiền tiêu lớn nhất của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương. Gần đây, Mỹ tăng cường tàu khu trục tên lửa USS Benfold cho Hạm đội 7, con tàu nhiều lần đoạt giải Battle E về tính hiệu quả trong thực chiến.

Hải quân Trung Quốc có phải mối đe dọa với Mỹ?

Từ khi bắt đầu hiện đại hóa hải quân vào thập niên 1990, Trung Quốc đã đạt bước tiến lớn trong xây dựng hạm đội. Văn phòng tình báo hải quân Mỹ cho biết tính đến cuối năm 2020, Trung Quốc sở hữu 360 chiến hạm, nhiều hơn Mỹ (296 chiếc) và dự kiến có hạm đội 400 tàu vào năm 2025. Hiện tại, Trung Quốc là nước sở hữu hạm đội hải quân lớn nhất thế giới. Theo “Báo cáo Quốc hội Mỹ về hiện đại hóa hải quân Trung Quốc” tháng 8/2021, trong giai đoạn 2005-2020, số lượng tàu Trung Quốc tăng 117 chiếc so với Mỹ chỉ bổ sung 5 chiếc. [12]

Bảng 1: So sánh một số loại tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc từ năm 2005 - 2020

 Có phải Mỹ đang lùi bước tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương?  

Nguồn: Báo cáo Quốc hội Mỹ về hiện đại hóa hải quân Trung Quốc tháng 8/2021

Trong bài bình luận, TS. Bryen lo ngại chính quyền Biden duy trì số lượng tàu chiến 296 chiếc, thấp hơn mục tiêu 316 chiếc vào năm 2026 dưới thời Trump. Không thể phủ nhận Trung Quốc sở hữu một hạm đội lớn, nhưng chất lượng, thay vì số lượng, là yếu tố quyết định. Bảng trên cho thấy trong số 117 tàu, ngoài 17 tàu tấn công đổ bộ, Trung Quốc tập trung chủ yếu vào các tàu làm nhiệm vụ hộ tống, tác chiến ven bờ như 11 tàu khu trục, 35 tàu tuần tra biển, 40 tàu hộ tống. Mỹ vẫn chiếm ưu thế trong các loại tàu chiến lược, trọng tải lớn, khí tài hiện đại với năng lực tác chiến biển xa. Hạm đội tàu ngầm tấn công hạt nhân của Mỹ gồm 50 chiếc, trong khi Trung Quốc chỉ sở hữu 7 chiếc loại này trong hạm đội 62 chiếc.[13] Mỹ hiện sở hữu 10 tàu sân bay năng lượng hạt nhân, trong khi Trung Quốc chỉ có 2 tàu sân và đang đóng  chiếc thứ ba nhưng không tàu nào chạy bằng năng lượng hạt nhân. Chưa kể đến, hải quân Mỹ có ưu thế vượt trội về năng lực triển khai, kinh nghiệm thực chiến, khí tài các tàu chiến mặt nước, công nghệ… so với Trung Quốc.

“Gam màu sáng” của bức tranh khu vực

Ở góc độ khác, cuộc “Đại thoái lui” theo quan điểm của TS. Bryen càng thể hiện vai trò quan trọng của Mỹ. Sự hiện diện của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là cần thiết để duy trì trật tự luật lệ, khi Trung Quốc hành xử quyết đoán. Chiến lược “Xoay trục”, “Tái cân bằng” của Tổng thống Obama hay chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Tổng thống Trump chưa “hóa giải” được Trung Quốc. Tài liệu “Cách tiếp cận chiến lược của Mỹ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” tháng 5/2020 đã vạch ln ranh mới khi xác định Trung Quốc là mối đe dọa về kinh tế, an ninh, hệ giá trị Mỹ.[14] Mối quan hệ Mỹ - Trung hiện này là “cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể, đối đầu khi bắt buộc”.[15]

Trong 7 tháng qua, chính quyền Biden có nhiều bước đi tích cực ở khu vực. Về sức mạnh “mềm”, Mỹ nhấn mạnh cách tiếp cận “ngoại giao là trung tâm”, đề cao “luật lệ, giá trị dân chủ” và củng cố hệ thống “đồng minh, đối tác”. Hàng loạt quan chức ngoại giao và quốc phòng hàng đầu của Mỹ đã tới khu vực: Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken thăm Nhật Bản và Hàn Quốc tháng 3/2021; Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman thăm Indonesia, Thái Lan và Campuchia tháng 5/2021; Ngoại trưởng Antony Blinken thăm Ấn Độ và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin thăm Singapore, Việt Nam, Philippines tháng 7/2021; Phó Tổng thống Kamala Harris thăm Singapore và Việt Nam trong tháng 8. Về sức mạnh “cứng”, ngày 16/7/2021, “siêu tàu sân bay” lớp Gerald R Ford của Mỹ (đắt nhất trong lịch sử hải quân Mỹ với chi phí 13,3 tỷ USD) đã hoàn tất vụ nổ thử độ bền thứ 3 và sẵn sàng triển khai vào năm 2022.[16] Tháng 8/2021, Hải quân Mỹ thông báo tàu USS Carl Vinson chính thức trở lại sau thời gian dài bảo dưỡng từ năm 2019, tàu sân bay đầu tiên có thể triển khai máy bay chiến đấu F-35C Lightning II và máy bay CMV-22 Osprey.[17]

Mặc dù còn những băn khoăn về “sự trở lại” của Mỹ tại khu vực, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ tiếp tục quan tâm và hiện diện thực chất tại đây. Cách tiếp cận tiệm tiến, toàn diện, chú trọng các giá trị chung về pháp luật quốc tế, trật tự dựa trên luật lệ, hợp tác quốc tế… của Chính quyền Biden là những nội dung có thể đem lại nhiều hy vọng tích cực, thúc đẩy hợp tác khu vực trong thời gian tới./.

Đinh Tuấn Anh (Viện Biển Đông), bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

 


[1] https://www.theguardian.com/world/2011/nov/17/obama-asia-pacific-address-australia-parliament

[2] https://asean.usmission.gov/remarks-president-trump-apec-ceo-summit-da-nang-vietnam/

[3] https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2021/03/12/remarks-by-president-biden-prime-minister-modi-of-india-prime-minister-morrison-of-australia-and-prime-minister-suga-of-japan-in-virtual-meeting-of-the-quad/

[4] https://media.defense.gov/2020/Dec/16/2002553074/-1/-1/0/TRISERVICESTRATEGY.PDF

[5] Tlđd

[6] https://news.usni.org/2021/04/29/blended-u-s-marine-u-k-royal-air-force-air-wing-aboard-hms-queen-elizabeth-will-be-largest-f-35-deployment-to-date

[7] https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2021/03/NSC-1v2.pdf

[9https://www.defensenews.com/congress/2021/05/28/eyeing-china-biden-defense-budget-boosts-research-and-cuts-procurement/

[10https://www.defensenews.com/congress/2021/05/28/eyeing-china-biden-defense-budget-boosts-research-and-cuts-procurement/

[11] https://www.navy.mil/DesktopModules/ArticleCS/Print.aspx?PortalId=1&ModuleId=523&Article=2671632

[12] https://fas.org/sgp/crs/row/RL33153.pdf

[13] https://edition.cnn.com/2021/03/05/china/china-world-biggest-navy-intl-hnk-ml-dst/index.html

[14https://gpa-mprod-mwp.s3.amazonaws.com/uploads/sites/23/2021/05/U.S.-Strategic-Approach-to-The-Peoples-Republic-of-China-Report-5.24v1.pdf

[15] https://www.state.gov/a-foreign-policy-for-the-american-people/

[16] https://seapowermagazine.org/after-3-full-ship-shock-trials-uss-gerald-r-ford-will-be-on-track-for-2024-delivery-navsea-says/

[17] https://www.navytimes.com/news/your-navy/2021/08/02/uss-carl-vinson-and-its-strike-group-deploy/

[18https://www.military.com/daily-news/2021/08/02/navy-and-marine-exercise-span-17-time-zones-scale-last-seen-during-cold-war.html