Trong bối cảnh toàn cầu hóa phát triển nhanh, kinh tế Mỹ và Trung Quốc ngày càng lệ thuộc vào nhau, chính sách đối nội, đối ngoại của Obama nhiệm kỳ hai không chỉ sẽ quyết định phương hướng phát triển trong tương lai của Mỹ, mà còn sẽ nảy sinh ảnh hưởng quan trọng đối với tình hình quốc tế và mối quan hệ Trung-Mỹ. Bài này kết hợp giữa tình hình kinh tế, chính trị, môi trường quốc tế mà Mỹ hiện nay đang phải đối mặt với những tuyên bố chính sách của Obama để nghiên cứu thảo luận xu hướng chính sách đối nội, đối ngoại của Chính phủ Mỹ trong thời gian 4 năm tới. Tổng hợp những chính sách, tình hình kinh tế, chính trị trong nước trong 4 năm cầm quyền của Obama và những lời lẽ trong tranh cử có thể thấy xu hướng chính sách trong nước cơ bản của Obama nhiệm kỳ hai: những việc làm cấp bách hiện nay vẫn là chấn hưng nền kinh tế Mỹ, coi việc đẩy mạnh chức năng quản lý kinh tế của chính phủ, điều tiết xã hội là con đường cơ bản để giải quyết tình hình khó khăn mang tính cơ cấu của nước Mỹ; đồng thời, về các vấn đề xã hội, cần phải thúc đẩy chủ nghĩa tự do khiến cho nước Mỹ từng bước xóa đi sắc thái bảo thủ. Có rất nhiều hành động lớn trong chính sách đối nội của Chính quyền Obama nhiệm kỳ đầu: Kế hoạch kích thích quy mô lớn đã cứu nền kinh tế Mỹ thoát khỏi tình thế bên lề của “đại suy thoái”, trợ giúp cho ngành sản xuất ô tô hồi sinh. Hiện nay, tuy kinh tế Mỹ chưa thoát khỏi vực thẳm, nhưng đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất; việc cải cách y tế, chữa bệnh và dự luật quản lý tiền tệ thành công đã đem lại sự bảo đảm y tế cho xã hội, khởi động tiến trình quan trọng trong việc cải cách tiền tệ của Mỹ. Theo số liệu công bố gần đây của Chính phủ Mỹ, các chỉ tiêu kinh tế bao gồm thị trường bất động sản, thị trường lao động và hoạt động tín dụng của Mỹ đều cho thấy rõ nền kinh tế Mỹ đã bước vào xu thế chuyển biến tốt. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, đánh giá bước đầu việc tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý 3 năm 2012 là 2%, cao hơn 1,3% của quý 2; tỷ lệ thất nghiệp tuy vẫn chiếm ở mức cao, nhưng đã có phần thay đổi, tháng 9/2012 là 7,8%, thấp nhất trong 4 năm gần đây, tháng 10 tăng một chút lên 7,9%; thị trường bất động sản ấm lên, tháng 9, lượng khởi công xây dựng các công trình mới tăng 15%, tăng 34,8% so với cùng kỳ, đạt mức cao nhất trong 4 năm qua. Nhưng kinh tế Mỹ vẫn đứng trước nhiều thách thức, gần đây xem ra chủ yếu là vấn đề “vách đá tài chính” xuất hiện đầu năm 2013 và vấn đề nâng trần nợ công của chính phủ liên bang. Chính sách giảm thuế của thời kỳ Bush con tiếp tục kéo dài sau 4 năm, tức là đến cuối năm 2012. Đồng thời, do “siêu ủy ban” giảm thâm hụt vẫn chưa thể đạt được sự nhất trí về kỳ hạn, cơ chế tự động giảm thâm hụt khởi động vào tháng 1/2013, dự tính sẽ cắt giảm thâm hụt 1.200 tỷ USD, chi tiêu của chính phủ lúc này giảm, không còn nghi ngờ gì sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ vốn thiếu sức hồi phục. Gần đây, Văn phòng Ngân sách Quốc hội cảnh báo “vách đá tài chính” hoặc sẽ dẫn đến kinh tế Mỹ trong nửa đầu năm 2013 lại rơi vào suy thoái, khiến cho Tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ năm 2013 sẽ giảm 0,5%, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 9,1% trong quý 4 năm nay. Ngoài ra, tổng mức nợ công của chính phủ liên bang đạt ở mức giới hạn trần 16.400 tỷ USD vào cuối năm 2012. 

Về trung và dài hạn cho thấy vấn đề khó khăn chủ yếu trong kinh tế nhiệm kỳ hai của Obama là thực hiện luật cải cách quản lý tiền tệ, tiếp tục khai thác phát triển nguồn năng lượng mới. Tháng 7/2010, Thượng viện Mỹ thông qua “Dự luật bảo hộ người tiêu dùng và cải cách dự luật Phố Uôn Dodd - Frank”, được cho là biện pháp cải cách tiền tệ toàn diện nhất của Mỹ kể từ “đại suy thoái ” đến nay. Nhưng do nội dung của dự luật quá rườm rà, lại đề cập đến lợi ích thiết thân của tập đoàn lợi ích tài chính, vì thế khi soạn ra quy tắc, các bên đều đấu tranh kịch liệt. Cộng thêm Đảng Cộng hòa xuất phát từ nhu cầu đấu tranh chính đảng, tìm mọi cách cản trở việc nhậm chức của Giám đốc “Cục bảo vệ tài chính người tiêu dùng” (CFPB) - cục mới được thành lập - điều đó cũng khiến cho việc cải cách quản lý tài chính của Chính quyền Obama gặp khó khăn. “Chính sách mới về nguồn năng lượng” cũng là lĩnh vực mà Chính quyền Obama nhiệm kỳ đầu đã đầu tư tương đối nhiều nguồn vốn chính trị. Công ty năng lượng mặt trời Mỹ từng được Obama ca ngợi và dành một khoản tiền cho vay hơn 500 triệu USD, nhưng vào tháng 9/2011 công ty này đã tuyên bố ngừng sản xuất và phá sản, khiến cho dư luận xôn xao. Chính phủ Mỹ từng có ý coi ngành nghề nguồn năng lượng mới là đầu tàu dẫn dắt kinh tế tăng trưởng, nhưng hiện nay xem ra do ảnh hưởng của các mặt như kỹ thuật không thuần thục, trình độ ngành nghề thấp, Obama phải gánh vác trách nhiệm nặng nề trong việc thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng. Khôi phục ngành chế tạo và thực hiện ngành chế tạo công nghệ cao quay trở lại Mỹ, một thời bị cho là Chính quyền Obama xuất phát từ những tính toán chính trị trong bầu cử để thực hiện chính sách, chứ không có nhiều ý nghĩa kinh tế. Nhưng cùng với việc thực hiện rộng rãi “Kế hoạch tăng xuất khẩu” và “Kế hoạch chế tạo tiên tiến” cũng như Chính phủ Mỹ áp dụng nhiều biện pháp hạ thấp giá thành ngành chế tạo, tích cực thu hút vốn nước ngoài, việc chấn hưng ngành chế tạo đã giành được hiệu quả nhất định. Trong quá trình phục hồi nền kinh tế Mỹ, tốc độ phục hồi của ngành chế tạo cũng cao hơn các ngành khác, hai năm qua đã đem lại công ăn việc làm cho 3,34 triệu người. Hơn nữa, ngành chế tạo trên toàn cầu hiện nay đang ở tuyến đầu của cuộc cách mạng công nghệ mới như “số hóa”, “vật liệu mới”, “nhân công chất xám”, còn Mỹ do ít gánh nặng trong việc nâng cấp chuyển đổi mô hình ngành chế tạo, có ưu thế đi đầu trong việc thực hiện “cuộc cách mạng ngành nghề chế tạo”. 

Để đẩy nhanh việc khôi phục kinh tế, đổi mới ngành nghề, dự tính Obama sẽ thực thi toàn diện “Kế hoạch ngành nghề đảm bảo an toàn cho giai cấp trung lưu”. Trong cuốn sổ ghi chép những việc làm trước khi bầu cử, Tổng thống Obama đề xướng “chủ nghĩa yêu nước kinh tế” mới, cho rằng muốn thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, đẩy mạnh ngành nghề cần phải bắt đầu từ việc phát triển lành mạnh giai cấp trung lưu, đầu tư giáo dục, làm lớn mạnh các doanh nghiệp nhỏ, đổi mới kỹ thuật và giảm thâm hụt. Các biện pháp cụ thể bao gồm: 1- phục hồi ngành nghề chế tạo, thông qua việc ưu đãi thuế quan để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, đến năm 2016 tạo ra 1 triệu công ăn việc làm trong ngành nghề chế tạo của Mỹ; 2- thực hiện quốc hữu hóa nguồn năng lượng, vừa đẩy mạnh mức độ khai thác phát triển nguồn năng lượng truyền thống trong nước, đồng thời chú trọng khai thác, phát triển và lợi dụng nguồn năng lượng mới, đến năm 2020 bảo đảm chắc chắn việc nhập khẩu dầu lửa của Mỹ giảm 50%; 3- thông qua việc giảm thuế, mở rộng thị trường ra bên ngoài và giúp đỡ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ để làm lớn mạnh các doanh nghiệp này v.v…4- nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường đầu tư của chính phủ vào giáo dục, bồi dưỡng cho 2 triệu công nhân kỹ thuật, hơn nữa giảm học phí xuống mức 50%; 5- trong 10 năm tới, giảm 4 nghìn tỷ USD thâm hụt liên bang, và xóa đi những thiếu sót trong quy định pháp luật, hủy bỏ việc giảm thuế đối với các doanh nghiệp lớn và người giàu, giảm thiểu chi tiêu chính phủ; 6- bảo đảm phúc lợi cho dân chúng cũng như bảo đảm chắc chắn dân chúng Mỹ có được bảo hiểm chữa bệnh; 7- khi giảm thâm hụt của chính phủ, bảo đảm chắc chắn dân chúng được hưởng những phúc lợi trong kế hoạch chăm sóc chữa bệnh và bảo hiểm xã hội. Về bản chất, những biện pháp này vẫn là thông qua việc chính phủ tăng đầu tư đối với các cơ sở hạ tầng, giáo dục và đổi mới kỹ thuật, áp dụng các biện pháp như ưu đãi thu thuế, hoàn thiện những quy định pháp luật và tăng cường việc chấp hành pháp luật, xây dựng nên môi trường cạnh tranh kinh tế công bằng, thực hiện tăng trưởng bền vững kinh tế Mỹ. 

Về các vấn đề xã hội, Obama trong nhiệm kỳ hai sẽ tiếp tục thực hiện rộng rãi chủ nghĩa tự do. Obama trong nhiệm đầu duy trì quan niệm luân lý đạo đức của chủ nghĩa tự do, về vấn đề hôn nhân đồng tính, di cư bất hợp pháp đã thách thức quan niệm giá trị chủ nghĩa bảo thủ của Đảng Cộng hòa. Tháng 5/2012, Obama công khai tuyên bố rằng cá nhân ông ủng hộ việc kết hôn đồng tính, từ đó, ông trở thành vị tổng thống Mỹ đầu tiên ủng hộ việc này. Về vấn đề di cư, nghị sỹ Quốc hội Đảng Dân chủ từng đề xuất “dự luật ước mơ”, tức là những thanh niên nhập cư phi pháp vào Mỹ, được giáo dục chính quy ở Mỹ hoặc đã phục vụ trong quân đội, cuối cùng sẽ được trở thành công dân hợp pháp. Nhưng năm 2010, dự luật này bị Quốc hội phủ quyết. Vì vậy, tháng 6/2012, Obama ra mệnh lệnh hành chính, quyết định ngừng thời hạn trao trả trẻ em về nơi cũ, cấp giấy phép lao động cho những thanh niên nhập cư bất hợp pháp nhưng đã tuân thủ pháp luật của Mỹ. Dự tính trong nhiệm kỳ hai, Obama vẫn sẽ thúc đẩy toàn diện các nghị trình chính sách xã hội của mình. Ví dụ, ông sẽ có những động thái hơn nữa trong việc thúc đẩy toàn diện việc cải cách di dân, tạo ra môi trường rộng lớn hơn cho người nhập cư từ nước ngoài đến, từ đó củng cố nền tảng chính trị của Đảng Dân chủ trong các dân tộc thiểu số. Về vấn đề hôn nhân đồng tính, ông giữ lập trường theo khuynh hướng tự do, dự tính sẽ thể hiện rõ trong chính sách cụ thể. 

II 

Sau khi Tổng thống Obama tái nhậm chức, các chính sách ngoại giao của ông về tổng thể sẽ duy trì tính liên tục. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều thay đổi không mang tính quy luật, cục diện có sự chuyển biến và nền tài chính Mỹ khó khăn chồng chất, Chính quyền Obama sẽ tiếp tục thúc đẩy và điều chỉnh “tái cân bằng” chiến lược đối ngoại, chủ yếu dựa vào “sức mạnh thông minh” để xây dựng một trật tự quốc tế có lợi cho Mỹ, duy trì và bảo vệ vị thế bá quyền của nước này. Cục diện thế giới thời đại sau khủng hoảng tài chính đang trong thời kỳ nhiều biến động và có sự điều chỉnh lớn, do nằm ở trung tâm của cơn bão khủng hoảng nên thực lực và vị thế quốc tế của Mỹ bị suy giảm là sự thật không thể phủ nhận. Mặt khác, tính không xác định của tình hình thế giới đang tăng lên, khủng hoảng nợ công châu Âu liên tục phát triển khiến tương lai của khu vực này trở nên khó xác định, làn sóng cách mạng “Mùa Xuân Arập” không đi theo quỹ đạo phát triển mà Mỹ từng dự đoán, làn sóng chống Mỹ tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi diễn ra mạnh mẽ. Cho dù Mỹ tự cho rằng chiến lược “tái cân bằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương” là “tuyệt tác”, nhưng cũng đã xuất hiện cục diện mà Mỹ khó lòng khống chế: tranh chấp quần đảo Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản diễn ra ngày một căng thẳng, tranh chấp lãnh thổ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đang đe dọa nỗ lực chung của 3 nước Mỹ-Hàn-Nhật trong việc cùng nhau đối phó với vấn đề hạt nhân ở Bắc Triều Tiên. Vì vậy, về tổng thể, chính sách ngoại giao của Tổng thống Obama trong nhiệm kỳ 2 sẽ xuất hiện xu thế “thu hẹp có giới hạn”, đồng thời với việc đảm bảo sự ổn định chung về lĩnh vực ngoại giao, Mỹ cũng đưa ra yêu cầu phục vụ hiệu quả cho sự tăng trưởng kinh tế trong nước. Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương - khu vực quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, Chính quyền Obama sẽ tiếp tục “cày sâu cuốc bẫm”, tích cực thúc đẩy chiến lược “tái cân bằng” và làm nổi bật sắc thái kinh tế; tại khu vực Trung Đông, Mỹ sẽ phải đối mặt với cục diện khó khăn: vừa muốn rút chân ra, lại vấp phải hàng loạt khó khăn cũ mới. 

Xuất phát từ sự lý giải tính đa nguyên của thế giới cũng như nhận thức về thực lực Mỹ suy giảm, các chính sách ngoại giao mà C hính quyền Obama thực hiện trong nhiệm kỳ đầu là coi nhiều đối tác, “ sức mạnh thông minh”, chủ nghĩa đa phương và “lãnh đạo ngầ m” là biện pháp chủ yếu để thúc đẩy việc thực hiện “đường lối ngoại giao mới”, duy trì vị thế bá quyền của Mỹ. Trong nhiệm kỳ 4 năm qua, Tổng thống Obama chưa từng phạm phải bất kỳ sai lầm lớn nào trên mặt trận ngoại giao, đồng thời đã có những bước đột phá trên rất nhiều lĩnh vực. Trong đó có thể kể đến các việc như hoàn tất việc rút quân ở Irắc và khởi động tiến trình rút quân ở Ápganixtan ; xử lý ổn thỏa mối quan hệ phức tạp giữa Mỹ và Pakixtan sau khi Bin Laden bị tiêu diệt; về cơ bản cổ vũ làn sóng cách mạng “Mùa Xuân Arập”, nhưng lại duy trì một khoảng cách thích hợp; ủng hộ các nước châu Âu trong khủng hoảng nợ công, nhưng lại tránh để lại cho các nước khác ấn tượng “khoa tay múa chân”; tiếp tục phát triển quan hệ với các nước như Trung Quốc và Nga... Theo giáo sư Joseph Nye của Đại học Harvard đánh giá, “chủ nghĩa Obama” đã từng bước được hình thành trong nhiệm kỳ đắc cử đầu tiên của Tổng thống Obama, đặc điểm chủ yếu của nó là: giảm thiểu sự can thiệp quân sự trong các công việc quốc tế, nhưng sẵn sàng tiến hành vũ trang đơn phương đối với với các vấn đề liên quan đến lợi ích trực tiếp của Mỹ; dựa vào lực lượng các nước đồng minh trong việc ứng phó với các vấn đề toàn cầu không tạo thành mối đe dọa trực tiếp đến vấn đề an ninh quốc gia Mỹ; thoát khỏi vũng bùn ở Trung Đông, chuyển hướng sang châu Á, thực hiện “tái cân bằng” chính sách ngoại giao. 

Trước khi tái nhậm chức, Tổng thống Obama từng thể hiện tư tưởng coi khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khu vực trọng điểm ngoại giao toàn cầu và chính sách an ninh của Mỹ, đồng thời cũng chính thức đưa ra chiến lược “tái cân bằng” khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 9/2011, nội dung chủ yếu là: chuyển sự quan tâm của Mỹ từ chiến trường Irắc và Ápganixtan sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, dốc sức cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực này, tăng cường sự quan tâm của mình với các nước từng bị Mỹ xao lãng trong một thời gian dài như Inđônêxia và Niu Dilân; đẩy mạnh hợp tác với các nước lớn đang trỗi dậy trong khu vực như Trung Quốc và Ấn Độ, đạt được những thành tựu nhất định trong việc “gõ cánh cửa lớn” Mianma vốn ở thế cô lập trong khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, chiến lược “tái cân bằng” mới chỉ tiến hành được một năm thì xu thế hỗn loạn đã bùng phát tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương: do Mỹ lớn tiếng can thiệp vào vấn đề Biển Đông nên khu vực này xảy ra nhiều tranh chấp, các nước Việt Nam, Philíppin đều có ý “thể hiện chủ quyền biển đảo”, “thừa nước đục thả câu” nhằm giành lợi thế về phía mình; Nhật Bản lấy lý do “quốc hữu hóa” quần đảo Điếu Ngư để khiêu khích Trung Quốc, Mỹ bên ngoài giữ lập trường trung lập, song lại ngầm hỗ trợ Nhật Bản; sự đối lập giữa Nam-Bắc bán đảo Triều Tiên diễn ra ngày càng căng thẳng hơn, âm thầm hình thành những phương hướng rõ ràng. Bố trí và tập trận quân sự hung hăng dọa người của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương được nhiều học giả giải thích là để “kiềm chế Trung Quốc”, thậm chí có người cho rằng “chiến tranh lạnh mới” giữa Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầu. Hiện nay, Mỹ đang phải đối mặt với áp lực điều chỉnh chiến lược, hay nói cách khác là mong muốn đẩy mạnh vị thế lãnh đạo của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như không mong muốn các động thái của khu vực này vượt khỏi tầm kiểm soát của mình, càng không muốn bị cuốn vào xung đột quân sự. Trước mắt, Mỹ đang ở trong giai đoạn quá độ của việc tăng cường và điều chỉnh chiến lược “tái cân bằng” đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Từ những phân tích trên, chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Obama trong nhiệm kỳ hai sẽ tiếp tục thúc đẩy và tăng cường chiến lược “tái cân bằng”, sắc thái kinh tế trong các chính sách ngoại giao sẽ trở nên rõ ràng và nổi bật hơn. Trên lĩnh vực ngoại giao, Mỹ sẽ đẩy mạnh mối quan hệ liên minh với các nước đồng minh trong khu vực, đồng thời cải thiện quan hệ song phương với các nước có “quan hệ không tốt” với Mỹ trước đây như Mianma và Lào. Ngay sau khi tái đắc cử không lâu, Tổng thống Obama đã tiến hành chuyến thăm tới Mianma, Campuchia và Lào cũng như tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á, thể hiện sự khác biệt rõ ràng với chính sách “coi nhẹ ASEAN” của Bush con. Trên lĩnh vực quân sự, với phương châm “cơ động, linh hoạt và phát triển bền vững”, Mỹ sẽ tăng cường bố trí chiến lược, đảm bảo năng lực của quân đội Mỹ trong việc can thiệp các tranh chấp trong khu vực. Về lĩnh vực kinh tế, Mỹ dẫn dắt sự phát triển nhất thể hóa kinh tế khu vực và xây dựng một cục diện có lợi cho việc duy trì sự bá quyền của nền kinh tế Mỹ thông qua “Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương” (TPP). Đúng như nghiên cứu viên cao cấp của Học viện Ngoại Giao Mỹ Sheila Smith từng nói, TPP vô cùng quan trọng đối với Mỹ, Mỹ không thể chỉ bàn đến các vấn đề vi mô trong quan hệ quân sự, mà còn cần xây dựng mối quan hệ kinh tế tràn đầy sức sống. Do kinh tế Mỹ hiện đang trong giai đoạn phát triển chững lại, nên Chính quyền Obama sẽ tiếp tục chính sách “ngoại giao kinh tế”, dốc sức mở rộng thị trường quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm của Mỹ, đồng thời tiếp tục khai thác các thị trường vẫn còn tiềm năng như Việt Nam, Mianma, thực hiện kế hoạch “tăng kim ngạch xuất khẩu”. Đối với các vấn đề thảo luận cụ thể, trong thời gian ngắn, Mỹ sẽ đặc biệt quan tâm đến việc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nhằm tránh dẫn đến tình hình mất kiểm soát gây tổn hại đến bản thân cũng như sự phục hồi của kinh tế thế giới. Việc tiếp tục gây sức ép đối với Bắc Triều Tiên sẽ là đường lối cơ bản của Chính quyền Obama trong việc ứng phó với vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, song cũng không loại trừ áp dụng các biện pháp “mới” với nước này. Quan hệ với Nga luôn là một vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực ngoại giao Mỹ, theo dự kiến, Tổng thống Obama sẽ tiếp tục tiến hành đàm phán với Nga về vấn đề phòng thủ tên lửa. 

Trong nhiệm kỳ hai này, rút khỏi và tránh can thiệp sâu vào các vấn đề ở khu vực Trung Đông là một trong những đặc điểm chủ yếu trong chính sách của Mỹ đối với khu vực này. Mỹ rơi vào vũng bùn Trung Đông đã hơn 10 năm, cũng đã đầu tư một lượng lớn của cải vào Irắc và Ápganixtan, chính điều này đã hạn chế mức độ ngoại giao của Mỹ trên các khu vực khác. Vì vậy, trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Obama đã triển khai thực hiện các biện pháp ngoại giao “sức mạnh thông minh” nhiều hơn tại khu vực Trung Đông, “lãnh đạo ngầm” trong vấn đề ở Libi, để các nước châu Âu đi tiên phong, duy trì thái độ kiềm chế ngoại giao trong vấn đề Xyri; về vấn đề hạt nhân Iran, Mỹ sẽ gây sức ép với Iran thông qua việc trừng phạt kinh tế và cô lập ngoại giao. Hiện nay, các biến động chính trị tại khu vực Trung Đông không ngừng gia tăng khiến các chính sách Trung Đông của Tổng thống Obama trong nhiệm kỳ hai vấp phải hàng loạt thách thức mới. Thứ nhất, chủ nghĩa khủng bố lại trỗ i dậy ở Libi. Năm 2012, đại sứ của Mỹ tại Libi đã bị thiệt mạng tại Benghazi , đây là một vụ tấn công khủng bố, khiến hiệu quả chống khủng bố của Mỹ giảm mạnh. Thứ hai, tại Xyri, xung đột giữa các giáo phái diễn ra ngày một căng thẳng hơn, các nước Arập lo lắng tranh chấp sẽ nhanh chóng lan rộng ra ngoài lãnh thổ Xyri, gây nguy hiểm cho các nước Libăng, Gioócđani, Irắc, và Thổ Nhĩ Kỳ. Tình hình thời gian gần đây cho thấy trào lưu dân chủ hóa khu vực do làn sóng cách mạng “Mùa Xuân Arập” khơi dậy đang quay trở lại và điều này ảnh hưởng đến các hiệu quả cũng như những thành tựu của Mỹ trong việc thúc đẩy dân chủ hóa tại khu vực này. Thứ ba, vấn đề hạt nhân Iran ngày càng nóng hơn, tình hình an ninh khu vực có xu thế xấu đi, mối nguy cơ về chiến tranh cũng đang gia tăng. Thứ tư, do tình hình khu vực có những thay đổi mới nên tính không xác định trong các vấn đề như mối quan hệ giữa Mỹ với các nước đồng minh truyền thống Aicập và Ixraen liệu có bền vững và đáng tin cậy? liệu có làm giảm bớt những lợi ích khu vực đang gia tăng của Mỹ? Thứ năm, việc lực lượng các nước Arập Xêút ngầm nổi dậy khiến tương lai phát triển của mối quan hệ với Mỹ không mấy tươi sáng. 

Một phương tiện truyền thông của Mỹ từng bình luận rằng, các vấn đề Iran, Xyri, Palextin và Ixraen đan xen vào nhau, tạo thành một “thùng thuốc nổ có thể nổ bất cứ lúc nào”. Đối với Tổng thống Obama, Trung Đông “là nơi cần được xác định thứ tự ưu tiên xử lý, chứ không phải là khu vực để mạo hiểm thực hiện các đề xướng mới.” Vì vậy, theo dự kiến, song song với việc tiếp tục gây sức ép với Iran, trong nhiệm kỳ hai này, Chính quyền Obama sẽ dốc sức ký kết hiệp định với Iran nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này, tránh xuất hiện hành động vũ trang của Ixraen đối với Iran dẫn đến hậu quả bùng phát bạo loạn trong khu vực. Bên cạnh đó, Mỹ cũng nghĩ cách để nhanh chóng kết thúc Chính quyền Bashar al - Assad của Xyri, thực hiện “quá độ dân chủ” ở Xyri; củng cố thành quả “dân chủ hóa” tại các nước như Aicập, Libi và trấn áp làn sóng chống Mỹ trong khu vực; ổn định tình hình tại Irắc, Ápganixtan và đảm bảo hoàn tất nhiệm vụ rút quân vào năm 2014. Một nhân tố không xác định mà Chính quyền Obama phải đối mặt là xung đột giữa Palextin và Ixraen. Trước đó, Tổng thống Obama từng thúc đẩy thỏa thuận giữa hai nước này song không thành công, Tổng thống Palextin Mahmoud Abbas cũng từng nhiều lần bày tỏ sẽ nhờ Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tiến hành biểu quyết về vấn đề thừa nhận Palextin là một nhà nước độc lập. Trong trường hợp Tổng thống Mahmoud Abbas không để tâm đến sự phản đối của Mỹ và quyết định đi nước cờ này, tình hình có thể sẽ lại trở nên căng thẳng. 

III 

Như lời nhà ngoại giao Charles Freeman – nguyên trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từng nói “việc hai nước Trung Quốc và Mỹ xử lý mối quan hệ hai nước như thế nào sẽ quyết định tình hình thế kỷ 21 là sóng yên biển lặng hay biến động bất ổn cũng như quyết định nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu tràn đầy nhựa sống hay ngày một suy yếu”. Xuất phát từ nhận thức về tầm quan trọng của mối quan hệ Trung-Mỹ, sau khi Tổng thống Obama lên nhậm chức, quan hệ hai nước từng trải qua một thời kỳ “trăng mật”, nhưng hai năm trở lại đây, cùng với việc thực lực hai nước trở nên chênh lệch “một mạnh, một yếu”, sự nghi kỵ của Mỹ với Trung Quốc ngày một gia tăng, đặc biệt sự phát triển của mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước xung quanh khiến Mỹ lo lắng “vị thế lãnh đạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương” của mình sẽ mất đi. Hơn nữa, các khó khăn mà kinh tế trong nước của Mỹ gặp phải khiến cho chủ nghĩa bảo hộ thương mại đối với Trung Quốc nổi lên, các chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ cùng từng bước theo xu hướng cứng rắn hơn. Trong bối cảnh sự tin tưởng lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc suy giảm, cạnh tranh chiến lược giữa hai bên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương diễn ra mạnh mẽ hơn và các va chạm kinh tế thương mại không ngừng xảy ra, việc làm thế nào để thực hiện lời bà Hillary Clinton “cố gắng đạt được một trạng thái cân bằng giữa hợp tác và cạnh tranh mà đôi bên đều có thể chấp nhận được”, chính là một thách thức lớn đối với Chính quyền Obama trong nhiệm kỳ hai này. 
Xét về tổng thể, có bốn nhân tố chủ yếu quyết định sự thay đổi về việc phát triển quan hệ Mỹ-Trung trong thời gian 4 năm tới. Thứ nhất là tầng lớp lãnh đạo hai nước. Sau hàng loạt quá trình “đỉnh cao” vào năm 2009, “xuống thấp” và “chông gai trở lại” vào năm 2010, nhận thức của Obama với Trung Quốc đã vượt qua chủ nghĩa lý tưởng vào thời gian đầu mới nhậm chức, trở nên bình tĩnh và lý trí hơn, điều này sẽ giúp Tổng thống Obama xử lý quan hệ Mỹ-Trung thiết thực hơn vào nhiệm kỳ hai. Trung Quốc đã xác lập một đội ngũ lãnh đạo mới sau Đại hội Đảng lần thứ 18, song sự biến động về nhân sự trong nước của Trung Quốc không ảnh hưởng nhiều tới chính sách ngoại giao của nước này, hơn nữa do Tổng thống Obama và Phó Tổng thống Joe Biden từng tiếp xúc với đội ngũ lãnh đạo mới của Trung Quốc nên điều này về cơ bản sẽ có ích cho việc duy trì trạng thái ổn định mối quan hệ Mỹ-Trung. Thứ hai, chiến lược của hai bên. Hiện nay, cuộc đọ sức chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã bắt đầu, trong bố cục chiến lược hiện có, Mỹ đã không thể rút về mà chỉ có thể từng bước thúc đẩy kế hoạch đã định, mặt khác, cùng với sự mở rộng về kinh tế cũng như lợi ích an ninh của mình, ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục được nâng cao, song xu thế trên hiển nhiên sẽ làm gia tăng sự nghi kỵ và cạnh tranh giữa hai nước lớn này. Thứ ba, tình hình chính trị kinh tế trong nước của hai nước. Đối với Mỹ, tình hình kinh tế trong nước, sự kỳ vọng của dân chúng và các sức ép đến từ Đảng Cộng hòa đều buộc Tổng thống Obama phải đặt các mục tiêu phát triển kinh tế và tạo cơ hội việc làm là trọng tâm của công tác chính phủ, có thể khẳng định rằng điều này sẽ khiến các áp lực về mặt kinh tế thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc gia tăng.

Ở trong nước, Trung Quốc cũng phải đối mặt với các thách thức về chuyển đổi mô hình kinh tế, xã hội; việc duy trì môi trường quốc tế ổn định, có lợi cho phát triển kinh tế sẽ là nhiệm vụ quan trọng của chính phủ nước này. Tuy nhiên, đối mặt với những đãi ngộ thương mại bất công của Mỹ, Trung Quốc tuy không gây chuyện, không bới móc, nhưng cũng không e ngại, vì vậy sự đấu tranh trên mặt trận kinh tế thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi. Ngoài ra, đối với Mỹ, việc chiến lược “tái cân bằng” khu vực châu Á-Thái Bình Dương có được thúc đẩy thuận lợi hay không cũng được quyết định bởi việc Chính quyền Obama trong nhiệm kỳ hai làm thế nào để xử lý một cách hiệu quả các vấn đề tài chính trong nước cũng như sự đối lập chính trị liên quan. Sự ảnh hưởng của chính trị trong nước đối với các quyết sách ngoại giao của Trung Quốc gia tăng cũng sẽ tác động tới việc Trung Quốc làm thế nào để ứng phó với chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ. Thứ tư, sự trao đổi qua lại của hai nước. Quan hệ song phương Mỹ-Trung từ trước đến nay không phải là mối quan hệ giữa các chính sách và những quyết định tự nguyện đơn phương của Mỹ. Do sự thay đổi về tương quan lực lượng giữa hai nước nên vai trò của Trung Quốc trong vấn đề dẫn dắt và xây dựng quan hệ hai nước ngày một lớn hơn. Hiện nay, trong đảng cầm quyền và đảng đối lập Mỹ đã có người bắt đầu tổng kết lại các chính sách của Mỹ với Trung Quốc, cuộc đọ sức giữa hai nước trong 4 năm qua cũng như suy ngẫm lại những “hậu quả không ngờ đến” mà chiến lược “tái cân bằng” khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ gây ra. Cùng với việc bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao mới sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 và việc đội ngũ an ninh quốc gia thuộc Chính quyền mới Obama lần lượt lên nhậm chức, sự trao đổi qua lại và phối hợp lẫn nhau giữa hai bên sẽ trở thành nội dung chủ yếu trong đường lối ngoại giao của hai nước trong 6 tháng đầu năm 2013. Song song với việc thực hiện chiến lược “tái cân bằng” khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Chính quyền Obama cũng phải đánh giá lại những ảnh hưởng tiêu cực của chính sách trên đối với quan hệ Mỹ-Trung, từ đó đưa ra tư duy chiến lược mới đối với Trung Quốc. Từ việc Chính quyền Obama có phản ứng tích cực với đề xuất xây dựng “mối quan hệ giữa các nước lớn kiểu mới” của Trung Quốc năm 2012 cho thấy Trung Quốc và Mỹ cùng suy xét về vấn đề làm thế nào để xây dựng “mối quan hệ giữa các nước lớn kiểu mới” có thể sẽ trở thành một phần quan trọng trong việc điều chỉnh chiến lược này. 

Những thay đổi trên sẽ làm xuất hiện các đặc điểm sau trong chính sách đối với Trung Quốc của Tổng thống Obama trong nhiệm kỳ hai: thận trọng hơn trong việc duy trì sự ổn định quan hệ song phương, nhấn mạnh cạnh tranh ở mức phù hợp trong việc tìm kiếm sự cân bằng giữa hợp tác và cạnh tranh. Do giữa hai nước có quy mô kinh tế thương mại 500 tỷ USD cũng như phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc trong việc giải quyết các vấn đề lớn mang tính khu vực và quốc tế, làm thế nào giải được bài toán khó về quan hệ hai nước từ độ cao chiến lược cũng sẽ trở thành vấn đề mà chính quyền mới của Tổng thống Obama cần suy nghĩ. Tổng thống Obama đã giành được thắng lợi trong “cuộc bầu cử quan trọng nhất trong 30 năm trở lại đây”, các vấn đề mà ông phải đối mặt vẫn sẽ là các vấn đề trong nước như thoát khỏi điểm đáy khủng hoảng, chính đảng đối lập nhau gay gắt hay chia rẽ xã hội nghiêm trọng và thế giới đầy nhân tố không xác định. Nhìn chung, do thoát khỏi áp lực “cạnh tranh tái đắc cử”, ở mức độ nhất định, nhiệm kỳ hai của Tổng thống Obama có thể sẽ thoải mái hơn trong các chính sách đối nội và đối ngoại, thực hiện các chủ trương mang sắc thái chủ nghĩa tự do trong công tác đối nội và các chủ trương mang bản sắc cá nhân trong các công tác đối ngoại, lưu lại “dấu ấn” của mình trong lịch sử nước Mỹ. Tuy nhiên, song song với việc đó, ông cũng không thể trốn tránh những thách thức đến từ việc bất đồng nghiêm trọng trong Quốc hội và sự chia rẽ xã hội, đặc biệt là việc thực hiện cam kết phục hồi nền kinh tế Mỹ, vực dậy nền tảng bá quyền của nước mình , điều này quyết định Chính quyền Obama trong nhiệm kỳ hai sẽ là một chính quyền “hướng nội” và “thu hẹp có giới hạn” trên lĩnh vực ngoại giao. Từ ý nghĩa này cho thấy việc xử lý tốt hai cục diện lớn trong nước và nước ngoài, không chỉ sẽ quyết định “di sản chính trị” mà Tổng thống Obama để lại, mà còn sẽ quyết định sự bá quyền lâu dài của Mỹ./.

Theo Tạp chí “Quan hệ quốc tế hiện đại” – Trung Quốc

Lê Sơn (gt)