Bình luận

Các yêu sách biển đối lập ở Đông Á sẽ là nguyên nhân chính gây ra căng thẳng khu vực vào thập kỷ tới. Trong khi hầu hết các tranh chấp biên giới trên bộ của Trung Quốc đã được giải quyết theo những điều khoản thuận lợi cho các nước láng giềng của Trung Quốc, ngoại trừ những tranh chấp còn tồn tại với Ấn Độ và Bhutan, biên giới trên biển của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông vẫn còn đang tranh chấp. 

Trung Quốc có truyền thống là một cường quốc lục địa thường tập trung chủ yếu vào các đường biên giới Á-Âu trên đất liền. Tuy nhiên, một Trung Quốc đang trỗi dậy ở thế kỷ 21 sẽ ngày càng chú tâm hơn đến không gian biển khi nước này hướng tầm nhìn sang phía đông về phía Mỹ, cường quốc độc tôn của thế kỷ 20, và Nhật Bản, nước mà Trung Quốc đã vượt qua về kinh tế nhưng có mối quan hệ không hề êm thấm bởi ký ức không tốt đẹp về một  đế quốc thực dân Nhật Bản và những tổn thương Bắc Kinh phải gánh chịu trong suốt Thế chiến thứ hai. Tranh chấp Trung – Nhật đối với đảo Điếu Ngư/ Senkaku sẽ là vấn đề biển phức tạp nhất ở Đông Á bởi di sản lịch sử này.

Lập trường mơ hồ của Bắc Kinh không hề có ích

Đáp lại bản đệ trình chung của Việt Nam và Malaysia gửi lên Liên Hợp Quốc thông báo việc phân định ranh giới thềm lục địa của hai nước, Trung Quốc tái khẳng định yêu sách lãnh thổ của mình và đệ trình một bản đồ với đường chín đoạn bao trọn gần như toàn bộ Biển Đông. Đây là lần đầu tiên bản đồ này được lưu hành như một tài liệu của Liên Hợp Quốc mặc dù nó dựa trên bản đồ của Chính phủ Quốc Dân Đảng năm 1947. Động thái này của Trung Quốc khiến một số nước ASEAN lo ngại, đặc biệt là Philippines, Việt Nam lẫn Malaysia và Brunei, tất cả những nước có yêu sách chồng lấn. 

Khi tấm bản đồ này được lưu hành rộng rãi ở Trung Quốc, xuất hiện nổi bật trong nhiều tòa nhà chính phủ và hiện nay được in trên hộ chiếu mới của Trung Quốc, người dân Trung Quốc tin rằng toàn bộ khu vực này nằm trong vùng lãnh hải của Trung Quốc, nếu như các bình luận trên Internet được xem là đại diện cho quan điểm ​​rộng rãi của quần chúng. Sự thất bại của các luật gia quốc tế thống thái và những nhà hoạch định chính sách đối ngoại Trung Quốc trong việc công khai làm rõ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm tăng thêm lo ngại.

Tuyên bố công khai của Trung Quốc về quyền lịch sử không tồn tại được theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mặc dù yêu sách chủ quyền đối với các đảo và đá bên trong đường chín đoạn có thể phù hợp với UNCLOS. Tàu hải quân và ngư chính của Trung Quốc đã bắt đầu tuần tra ở những vùng nước bên trong vùng EEZ của các bên yêu sách khác trong khi nước này đề xuất hợp đồng thăm dò các lô dầu khí bên trong vùng EEZ của Việt Nam, ngay cả khi Trung Quốc không thể yêu sách một vùng EEZ, mở rộng từ các đảo thể hiện trên bản đồ đường chín đoạn, chồng lấn vào những khu vực này.

Tác động đối với mối quan hệ Trung Quốc – ASEAN

Do những diễn biến này, các cuộc họp của ASEAN tiếp tục bị phân tán bởi vấn đề Biển Đông. Khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo ASEAN tại Phnom Penh hôm 18 Tháng 11, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố đã có đồng thuận về việc không quốc tế hóa vấn đề. Nếu không bị phản đối gì, sự đồng thuận như vậy đã phản ánh chính xác lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, Philippines và Việt Nam, cũng như Brunei, Indonesia, Malaysia và Singapore, đã chính thức gửi thư bày tỏ sự không tán thành quan điểm này và tuyên bố cuối cùng của chủ tịch đã không nhắc đến điều này.

Nếu phái đoàn Campuchia khăng khăng làm theo ý mình, kết quả hội nghị có thể là một sự lặp lại của hội nghị bộ trưởng ASEAN vào tháng 7 năm nay, cuộc họp lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của ASEAN không đưa ra được một thông cáo chung. Campuchia đã phản đối việc đề cập tranh chấp Biển Đông trong thông cáo chung bởi theo quan điểm của nước này, ASEAN không nên thảo luận về các vấn đề song phương.

Mỉa mai thay, Campuchia đã nêu tranh chấp biên giới song phương của mình với Thái Lan về khu vực xung quanh đền Preah Vihear diễn ra năm trước đó và đạt được một tuyên bố riêng của các ngoại trưởng ASEAN về vấn đề này, và cũng được nêu trong tuyên bố của Chủ tịch tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 19.

Là một cường quốc, Trung Quốc luôn muốn đàm phán song phương để tận dụng được lợi thế lớn hơn của mình. Trong khi Trung Quốc đang có quan hệ kinh tế tốt đẹp với các nước ASEAN, họ thường xem ASEAN/ Trung Quốc và ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) là các cơ chế 10 + 1 và 10 + 3, để nêu bật cách tiếp cận song phương của Trung Quốc với các thành viên ASEAN. Nỗ lực thúc đẩy Trung Quốc đưa các tranh chấp biên giới trên biển ra phân xử tại Tòa án Công lý quốc tế hoặc Tòa án Quốc tế về Luật Biển đều không thành công. Dù đã phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển, Trung Quốc quyết định không tham gia vào các cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính ràng buộc. Thay vào đó, ASEAN và Trung Quốc tập trung vào xây dựng các chuẩn mực, các biện pháp xây dựng lòng tin và thúc đẩy các hoạt động hợp tác, như đã đề ra trong Tuyên bố Ứng xử của các Bên ở Biển Đông giữa ASEAN-Trung Quốc năm 2002. 

Cách tiếp cận này nhằm tránh giải quyết những yêu sách lãnh thổ ở cấp độ ASEAN, và nó sẽ được thảo luận song phương bởi các bên liên quan trực tiếp. Mối quan tâm hiện tại của ASEAN là cùng Trung Quốc hướng tới một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, tập trung vào các vấn đề như ngăn ngừa sự cố trên biển, quản lý khủng hoảng, các biện pháp xây dựng lòng tin và khuyến khích khai thác chung. Nhưng tiến triển đạt được dường như không đáng kể.

Các Bên cần có hành động kiềm chế

Trong khi cần đề ra một gói giải pháp tổng thể, đây là thời điểm thích hợp có bước đi đầu tiên trong việc thực thi các biện pháp xây dựng lòng tin như tăng cường trao đổi và thảo luận ở cấp phi chính thức nhằm giảm bớt hiểu lầm và tăng cường lòng tin, thiết lập đường dây nóng ở cấp độ tác chiến giữa lực lượng hải quân và đơn vị bảo vệ bờ biển của các quốc gia trong khu vực, đồng ý thông báo trước về các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cứu hộ người dân và tàu thuyền gặp nạn trên biển. 

Những hành động khiêu khích như việc Trung Quốc quyết định đưa bản đồ đường chín đoạn vào hộ chiếu mới cần nên tránh. Tất cả các bên yêu sách chủ quyền sẽ phạm luật nếu chiếm đóng các đảo và thực thể không người ở. Họ cần thống nhất kiềm chế các hành động như vậy. Mục đích là để tăng cường khả năng kiểm soát khủng hoảng và đặt nền tảng cho các thỏa thuận về quy tắc và phương thức nhằm giảm bớt căng thẳng. 

Mặc dù có nhiều thách thức đặt ra do những yêu sách đối lập ở Biển Đông, cần thừa nhận rằng Trung Quốc hiện tại là động lực tăng trưởng chính đối với khu vực ASEAN. Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc là khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới xét về dân số và lớn thứ ba tính theo GDP danh nghĩa. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ngày 20 tháng 11 năm 2012, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng bày tỏ thiện chí của Trung Quốc trong việc tăng cường đối thoại và thúc đẩy hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN trong các lĩnh vực an ninh và chiến lược.

Từ giác độ của Trung Quốc, việc quản lý mối quan hệ cùa nước này với ASEAN rất quan trọng. Là một cường quốc đang hồi sinh với sự hiện diện ngày càng mở rộng trên phạm vi toàn cầu, sẽ có nhiều quốc gia quan sát cách thức Trung Quốc ứng xử với các nước láng giềng. Những bài học sẽ được rút ra từ chính ảnh hưởng của một Trung Quốc trỗi dậy đối với các nước láng giềng. 

Barry Desker  là Trưởng khoa của Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang. Bài viết được đăng trên RSIS.

Người dịch: Tuấn Anh

Hiệu đính: Minh Ngọc