Các xu hướng liên quan đến tài nguyên thiên nhiên, cả ở châu Á và trên thế giới, đang khiến quan hệ giữa các quốc gia ở Biển Đông trở nên phức tạp. Các cuộc đối thoại công khai hiện nay tập trung nhiều vào việc liệu các xu hướng đó có góp phần tạo nên xung đột hay không. Tuy nhiên, thực tế thì tình hình phức tạp hơn nhận định trên. Hàng loạt các xu hướng thay đổi liên quan đến năng lượng, kinh tế, tài nguyên và dân số như : nhu cầu năng lượng của thế giới đang gia tăng; sự phát triển của tầng lớp trung lưu tại khu vực Đông Nam Á ; quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ ; việc dịch chuyển và phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ ra ngoài khơi và tình trạng ngày càng khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên gần bờ sẽ tác động tới cách ứng xử của các quốc gia trong khu vực. Nếu các nhà lãnh đạo trong khu vực không hiểu được cách thức các xu hướng đó tương tác và ảnh hưởng tới hành vi của các quốc gia, thì họ sẽ có thể hiểu sai hành động của các quốc gia láng giềng, từ đó nguy cơ bất ổn định càng lớn hơn. Từ đó họ cũng có thể sẽ coi nhẹ các cơ hội hợp tác và củng cố an ninh, điều sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực.

Nếu các chương khác của tập báo cáo này khẳng định rằng tài nguyên luôn luôn là nguồn gốc của cạnh tranh giữa các quốc gia tại Biển Đông, thì chương này sẽ xem xét nhiều hơn về cách thức tài nguyên thiên nhiên tác động tới cách cư xử của quốc gia tại khu vực. Chương này sẽ cung cấp tổng quan về các tác động chính trị và kinh tế mà các quốc gia phải đối mặt khi giải quyết các thách thức đặc thù liên quan đến vấn đề tài nguyên. Tiếp đó, chương này sẽ xem xét những xu hướng tài nguyên và môi trường quan trọng nhất tại khu vực – trong đó có năng lượng, thủy sản, khoáng sản và thay đổi khí hậu. Ngoài ra, chương này giải thích cách thức các xu hướng tác động tới nguồn tài nguyên trên đất liền, chẳng hạn như các đường ống dẫn năng lượng trên đất liền, từ đó định hình cách thức mà các quốc gia sẽ ứng xử với các vấn đề liên quan đến nguồn tài nguyên biển. Cuối cùng, chương này sẽ đưa ra kết luận thông qua việc xem xét việc Mỹ và các quốc gia khác có thể củng cố ổn định khu vực như thế nào nhờ vào những chính sách liên quan tới các xu hướng tài nguyên.

Những mối quan tâm về nguồn tài nguyên trong khu vực

Các xu hướng tài nguyên và môi trường tác động tới các quốc gia tại Biển Đông theo những cách thức khác nhau. Tất cả các quốc gia buộc phải quản lý xu hướng năng lượng, các hoạt động khai thác mỏ, trồng rừng, sản xuất nghề cá, các nguồn cung nước sạch và việc sử dụng đất trồng trọt. Tuy nhiên, mỗi một quốc gia đều đối mặt với những bài toán chính trị và kinh tế đặc thù khi quản lý các nguồn lực đó.

Đối với Trung Quốc, tài nguyên thiên nhiên và môi trường là vấn đề cơ bản đối với đại chiến lược của nước này. Đảng Cộng sản Trung Quốc coi tăng trưởng kinh tế là nền tảng của tính hợp pháp chính trị, và tăng trưởng nhanh đòi hỏi nhu cầu tiêu thụ năng lượng, khoáng sản, nước và các tài nguyên khác ngày càng nhiều. Ngoài ra, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận thức rằng sự suy thoái về môi trường nảy sinh do tình trạng quản lý kém trong việc tiêu thụ năng lượng có thể gây ra bất ổn định xã hội và giảm tăng trưởng GDP[1].

Đối với các quốc gia láng giềng của Trung Quốc tại Biển Đông, việc quản lý tài nguyên và môi trường có thể đóng vai trò ít quan trọng hơn về mặt chiến lược, tuy nhiên, những vấn đề này vẫn đặt ra nhiều thách thức lớn. Chẳng hạn như Indonesia phải tìm cách cân bằng giữa nhu cầu về tài nguyên đang ngày càng cấp bách với các tình trạnh đáng lo ngại như thiếu đất, hiện tượng nước biển dâng và dân số tăng. Giới lãnh đạo của Indonesia đã và đang ủng hộ chính sách tăng trưởng xuất khẩu dựa trên việc sản xuất dư thừa thực phẩm, nhiên liệu sạch và khoáng sản để xuất ra bên ngoài. Quốc gia này cũng cam kết bảo tồn số rừng nhiệt đới còn tồn tại và tăng cường nỗ lực tái phủ xanh rừng.  Các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết hơn 3 tỷ đô-la cho hoạt động này. Với diện tích đất đai hạn chế dành cho phát triển – cùng hàng loạt các nhân tố nội bộ làm giảm sự kiểm soát của chính phủ trung ương[2] - câu hỏi về cách thức đầu tư như thế nào cho phát triển đang đặt ra nhiều thách thức chính trị mang tính hệ trọng. Chẳng hạn như, chính phủ Indonesia hiện nay đang bàn thảo về việc liệu có nên chuyển mục đích sử dụng các khu vực canh tác đặc thù của sản xuất lương thực cũng như trồng trọt trong nước sang sản xuất nhiên liệu sạch cho thị trường tiêu thụ quốc tế hoặc để tái trồng rừng hay không. Mỗi một mục đích sản xuất nêu trên đều liên quan đến việc đánh đổi giữa lợi ích của thị trường trong nước và nước ngoài[3]. Nhu cầu toàn cầu cũng tác động tới những lựa chọn đó. Trong những năm vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã từng hạn chế nhập khẩu dầu cọ có xuất xứ nước ngoài được sản xuất thông qua việc sản xuất không bền vững với môi trường. Điều này đã từng gây ra những căng thẳng ngoại giao với các quốc gia xuất khẩu như Indonesia và Malaysia. Cả hai quốc gia này đều đã từng đệ trình đơn kiện lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) để nhằm thúc đẩy việc xuất khẩu dầu cọ[4].

Việt Nam hiện đang đối diện với nhiều thách thức môi trường có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng kinh tế liên tục trong những năm qua. Quốc gia này đang trong tiến trình hoàn thành Các Mục tiêu thiên niên kỷ nằm trong Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc năm 2000; những mục tiêu đó bao gồm việc xóa đói giảm nghèo, phòng chống bệnh dịch và đảm bảo tính bền vững của môi trường. Chẳng hạn, Việt Nam đã đạt kết quả giảm đói nghèo từ 58,1% (năm 1993) xuống còn 16% (năm 2006) - đây là một thành tích đáng chú ý[5]. Từ năm 2005, GDP thực tế (tính cả điều chỉnh lạm phát) đã tăng với tốc độ hàng năm từ 5,3-8,5%.[6] Nhờ vào sự phát triển này, đời sống của người dân Việt Nam đang ngày càng được cải thiện. Nhưng đi cùng với đó, sự phát triển này cũng làm gia tăng những căng thẳng về nguồn cung nước sạch tại đây và càng ngày càng khiến vấn đề ô nhiễm môi trường trở nên trầm trọng. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long đặc biệt dễ bị ảnh hưởng trước những tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm hiện tượng nhiễm mặn và xói mòn. Mặc dù đóng góp của khu vực sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam chiếm tỉ trọng ngày càng ít trong GDP quốc gia, ngành này vẫn tiếp tục mang lại thu nhập về xuất khẩu và củng cố cho sự phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc thúc đẩy mở rộng sân bay, các tuyến đại lộ cũng như các cơ sở hạ tầng khác. Tổn thất về môi trường và những tác động của biến đổi khí hậu đang đe dọa nghiêm trọng nỗ lực phát triển của đất nước, trong đó có những kế hoạch xuất khẩu nông sản; nhiều chuyên gia cảnh báo năng suất trong sản xuất nông nghiệp rất dễ bị ảnh hưởng trước bất cứ thay đổi nào dù là nhỏ nhất trong những thay đổi của khí hậu cũng như độ mặn của đất.

Các quốc gia nói trên – cùng với Philippines, Malaysia, Singapore và các quốc gia ven Biển Đông khác – đều có kinh nghiệm đối với những thách thức đặc thù liên quan tới xu hướng tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Những thách thức trong nước ảnh hưởng đến cách ứng xử của họ với bên ngoài, đồng thời cũng có thể làm gia tăng cạnh tranh hoặc thúc đẩy hợp tác. Đặc biệt, ba nguồn tài nguyên sẽ có thể ảnh hưởng đến hành vi của các quốc gia ở Biển Đông và đóng vai trò quan trọng trong việc nhận thức rõ viễn cảnh của sự cạnh tranh cũng như hợp tác trong khu vực, đó là: năng lượng, nguồn hải sản và khoáng sản.

Năng lượng

Đối với phần lớn các quốc gia trong khu vực, việc tiếp cận Biển Đông luôn được xem là nhân tố quyết định tới việc thỏa mãn nhu cầu năng lượng cần thiết mà các quốc gia cần để phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh  khu vực được đánh giá là có khả năng trở thành " một vịnh Ba Tư mới".[7] Mặc dù những đánh giá về trữ lượng khí đốt tự nhiên và các nhiên liệu khác (theo từ chuyên ngành là chỉ số RRP hoặc R/P, có nghĩa là chỉ số giữa trữ lượng và sản xuất – ND) đang thay đổi một cách nhanh chóng do sự phát triển của công nghệ và những thay đổi về giá cho phép các quốc gia có thể khai thác trữ lượng tài nguyên nhiều hơn dự tính ban đầu, nhưng các quốc gia vẫn đang gia tăng lo ngại về việc liệu trữ lượng tài nguyên này có đáp ứng được nhu cầu năng lượng trong dài hạn của họ hay không. Chẳng hạn, theo hãng BP, chỉ số R/P trữ lượng dầu của Trung Quốc – chỉ số sẽ cho biết việc cung ứng dầu mỏ quốc nội sẽ kéo dài bao lâu với tốc độ sản xuất hiện tại – chỉ ở mức 9,9 năm, và trữ lượng dầu tại Biển Đông có thể gấp đôi trữ lượng dầu mà Trung Quốc hiện có.[8] Các quốc gia trong khu vực có thể tìm kiếm việc tăng sản lượng tại Biển Đông bởi nguồn năng lượng dự trữ toàn cầu hiện nay đang tập trung phần lớn ở các quốc gia bất ổn chính trị, như Iran, Venezuela và Arap Saudi.

Tuy nhiên, các đánh giá về nguồn dự trữ năng lượng tại Biển Đông lại có nhiều khác biệt. Một đánh giá mới đây của Mỹ cho thấy rằng Biển Đông có khoảng 15,6 tỷ thùng dầu, trong đó có khoảng 1,6 tỷ thùng là trữ lượng dầu đã xác minh (trữ lượng xác minh là lượng dầu khí có thể thu hồi thương mại tính được ở thời điểm nhất định với độ tin cậy cao - ND). Ngược lại, những nhà thăm dò Trung Quốc đánh giá trữ lượng dầu có thể dao động từ 105 – 213 tỷ thùng, trong đó có khoảng 10,5 – 21,3 tỷ thùng là trữ lượng dầu đã xác minh, ngoài ra còn có trữ lượng lớn khí đốt tự nhiên.[9] Mặc dù có những khác biệt đó, một số quốc gia – trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và Philippines - đang xúc tiến một vài kế hoạch khai thác các nguồn tài nguyên này. Các quốc gia lân cận khu vực biển Đông cũng quan tâm đến vấn đề này. Chẳng hạn như Ấn Độ đã tuyên bố vào tháng 9/2011, Công ty quốc doanh dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của nước này sẽ là đối tác với Việt Nam trong việc khai thác dầu mỏ và khí đốt tự nhiên trong những vùng biển tranh chấp mà Việt Nam yêu sách thuộc chủ quyền của họ.[10] Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục đưa ra những cảnh báo đối với các quốc gia bên ngoài đang can dự vào các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực. Điều này đã và đang làm gia tăng căng thẳng, theo đó, tất cả các quốc gia trong khu vực lo sợ rằng việc tiếp cận các nguồn tài nguyên này là một đề xuất "tổng bằng không" và họ phải khai thác các nguồn tài nguyên trước khi các quốc gia khác tiếp cận.

Ngoài ra, việc tiếp cận rộng rãi các tuyến lưu thông hàng hải (SLOC) chạy qua Biển Đông và kết nối các quốc gia trong khu vực với nguồn năng lượng từ Trung Đông thì cũng quan trọng như nguồn tài nguyên dầu mỏ ở dưới đáy biển tại khu vực này vậy. Chẳng hạn, hàng năm có 60 nghìn tàu quá cảnh tại eo biển Ma-lắc-ca, trong đó các tàu chở dầu chứa khoảng hơn 13 triệu thùng dầu, chiếm khoảng 40% số dầu được sản xuất trên toàn cầu.[11] Bản thân Trung Quốc cũng nhận ra rằng quốc gia này sẽ chịu nhiều tác động từ việc ngừng cấp năng lượng tại Biển Đông bởi 80% nguồn năng lượng của họ trong quá trính vận chuyển phải quá cảnh tại eo biển Ma-lắc-ca.[12] Điều này phần nào giải thích lý do Trung Quốc yêu sách phần lớn Biển Đông: bởi quốc gia này muốn độc quyền khả năng bảo vệ các tuyến SLOC khỏi nguy cơ tiềm tàng của việc bị cắt đứt nguồn cung dầu.

Sự cạnh tranh các nguồn nhiên liệu hóa thạch tại Biển Đông sẽ không chỉ phụ thuộc vào yêu sách của các quốc gia đối với các mỏ ngoài khơi xa mà còn phụ thuộc vào khả năng phát triển công nghệ nhằm tiếp cận với các mỏ tài nguyên đó. Ngược lại, tốc độ phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ tiếp cận năng lượng và các nguồn tài nguyên khác (như khoáng sản) ở xa bờ sẽ xác định cách thức các quốc gia này có thể khai thác trữ lượng dầu nhanh ra sao.

Chi phí cũng là một nhân tố. Mặc dù Trung Quốc và các quốc gia khác có thể có công nghệ đủ để để sản xuất dầu mỏ và khí đốt ở phần lớn vùng nước sâu ở Biển Đông,[13] nhưng chi phí để sản xuất dầu khí ở xa bờ thường tốn kém nhiều hơn so với việc sản xuất từ các nguồn năng lượng truyền thống, đặc biệt so với sản xuất tại Iraq, Iran, những quốc gia có trữ lượng dầu mỏ truyền thống dồi dào. Các công ty năng lượng trong khu vực cũng như quốc tế tiến hành khai thác tại đây hiểu rõ được những chi phí và lợi nhuận kinh tế trong vấn đề này. Tuy nhiên, đối với các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia, họ cần nhận thức được thực tế rằng chi phí khai thác dầu từ các mỏ truyền thống tại khu vực Trung Đông hoặc Bắc Mỹ không giống như  chi phí khai thác dầu tại vùng biển sâu ở Biển Đông.

Lợi nhuận khai thác các nguồn tài nguyên dưới đáy biển tại Biển Đông có thể bị giảm nếu như (hoặc khi) các nhiên liệu thay thế có giá bằng với các nguồn tài nguyên hóa thạch truyền thống.[14] Chẳng hạn, đầu tư của Hải quân Mỹ vào nhiên liệu sinh học từ tảo đã làm giảm chi phí một ga-lông nhiên liệu tảo ở Mỹ, khiến giá của nguồn nhiên liệu này gần xuống tới mức giá của dầu mỏ. Đầu năm nay, Hải quân Mỹ đã thông báo một đơn đặt hàng 450.000 ga-lông nhiên liệu sinh học tảo, đây là đơn hàng mua bán lớn nhất từ trước tới nay.[15] Một đơn đặt hàng như vậy cho phép các công ty sản xuất năng lượng có thể tiến hành sản xuất dựa theo quy mô, điều này giúp giảm chi phí đơn vị của sản phẩm. Ngoài ra, những quy định mới – trong đó có quy định về phát thải khí các-bon trong ngành hàng không của EU và sắc lệnh của chính quyền Obama yêu cầu tất cả văn phòng liên bang giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính – có thể làm tăng nhu cầu sử dụng các nhiên liệu thay thế.[16] Việc sản xuất nhiên liệu sinh học toàn cầu tiếp tục phát triển dẫn đến nguồn cung tăng có thể bù đắp được nhu cầu về dầu mỏ được sản xuất thông qua những phương thức sản xuất đắt đỏ - trong đó có hoạt động rút dầu ở xa bờ và vùng biển sâu tại Biển Đông.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây

Will Rogers

Lan Hương (dịch)

Quang Hưng (hiệu đính)

 

Bản dịch chương V: The Role of Natural Resources in the South China Sea trong báo cáo: Cooperation from Strenth: The United States, China and the South China Sea của Trung tâm An ninh mới (CNAS) của Mỹ.



[1] Theo một báo cáo mới đây của Ngân hàng thế giới, tỉ lệ người chết vì ô nhiễm đã ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng GDP của Trung Quốc: «Theo một đánh giá, gánh nặng kinh tế của tỷ lệ chết trẻ và chết vì bệnh tật do ô nhiễm không khí tương đương với 157,3 tỷ nhân dân tệ vào năm 2003, chiếm khoảng 1,16% GDP. Con số này được xác định dựa trên giả định rằng giá trị kinh tế bị thiệt hại do mỗi cá nhân chết trẻ được tính bằng cách sử dụng giá trị GDP tính trên đầu người hiện tại cùng với khoảng thời gian mà lẽ ra còn trong cuộc đời họ. Nếu giá trị kinh tế bị thiệt hại của người chết trẻ được ước lượng thống kê vào khoảng 1 triệu NDT – được xác định dựa theo mức độ sẵn sàng chi trả của người dân trong việc tránh rủi ro tử vong -  thì những tổn thất do ô nhiễm không khí gây ra tương đương với 3,8% GDP». World Bank, “Cost of Pollution in China: Economic Estimates of Physical Damages” (2007), xiii.

[2] Tham khảo Abraham Denmark, Crafting a Strategic Vision: A New Era of U.S.-Indonesia Relations (Washington: Center for a New American Security, 2010), 17-20.

[3] Ví dụ, khi xem xét đến giá trị kinh tế của các nhiên liệu sinh học như dầu cọ (như In-đô-nê-xia có lãi khoảng 12,4 tỷ đô la vào năm 2009), giới hoạch định chính sách tỏ ra thận trọng trước những đánh đổi chính trị liên quan tới việc giảm sản xuất dầu cọ trong nước bởi nếu có thể đạt được tỉ lệ như mức cam kết của họ với những nhà tài trợ quốc tế trong việc bảo vệ những khu rừng còn sót lại thì việc giảm sản xuất này sẽ mang lại nguồn tiền cho các chương trình quốc gia,. Claire Leow và Yoga

Rusmana, “Indonesia to Develop Value-Added Palm Oil Industry, Rajasa Says,” Bloomberg, December 1, 2009, http://www.bloomberg.com/apps/news?pid=newsarchive&sid=a15d6QXkUfwI&refer=commodities.

[4] Ví dụ, đọc Bill Guerin, “European Blowback for Asian Biofuels,” Asia Times Online, February 8, 2007; và Pete Harrison, “Malaysia, Indonesia Warn EU Hampers Palm Oil Trade,” Reuters, 16 tháng 11, 2010.

[5] United Nations MDG Monitor, “Viet Nam,” www.mdgmonitor.org/country_progress.cfm?c=VNM&cd=704; and World Bank, “Vietnam: Country Overview,” (Tháng 6/2008), 1-4.

[6] World Bank, “East Asia and Pacific Economic Update 2010, Vol. I,” (2010), 46.

[7]Energy Information Administration, “South China Sea,” Country Analysis Briefs, Tháng 3/2008, http://www.eia.gov/emeu/cabs/South_China_Sea/OilNaturalGas.html.

[8] BP, Statistical Review of World Energy,” (Tháng 6/2011), 6.

[9] Các chuyên gia chỉ ra chính xác rằng các đánh giá của Trung Quốc chỉ bao gồm tổng thể trữ lượng dầu mỏ và khí đốt mà không tính đến số liệu chuẩn của ngành công nghiệp về tỷ trọng của dầu khí có thể thu hồi được, con số đã được chứng minh là khoảng 10%. Chính vì thế, tuyên bố của Trung Quốc về tiềm năng năng lượng ở Biển Đông là thái quá. Tham khảo thêm, Clive Schofield, Ian Townsend-Gault, Hasjim Djalal, Ian Storey, Meredith Miller and Tim Cook, “From Disputed Waters to Seas of Opportunity,” Special Report No. 30 (National Bureau of Asian Research, Tháng 7/ 2011), 12.

[10] Sachin Parashar, “Undeterred India to Hunt for Oil in South China Sea,” The Times of India, 17 tháng 9, 2011, http://articles.timesofindia.indiatimes.com/2011-09-17/india/30168478_1_respect-and-support-countries-ongcvidesh- pham-binh-minh.

[11]Department of Energy, “World Oil Transit Chokepoints,” February 2011,http://www.eia.gov/cabs/world_oil_transit_chokepoints/Full.html.

[12] Tham khảo phần tham luận trong « Malacca dilemma » ở chương viết của Ian Storey trong tập san này.

[13] Andrew Erickson và Gabriel Collins, “China Aims to More Than Triple Its Oil & Gas Production in the South China Sea over the Next 10 years,” China SignPost, 31 (3/4/2011), http://www.chinasignpost.com/wp-content/uploads/2011/04/China-SignPost_31_China-Deepwater-Energy-Production_201104032.pdf.

[14] Những nhà phân tích về năng lượng đã đánh giá, trong những cuộc trò chuyện cá nhân, rằng nhiên liệu sinh học có thể đạt cân bằng giá với dầu mỏ vào khoảng năm 2020. Các chuyên gia lập luận rằng thời gian cần thiết để tăng quy mô sản xuất của nhiên liệu sinh học nhằm cho ra được sản phẩm có mức giá cạnh tranh phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp đang dẫn dắt phát triển, ngoài ra còn phụ thuộc vào các điều kiện về đầu tư quan trọng khác : « Nếu tham khảo dựa theo các kiến thức về công nghệ sinh học thì thời gian cần thiết là khoảng từ 5 đến 10 năm. Nếu nhìn từ góc độ của ngành công nghiệp dầu khí truyền thống, với các chu kỳ phát triển lâu dài cùng với sự phức tạp và quy mô của hệ thống phân phối, thời gian đó có thể kéo dài từ 15 đến 20 năm ». Daniel Yergin, The Quest: Energy, Security, and the Remaking of the Modern World (New York: Penguin Press, 2011), 663.

[15] Theo Tư lệnh Hải quân Mỹ, ông Ray Mabus, với nhu cầu khiêm tốn của Hải quân, giá nhiên liệu làm từ tảo đã bị cắt giảm một nửa trong năm qua và sẽ dự báo bị cắt giảm tiếp một nửa trong năm nay. Department of Defense Bloggers Roundtable with Ray Mabus, Secretary of the Navy, August 22, 2011. See also Defense Logistics Agency, “Request for Information: Procurement of Hydro-Renewable Jet and Marine Diesel Fuel,” 23/5/2011, https://www.fbo.gov/?s=opportunity&mode=form&id=173a64498bcfa1e6da5b34df1aab2f91&tab=core&_cview=0.

[16] Ví dụ, đọc European Commission on Climate Action, “Reducing Emissions from the Aviation Sector,” (January 4, 2011), http://ec.europa.eu/clima/policies/transport/aviation/index_en.htm; và President Barack

Obama, “Executive Order 13514,” October 5, 2009, http://www.whitehouse.gov/assets/documents/2009fedleader_eo_rel.pdf.