Việc mở rộng của Trung Quốc tại các vùng biển Đông Á có sự hỗ trợ lớn của các lực lượng không thuộc hải quân PLA. Các tổ chức này cũng hỗ trợ Cảnh sát biển Trung Quốc nhằm đạt được các mục tiêu, nhưng tránh để xảy ra rủi ro xung đột quân sự, duy trì uy tín, và ngăn các cường quốc bên ngoài có hành động gây hấn vũ trang. Hai trong số các cơ quan hàng hải hoàn toàn phù hợp với mô hình này, đó là Cục Hải giám (CMS) và Cục Ngư chính Trung Quốc (FLE). Với đội tàu dân sự được trang bị bằng các vòi rồng hoặc các vũ khí hạng nhẹ, CMS và FLE có thể giúp Bắc Kinh theo đuổi yêu sách biển một cách mạnh mẽ, trong khi tránh được rủi ro và cái giá phải trả khi sử dụng chiến thuật “ngoại giao pháo hạm” truyền thống.

Tư duy trên trái ngược với việc sử dụng các cơ quan chấp pháp hàng hải như Cảnh sát Biển (CMP), dù lực lượng này có năng lực hoạt động rộng khắp trên 3 triệu km vuông biển do Trung Quốc yêu sách. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc đã lựa chọn giải pháp đặt lực lượng này nằm ngoài các khu vực tranh chấp nhạy cảm. Nhất là khi Cảnh sát Biển Trung Quốc đang bị xem như một tổ chức quân sự, và có thể gây bất lợi cho chiến lược tranh chấp biển được Bắc Kinh theo đuổi.

Kể từ năm 2013, giả thuyết này đã bị thay đổi khi giới lãnh đạo Trung Quốc triển khai tái cấu trúc lại hệ thống chấp pháp biển vốn phân mảnh, bất cập, và từng được gọi với cái tên “Ngũ Long trị hải”. Cuộc cải cách nhằm “hợp nhất” bốn tổ chức chấp pháp biển Trung Quốc, gồm ba cơ quan nêu trên, cộng với Cục Phòng chống Buôn lậu biển, thuộc Tổng cục Hải quan (GAC) thành một tổ chức mới với tên gọi “Lực lượng Bảo vệ Bờ biển” Trung Quốc.

Trong khi thay đổi về mặt cơ cấu tổ chức diễn ra chậm chạm, nhưng rõ ràng những cơ quan này được trao quyền nhiều hơn để có thể đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong các hoạt động dọc theo các giới tuyến biển của Trung Quốc. Điều này phản ánh một sự thay đổi tinh vi, nhưng đáng kể trong chính sách, tác động tiềm năng với các hành vi của Trung Quốc và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của họ.

Sự già cỗi của “những con Rồng” không nanh vuốt

Một trong những động lực chính đằng sau việc phát triển, sử dụng sức mạnh biển của Trung Quốc thời gian qua là nhu cầu bảo vệ và thúc đẩy vị thế của nước này trong các tranh chấp biển. Ngoài một số tranh chấp liên quan tới yêu sách chủ quyền đối với các đảo ngoài khơi, bên cạnh đó là việc Trung Quốc đòi hỏi “các quyền” ít được làm rõ khác, như quyền sử dụng và quản lý đại dương. Để thực hiện các mục tiêu này, Trung Quốc ưa thích cách tiếp cận sử dụng lực lượng thực thi pháp luật hàng hải để giải quyết tranh chấp, cộng với sự hỗ trợ từ các nhân tố thuộc phạm trù sức mạnh quốc gia thay cho nhiệm vụ của hải quân. 

Trung Quốc đã sử dụng lực lượng thực thi pháp luật hàng hải để bảo vệ chủ quyền, quyền lợi biển của nước này kể từ thập niên1980. Cụ thể, như trong việc đảm bảo đối tác nước ngoài hoạt động trong vùng biển của Trung Quốc phải tuân thủ việc chấp hành luật bảo vệ môi trường, hay giám sát hoạt động của các tàu thuyền quân sự nước ngoài, và chủ yếu tại các khu vực biển có tranh chấp.

Trong thập niên 1990, có thể chính Cảnh sát biển (CMP) là lực lượng đã trực tiếp đóng góp cho chiến dịch mở rộng biên giới kiểm soát địa lý và ảnh hưởng của Trung Quốc. Cuối năm 1994, Ngư chính Trung Quốc (FLE) đã thầm lặng đi đầu trong nỗ lực chiếm bãi cạn Vành Khăn. Năm 2000, Trung Quốc bắt đầu triển khai xây dựng một hệ thống lực lượng chấp pháp tuần tra xa bờ nhằm thể hiện, cũng như thực thi yêu sách với các vùng nước tranh chấp ở Hoàng Hải, Hoa Đông, và Biển Đông, gồm cả quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, phải tới thời điểm từ giữa năm 2006 tới năm 2008, các tổ chức này của Trung Quốc mới hiện diện liên tục, thường xuyên tại các vùng nước yêu sách. Những nỗ lực này được dẫn dắt bởi lực lượng Hải giám Trung Quốc (CMS). Một loạt các cuộc va chạm, xung đột chính giữa Trung Quốc với các bên xảy ra tại các khu vực tranh chấp từ năm 2006 tới năm 2012 đều có sự tham gia của lực lượng Hải giám hoặc Ngư chính, được triển khai bởi các nhóm dân sự không rõ danh tính, hoặc các tàu trang bị vũ khí hạng nhẹ.

Trên giấy tờ, các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải của Trung Quốc đều có chung nhiệm vụ và khả năng hoạt động trong toàn bộ vùng nước yêu sách. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc không cho phép họ thực hiện việc này. Do đó, một cơ quan dân sự khác của Trung Quốc là Cục Hải sự (MSA) đôi khi được triển khai tới các điểm phát sinh sự vụ tranh chấp. Tuy nhiên, nhiệm vụ chủ yếu của cơ quan này có vẻ thuộc phạm trù chính trị, thiết lập các kênh hợp tác quốc tế, hoặc ngoại giao bảo vệ bờ biển.

Một cơ quan thực thi pháp luật xa bờ quan trọng khác của Trung Quốc là Cảnh sát Biển (CMP). Tổ chức này không xác định rõ tên trong tiếng Anh, nhưng thực chất là một bộ phận cấu thành của “lực lượng vũ trang” Trung Quốc. Cơ quan này có nhiệm vụ pháp lý rõ ràng là tham gia duy trì an ninh tại các vùng biển yêu sách của Trung Quốc, gồm cả  khu vực có tranh chấp. Tư duy cho rằng, thủy thủ dân sự, đặc biệt là ngư dân Trung Quốc phải đối mặt với rủi ro liên quan tới tính mạng, tài sản khi họ hoạt động tại khu vực quần đảo Trường Sa có thể đã là nhu cầu hiện diện của lực lượng Cảnh sát Biển. Trong khoảng đầu năm 2007, đội tàu của Cảnh sát Biển Trung Quốc còn nhỏ bé hơn của cơ quan Hải giám hay Ngư chính, và hoạt động của tổ chức này cũng rất thiếu trật tự. Có bằng chứng cho thấy, tổ chức Cảnh sát Biển đã tìm cách hiện diện trên tuyến đấu tranh đầu vì sự ưu ái của các lãnh đạo Đảng và chiến thắng của Trung Quốc.

Tổ chức, Cấu trúc Lực lượng, và Nhiệm vụ của Cảnh sát Biển Trung Quốc

 Cảnh sát Biển Trung Quốc không phải là một cơ quan độc lập. Tổ chức này là cấu thành đa năng thuộc lực lượng Công an Biên phòng, và còn là một bộ phận thuộc Lực lượng Vũ Cảnh Trung Quốc (Cảnh sát Vũ trang). Mỗi tỉnh ven biển hoặc thành phố cấp tỉnh đều có một Tổng đội Biên phòng, trong đó sẽ có ít nhất một Chi đội của Cảnh sát Biển, cùng một số đại đội hỗn hợp. Hoạt động của Lực lượng Cảnh sát Biển được quy định theo Luật quốc gia và địa phương, nhưng họ cũng nhận mệnh lệnh thi hành trực tiếp từ Bộ Công An Trung Quốc. Trong quá trình Trung Quốc tiến hành cải cách các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải, riêng lực lượng Cảnh sát Biển được xác nhận có tới hai mươi Chi đội, với tổng quân số hơn 10,000 người.

Cảnh sát biển là lực lượng thực thi pháp luật hàng hải Trung Quốc hoạt động thường trực. Biên chế của tổ chức này được chia thành cấp bậc sĩ quan và chiến sĩ, với trang phục tương tự của nhiều lực lượng trong PLA. Đầu vào quân số của lực lượng này được tuyển chọn từ ba nguồn chính gồm: (i) Các học viện của lực lượng Cảnh sát Vũ trang, trong đó có Học viện Cảnh sát Hàng hải Trung Quốc đóng tại Ninh Ba; (ii) Tuyển dụng trực tiếp từ sinh viên tốt nghiệp đủ tiêu chuẩn của các trường đại học dân sự Trung Quốc; và (iii) Lực lượng lính nghĩa vụ. Những người mới vào sẽ qua trải qua quá trình huấn luyện cơ bản giống như của lực lượng Cảnh sát Vũ trang Trung Quốc.

Trước khi cải cách Lực lượng Bảo vệ Bờ biển, Cảnh sát Biển Trung Quốc sở hữu tới hàng trăm tàu thuyền, hầu hết được trang bị vũ khí. Trong đó có hơn 20 tàu thuộc lớp 618B, trọng vượt 600 ngàn tấn và được trang bị các súng máy có cỡ nòng 30mm. Ngoài ra, cơ quan này cũng sở hữu 2 tàu thuộc loại hộ tống hạm thế hệ cũ lớp 053H, được chuyển đổi từ các tàu hải quân Trung Quốc hồi tháng 12/2006. Trong đầu năm 2007, Chi đội Cảnh sát Biển Thượng hải còn đưa vào sử dụng một tàu có tải trọng 1,500 tấn. Trong khi tàu của hai cơ quan Hải giám và Ngư chính được coi là tàu dân sự, nhưng tàu Cảnh sát Biển Trung Quốc được định dạng là tàu chiến, do nó được đóng theo các tiêu chuẩn cao hơn vốn dành cho quân đội.

Xuất phát từ quy định hạn chế của giới lãnh đạo, các tàu của lực lượng Cảnh sát Biển Trung Quốc trước đây ít khi hoạt động xa bờ, hoặc tiếp cận các thực thể địa lý tranh chấp, ngoại trừ khu vực Hoàng Sa.

Trong một số vụ việc có tính ngoại lệ, như hè năm 2006 khi Tổng Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) tiến hành hoạt động thăm dò địa chất tại khu vực phía Nam quần đảo Hoàng Sa, tại các vùng nước mà Việt Nam cũng yêu sách. Lãnh đạo Trung Quốc đã thông qua kế hoạch sử dụng Lực lượng Cảnh sát Biển nhằm bảo vệ các hoạt động thăm dò trước phản ứng của Việt Nam. Cuối cùng, các chi đội cơ động của Cảnh sát Biển Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, và Phúc Kiến đã được lựa chọn để thực hiện kế hoạch mang mật danh “Tác nghiệp Nam Hải”, trong đó huy động 12 tàu và 560 binh sĩ tham gia. Do các tàu được huy động có lượng giãn nước dưới 400 tấn, nên Cảnh sát Biển Trung Quốc đã thuê 8 tàu dân sự có tải trọng lớn hơn để thực hiện nhiệm vụ này. Sau đó trong các ngày từ 01 tới 31/6/2006, Cảnh sát Biển Trung Quốc đã chặn các đợt cản phá của tàu chấp pháp Việt Nam để CNPC hoàn thành đợt thăm dò, không xảy ra thiệt hại tài sản hoặc tính mạng.

Sự thể hiện thành công trong nhiệm vụ bảo vệ này đánh dấu bước khởi đầu và cũng là kết thúc trong hoạt động bảo vệ chủ quyền chính của lực lượng Cảnh sát Biển Trung Quốc. Trong tháng 06/2007, Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc tiếp tục quay lại vùng nước tranh chấp cho vòng khảo sát địa chất tiếp theo. Nhưng lần này CNPC được tháp tùng bởi các tàu không có vũ trang lớn hơn thuộc lực lượng Hải giám Trung Quốc. Hoạt động này đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của Việt Nam. Như vậy, hoạt động bảo vệ, hộ tống của Cảnh sát Biển cho các chiến dịch thăm dò dầu khí của Trung Quốc tại vùng nước tranh chấp có vẻ đã được thay thế bởi cơ quan Hải Giám. 

Cải cách Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc

Hệ thống các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải bị phân tán đã ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý của Trung Quốc đối với các vùng nước, hoạt động bảo vệ và thúc đẩy yêu sách biển của nước này. Các cơ quan chấp pháp biển Trung Quốc khác nhau thường ít chia sẻ thông tin, thiếu phối hợp, đầu tư dư thừa, thậm chí cạnh tranh nhằm giành ảnh hưởng, tài nguyên, và danh tiếng.

Lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã nhận thấy yêu cầu cải cách đối với lực lượng chấp pháp biển của họ, các thảo luận cũng kéo dài hàng năm trời sau đó. Thời điểm năm 2005, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng cố gắng hợp nhất hoạt động của các cơ quan chấp pháp Trung Quốc tại Vịnh Bắc Bộ nhưng thất bại. Tới đầu năm 2013, Tập Cận Bình dẫn đầu thế hệ Uỷ viên Bộ chính trị mới quyết định triển khai cải cách từ trên xuống dưới. Do đó, Tập Cận Bình đã trực tiếp điều hành Tiểu tổ Bảo vệ Quyền và Lợi ích Hàng hải, cơ quan được thành lập từ năm 2012 với mục đích định hình, phối hợp chính sách trong việc xử lý các tranh chấp biển. Tập cũng thấy rõ hệ quả của tình trạng phân tán, nên cam kết một cách tiếp cận trực tiếp, cứng rắn hơn nhằm theo đuổi các yêu sách biển. Nhận thức được mục tiêu và sức mạnh của Tập, các rào cản quan liêu trước đây đã bị gạt bỏ.

….

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Ryan Martison là phó giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc (CMSI), Học viện Hải chiến Hoa Kỳ. Tác giả xin gửi lời cảm ơn tới Andrew Chubb, Peter Dutton, Andrew rickson, and Brian Waidelich vì đã giúp tác giả phát triển báo cáo này. Tác giả xin nhận mọi sai sót và thiếu sót nếu có. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không thể hiện bất cứ quan điểm, chính sách nào của Hải quân Mỹ hay các tổ chức khác của chính phủ Mỹ. Bài viết được đăng trên CMSI.

Linh Phan (dịch)

Dương Đăng (hiệu đính)

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.