Căng thẳng ở Biển Đông đã leo thang khi ngày 27/10, Hải quân Mỹ điều tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen đi vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng và yêu sách chủ quyền. Các động thái của Hải quân Mỹ và tuyên bố của các quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho thấy các công việc chuẩn bị cho hoạt động này, dẫn đến kết cục là một sự đối đầu Mỹ-Trung ở Tây Thái Bình Dương, đã được tiến hành trong nhiều tháng trước.

Hoạt động thực thi “tự do hàng hải” là thách thức lớn nhất của Washington đối với Trung Quốc hiện nay, được xem như là một tuyên bố thẳng thừng với thế giới rằng Mỹ không công nhận các tuyên bố đơn phương của Bắc Kinh về chủ quyền tại Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phát đi lời chỉ trích giận dữ rằng: “Các cơ quan chức trách có liên quan của Trung Quốc đã giám sát, theo dõi và cảnh báo tàu USS Lassen khi tàu này xâm nhập bất hợp pháp vào vùng lãnh hải của Trung Quốc mà không được sự cho phép của Chính phủ Trung Quốc”.

Thông điệp rõ ràng

Theo luật pháp quốc tế, vùng lãnh hải của một quốc gia được mở rộng thêm 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Tuy nhiên, xét về khía cạnh kỹ thuật, hành động thực hiện “tự do hàng hải” của Mỹ không xâm phạm chủ quyền của các cấu trúc địa hình được quy định ở trên. Hai dải đá mà tàu USS Lassen tiếp cận là đá Xubi và đá Vành Khăn (Mischief), hoàn toàn là đảo nhân tạo, khác với những đảo nhân tạo khác có phần đá nổi lên mặt nước. Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển, theo mực nước thuỷ triều, phần nổi lên mặt nước lúc thuỷ triều thấp và chìm dưới nước khi thủy triều lên, sẽ không được sử dụng làm cơ sở để đòi xác định phạm vi lãnh hải.

Không chỉ là hành động tiến vào khu vực 12 hải lý một cách hợp pháp, mục tiêu của hoạt động này là rất rõ ràng. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama muốn Trung Quốc đình chỉ hoạt động xây dựng tại 7 đảo nhân tạo nằm trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói hồi tháng 8 rằng Bắc Kinh đã ngừng hoạt động xây dựng nói trên. Tuy nhiên, các hình ảnh thu được từ vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng rõ ràng vẫn đang được tiến hành tại khu vực này, đặc biệt là hoạt động bồi đắp thêm lên bề mặt của những phần xây dựng đã hoàn thành trước đó. Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ tăng cường hoạt động hàng hải tại khu vực này nếu Trung Quốc tiếp tục hoạt động xây dựng.

Trong khi Chính phủ Mỹ không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp lãnh hải này thì các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ lại bày tỏ rõ ràng quan điểm không chấp nhận những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Hồi giữa tháng 10/2015, chỉ huy cao cấp nhất của Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, chỉ huy các hoạt động hải quân, nói với các nhà báo ở Tokyo rằng hoạt động của tàu của Hải quân Mỹ để thực thi tự do hàng hải tại Biển Đông được tiến hành ở hải phận quốc tế. Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris, thậm chí còn rõ ràng hơn khi tại một phiên điều trần tại Quốc hội, ông khẳng định rằng: “Biển Đông không phải là của Trung Quốc cũng như vịnh Mexico không phải của Mexico”.

Theo Giáo sư Zhu Jianrong tại Đai học Gakuen Tokyo, việc Mỹ ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực và thực hiện những yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông là “sự mở đầu cho cuộc đối đầu chính ở Tây Thái Bình Dương”.

Sự hoài nghi của Mỹ đối với các tham vọng của Trung Quốc về lãnh hải ở Tây Thái Bình Dương xuất phát từ năm 2007, khi một chỉ huy hải quân hàng đầu của Trung Quốc đưa ra đề nghị với Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương lúc đó, Đô đốc Timothy Keating, về một thoả thuận phân chia Thái Bình Dương giữa hai cường quốc.

Đô đốc Keating sau này đã tiết lộ đề nghị của viên tướng Trung Quốc như sau: “Các ông - nước Mỹ lấy Đông Hawaii và chúng tôi-Trung Quốc sẽ lấy Tây Hawaii và Ấn Độ Dương. Như vây, các ông sẽ không cần đến Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, còn chúng tôi sẽ không cần sang Đông Thái Bình Dương. Nếu có bất kỳ việc gì xảy ra ở đó, các ông có thể cho chúng tôi biết và đổi lại nếu có điều gì xảy ra ở đây, chúng tôi sẽ thông báo với các ông”.

Giáo sư Zhu nói rằng đề nghị của một viên tướng Trung Quốc không phải là chính sách chính thức của nước này và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đồng quan điểm với viên tướng đã đưa ra đề nghị trên. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ đã không bỏ qua sự việc này. Từ sau đó, Hải quân Mỹ đã bố trí lại sơ đồ căn cứ, hoạt động của mình với trọng tâm hướng về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Làm mờ ranh giới

Trong giai đoạn chuẩn bị cho hoạt động ngày 27/10 tại Biển Đông, các quan chức hải quân Mỹ đã nhiều lần đề cập đến một chính sách mới do Tư lệnh Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift, đề xuất. Chính sách đó là nhằm làm mờ đi ranh giới phân chia phạm vi hoạt động của Hạm đội 7 và Hạm đội 3. Hạm đội 7 chịu trách nhiệm một vùng từ Tây Hawaii đến biên giới Ấn Độ-Pakistan trong khi Hạm đội 3 có nhiệm vụ bảo vệ nước Mỹ, với các tàu chiến di chuyển giữa Hawaii và bờ biển phía Tây nước Mỹ. Cho đến nay, đường đổi ngày quốc tế đã được dùng làm ranh giới chia phạm vi hoạt động giữa hai hạm đội. Việc thay đổi theo hướng áp dụng linh hoạt đường ranh giới này có nghĩa là Hạm đội 3, có 115 tàu, trong đó có bốn tàu được trang bị máy bay chiến đấu, có thể trở nên dễ dàng hơn trong việc hỗ trợ cho Hạm đội 7, trong đó có cả khu vực Biển Đông.

Phó Đô đốc Nora Tyson, chỉ huy Hạm đội 3, trong bài trả lời phỏng vấn tờ Nikkei Asian Review đã nói rằng: “Chỉ huy của chúng tôi, Đô đốc Swift, muốn làm mờ đường đổi ngày quốc tế và đảm bảo rằng Hạm đội 3 và Hạm đội 7 sẽ phối hợp tác chiến ăn ý". Bà nói thêm: “Cả hai đều thuộc những hạm đội hoạt động tại Thái Bình Dương. Vì vậy việc chúng tôi hoạt động như một hạm đội kết hợp sẽ rất đơn giản”.

Phó Đô đốc Tyson, đóng quân ở San Diego, California, từng có mặt ở Nhật Bản hồi giữa tháng 10/2015 để đại diện cho Hải quân Mỹ tham dự lễ duyệt binh của Hạm đội Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản. Sự tham dự của bà tại Nhật Bản thậm chí được đánh giá là trái với thông lệ và hành động có tính toán của Hải quân Mỹ hơn là sự có mặt của đồng nghiệp bà, Phó Đô đốc Joseph Aucoin, đang có mặt ở Yokosuka, Nhật Bản.

Phó Đô đốc Tyson nói rằng chính sách mới sẽ cho phép hoạt động chỉ huy và kiểm soát linh hoạt hơn. Bà nói: “Chúng tôi không vạch ra một ranh giới trên cát để quy định khi các đơn vị thuộc một trong hai hạm đội băng qua đường đổi ngày thì các đơn vị đó phải tự động báo cáo cho tôi hoặc Đô đốc Aucoin. Tùy thuộc vào tình huống, chúng tôi sẽ có sự linh hoạt hơn trong việc ai sẽ chỉ huy và điều phối hạm đội hỗn hợp. Chúng tôi sẽ linh hoạt hơn trong việc điều quân và báo cáo cho các chỉ huy khác nhau”. Về mặt lý thuyết, điều này có nghĩa là sẽ có thêm nhiều tàu hải quân hoạt động ở Tây Thái Bình Dương với hai sở chỉ huy cùng tham gia điều hành một tình huống.

Một diễn biến khác ở Tây Thái Bình Dương là sự mở rộng của Hải quân Mỹ tại Yokosuka, hiện nay là căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài. Vào ngày 19/10, tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Benfold đã lặng lẽ đến cảng Yokosuka để đảm nhận vai trò mới là bảo vệ tàu sân bay USS Ronald Reagan đang có mặt tại đó.

Tiếp theo tàu Benfold là USS Chancellorsville, tàu tuần dương trang bị tên lửa dẫn đường đã có mặt tại Yokosula hồi tháng 6. Đây là lần đầu tiên trong vòng 23 năm qua, Hải quân Mỹ tăng số lượng tàu chiến có mặt tại Yokosuka. Hai tàu trên tham gia đội tàu 11 chiếc, gồm có tàu chỉ huy USS Blue Ridge của Hạm đội 7, đã đóng tại đó và dự kiến sẽ được bổ sung thêm vào năm 2017.
Truyền thông sai lệch

Theo giáo sư Zhu, Chính phủ Trung Quốc đã nghĩ rằng hai bên Mỹ và Trung Quốc đã đạt được sự đồng thuận tuyệt đối về cách thức giải quyết vấn đề Biển Đông hồi tháng 6, thời điểm Phó Chủ tịch quân ủy Trung Quốc, Tướng Phạm Trường Long, thăm Washington.

Sự đồng thuận này hiển nhiên là theo kiểu Trung Quốc sẽ kiềm chế hành động phân chia lãnh hải như Bắc Kinh đã làm với đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) ở biển Hoa Đông và ngừng việc bồi đắp đất ở khu vực này. Đổi lại, Mỹ sẽ không cử tàu đi vào phạm vi 12 hải lý gần các đảo ở Biển Đông. Giáo sư Zhu cho rằng: “Đã có một vài sự nhầm lẫn về nội dung truyền thông. Khi Trung Quốc nói rằng họ sẽ ngừng hoạt động xây dựng, điều đó không có nghĩa là không có những đợt bồi đắp mới lên bề mặt các đảo nhân tạo. Nó cũng không có nghĩa Trung Quốc sẽ ngừng hoạt động xây dựng trên bề mặt những hòn đảo mà Bắc Kinh đã đơn phương tuyên bố chủ quyền”.

Chuyến thăm Washington hồi tháng 9 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đã khiến cho Tổng thống Mỹ Barack Obama thêm nghi ngờ Trung Quốc. Giáo sư Zhu nhận định: “Khi bị Tổng thống Obama gây sức ép về vấn đề Biển Đông, ông Tập có thể đã giải thích rất ít vì ông cũng có ý nghĩ rằng vấn đề này đã được giải quyết hồi tháng 6”.

Cho dù hai bên đã đạt được sự đồng thuận như thế nào hồi tháng 6, dường như đã có sự nhầm lẫn về dịch thuật và giờ đây cả hai nước đều có mặt tại vùng biển mà đã trở nên rủi ro hơn nhiều so với trước.

Theo Nikkei Asian Reivew

Văn Cường (gt)