BTQP Việt Phát biểu về “Đổi mới cấu trúc an ninh khu vực” tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 6/6, BTQP Việt Nam Phùng Quang Thanh cho biết Việt Nam đang có những bước để giải quyết một cách hòa bình cuộc tranh chấp lãnh thổ trong khu vực Biển Đông. Ông nói hiện nay Việt Nam đang từng bước tham gia đối thoại với các nước liên quan để có thể giải quyết tranh chấp và Việt Nam sẵn sàng đàm phán trong tinh thần láng giềng tốt, hữu nghị, hợp tác và anh em. BTQP Việt Nam nói tiếp, mới đây, Việt Nam và Trung Quốc đã đạt một “giải pháp tốt” để phân định biên giới trên bộ. Hai nước cũng thỏa thuận mở những cuộc tuần tra chung trên biển trong vùng vịnh Bắc bộ. Ông cho rằng dù hai nước vẫn còn tranh chấp nhưng phải giải quyết các tranh chấp đó hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Cách này cách khác, hai nước có thể giữ ổn định trong vùng biển này.

 

Không giống như năm 2009, năm 2010 diễn văn của ông hoàn toàn không đề cập tới việc hợp tác xây dựng bộ Quy tắc Ứng xử (DOC), một chủ đề hiện vẫn còn gây nhiều tranh cãi mà tập trung vào cơ chế hội nghị BTQP ASEAN mở rộng với 8 đối tác đối thoại, gọi là hội nghị ADMM+. Tuy nhiên, cử tọa, gồm các chuyên gia và giới quan sát an ninh khu vực, đã ngay lập tức đặt câu hỏi cho ông Phùng Quang Thanh về chủ đề này, điều chứng tỏ căng thẳng tại Biển Đông vẫn là một trong các mối quan tâm hàng đầu ở khu vực. Khi trả lời, Tướng Thanh thừa nhận rằng vấn đề an ninh hàng hải các quốc gia đều hết sức quan tâm và các nước đều có nhu cầu giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để cùng hợp tác phát triển. Việt Nam “đang đối thoại với các nước có liên quan dựa trên tinh thần bản Tuyên bố về cách thức ứng xử ở Biển Đông (DOC) là giữ nguyên hiện trạng và không làm phức tạp thêm tình hình, đàm phán hòa bình để giải quyết các vấn đề tranh chấp, không đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực; đàm phán trên cơ sở tinh thần láng giềng, hữu nghị, anh em”. Ông nói thêm rằng Việt Nam và Trung Quốc ngoài ra còn có thêm tinh thần đồng chí. Ông cũng thừa nhận tồn tại tranh chấp trên biển nhưng ông nói, trên cơ sở Công ước quốc tế về luật Biển năm 1982, các nước liên quan có thể “ngồi với nhau, trao đổi đối thoại rồi trên cơ sở đó sẽ đề ra những phương hướng cụ thể để triển khai, không để xảy ra việc mất ổn định”. Ông nhận định rằng giữ được ổn định trên biển như vừa qua là rất tốt, chưa có vấn đề gì căng thẳng lắm. Kinh nghiệm đàm phán các vấn đề khó khăn cho thấy cần “cái gì dễ làm trước, cái gì khó làm sau”. Giới quan sát gần như đồng thuận khi cho rằng tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đang là chủ đề khó, nhiều người còn thiên về ý kiến vấn đề này sẽ không thể giải quyết nổi.

 

Trước khi phát biểu, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã tiếp xúc với Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc Mã Hiểu Thiên. Đây là cuộc gặp song phương duy nhất trong ngày và cuối cùng trong hơn mười cuộc gặp của ông tại Singapore. Tướng Mã, trong bài phát biểu quan trọng của mình ngày 5/6, cũng không đả động gì tới chủ đề Biển Đông. Điều này không làm giới phân tích ngạc nhiên vì Bắc Kinh xưa nay vẫn duy trì quan điểm dàn xếp tranh chấp Biển Đông qua ngoại giao song phương, cực lực phản đối quốc tế hóa và sự tham gia của nước ngoài vào quá trình giải quyết xung đột.

 

Trái với thái độ của Việt Nam và Trung Quốc, Mỹ lại là quốc gia “lớn tiếng” nhất về tranh chấp Biển Đông, ngày 5/6, trong bài phát biểu tại diễn đàn Shangri-La, BTQP Mỹ Robert Gates thậm chí đã đề cập đến chủ đề này trước khi nói đến điểm nóng bán đảo Triều Tiên. Ông nói rằng Biển Đông là một “khu vực ngày càng có nhiều quan tâm” và Mỹ hy vọng các bên liên quan sẽ tiếp tục việc thực hiện một cách chặt chẽ thỏa thuận DOC đạt được năm 2002. Các giới chức của chính phủ Mỹ cho biết các công ty Exxon, BP là hai trong số các công ty đã ngưng các dự án ở Biển Đông vì bị Trung Quốc chống đối. Năm 2009, một giới chức trong chính phủ Mỹ nói trước Quốc hội rằng Trung Quốc đã yêu cầu một số công ty dầu khí quốc tế ngưng khai thác trong các khu vực ngoài biển mà Việt Nam xem là của mình. Ông Gates nói rằng Mỹ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm đe dọa các tập đoàn Mỹ hoặc tập đoàn của bất kỳ nước nào tham gia các hoạt động kinh tế hợp pháp ”. Tuy nhiên, ông Gates nói rõ là Mỹ sẽ không đứng về phe nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ và kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng những phương cách “hòa bình”, ám chỉ đến luật pháp quốc tế.

 

Trước đó, ngày 4/6, BTQP Việt Nam Phùng Quang Thanh đã có cuộc gặp với BTQP Mỹ Robert Gates. Nội dung cuộc gặp không được tiết lộ, nhưng giới chuyên gia cho rằng hai ông đã tiếp nối các chủ đề hai bên cùng quan tâm, nhằm thúc đẩy quan hệ quốc phòng - quân sự song phương vốn đang diễn tiến tốt đẹp và thảo luận các vấn đề an ninh khu vực nói chung, bên cạnh các vấn đề song phương. Đại tướng Phùng Quang Thanh đã mời BTQP Gates tham dự hội nghị BTQP/ASEAN mở rộng (ADMM+) vào tháng 10/2010 tại Hà Nội và ông Gates đã nhận lời. Cuộc gặp với BTQP Mỹ là một trong các cuộc tiếp xúc song phương đầu tiên của BTQP Việt Nam tại diễn đàn an ninh khu vực thường niên năm 2010. Ngoài Mỹ, ông Phùng Quang Thanh đã có các cuộc tiếp xúc song phương với trưởng đoàn của 5 nước đối tác khác, trong đó có Ấn Độ, quốc gia được cho là sẽ giúp Việt Nam huấn luyện thủy thủ đoàn của các tàu ngầm trong tương lai

 

Ngày 12/10, tại Hà Nội, sẽ khai mạc Hội nghị ADMM+ và đây là lần đầu tiên tám quốc gia ngoài ASEAN là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ sẽ cùng thảo luận các vấn đề an ninh cấp bách.

Phương Nga (Tổng hợp từ IISS, BBC, VOA, RFI và một số báo 5,6,7/6)