Có nhiều người hy vọng Trung Quốc và Philippines có thể tiến tới đàm phán sau chiến thắng của Manila sau khi Tòa Trọng tài bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh ở Biển Đông, tuy nhiên có vẻ như Trung Quốc đang quay trở lại "sử dụng chiêu trò" của mình.

Sau khi Philippines phản ứng với thái độ kiềm chế và hoàn toàn trái ngược với những phản ứng dữ đội của Trung Quốc về phán quyết của Tòa Trọng tài thì các nhà lãnh đạo Philippines dường như đang mời chào Bắc Kinh thứ mà họ thèm muốn nhất: đàm phán song phương hướng tới giải quyết vấn đề Biển Đông. Manila thậm chí còn sẵn sàng cử một đặc phái viên, cựu Tổng thống Fidel Ramos, để đàm phán với Trung Quốc. Tuy nhiên, ít nhất là trong thời gian này, những cuộc đàm phán dường như sẽ "chết trong trứng nước", vì Bắc Kinh sẽ không cho phép phán quyết của Tòa Trọng tài trở thành một phần trong bất kỳ cuộc đàm phán nào - thật đáng tiếc là Trung Quốc vẫn không chấp nhận thực tế rõ ràng.

Vì vậy, ít nhất là trong thời gian này, dường như Trung Quốc và Philippines đang rơi vào bế tắc. Điều đáng quan tâm hơn trong lúc này là phản ứng của các bên tranh chấp khác, ví dụ như Việt Nam. Hà Nội sẽ làm gì khi phán quyết của Tòa Trọng tài đã được đưa ra và Bắc Kinh khăng khăng không muốn lùi bước và cũng không muốn đàm phán?

Rõ ràng, xét về nhiều phương diện, phản ứng của Việt Nam cũng quan trọng không kém phản ứng của Philippines. Việt Nam có tranh chấp về Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng lớn và bị chồng lấn với Trung Quốc, do tuyên bố "đường 9 đoạn" bất hợp pháp của Bắc Kinh gần như chiếm trọn chiều dài đường bờ biển của nước này. Ngoài ra, hai nước còn có tranh chấp chủ quyền chồng lấn tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phản ứng của Việt Nam trước phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ quyết định việc Hà Nội sẽ "thắng hay thua" trong vấn đề nhạy cảm này.

Việt Nam sẽ có một cách tiếp cận rất thận trọng khi phản ứng với phán quyết này. Tác giả đã trao đổi với các nhà ngoại giao và học giả nổi tiếng Việt Nam trong suốt nhiều năm nay và nhận thấy rằng Hà Nội sẽ đọc kỹ từng dòng, từng phần của tài liệu dài gần 500 trang để có được một nhận định đúng đắn về các tác động của phán quyết. Mặc dù, Việt Nam quyết định như thế nào thì chắc chắn rằng quyết định đó đã được suy xét rất cẩn thận và thực dụng để đạt được những gì họ cảm thấy tốt cho lợi ích quốc gia của mình.

Tuy nhiên, Hà Nội cần đề cao cảnh giác vì sự hiếu chiến của Trung Quốc vẫn không thay đổi. Các bức ảnh được chụp cẩn thận thể hiện các máy bay ném bom của Trung Quốc bay qua bay lại bãi cạn Scarborough, chứng tỏ rõ ràng rằng Bắc Kinh sẽ không lùi bước dễ dàng về vấn đề Biển Đông. Đây là lúc các chiến lược bất đối xứng có thể được vận dụng. Một chiến lược được đặt ra trong bài viết này được gọi là "làm mất mặt" có thể là phương pháp tốt nhất cho Việt Nam. Nếu Trung Quốc đưa ra những lời lẽ hung hăng và không chấp nhận đàm phán với Philippines ít nhất cho tới Hội nghị thượng đỉnh G-20, được tổ chức tại Bắc Kinh, vì Bắc Kinh muốn có hành vi "thân thiện" nhất cho đến khi hội nghị quan trọng này kết thúc vào ngày 5/9 tới, thì Hà Nội cần phải phản ứng với chiến lược "làm mất mặt" thận trọng. 

Việt Nam có thể sử dụng chiến lược "làm mất mặt" như thế nào?

Việt Nam cần sử dụng chiến lược "làm mất mặt" rất cẩn thận, kỹ lưỡng với những bước đi thích hợp, mặc dù bản thân chiến lược này rất đơn giản. Chiến lược "làm mất mặt" có thể đặt Trung Quốc vào thế phòng thủ và làm Bắc Kinh xấu hổ trước các phương tiện truyền thông quốc tế, đặc biệt là các mạng xã hội, về những hành động bất hợp pháp ở Biển Đông. Việc xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo đá và rạn san hô chưa phải là hành động quá lộ liễu nhưng khi kết hợp với các hành động khác đã làm cho Bắc Kinh phải trả giá đắt cho hành động của mình, gánh chịu việc mất danh tiếng nghiêm trọng.

Do vậy, Việt Nam cần sử dụng chiến lược này như thế nào? Rất đơn giản: Việt Nam chỉ cần rò rỉ thông tin với báo chí rằng họ đang xem xét việc khởi kiện Bắc Kinh, cũng như sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý khác nếu Trung Quốc không có những hành động mang tính xây dựng hướng tới sự thỏa hiệp tại Biển Đông. Nếu Trung Quốc vẫn ngoan cố, Việt Nam sẽ khởi kiện Bắc Kinh lên các tòa án quốc tế, điều mà nhiều người vẫn gọi là “chiến tranh pháp lý”, nhưng về bản chất, đây chính là hình thức làm mất mặt, trong đó có sự đóng góp đáng kể của các phương tiện truyền thông.

Mặc dù chi tiết của vụ kiện này có thể sẽ rất khác so với những gì mà Philippines đã làm, nhưng Hà Nội có thể nhấn mạnh đến bản chất của "đường 9 đoạn" phi pháp của Trung Quốc đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu ngư dân nước này; việc phải thay đổi vị trí thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, nhất là ngành đánh bắt thủy sản của Việt Nam có nguy cơ "sụp đổ" do sự đánh bắt quá mức, gây cạn kiệt nguồn hải sản do việc Trung Quốc ngăn cản ngư dân nước này đánh bắt cá trong khu vực Biển Đông và những hủy hoại và thiệt hại về môi trường do việc bồi đắp và nạo vét các rạn san hô trên khắp khu vực Biển Đông và những thách thức to lớn khác mà Trung Quốc không lường trước hoặc không thể thương lượng được.

Ngoài ra, có những khái niệm "làm mất mặt" cổ điển đã được chứng minh là rất hữu ích. Các máy bay do thám (UAV) hoặc các máy bay không người lái – do Mỹ cung cấp sau khi lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ - có thể được Việt Nam sử dụng để tuần tra và thu thập tài liệu về hành động xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông và đưa lên các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Wechat, Microblog... Hà Nội cũng cần công bố các mức độ vi phạm của các tàu đánh cá Trung Quốc trong khu vực tranh chấp chủ quyền, đưa ra các tài liệu về thiệt hại môi trường trong khu vực, cùng lúc đó Hà Nội nên tiến hành một chiến dịch quan hệ công chúng đối xứng chống lại tuyên bố chủ quyền về Biển Đông của Trung Quốc.

Các quan chức Việt Nam nên rất thận trọng khi đưa ra ý kiến của mình về vấn đề Biển Đông nhạy cảm trước các phương tiện truyền thông đại chúng trong nước và quốc tế, đồng thời giải thích rõ rằng các hành động kiên quyết của Việt Nam, trong đó có việc khởi kiện Trung Quốc, chỉ được thực hiện sau khi những nỗ lực đàm phán hòa bình với Bắc Kinh thất bại và đây là một sự lựa chọn bất đắc dĩ. Các quan chức Việt Nam cũng làm rõ quan điểm rằng nếu Trung Quốc sẵn sàng thương lượng với tinh thần đa phương hoặc song phương, không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, thì Việt Nam sẽ ngừng chiến thuật "làm mất mặt" và sẵn sàng rút lại đơn kiện nếu một giải pháp chính trị rõ ràng được đưa ra. Việt Nam cần bày tỏ sẵn sàng đàm phán song phương với Trung Quốc về vấn đề có liên quan đến hai nước và đàm phán đa phương khi có liên quan đến nhiều bên như vấn đề yêu sách chồng lấn, tự do hàng hải... ở Biển Đông. Đặc biệt Hà Nội cần tỏ ra rằng mình không có nhiều lựa chọn.

Vũ khí của chàng David nhỏ bé

Việt Nam, Philippines và một số nước khác có tuyên bố chồng chéo nhau trên Biển Đông sẽ phải đối mặt với một vấn đề kinh điển từ xa xưa: các quốc gia nhỏ sẽ làm gì khi một cường quốc đang lên thách thức lợi ích quốc gia của họ? Việc sử dụng chiến lược "làm mất mặt", chiến tranh pháp lý và tận dụng khả năng bất đối xứng của phương tiện truyền thông xã hội không chỉ giúp tạo ra một sân chơi bình đẳng và giúp các bên tranh chấp trên Biển Đông có thể bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ về tuyên bố của Trung Quốc, mà còn giữ cho tranh chấp đó không bị quân sự hóa, xung đột và vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh đã đề phòng về chiến lược này, thì Việt Nam cũng như các bên khác cần phải thật cẩn trọng và nghiêm túc trong thời gian tới.

Harry Kazianis chuyên gia cao cấp về Chính sách Quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Lợi ích Quốc gia, biên tập viên cao cấp cho Tạp chí Lợi ích Quốc gia. Ông là cây bình luận cho tờ Asia Times. Bài viết được đăng trên Asia Times.

Trần Quang (gt)