Sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, có những lời chỉ trích cho rằng tuyên bố chính thức của New Delhi đã không thể hiện rõ quan điểm trong vấn đề này. Một số nhà bình luận Ấn Độ thậm chí cho rằng “phản ứng vội vàng” của South Block (Bộ Ngoại giao) đối với phán quyết của Tòa Trọng tài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan điểm chính thức của New Delhi trong giải quyết các tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia láng giềng khi tạo ra sự bất nhất về pháp lý mà các quan chức khó có thể bảo vệ chúng trong tương lai. 

Trong vấn đề Biển Đông, "những lời bóng gió và một nửa sự thật" là nhằm đánh lạc hướng sự chú ý tới lợi ích lớn hơn của Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà New Delhi đã nêu rõ trong tuyên bố liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài. 

Một số nhà quan sát cho rằng phản ứng “nhàm chán” lặp đi lặp lại của Ấn Độ liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài về vấn đề Biển Đông - nhấn mạnh tự do hàng hải, hàng không và các quy định của luật pháp quốc tế - đã phản ánh sự thiếu hiểu biết về vị trí pháp lý trong tranh chấp biên giới. Một bài viết trên báo “The Wire” nói rằng không chỉ mâu thuẫn trong tuyên bố về vấn đề Biển Đông, New Delhi còn mâu thuẫn trong quan điểm về tranh chấp ở Sir Creek - nơi Ấn Độ từ chối tòa trọng tài quốc tế. Điều này sẽ khiến New Delhi không tận dụng được lợi thế của những mâu thuẫn vốn có về địa vị pháp lý của Bắc Kinh trong chính sách Biển Đông cũng như quan điểm của nước này trong giải quyết tranh chấp biên giới với Ấn Độ - nơi mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ chối đường McMahon và một thỏa thuận năm 1914 được ký kết giữa đại diện chính quyền Anh và Tây Tạng. 

Mặc dù thu hút được sự hấp dẫn bề ngoài của nó, nhưng những lập luận trên đã không xem xét đến các suy luận logic. Đánh giá kỹ hơn thì rõ ràng vấn đề phân định biên giới trên biển với Pakistan cũng như vấn đề tranh chấp biên giới lãnh thổ với Trung Quốc không hề có bất kỳ mối liên hệ nào với quan điểm của New Delhi về vấn đề Biển Đông. Cụ thể, trong vấn đề Sir Creek, đánh giá của các nhà phê bình cho rằng việc Ấn Độ khăng khăng quan điểm tham khảo lẫn nhau và tìm một giải pháp theo tinh thần của thỏa thuận Shimla là không phù hợp với tuyên bố của New Delhi về vấn đề Biển Đông và cả hai là sai lầm về pháp lý và khái niệm. 

Trong khi quyền lợi của Pakistan được viện dẫn với sự thừa nhận của trọng tài quốc tế, Ấn Độ không thể phủ nhận quan điểm về một giải pháp công bằng và bình đẳng. Điều quan trọng hơn là sự miễn cưỡng của Pakistan trong việc tìm kiếm các biện pháp pháp lý. Islamabad chần chừ không hành động theo trọng tài quốc tế vì điều khoản (điều 298) thuộc phần XV của UNCLOS, trong đó quy định tòa trọng tài không có thẩm quyền xét xử pháp lý về một vấn đề liên quan đến phân định biên giới trên biển. Không cần phải nói, Pakistan biết rằng bất kỳ nỗ lực nào đưa vấn đề Sir Creek thành tranh chấp quốc tế sẽ dẫn New Delhi đến viện dẫn trường hợp loại trừ. Tuy nhiên cũng cần xem xét vấn đề chi phí của Pakistan khi đưa vụ tranh chấp ra tòa trọng tài quốc tế. Các quan chức Pakistan cũng thừa nhận rằng phán quyết về tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên biển ở Sir Creek sẽ không đem lại bất kỳ lợi ích nào trước mắt – như ngăn chặn quyền đánh bắt cá - mà các ngư dân Pakistan dường như đã được tận hưởng, thậm chí còn chưa kể đến một số rủi ro từ các cơ quan hành pháp Ấn Độ. 

Tương tự như vậy, lập luận rằng sự ủng hộ của Ấn Độ đối với phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông làm ảnh hưởng đến quan điểm của New Delhi về Đường McMahon có vẻ như không được xem xét nghiêm túc. Không giống như trường hợp phân định biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc được xác định trong một thỏa thuận giữa các đại diện của Anh và Tây Tạng, tuyên bố đơn phương về “đường 9 đoạn” của Trung Quốc vào năm 1947 như là cơ sở cho tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông. Không có gì liên quan giữa quan điểm của Ấn Độ về phán quyết của Tòa Trọng tài với yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Arunachal Pradesh. 

Không ngạc nhiên, những người chỉ trích tuyên bố Biển Đông của Ấn Độ đề cập đến tuyên bố chung của cuộc họp ba bên giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Nga (RIC) vào ngày 18/4/2016 - nơi mà New Delhi được cho là đã ký thông cáo chung trong đó thể hiện sự ủng hộ lập trường của Trung Quốc giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua đàm phán đa phương. Thông cáo cũng không nói đến vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc tại Tòa Trọng tài, mặc dù có đề cập đến Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Một số nhà phê bình còn cho rằng sự công nhận của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) trong thông cáo của RIC đã làm mất đi quyền của các bên tham gia pháp lý theo UNCLOS.

Đây lại là một sự bóp méo sự thật. DOC cũng như nhiều điều ước quốc tế khác là một hiệp ước chính trị và phi luật định. Các quy định của DOC là nhằm tạo điều kiện cho một giải pháp hòa bình và hòa giải các tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Giống như bất kỳ thỏa thuận chính trị nào khác, DOC không đòi hỏi các quốc gia phải từ bỏ quyền lợi tranh tụng hợp pháp. Trong khi thực sự phải chia sẻ trách nhiệm trong giải quyết tranh chấp Biển Đông, New Delhi không sai khi thừa nhận DOC (trong tuyên bố chung RIC) và nhấn mạnh quan điểm giải quyết tranh chấp hòa bình theo UNCLOS.

Câu hỏi thực sự cho các nhà bình luận Ấn Độ là liệu sự tập trung không ngừng một cách bất thường trong việc thiết lập hoạt động chính trị Ấn Độ về tranh chấp biên giới có làm suy yếu lợi ích rộng lớn hơn của Ấn Độ ở biển châu Á hay không? Sự thật là quan điểm của Ấn Độ về vấn đề Biển Đông luôn gắn liền với lợi ích của New Delhi ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như vị trí thống trị ở Ấn Độ Dương. Ấn Độ không chỉ phải hỗ trợ sự phát triển của hội đồng trọng tài như một phương tiện để bảo vệ lợi ích thương mại và năng lượng của nó ở Tây Thái Bình Dương mà còn phải sử dụng các phán quyết để đảm bảo các cam kết luật pháp hàng hải quốc tế. 

Một điều còn quan trọng hơn là Ấn Độ phải nhận thức được rằng sự tập trung sức mạnh của Hải quân Trung Quốc (PLAN) ở Đông Nam Á sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch triển khai sức mạnh của PLAN ở khu vực Ấn Độ Dương. Từ quan điểm của Ấn Độ, sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông có thể gây bất ổn đối với vùng biển châu Á rộng lớn hơn vì nó sẽ làm gia tăng sự mất cân bằng quyền lực hiện có ở khu vực này. Với việc giữ lập trường nguyên tắc về tranh chấp lãnh thổ, Ấn Độ phải góp phần phục hồi sự cân bằng chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

Sự xác nhận của luật pháp quốc tế trong tranh chấp Biển Đông là một điều kiện tiên quyết cho New Delhi đáp ứng tham vọng hàng hải ngày càng gia tăng ở châu Á. Nhưng Ấn Độ phải cẩn trọng không để Trung Quốc lên mặt rao giảng về đạo đức của cách hành xử quốc tế có trách nhiệm. Quan điểm của Ấn Độ công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài đáng được khen ngợi vì nó vừa nhấn mạnh mối quan tâm của Ấn Độ về quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, vừa không mang tính thuyết giáo cũng như tỏ ra trịch thượng đối với Trung Quốc.

Abhijit Singh, nguyên là quan chức hải quân Ấn Độ, là nhà nghiên cứu cao cấp, giám đốc Sáng kiến Chính sách Biển tại Quỹ Nhà Quan sát (ORF) của Ấn Độ. Bài viết được đăng trên ORF.

Văn Cường (gt