Cùng với sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự không ngừng tăng, ảnh hưởng từ hành vi đối ngoại của Trung Quốc đối với khu vực cũng tăng theo. Từ 2010 đến nay, giới quan sát nhận định chính sách và hành vi ngoại giao của Trung Quốc trở nên cứng rắn, thô bạo hoặc tự tin thể hiện sức mạnh.

Rất nhiều nhà chiến lược Mỹ nhận định một cách đầy hy vọng Bắc Kinh sẽ có các hành vi mềm mỏng hơn. Nhưng rất đáng tiếc là, trong tương lai trước mắt, chính sách ngoại giao đe dọa của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp trên biển sẽ tiếp tục. Có hai nguyên nhân. Thứ nhất, việc Trung Quốc tự tin thể hiện sức mạnh là quyết định chiến lược đã được toan tính kỹ lưỡng, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược “chống thâm nhập/ngăn chặn khu vực” của Bắc Kinh. Thứ hai, những nhân vật có ảnh hưởng lớn tại Trung Quốc luôn cho rằng chiến lược này là có tác dụng. Tóm lại, sự cứng rắn của Trung Quốc sẽ trở thành thường lệ, chiến lược của Mỹ cần có điều chỉnh tương ứng.

Giả sử Trung Quốc dựa vào ngoại giao đe dọa thúc đẩy yêu sách lãnh thổ sẽ là xu hướng tiếp diễn, chính sách đối với Mỹ sẽ mang ý nghĩa thế nào? Nhiều người đã đề xuất kiến nghị cụ thể về việc làm thế nào ứng phó với những thách thức này. Đa số chấp nhận trả giá để ép buộc Trung Quốc thay đổi hành vi cứng rắn. Nhưng cách làm này cũng sẽ không được thực thi hiệu quả, thậm chí không khả thi nếu như các nhà quyết sách và chiến lược không từ bỏ hai yếu tố khác của tư duy chiến tranh lạnh, đó là: quá dựa vào sức mạnh quân sự để tạo răn đe, cũng như tìm cách hạ nhiệt khi xảy ra khủng hoảng.

Tư duy của Mỹ cần chuyển sang sẵn sàng đương đầu rủi ro lớn hơn chứ không phải hành xử lỗ mãng. Chỉ dựa vào sức mạnh quân sự không đảm bảo có sự răn đe đáng tin cậy. Mỹ cố gắng tăng cường sức mạnh quân sự - trụ cột hạt nhân trong chiến lược “tái cân bằng” của mình tại Châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tại khu vực Đông Á, chỉ dựa vào sức mạnh quân sự chưa đủ để chiếm ưu thế. Các nhà chiến lược Trung Quốc luôn tin rằng một bên có sức mạnh quân sự mạnh hơn chưa chắc đã giành thắng lợi. So sánh về quyết tâm (chứ không phải so sánh về sức mạnh) mới là nhân tố đem lại kết quả. Đây chính là cơ sở để Trung Quốc thúc đẩy chiến lược mới, tỏ rõ cứng rắn. Tuy nhiên, Mỹ dường như vẫn chưa có đối sách cho việc này và vẫn thể hiện sức mạnh theo cách cũ.

Mặt khác, Mỹ trong bất kỳ tình huống nào cũng đề cao việc hạ nhiệt tình hình, điều này làm cho vấn đề tồi tệ hơn. Trong các cuộc khủng hoảng hay sự cố với Bắc Kinh, mục tiêu chủ yếu của Mỹ là “đại sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự”. Trung Quốc rất thành thạo trong việc thúc đẩy quân sự hóa và ngoại giao đe dọa để làm xói mòn uy tín của Mỹ, thường xuyên lợi dụng bước đi quân sự để khuất phục người khác, nếu như chưa đạt được yêu cầu, Trung Quốc sẵn sàng leo thang tình hình. Do Trung Quốc sẵn sàng tạo rủi ro, Mỹ lại tìm cách kiểm soát và hạ nhiệt khủng hoảng, điều này không giúp gì trong việc làm Trung Quốc thay đổi hành vi. Nếu có tác dụng nào đó, chỉ là càng dẫn đến việc gây hấn bừa bãi (của Trung Quốc). Muốn Trung Quốc thấy rõ Mỹ sẽ không lùi bước trước bất kỳ cuộc xung đột nào, Washingtoncần tỏ rõ quyết tâm một cách trực tiếp, có ý đồ với Trung Quốc, kể cả sẵn lòng nâng cấp xung đột.

Tóm lại, Mỹ cần chấp nhận trả giá để duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Ngoài việc thường xuyên tham gia đối thoại khu vực và phát triển các loại kỹ thuật, tư duy tác chiến mới mới chống lại chiến lược “chống xâm nhập/ngăn chặn khu vực” của Trung Quốc, Mỹ cần thoát khỏi tư duy xơ cứng của chiến tranh lạnh, suy nghĩ các khái niệm về chiến tranh cục bộ, leo thang tình hình và chấp nhận rủi ro.

Chỉ chỉ trích Trung Quốc và trả giá một cách tượng trưng mỗi khi xảy ra sự cố trên biển sẽ không đem lại những hiệu ứng như các nhà tư tưởng Mỹ mong muốn. Mỹ cần thay đổi sách lược một cách căn bản, chấp nhận đương đầu rủi ro lớn hơn và cho phép tình hình leo thang. Đây rõ ràng là sự cân bằng khó khăn, nhất là khó tránh dẫn đến việc các nước đồng minh của Mỹ sẽ có những hành vi đi ngược lợi ích của Mỹ. Nhưng chỉ khi Mỹ đã cân bằng được cả hai mặt – vừa coi trọng vào so sánh quyết tâm (chứ không phải so sánh sức mạnh) và vừa coi trọng giữ ổn định, thậm chí coi trọng kiểm soát khủng hoảng – Mỹ mới có thể duy trì hòa bình, ổn định Đông Á trong khi không phải hy sinh lợi ích của Mỹ và đồng minh.

Theo The Washington Quarterly

Trần Quang (gt)