Hỏi: Ông đánh giá quan hệ Mỹ-Nga hiện nay như thế nào? 

Trả lời: Mối quan hệ như hiện nay tuy không tốt đẹp nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy quan hệ Mỹ-Nga sẽ tồi tệ đến mức như từng xảy ra trong quá khứ. Về cơ bản, sự trái ngược hoàn toàn về cách giải quyết vấn đề giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Obama cùng đội ngũ quan chức của họ cho thấy Nga và Mỹ không phải là hai nước sinh ra để hòa hợp. Tuy nhiên, điều quan trọng là Nga không phải là kẻ thù của Mỹ. Chỉ vài năm trước đây, bắt đầu năm 2009, Nga và Mỹ đã tái khởi động quan hệ hợp tác trong tất cả các lĩnh vực, từ an ninh - như sự hỗ trợ hậu cần của Nga cho lực lượng NATO ở Ápganixtan nhất là ở thời điểm khi quan hệ giữa Mỹ với Pakixtan không tốt - cho tới các vấn đề liên quan đến Iran, các hoạt động chống khủng bố, ma túy, buôn bán người và cướp biển. Quan trọng nhất phải kể đến hiệp ước giải trừ hạt nhân mới, bước tiến lớn về mặt an ninh trong quan hệ Mỹ-Nga. Về mặt kinh tế, Mỹ đã ủng hộ Nga gia nhập NATO và đây cũng là một bước tiến lớn khác trong quan hệ hai nước.

Hỏi: Vậy nên cả hai nước nên bằng lòng với hiện trạng quan hệ? 

Trả lời: Thực ra quan hệ Mỹ-Nga hiện nay chưa được phát huy hết tiềm năng. Thương mại Mỹ-Nga đạt trị giá 40 tỷ USD/năm, ít hơn một nửa của 1% tổng giá trị thương mại Mỹ và chiếm chưa đến 2% tổng giá trị thương mại Nga. Vì vậy, quan hệ thương mại không phải là yếu tố gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế của mỗi nước. Tuy nhiên đây là lĩnh vực rất có tiềm năng vì Mỹ và Nga đều là những nền kinh tế lớn trên thế giới. Về phía Nga, kinh tế nước này được xếp hạng lớn thứ mười trên thế giới và tầng lớp trung lưu giàu có ngày một tăng, có xu hướng tiêu thụ hàng hóa Mỹ ngày càng nhiều như ô tô Ford, các thiết bị công nghiệp nặng và sản phẩm tiêu dùng nói chung. Nga chắc chắn mua được quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, từ các chương trình truyền hình đến phần mềm máy tính. Vì vậy, Nga là một thị trường rất lớn và đầy tiềm năng. Nhiều công ty Mỹ đang làm ăn tốt với Nga và mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Nga thực sự có thể được tăng cường. 

Hỏi: Điều gì kiềm chế quan hệ kinh tế Mỹ-Nga phát triển? 

Trả lời: Đó là những khủng hoảng liên tiếp trong quan hệ chính trị, từ sự việc mới nhất là người tiết lộ thông tin mật Snowden ở trong sân bay Mátxcơva và những kẻ đánh bom ở Boston tới trước đó là cuộc chiến tranh Nam Ôxêtia năm 2008. 

Hỏi: Tại sao các cuộc khủng hoảng chính trị lại bị nhấn mạnh? Chúng có thực sự làm suy yếu mối quan hệ hay chỉ làm cho sự hợp tác khó khăn hơn? 

Trả lời: Không may là cả hai. Những chuyện không hay hiện nay mà Nga đang làm với Mỹ và ngược lại khiến cho sự hợp tác Mỹ-Nga trở nên khó khăn hơn. Khi Nga cho thấy dấu hiệu tiếp tục thực hiện chính sách sai lầm về các vấn đề liên quan đến dân chủ và nhân quyền, người Mỹ đặc biệt là các chính trị gia thực sự khó chịu. Họ đã lên tiếng và gắn Putin với nhà độc tài hay kẻ bạo hành nhân quyền, thông qua những luật định trả đũa như Đạo luật Magnitsky. Tuy nhiên, những tuyên bố và hành động thẳng thừng của Mỹ không nhận được phản ứng tích cực từ phía Nga. Thực sự, các cuộc khủng hoảng chính trị không chỉ làm giảm tiến bộ trong quan hệ Mỹ-Nga mà còn phương hại tới nền tảng quan hệ được xây dựng từ nhiều hình thức như trao đổi đoàn song phương, thỏa thuận thị thực để người Mỹ và người Nga có thể đi lại giữa hai nước, thỏa thuận về nhận con nuôi, giao dịch kinh tế và thương mại… Khi khủng hoảng xảy ra như cuộc chiến Nam Ôxêtia năm 2008, sự đối đầu đã đóng băng toàn bộ các cam kết và hợp tác song phương, làm suy yếu tất cả các lĩnh vực quan hệ và nền tảng quan hệ Mỹ-Nga. 

Hỏi: Chẳng phải việc hủy bỏ các cam kết trong khi muốn Nga thay đổi hành vi là phản tác dụng hay sao? 

Trả lời: Mỹ không thể và không nên bị đánh giá là bắt tay với những người nói xấu về Nga. Mỹ cần tiếp tục nói chuyện cả với những người phản đối Nga nếu không muốn phá hỏng nền tảng của mối quan hệ Mỹ-Nga. Điều đó có nghĩa là khi có vấn đề quan trọng cần giải quyết với Nga, Mỹ không bắt đầu đàm phán với những gì có được từ sự hợp tác thành công trong quá khứ, thay vào đó, tốt nhất là bắt đầu từ điểm bế tắc. 

Hỏi: Có phải nếu các cuộc khủng hoảng chính trị xảy ra ít hơn, Mỹ và Nga đã có mối quan hệ tốt đẹp hơn nhiều? 

Trả lời: Không hẳn như vậy, bởi nếu không có vấn đề chính trị trong quan hệ hai nước thì một chính phủ mới cũng đã xuất hiện ở phía Mỹ. Các thành viên của chính phủ mới thường quyết định rằng tất cả những gì tổng thống trước đó làm là sai. Kết quả là sự hợp tác lại được xem xét từ đầu. Vấn đề này đã tồn tại hơn 20 năm nay. 

Hỏi: Nếu từ chối hợp tác với Nga không phải là một ý tưởng tốt, vì như vậy sẽ làm suy yếu các nguyên tắc cơ bản của mối quan hệ, vậy các nhà chính trị Mỹ làm thế nào để khuyến khích sự tiến bộ về nhân quyền và pháp quyền ở Nga? 

Trả lời: Về cơ bản có hai mô hình truyền thống thể hiện lập trường về các vấn đề đạo đức, tuy nhiên chúng đều hạn chế hiệu quả và khá khắc nghiệt. Cách thứ nhất là sự liên kết, phiên bản cực đoan vừa được nói đến. Theo mô hình này, Mỹ nên giữ toàn bộ mối quan hệ với Nga như “con tin” cho tiến bộ về dân chủ và nhân quyền. Đây là điều mà nhiều thượng nghị sĩ đã ủng hộ trong nhiều năm qua. Ví dụ, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho rằng vì vụ đánh bom ở Boston và vụ Snowden, Mỹ nên tẩy chay Thế vận hội Sochi . Đó là cách tiếp cận xem xét toàn bộ mối quan hệ lại từ đầu, khiến Mỹ phải khởi động lại quan hệ từ “điểm chết”. Cách tiếp cận thứ hai là tỏ ra "bỏ qua điều xấu”. Nghĩa là Chính quyền Obama làm việc với Nga về tất cả các những gì Mỹ đồng ý với Nga và để lại những vấn đề chưa đạt được sự thống nhất. Theo lý thuyết này, tổng thống Mỹ can dự vào xã hội dân sự và chính quyền Nga một cách riêng biệt. Thực tế, về cơ bản, các nhà chức trách Nga đang chủ động chi phối chương trình. Vì vậy, nếu Mỹ không làm việc với các cơ quan chính quyền Nga và tìm cách thực hiện một số đòn bẩy về các vấn đề nhân quyền và dân chủ, sẽ không có gì thay đổi ở Nga. Sự phản đối từ xã hội dân sự Nga sẽ không thay đổi được tình hình. 

Hỏi: Vậy Mỹ nên lựa chọn cách quan hệ với Nga như thế nào? 

Trả lời: Cách tiếp cận đúng có lẽ cần sự tinh tế hơn so với hai mô hình trên. Khẩu hiệu cho quan hệ Mỹ-Nga sẽ là "nói chuyện với các nhà lãnh đạo Nga về nhân quyền và dân chủ". Mỹ không nên bỏ qua hay tiếp cận gián tiếp vấn đề này. Dân chủ nhân quyền phải là trung tâm của các cuộc bàn thảo nhưng được nói với ngôn ngữ mà phía Nga có thể chấp nhận. Thay vì theo cách truyền thống nói về giá trị trừu tượng của dân chủ và đưa ra lời khuyên tuân thủ thường khiến Nga phản ứng, Mỹ nên nói chuyện trực tiếp về các vấn đề dân chủ nhân quyền theo cách gây tiếng vang với Nga. 

Hỏi: Cách thức đó cụ thể như thế nào? 

Trả lời: Có hơn 10.000 người Mỹ đang sống và kinh doanh tại Nga. Những người này cần tiếp cận với tòa án để bảo vệ bản thân, tài sản và doanh nghiệp của họ. Vì vậy, Mỹ có thể chủ trương nhằm vào tính minh bạch của các quy định, vào sự hiệu quả của cơ chế tư pháp để bảo vệ các quy định của pháp luật và quyền con người đối với công dân Mỹ. Bảo vệ quyền của công dân nước ngoài ở nước sở tại vừa là nghĩa vụ pháp lý quốc tế, vừa là điều mà người Nga có thể hiểu được bởi họ luôn thực hiện điều đó đối với công dân Nga ở nước ngoài. Do đó, thay vì lên giọng rằng "vì bản thân anh, vì các công dân của anh, tốt hơn là anh nên làm điều x hoặc sẽ bị trừng phạt”, Mỹ nên nói rõ rằng “anh nên theo trách nhiệm pháp lý, nếu anh không thực hiện đầy đủ điều đó, lợi ích kinh tế sẽ bị ảnh hưởng". 

Hỏi: Có phải điều đó nhắc nhở Nga rằng người Mỹ sẽ không đầu tư và làm ăn tại nơi việc không tôn trọng các quy định của pháp luật không được xem xét nghiêm túc? 
Trả lời: Chính xác là như vậy. Đó là ngôn ngữ mà người Nga hiểu và là điều kiện có ý nghĩa, trái ngược với thái độ cứng đầu như "nếu anh không giao Snowden, tôi sẽ tẩy chay chơi thể thao với anh". 

Hỏi: Trong bối cảnh mối quan hệ đang căng thẳng hiện nay, ông có nghĩ những quan ngại của Mỹ - ví dụ như phiên tòa xét xử lãnh đạo đối lập Nga Navalny - sẽ được quan tâm hay không? 

Trả lời: Về phần Mỹ, những vụ việc liên quan đến ý chí chính trị luôn được giới lãnh đạo cấp cao quan tâm. Vì vậy, Tổng thống Obama có thể đã quyết định cách thức can dự, nhưng không rõ liệu ông có còn xem Nga là một ưu tiên nữa không. Obama đã quan tâm đến Nga với việc giải trừ vũ khí hạt nhân, nhưng nếu chương trình nghị sự này đi theo hướng khác, khả năng Tổng thống Mỹ tập trung cho Nga thậm chí sẽ ít hơn. Hiện Obama nói rằng ông có thể không đến St Petersburg dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) vào tháng 9 tới. 

Hỏi: Ngoài những trở ngại cho việc cải thiện mối quan hệ Mỹ - Nga và thúc đẩy tiến bộ về nhân quyền trong đó có sự quan tâm hạn chế của Tổng thống Obama và các cuộc khủng hoảng chính trị, có bất kỳ chướng ngại nào khác không? 

Trả lời: Một khó khăn đáng kể khác là kể từ cuối năm 2011, khi ông Putin tuyên bố sẽ trở lại chức vụ tổng thống, tại Nga đã diễn ra phong trào phản đối sâu rộng và Chính phủ Nga đã có cuộc đàn áp đối với các tổ chức phi chính phủ (NGO). Phản ứng của Mỹ đối với những diễn biến này đang tạo ra tâm lý ngày càng phổ biển, cả trong điện Kremlin và các tầng lớp xã hội Nga, rằng đây là thời điểm quan trọng cho sự sống còn của chế độ và Mỹ sẽ được lợi nếu Chính quyền Putin sụp đổ. Cho dù Chính phủ Nga nhận thức vấn đề như thế nào, những vấn đề khó khăn và nhạy cảm như dân chủ và nhân quyền không hề có sự cải thiện. 

Hỏi: Quan hệ Mỹ-Nga sẽ đi tới đâu? Có phải đây là trò chơi chờ đợi? 

Trả lời: Lúc này, mối quan hệ Mỹ-Nga đang bị mắc kẹt trong cái bẫy của sự ngờ vực lẫn nhau. Cả hai bên đều tin rằng phần sai thuộc về đối phương. Mỹ cho rằng chỉ cần Putin ra đi, hoặc tài trợ cho một số nhân vật có thể thay thế ông, có lẽ trong một vài năm tới sẽ có một Chính phủ Nga tốt hơn mà Mỹ có thể thương lượng. Ở phía bên kia, Putin suy nghĩ: "Tôi cứng rắn hơn các anh, tại nhiệm lâu hơn những người các anh định tài trợ, tôi chỉ cần liên tục gây ra những rắc rối (cho những người Mỹ hậu thuẫn), chẳng bao lâu nữa tôi sẽ không phải đối phó với họ”. Tuy nhiên, ngay cả trong thời gian Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Nga vẫn làm việc cùng nhau trong một số lĩnh vực và hiện nay quan hệ song phương đã phát triển mạnh trong nhiều lĩnh vực hơn. 

Hỏi: Ông định nói đến triển vọng hợp tác Mỹ-Nga tại Bắc Cực? 

Trả lời: Đúng vậy. Tuy nhiên, có hai câu hỏi lớn sẽ quyết định liệu có sự hợp tác đó hay không. Thứ nhất, người Nga có nhìn nhận tương lai Bắc Cực về cơ bản giống như cách các nước khác thuộc Hội đồng Bắc Cực nhìn nhận - cho rằng vấn đề quan trọng nhất của Bắc Cực là kiểm soát môi trường - hay không? Trong một thời gian dài, Nga đã không phải lo lắng về việc phải chịu trách nhiệm đối với biến đổi khí hậu, bởi khoảng thời gian thế giới thực sự quan tâm vấn đề môi trường cũng là lúc nền kinh tế Nga sụp đổ. Kết quả là Nga đã không phải lo lắng về việc bị coi là một phần của vấn đề, bởi có thể chỉ ra lượng khí thải phát ra ít hơn so với các nền kinh tế khác trong những năm 1990. Hiện nay, khi biến đổi khí hậu tại Bắc Cực có tác động tích cực cho kinh tế, khả năng mở tuyến đường biển phía Bắc và nhiệt độ trung bình trong tháng Giêng tại Siberia tăng lên có lợi cho ngành nông nghiệp đã thu hút sự chú ý của Nga. Nhưng liệu họ có hợp tác trong việc chuẩn bị cho những tác động to lớn của biến đổi khí hậu đối với cơ sở hạ tầng và y tế công cộng cũng như những vẫn đề khác liên quan đến Bắc Cực hay không? Thứ hai, Hội đồng Bắc Cực không bao gồm nền kinh tế sẽ sớm trở thành lớn nhất thế giới. Trung Quốc và một số quốc gia sẽ sử dụng các tuyến đường biển phía Bắc tiềm năng. Do đó cách quản lý của Hội đồng Bắc Cực cần phải được điều chỉnh để tránh thách thức sự hợp tác trong tương lai. 
Hỏi: Quan hệ với Trung Quốc dường như trở nên ngày càng quan trọng đối với Nga. Ông có xem mối quan hệ Nga-Trung gần gũi hơn là mối đe dọa đối với Mỹ không?

Trả lời: Quan điểm của Nga và Trung Quốc về tập hợp chống lại Mỹ là sự phóng đại vô cùng. Lý do thứ nhất, thực sự Mỹ đáng ngại; thứ hai, quan hệ năng động Mỹ-Trung rất khác so với quan hệ năng động Nga-Mỹ. Hiện Mỹ nói chuyện với người Trung Quốc về tất cả các vấn đề, lĩnh vực. Nếu thái độ của Mỹ với Trung Quốc không thay đổi và bản thân Trung Quốc không thay đổi thái độ thì mọi chuyện có thể khó khăn hơn. Trung Quốc đã tỏ ra không còn quá lo ngại về việc để cho Mỹ tham gia an ninh châu Á và Trung Quốc cũng có lợi ích kinh tế mạnh mẽ trong quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, do Nga là một đồng minh với vòng tay luôn rộng mở với Trung Quốc nên có lý do để Mỹ lo ngại. Hãy xem xét lịch sử chung của hai nước Nga- rung. Họ đã đánh nhau và suýt đánh nhau vài lần khác. Phòng thủ hạt nhân của đối với Trung Quốc Nga là quan trọng hơn (và ngược lại) so với mối quan hệ đối tác hạt nhân với Mỹ. Mặc dù Nga và Trung Quốc có mối quan hệ thương mại đáng kể, nhưng cả hai đều không ngừng tìm kiếm mở rộng các thị trường cạnh tranh của nhau. Trung Quốc luôn tìm cách để có mối quan hệ kinh tế với châu Âu mà không phụ thuộc vào Nga. Về phần mình, Nga trong những năm gần đây đã tiến hành khai phá thị trường cho ngành xây dựng và thúc đẩy các mối quan hệ an ninh với các nước châu Á khác, không chỉ ở Hàn Quốc và Nhật Bản mà còn ở các quốc gia Đông Nam Á. Trung Quốc không hề dễ chịu với những việc làm của Nga. Đó đơn giản là sự mất lòng tin to lớn và luôn là như vậy. Vì vậy, việc lấy nước Mỹ dọa Nga và Trung Quốc sẽ không làm cho hai nước quên đi những khác biệt và tạo thành một mặt trận thống nhất. 

“Tạp chí Các Vấn đề Đối ngoại” ngày 9/8 của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ cho rằng trừng phạt Nga là thể hiện cơn tức giận hiện nay của Chính phủ và Quốc hội Mỹ.

Sau khi Mátxcơva cho phép cựu nhân viên của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Mỹ Edward Snowden tị nạn tạm thời, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đề nghị Chính phủ mở rộng “Danh sách Magnistky” của các quan chức Nga bị cấm nhập cảnh vào Mỹ, đẩy nhanh tiến độ triển khai phòng thủ tên lửa ở châu Âu và nhanh chóng mở rộng NATO, kể cả Grudia. Nam diễn viên người Anh Stephen Fry và các nhà hoạt động đồng tính khác ủng hộ việc tẩy chay Thế vận hội Mùa Đông Sochi 2014 của Nga nhằm phản đối các chính sách gần đây của Nga nhắm vào những người đồng tính nam và nữ. Các quán rượu đồng tính tại Mỹ bắt đầu bán phá giá các cổ phiếu của hãng rượu Stolichnaya vodka.

Điều quan trọng nhất là ngày 7/8 Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố hủy hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin được dự kiến diễn ra trong tháng 9/2013 tại Mátxcơva để bày tỏ sự bất bình về việc Kremlin cấp tị nạn tạm thời cho Snowden và nhiều vấn đề khác. Sự thể hiện thái độ tức giận với hành vi của Nga về những vấn đề trên là điều hoàn toàn dễ hiểu. Snowden bị kết án là tội phạm nghiêm trọng và Oasinhtơn có lợi ích chính đáng trong việc đưa anh ta ra xét xử. Pháp luật gần đây của Nga cấm “tuyên truyền ủng hộ đồng tính luyến ái” đã tạo nên bầu không khí căng thẳng, trong đó các nhân viên kiểm tra tấn công những người Nga đồng tính và tung lên mạng những băng video bao lực khủng khiếp của họ. Nhưng trước khi hành động, những người mong muốn trừng phạt Nga nên xem xét hai vấn đề: Thứ nhất, tại sao Putin hành xử bằng cách này? Thứ hai, liệu các biện pháp trừng phạt sẽ bất lợi hay có lợi cho ông ta? Ai cũng biết hiện nay Tổng thống Putin đang đấu tranh cho đời sống chính trị của ông, một thách thức mà phương Tây không khéo sẽ giúp ông ta tiếp tục nổi tiếng. Do đó, những người Mỹ và châu Âu muốn thay đổi tiến trình của Mátxcơva nên hành động thận trọng để không làm lợi cho Putin. 

Hậu quả khôn lường: Việc ông Putin trở lại cương vị tổng thống năm 2012 cho thấy nhiều mâu thuẫn trong lòng xã hội và giới cầm quyền ở Nga. Tổng thống Putin đánh mất sự ủng hộ của tầng lớp trí thức và văn hóa cũng như nhiều quan chức trong cộng đồng kinh doanh ở Nga. Tỷ lệ ủng hộ ông Putin vẫn ở mức dưới 60 điểm trong vài tháng nay, từ đó tạo ra ấn tượng sai lầm về sự ổn định. Nhưng tỷ lệ ủng hộ có thể sẽ giảm trong nay mai, bởi nó gắn liền với chương trình phát triển kinh tế của đất nước mà gần đây bắt đầu sụt giảm. Trong bối cảnh này, chiến dịch sử dụng pháp luật để đàn áp, điều tra và luận điệu chống Mỹ của Kremlin nhằm hai mục đích: Thứ nhất, chiến dịch đó nhằm đe dọa các quan chức bắt đầu có tư tưởng tự do dưới thời cựu Tổng thống Medvedev; Thứ hai, chiến dịch nhằm tăng cường chia rẽ văn hóa giữa phe đối lập tự do chống Putin, chủ yếu ở Mátxcơva và St Petersburg, và những người ủng hộ Putin ở các tỉnh bảo thủ và truyền thống. Trên hai mặt trận, những hành động của phương Tây có thể hoặc gây khó khăn hoặc tạo thuận lợi cho Putin. Về quyền đồng tính, Putin nằm trong đa số người Nga phản đối, trong khi nhiều người trong số các nhà phê bình có tư tưởng tự do lại ủng hộ điều đó. Hiện nay, khi nói đến vấn đề đồng tính, công chúng Nga cảm thấy tình hình giống như của người Mỹ cách đây 30 năm. Năm 2006, một Cuộc Khảo sát Các Giá trị của Thế giới phỏng vấn người Nga liệu vấn đề đồng tính có thể hợp pháp? 66% người Nga nói rằng “không”, tỷ lệ đó tương tự của người Mỹ năm 1982. Thực tế, kể từ khi xảy ra các cuộc biểu tình chống chính phủ ở quảng trường trung tâm Mátxcơva vào tháng 12/2011, Tổng thống Putin thường xuyên nhắc đến chủ đề giới tính. Trong những tuyên bố công khai đầu tiên nhằm phản đối các cuộc biểu tình, Tổng thống Putin lên án những người biểu tình đeo băng trắng và mặc quần áo có hình vẽ bao cao su. Mục đích của ông Putin là nhằm tạo ra cảm giác khó chịu khi người Nga suy nghĩ về các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ. Thậm chí người phát ngôn của Kremlin còn có thể tô vẽ những người biểu tình là những người ngoại lai. Cơn ác mộng lớn nhất của Putin là Mátxcơva và các tỉnh sẽ đoàn kết chống lại ông về các vấn đề như chương trình kinh tế hoặc tham nhũng. Việc phương Tây tẩy chay Thế vận hội Sochi có thể phục vụ cho một số mục đích xa hơn nước Nga. Nó sẽ khẳng định rằng những người đồng tính ở phương Tây rằng họ được tôn trọng rộng rãi. Về lý thuyết, nó cũng có thể ngăn cản những người theo chủ nghĩa dân túy và độc tài ở các nước khác khai thác sự căm ghét đồng tính. Nhưng hành động đó sẽ không cải thiện được hoàn cảnh của những người đồng tính ở Nga. Người phát ngôn của Putin sẽ cho rằng hành động tẩy chay như vậy của Mỹ và phương Tây không những là một đòn giáng mạnh vào Kremlin mà còn vào cả nước Nga và đây là một âm mưu của phương Tây nhằm áp đặt các giá trị hậu hiện đại của họ đối với một xã hội chính thống Nga. Thực tế, sự ủng hộ như vậy từ bên ngoài có thể chấm dứt việc làm cho các công dân đồng tính người Nga dễ chịu hơn. 

Hãy xem vụ bắt giữ gần đây liên quan đến nhóm nữ nghệ sĩ người Nga có tên là “Pussy Riot”, họ tổ chức biểu tình bằng nhạc rốc ở Mátxcơva. Các tổ chức trong nước và quốc tế phát động một chiến dịch rộng rãi nhằm gây sức ép đòi Chính phủ Nga trả tự do cho các ca sĩ của nhóm bị bỏ tù đã thất bại. Ngược lại, chiến dịch đó đã giúp Putin dễ dàng lấy lại sự cân bằng của ông. Trước khi xảy ra việc bắt giữ nhóm “Pussy Riot”, Mátxcơva bị dư luận công chúng phản đối mạnh mẽ về một cuộc bầu cử mà đa số cử tri tin rằng có nhiều gian lận. Sau đó chủ đề của cuộc trò chuyện đã thay đổi từ quyền bầu cử sang quyền biểu diễn của nhóm nữ ca sĩ trong các nhà thờ Chính thống. Eduavd Snowden cũng là một trường hợp, trong đó việc phương Tây đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga đã giúp Putin nhiều hơn là làm ông bị tổn thương. Kremlin có thể cho rằng Mỹ không đồng ý ký hiệp ước dẫn độ với Nga và Oasinhtơn đang áp dụng tiêu chuẩn kép. Thật không thể tưởng tượng được rằng người Mỹ sẽ trục xuất một nhân viên làm việc cho cơ quan tình báo Nga sau khi tiết lộ các bí mật nghe trộm của ông chủ cũ với Mỹ. Trong bối cảnh đó, việc lên án ông Putin vì không bàn giao một cựu nhân viên tình báo bị tố cáo có hành động bất hợp pháp của các cơ quan gián điệp của Mỹ sẽ chỉ làm tăng thêm tính hấp dẫn của Tổng thống Putin với người Nga và làm cho những yêu cầu minh bạch của phương Tây trở thành đạo đức giả. 
Cách gây sức ép thích hợp: Mặc dù việc trừng phạt Tổng thống Putin vì phát động tình cảm chống người đồng tính và bảo vệ một kẻ tiết lộ bí mật của Mỹ sẽ đẩy ông vào cuộc chiến trong nước, nhưng Putin còn nhiều điểm yếu dễ bị tổn thương hơn. Nếu Mỹ và phương Tây muốn gây sức ép với giới lãnh đạo Nga hiệu quả thì họ cần gây sức ép về các vấn đề liên quan đến các giá trị và các ưu tiên của công chúng Nga. Trước hết, các chính phủ phương Tây phải lên tiếng mạnh mẽ hơn về việc Chính phủ Nga sử dụng hệ thống tòa án của Nga với động cơ chính trị và không công bằng. Hầu hết người Nga cảm thấy dễ bị tổn thương trước những ý nghĩ bất ngờ của các thẩm phán tham nhũng, những người “uốn cong” luật pháp và bỏ qua các bằng chứng để bỏ tù những người chỉ trích hoặc các nhà kinh doanh trung thực. Việc kết án thủ lĩnh đối lập và là người viết blog chống tham nhũng Alexei Navalny vì tội tham ô, sau một phiên tòa xét xử bị thất bại bởi những vi phạm về thủ tục tố tụng, chỉ là ví dụ mới nhất về sự yếu kém của ngành tư pháp Nga. Trong khi đó, người Nga trên cả nước đã quá quen thuộc với các thủ đoạn trong các cuộc bầu cử dưới thời ông Putin. Các chính phủ phương Tây có thể tìm cách phân biệt giữa những quan chức được bầu chọn vẫn còn trong sạch nhiều hoặc ít và những quan chức thăng tiến nhờ gian lận bầu cử. Sau đó, phương Tây có thể lặng lẽ loại các quan chức được bầu chọn không công bằng khỏi các phái đoàn được mời và các sự kiện do phương Tây tổ chức. Tất nhiên, ông Putin sẽ tố cáo các biện pháp như vậy là sự can thiệp nước ngoài. Nhưng do những lời tố cáo của phương Tây tạo nên niềm tin hoặc thất vọng của người Nga bình thường ở Mátxcơva cũng như các tỉnh, họ sẽ dần dần mất lòng tin vào Putin. Bên cạnh đó, một trong những biện pháp cấm vận của Mỹ và phương Tây đã làm mất tinh thần của Kremlin là “Danh sách Magnitsky” ngoài việc cấm một số các quan chức Nga nào đó đến Mỹ và phong tỏa tài sản của họ ở các ngân hàng Mỹ. Các chính phủ châu Âu phải xem xét và công bố một danh sách tương tự của mình và có thể ngăn chặn việc du lịch của người châu Âu đến Nga hoặc sở hữu tài sản của các quan chức địa phương Nga liên quan đến việc vi phạm bầu cử và luật pháp. Phương Tây không thể thúc đẩy xã hội dân sự và thể chế chính trị dân chủ ở Nga mà chỉ người Nga mới có thể làm được điều này. Nhưng phương Tây có thể chú trọng sự chia rẽ giữa các quan chức ít tham nhũng trong chính quyền Nga đồng thời từng bước thuyết phục đa số thường dân Nga rằng phương Tây ủng hộ họ đòi hỏi công tác quản lý tốt hơn. Hiệu quả của các biện pháp cấm vận của phương Tây thế nào không những phụ thuộc vào các vấn đề trọng điểm mà cả vào thời gian. Một số dấu hiệu cho thấy chủ trương đàn áp biểu tình của Kremlin năm ngoái có thể dần được hủy bỏ. Nỗ lực của thị trưởng Mátxcơva Sergei Sobyanin nhằm hợp pháp hóa ông ta bằng chiến thắng trong một cuộc bầu cử tương đối trong sạch cho thấy vẫn còn một số quan chức cấp cao ở Nga mong muốn hành động đúng. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu kinh tế giảm đang cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng trở lại. 

Mặc dù chỉ trích tình trạng lạm dụng trắng trợn hệ thống tư pháp và bầu cử của Chính phủ Nga nhưng Mỹ vẫn phải tiếp tục phối hợp với Nga về các lợi ích cốt lõi liên quan đến cả hai bên như: kiểm soát vũ khí, vấn đề Xyri, Iran, Bắc Triều Tiên và nhiều vấn đề khác. Bởi vì những vấn đề đó quá quan trọng với Mỹ nên không thể từ chối đối thoại với các nhà lãnh đạo Nga. Thực tế để giải quyết hầu hết các vấn đề đó, Oasinhtơn cần đến rất nhiều sự giúp đỡ của Mátxcơva. Vấn đề cơ bản chia rẽ Mỹ và các nhà lãnh đạo Nga hiện nay không phải họ phải thông qua đạo luật đồng tính, phản đối NATO cấp tư cách thành viên cho Grudia, hoặc không trục xuất Snowden. Vấn đề chủ yếu là Chính phủ Nga đã loại bỏ phần lớn thể chế chính trị cởi mở, cạnh tranh và lãnh đạo một nhà nước vô trách nhiệm. Bằng cách nhắm vào các quan chức liên quan đến những lạm dụng đó, Mỹ và châu Âu có thể trừng phạt Tổng thống Putin một cách hiệu quả và thúc đẩy Nga theo chiều hướng dân chủ./.

Tổng hợp.